CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, NĂM B
KHIÊM NHƯỜNG VÀ PHỤC VỤ
Suy Niệm: Mc 9,30-37
Một danh nhân nói: “Bạn sẽ chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Cuộc sống của bạn sẽ bình lặng trôi đi nếu không muốn nói là tẻ nhạt và vô nghĩa khi ngay từ lúc còn trẻ bạn chẳng có ước mơ, khát vọng gì”. Và có người còn ví cuộc đời như con thuyền trôi trên biển cả trong đêm tối cần phải có ngọn Hải Đăng để soi sáng, ngọn Hải Đăng đó là ước mơ, là khát vọng. Khát vọng này đã chi phối các môn đệ, mặc dù các Ngài đã bỏ tất cả để theo Thầy, một người không có chỗ dựa đầu. Thấy thế Chúa Giê-su hỏi: “Dọc đường các con đã bàn tán gì vậy?”. Các môn đệ không dám bộc bạch lòng tham vọng của mình về chức vị, quyền ăn trên ngồi chốc, quyền được tiền hô hậu hét, quyền được cờ xí lọng loa theo kiểu nhân gian: ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau…Hiểu được lòng các ông, Chúa Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc bất hủ của Nước Trời ngược lại với mơ ước của các ông: Kẻ làm lớn là người phục vụ và xếp vào hạng rốt cùng.
Trên đời ai cũng có nguyện vọng và mong muốn ước vọng của mình thành hiện thực. Đôi khi vì khát vọng quá mức mà nó đưa đến tham vọng là tìm mọi cách dẫu bất chính để đạt được mục đích của mình. Tham vọng xấu rất nguy hiểm cho sự hiệp nhất cộng đoàn. Nó là nguồn gốc gây nên ghen tương, ích kỷ. Từ đó nảy sinh mọi hành động xấu xa: chia rẽ, thù hằn, khủng bố…Lợi ích cá nhân tạo nên những xung đột và thường đưa đến những hậu quả đau thương.
Trong Tin Mừng chúng ta thấy các tông đồ cũng không tránh được trào lưu thế tục này. Bỏ tất cả để theo Chúa nhưng các ông vẫn mơ ước một tương lai huy hoàng, một cuộc sống công thành danh toại, lưu danh với núi sông. Tham vọng này đã bộc lộ trong các cuộc trò chuyện giữa các ông và đôi khi leo thang trong các cuộc tranh luận xem ai là người lớn nhất khi Chúa Giê-su bách chiến bách thắng. Trước mắt các môn đệ, người lớn nhất giữa các ông là người có địa vị cao nhất khi Chúa Giê-su thiết lập vương quốc trần gian và họ muốn mình chiếm quyền ưu tiên đó.
Tham vọng và ích kỷ đã làm cho họ không hiểu gì về sứ mạng của Chúa Giê-su. Và chính Chúa Giê-su chắc phải vất vả lắm để giúp họ hiểu ý nghĩa của sự làm lớn trong nước của Ngài.
Chúa Giê-su không làm tiêu tan tham vọng ấy nhưng Ngài thanh lọc nó. Thay vì tham vọng cai trị người khác, Ngài hướng họ đến việc phục vụ anh em. Thay vì đòi người khác phục vụ mình thì môn đệ Chúa phải phục vụ anh em. Thay vì ăn trên ngồi chốc thì chính họ phải chọn chỗ rốt cùng trong anh em.
Nhưng Chúa Giê-su nói với họ rằng trong nước Ngài họ không được tìm vinh quang hay vinh dự cho mình, không ngồi trên ghế cao hay ghế nhung lụa, mà là ra đi làm đầy tớ anh em. Họ phải quì xuống với chậu nước và khăn lau để rửa chân cho anh em, những người nhỏ bé nhất. Và rồi họ sẽ chiếm được chỗ cao trong nước Thiên Chúa.
Chúa Giê-su không cản ngăn các môn đệ không được ao ước làm lớn trong nước của Ngài. Nhưng Ngài chỉ cho họ tìm sự lớn lao đó ở đâu? Ở việc phục vụ anh em nhất là những người bé nhỏ, yếu đuối, những mảnh đời bất hạnh nhất với tấm lòng cảm thông, nâng đỡ, yêu thương bằng trọn con tim của mình. Phục vụ người lớn rất dễ vì được vinh dự và được trả công xứng đáng, nhưng phục vụ những người vô danh tiểu tốt, những người luôn làm phiền chúng ta thì chẳng có cơ may được đền bù.
Chúa Giê-su đã làm gương mẫu trong việc này. Mặc dù Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài không bao giờ dùng quyền để thống trị người khác, nhưng Ngài dùng nó để phục vụ tha nhân. Và sự phục vụ của Ngài là hướng về người nghèo, người đau ốm, người tàn tật, người bị xã hội ruồng bỏ…
Người làm lớn trong Nước Ngài không tìm tư lợi nhưng luôn tìm lợi ích cho cộng đoàn. Họ phải xóa mình để nuôi dưỡng tình yêu huynh đệ và sống yêu thương chan hòa.
Để cho các môn đệ hiểu rõ chân lý Ngài chuyển trao, Chúa Giê-su bế một em nhỏ đặt giữa các ông và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy…”. Con trẻ là hình ảnh những người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, những người bé nhỏ của Tin Mừng, những người này cần đến chúng ta giúp đỡ. Trẻ nhỏ có đời sống trong sáng, ngây thơ, khiêm nhường, vâng phục và không phạm tội. Trẻ con không biết tìm ích lợi cho riêng mình. Trẻ con không tính toán, không so đo. Trẻ con không so sánh người này với người kia, so sánh mình với người khác để ganh tỵ. Đó là cội rễ phát sinh những điều xấu. Chúa Giê-su tận dụng cơ hội này để mang thuốc chữa cho con bệnh thích ăn trên ngồi chốc này: Hãy trở nên như con trẻ. Con trẻ không hồ nghi người yêu nó, không đo lường cũng không tính toán tình yêu của người yêu mình.
Chúng ta thường đề cao những đặc điểm của trẻ thơ ngoan ngoãn: Vâng lời cha mẹ, không lý luận như người lớn. Không có tâm địa xấu như làm hại người khác như người lớn. Không đòi ai tôn mình lên. Luôn nép vào cánh tay cha mẹ để được an toàn. Sống lệ thuộc vào cha mẹ lúc no cũng như lúc đói. Sống bằng tình thương của người lớn. Trẻ con không lo tích lũy, không lo làm giầu, không lo ngày mai, nhưng hoàn toàn phó thác cho những người nuôi nấng mình, cho người sinh thành ra mình. Chúng là người phải được quan tâm, phải được phục vụ. Chúng biểu tượng cho những người nhỏ bé mà chúng ta phải phục vụ. Và chính chúng ta cũng phải nhỏ bé như thế để có thể chiếm được Nước Trời.
Nếu thế thì câu hỏi của các môn đệ cũng như của chúng ta là: “Ai trong chúng con là người bé nhất?” Vì: “Bất cứ ai trở nên nhỏ bé như trẻ này, người đó sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.”
Nhờ sống khiêm tốn mà người ta sẽ đạt tới Nước Trời. Nhờ sống đơn sơ người ta sẽ chiếm được Nước Trời. Người ao ước đạt tới đỉnh trọn lành phải là người hạ mình thẳm sâu.
Mầu nhiệm trẻ thơ này giúp chúng ta sống bát phúc, sống tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta, dẫu cuộc đời có nhiều thương đau, chúng ta hãy mở ra với những đau khổ của anh em. Sẵn sàng hiến dâng tất cả cho anh em vì Tình yêu là ân ban của Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng bình an. Nếu có sự lây nhiễm của điều xấu thì cũng có sự lây lan của điều thiện.
Hãy để tình yêu làm chủ và nó sẽ cho chúng ta một cái nhìn mới, một cái nhìn không phải buồn sầu nhưng là niềm vui, niềm vui phục vụ. Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Thánh Phao-lô đã thực hiện ơn gọi này cách hết sức nghiêm túc. Ngài dành trọn cả con người mình cho việc phục vụ. Ngài không bao giờ biết bằng lòng dừng lại nhưng tiếp tục cố gắng phục vụ hơn nữa, hơn nữa và hơn nữa. Để rồi cuối cùng, ngay tại Roma, ngài đã bị một trong số những người thân tín phản bội và bị kết án tù đày, thậm chí là phải chết.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh về việc phục vụ: “Đặc tính căn cốt của Tin Mừng và lời kêu gọi của Đức Giêsu Kitô là phục vụ: hãy phục vụ chứ đừng dừng lại; hãy biết quên mình đi để phục vụ tha nhân. Trái lại, phía bên kia là một tình trạng tiện nghi, yên ổn: tôi cố gắng để đạt tới một sự ổn định, rồi sống thoải mái trong tình trạng đó mà đôi khi thiếu đi sự liêm chính, trong sáng. Điều này giống như tình trạng của một số người Pha-ri-sêu mà Chúa Giêsu đã nói tới: Họ đeo những thẻ kinh thật dài và đi lại trên đường phố cốt để người khác trông thấy. Như vậy, có hai hình ảnh: hai hình ảnh Kitô hữu, hai hình ảnh linh mục, hai hình ảnh người nữ tu. Ta sẽ chọn hình ảnh nào: phục vụ hay được phục vụ?”
Xin Chúa giúp chúng ta thực hành bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay: phục vụ trong khiêm tốn và tình yêu. Ngày nay người ta nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Ki-Tô qua cuộc sống âm thầm phục vụ. Yêu thương, khiêm tốn, dấn thân, phục vụ là những dấu chỉ sống động có sức lôi cuốn và thuyết phục con người thời đại. Ngày nay con người nhìn vào lối sống của những mang Lời hơn là ở lời giảng dạy. Lời giảng dạy có sức cuốn hút là do người giảng đã sống điều mình giảng.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu