LÀM NGƯỜI
Khi mừng sinh nhật một con người, chúng ta thường tặng thiệp hoặc quà, và nói lời “Chúc Mừng Sinh Nhật – Happy Birthday”. Mừng kính sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta biết làm gì? Kính mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, có lẽ không lời chúc nào đẹp bằng lời Sứ thần Gabriel đã nói ngày xưa: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”. Và chắc hẳn không gì làm Đức Mẹ vui bằng cách nói lời “xin vâng” như Đức Mẹ, nghĩa là chúng ta phải làm theo lời dạy của Chúa Giêsu. Thật vậy, tại tiệc cưới Ca-na, Đức Mẹ đã dặn các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Chắc hẳn Đức Mẹ cũng đang bảo mỗi chúng ta như vậy. Thực hành theo lời Đức Kitô là món quà sinh nhật quý giá và thánh đức để chúng ta kính tặng Người Mẹ Hiền của mình.
Được LÀM NGƯỜI là tặng phẩm vô giá, là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa trao ban. Sinh nhật là một trong các dịp quan trọng của đời người. Quan trọng vì đó là thời điểm cất tiếng khóc chào đời của một sinh linh và chính thức LÀM NGƯỜI giữa cuộc đời. Người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ và thời điểm sinh ra.
Đức Mẹ cao trọng vì là thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa, dư đầy ân phúc, nhưng Mẹ lại rất khiêm hạ, chỉ dám nhận mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa” (Lc 1:38). Và rồi Nữ Tỳ này được Thiên Chúa cất nhắc lên cao hơn nữa. Đúng như Chúa Giêsu đã từng nói: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12; Lc 14:10; Lc 18:14).
Là Đấng chí tôn, nhưng Thiên Chúa rất yêu thương người khiêm hạ, và rất ghét người kiêu ngạo. Từ xưa, Thiên Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Mi-kha: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en” (Mk 5:1-2). Nói đến miền Bê-lem và đề cập “một phụ nữ sinh con” là nói đến Thục Nữ Maria, Nữ Tỳ của Chúa và là Mẹ Đấng Cứu Chuộc.
Kinh Thánh nói: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Người sẽ chiến thắng Át-sua. Chính Người sẽ đem lại hoà bình. Khi Át-sua xâm nhập xứ sở và giày đạp đất nước chúng ta, chúng ta sẽ đặt bảy mục tử và tám thủ lãnh chống lại chúng. Họ sẽ dùng gươm mà cai trị đất Át-sua, lấy giáo mà cai trị xứ Nim-rốt” (Mk 5:3-5). Vương Quốc của Thiên Chúa mới là quốc gia đích thực, tổ quốc trường tồn, nơi chỉ có yêu thương và hòa bình, tất cả đều bất biến. Chúng ta đã diễm phúc được là thần dân của Ngài, là con cái của Ngài, và được mời gọi nên thánh (Mt 5:48). Ước gì mỗi chúng ta cũng chắc chắn được làm công dân Thiên Quốc vĩnh hằng, nơi đầy ắp hạnh phúc miên trường.
Cuộc đời Đức Mẹ – kể cả mỗi chúng ta – được Thiên Chúa quan phòng và tiền định mọi sự theo Thánh Ý Ngài, dù suôn sẻ hoặc trục trặc. Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CON CỦA NGƯỜI, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:28-29). Thánh Phaolô giải thích theo chuỗi liên kết lô-gích: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8:30). Thế thì thật tuyệt vời biết bao!
Vì vậy, chúng ta phải không ngừng cố gắng để có thể xác định như Thánh Vịnh gia: “Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa, được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa, vì phúc lộc Ngài ban” (Tv 13:6). Cứ an tâm mà tin tưởng ký thác đường đời cho Thiên Chúa, chính Ngài sẽ ra tay (Tv 37:5). Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng điều mình muốn ít khi đạt được, bởi vì điều đó không phù hợp ý Chúa.
Chẳng ai biết Đức Mẹ sinh ngày nào, tháng nào, mà chúng ta chỉ biết song thân của Đức Mẹ là Thánh Gioakim và Thánh Anna. Thánh Anrê (đảo Crêta) cho biết: “Lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria là ngày mà Đấng tạo dựng vũ trụ đã xây Đền Thờ của Ngài bởi một dự án tuyệt vời, thụ tạo trở thành nơi ở được tuyển chọn trước của Đấng Tạo Hóa” (Discorsi, 1, PG 97, 810). Có lẽ vì không biết ngày tháng năm sinh nên Phúc Âm lễ Sinh Nhật Đức Mẹ lại nói về gia phả và hoàn cảnh sinh của Chúa Giêsu, tất nhiên vẫn có Đức Mẹ vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu. Theo Kinh Thánh, tính tới khi Đức Giêsu Kitô nhập thể và nhập thế, có 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời: (1) từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít có 14 đời; (2) từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Babylon có 14 đời; và (3) từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô có 14 đời. Số 7 và số 14 là những con số đặc biệt trong Kinh Thánh.
Về gốc tích Đức Giêsu Kitô, trình thuật Mt 1:18-23 cho biết: Bà Maria, mẹ Hài Nhi Giêsu, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Trinh nữ Maria là thụ tạo đặc biệt, Chàng Giuse cũng khác với mọi người. Có thể coi đó là một dạng “môn đăng hộ đối” theo kiểu của Thiên Chúa.
Và rồi thật kỳ diệu, tất cả sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Đức Mẹ là kỳ hoa dị thảo, là nhân vật đặc biệt, nhưng Đấng Cứu Thế còn đặc biệt hơn hẳn. Vì thế, không gì lạ khi Kinh Thánh thuật lại hoàn cảnh giáng sinh của Chúa Giêsu mà không đề cập nguồn gốc Đức Maria.
Chắc rằng phàm ngôn không đủ từ ngữ để mô tả về Đức Mẹ – thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa. Những lần hiện ra, Đức Mẹ cũng luôn nhắc nhở việc yêu mến Chúa và yêu mến Mẹ, trong đó có liên quan Kinh Mân Côi. Thánh Hilariô xác định: “Dầu tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ, cũng không hư mất đời đời được”. Còn Thánh Anphong Ligôri cho biết: “Khi tuyên bố rằng một đầy tớ của Mẹ Maria không thể bị mất phần rỗi, đó là nói về những đầy tớ của Mẹ đã có lòng ao ước cải tạo mà trung thành kính tôn kêu cầu Mẹ Thiên Chúa. Tôi chắc chắn những người này không thể hư mất được. Các thánh Giáo phụ và các thần học gia đều đồng ý kiến về điểm này. Bởi vậy ma quỷ, khi đã làm cho tội nhân mất ơn thánh, còn làm cho họ mất lòng tôn sùng Mẹ nữa”.
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ cũng là lời nhắc nhở chúng ta về quyền sống của con người – bao gồm cả nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Điều đó liên quan việc bảo vệ sự sống, cách riêng là bảo vệ thai nhi. Tất cả đều là hồng ân, bởi vì Chúa Giêsu đã xác định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Quyền sống là quyền bất khả xâm phạm, chính mình cũng không được giết mình (tự sát, tự tử), chứ đừng nói giết người khác (sát nhân).
Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin cải tà quy chánh chúng con, những con người Việt Nam chịu ảnh hưởng mưu ma chước quỷ lâu ngày rồi, xin giải thoát chúng con, xin ban cho chúng con được hưởng nền hòa bình chân chính và sống trong chính nghĩa đích thực, để chúng con được làm người đúng nghĩa theo Thánh Ý Ngài.
Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Thánh Mẫu nhân từ, Mẹ diễm phúc vì được tuyển chọn làm Mẹ của Đấng Ngôi Lời – Mặt Trời Công Chính, Đấng Cứu Thế. Xin Mẹ thương nguyện giúp cầu thay cho chúng con, hôm nay và ngày mai, nhất là trong lúc lâm chung. Xin Mẹ nhìn đến nước Việt bé nhỏ của chúng con, xin Mẹ cứu thoát những người còn phải chịu áp bức và bất công. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU