Tình Phụ tử – Suy niệm CN XXIV TN, năm C

0

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM C

109

LỜI CHÚA: Lc 15, 1- 32

Tôi có người bà con xa, ông bà hiếm muộn sinh được hai người con trai trong lúc tuổi đứng bóng. Ông bà rất cưng chiều và coi hai người con như món quà Thiên Chúa tặng ban vô điều kiện. Hai người con lần lượt lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà. Không một roi đòn nào đụng chạm đến hai cậu ấm vì đó là hai cục cưng. Ngày tháng qua đi, hai người con cũng trưởng thành theo thời gian trong hoàn cảnh thuận lợi của gia đình có bát ăn, bát để. Nhưng tiếc thay, hai cục cưng có vấn đề, hai cậu lâm vào nghiện ngập ma túy. Hai cậu tự do lấy tiền của gia đình để thỏa mãn thú ăn chơi của mình. Khi gia đình lâm vào túng quẫn, hai cậu vẫn không buông tha, không còn tiền thì vơ vét những gì có thể. Cậu bán những vật dụng trong nhà. Vật dụng hết, cậu tháo các cánh cửa, những mái tôn để gom góp cho cơn nghiện của mình. Cha mẹ cậu cuối cùng dắt nhau đi ăn xin. Trước sự phá tán tài sản đến kiệt quệ như thế nhưng bố mẹ cậu vẫn chấp nhận cậu. Tôi vẫn nói với họ hàng gần xa rằng nếu là cháu thì cháu từ lâu rồi.

1Hôm nay đọc Tin Mừng người con phung phá, tôi rất khó chịu với người cha, người cha yêu thương đến độ tôi không chấp nhận nổi. Tại sao lại can đảm để chia gia tài cho một đức con phung phá? Tại sao ông rồ dại đến điên khùng để chấp nhận một hậu quả không lường? Tại sao ông không từ nó ngay từ đầu nếu nó ngoan cố từ khước ông? Tại sao ông yếu đuối thế trước đứa con ngang tàng và tội lỗi? Nó là đứa con bất hiếu nên mới muốn bỏ nhà ra đi. Khi nó đòi chia gia tài, ông thừa biết nó sẽ lâm vào đường tội lỗi, tại sao ông không la rày và từ chối như những người cha khác thường làm. Ông không một lời khuyên răn hay cản ngăn?

Khi xin chia gia tài là anh dứt khoát không muốn lệ thuộc vào cha nữa. Anh không muốn nhận cha là cha mình nữa. Cái anh quan tâm bây giờ không phải là tình phụ tử mà là tiền.

Những thắc mắc này đã thúc đẩy tôi đi tìm câu trả lời nơi các tác giả tâm đắc với dụ ngôn này và tôi cũng thỏa mãn với những trình bày của họ. Đây là những cách diễn tả tóm lược mà tôi thích thú nhưng quên xuất xứ. Xin các bạn thông cảm và cùng tôi đọc tiếp

Cha anh hiểu rõ điều này hơn anh: Khi chia gia tài cha anh sẽ làm cho anh mất trí, vất hết gia tài trong một thời gian ngắn. Anh sẽ lâm vào chỗ chết là nghiện ngập và phóng đãng. Tại sao cha anh biết được hết những nguy hiểm đó mà vẫn để anh ra đi.

Cha anh tôn trọng tự do của anh, ông không muốn cưỡng bức con. Tình yêu không mua được bằng bạo lực và tiền của. Tình yêu cũng không phải mạnh mà thắng. Ông muốn một người con trong gia đình chứ không phải là nô lệ. Ong thà để nó phiêu bạt giang hồ và hy vọng mỏng manh là một ngày nào đó cuộc sống ăn chơi sẽ dạy nó một bài học đắt giá. Ông đã để nó ra đi.

Người con hí hửng với mớ gia tài với những hứa hẹn đủ món ăn chơi. Nhưng chẳng bao  lâu thực tại đã làm nó vỡ mộng. Nó phải làm cái nghề hèn mọn nhất của người Do thái là chăn heo và ăn cám heo. Đồ ăn hèn mạt nhất cũng không đủ lấp đầy cái dạ dày trống rỗng của anh.

Sống cái kinh nghiệm cay đắng này anh mới so sánh mình với con ăn đầy tớ của cha. Bây giờ anh mới hiểu thế nào là hạnh phúc tự do và đời sống sung túc ở nhà cha, những lợi ích mà bây giờ anh mới thấy được hết giá trị.

Mất hết rồi, anh dứt khoát trở về và chỉ còn cách để anh được đón nhận là xin ở như một  người tôi tớ. Trên đường về, anh đã soạn một đôi câu để làm cha anh cảm động và tha thứ cho anh.

Nhưng tuyệt vời hơn anh nghĩ, khi thấy anh từ đàng xa, mặc dù mắt mờ chân chậm, cha anh đã chạy ra ôm chầm lấy anh hôn lấy hôn để. Điều này nói lên niềm vui vỡ bờ của cha, vì khi đứa con bụi đời ra đi, ông không ngừng nghĩ đến con, chờ đợi, hy vọng và yêu thương mặc dù ông đang chết dần chết mòn khi đứa con đòi chia gia tài và bỏ nhà đi hoang.  Đến hồi kết này tôi càng tức giận với người cha hơn. Tại sao khi nó trở về ông không chộp cơ hội để cho nó một bài học nhớ đời như mọi người cha khác thường làm để không bao giờ nó tái phạm nữa? Ông phải giam nó một thời gian rồi mới phục hồi quyền làm con cho nó mới phải chứ!

Ông không đợi nó xin lỗi, ông không muốn làm nó xấu hổ trước sự rách nát bần cùng khốn khổ của nó. Ông phục hồi chức làm con ngay lúc cậu nói cậu chẳng đáng mang cái tên là con nữa. Ông bảo lấy áo đẹp nhất mặc cho cậu, xỏ nhẫn, xỏ giầy là những đồ biểu thị quyền gia chủ. Ông vất đi hết những gì rách rưới và mọi dấu vết sa đọa. Ông còn tổ chức một bữa tiệc linh đình là giết một con bê béo. Ông vui mừng muốn chia sẻ với mọi người. Ông quá vội vã làm bùng vỡ niềm vui và lễ hội. Ao đẹp nhanh lên! Nhẫn quí nhanh lên! Bê béo nhanh lên!

Động tác của ông là động tác của tình yêu vô bờ bến không diều kiện. Còn suy nghĩ của tôi là suy nghĩ của người cha thường tình và cách hành xử của tôi là cách cư xử có điều kiện: mày làm lỗi thì mày phải gánh chịu hậu quả cho cân xứng.

Sự òa vỡ niềm vui của ông làm cho người con cả khó chịu. Anh phản đối ra mặt bằng cách không hưởng ứng. Anh bắt đầu kể công với cha, anh cho rằng sự trung tín của anh cho anh quyền lợi đòi hỏi cha.

Tôi cũng giống như người con cả khó chịu về cách hành xử của cha, giận dữ trước thái độ nhân từ của cha và lên án em. Điều làm tôi vướng mắc là thái độ tự mãn.

Cách tôi đang kết án người con thứ và kết án tình thương không thể chấp nhận được của cha  thì chính tôi bây giờ đang được hưởng tình thương đó. Tôi là kẻ phản bội tình cha, đòi cha chia gia tài và không muốn ở trong nhà Cha. Không phải một lần ra đi như người con thứ. Tôi đã nhiều lần ra đi, nhưng mỗi lần trở về tôi được đón nhận tình thương dào dạt của cha như và có khi còn hơn lần đầu nữa.

Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy tôi: Tôi chiếm một vị trí quan trọng trong tình yêu của Thiên Chúa, dẫu tôi thế nào đi nữa. Khi tôi thống hối trở về, Thiên Chúa là cha yêu thương Người sẽ chạy đến ôm tôi vào lòng nhân từ của Ngài và dìm tội tôi trong vực sâu của lòng thương xót. Ngài phục hồi cho tôi mọi ân huệ của một người con, cho hưởng tình thân mật với Ngài. Trước khi tha thứ Ngài không đòi hỏi để thử xem tôi có trung thành không. Nhưng Ngài chỉ biết một điều duy nhất là tha thứ và thứ tha.

Ngài không muốn nhắc lại những chuyện đã qua để làm cho tôi thêm ô nhục. Khi phục hồi phẩm giá làm con của tôi, Ngài trao lại cho tôi tất cả tấm lòng cha yêu thương và xử với tôi như không có chuyện gì xẩy ra trong quá khứ. Ngài chỉ còn duy một ý nghĩ: con đã chết nay sống lại.

Cái lỗi trước kia càng làm cha đau đớn thì sự trở về của tôi càng làm cho niềm vui tràn trề hơn.

Từ cái kinh nghiệm vui mừng, hạnh phúc, sung túc, bình an, hoan lạc của kẻ sống thân tình với Cha tôi mới nhận ra cái đời tội lỗi thật đáng buồn, trống rỗng. Tội lỗi chẳng làm trọn những điều như nó đã quyến rũ tôi và thay vì làm thỏa mãn những ước muốn nó khêu gợi cho tôi, nó chỉ đánh lừa cơn đói lòng và làm cho cơn đói đó càng cào cấu hơn thôi. Nó bóc lột kẻ theo nó mọi của cải, đưa tôi đến cảnh cùng cực, nhục nhã và chán nản.

Nơi tôi tin rằng đến được là được say sưa hưởng tự do, thì lại là cái vực nô lệ khi tôi rớt xuống là mất hết phẩm giá.

Xin cho tôi mỗi ngày cảm sâu hơn tình yêu của Cha, cảm sâu hơn sự tha thứ vô bờ bến của Cha, cảm sâu hơn hạnh phúc của kẻ sống trong tình thân hữu với Cha, cảm sâu hơn sự no lòng thỏa chí con tim nhân loại khi được ở bên Cha và trong nhà Cha.

Nữ tu Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon