Bình an trong thử thách – Suy niệm Chúa nhật II Phục Sinh ( Năm C )

0

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH (NĂM C)
BÌNH AN TRONG THỬ THÁCH

LỜI CHÚA: Ga 20 19-31

Đời sống con người luôn luôn đụng chạm với những đau khổ đủ loại. Đau khổ trong gia đình, đau khổ ngoài xã hội. Khổ đau phiền não là một vấn đề nan giải không cùng tận. Con người luôn phải bơi lội trong thung lũng nước mắt. Đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Người ta muốn trốn tránh những niềm đau nỗi khổ nhưng vô vọng nên đành chấp nhận đối diện đương đầu. Hôm nay trong tường thuật Tin Mừng, các môn đệ sợ hãi ẩn núp trong căn phòng cửa đóng then cài, cái thất vọng mất Thày, cái đau khổ liên lụy làm cho các Ngài khiếp đảm. Giữa những tổn thương đau đớn này Chúa Giê-su đứng giữa các ông và ban sự bình an. Ngài cho các ông xem tay chân và cạnh sườn Ngài. Các ông lấy lại niềm bình an trong đau khổ.

Thực tế, ai trong chúng ta cũng sợ đau khổ nên tìm cách lảng tránh hết sức có thể. Nhiều người nói với tôi: Con đau lắm nhưng không dám đi bác sĩ sợ biết mình nhiều bệnh. Có những người khi đi khám bệnh bác sĩ chuẩn đoán bị ung thư nhưng không dám tin mình như thế. Hay khi được tin người thân chết vì tai nạn người ta vẫn không thể tin nổi vì nỗi đau này quá sức mình. Thế nhưng khi tìm cách trốn chạy, chúng ta vẫn phải chấp nhận một nỗi đau thực sự trong tâm hồn cũng như thể xác luôn án ngữ cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận nó, chúng ta sẽ dần dần tìm lại được sự bình an.

Người ta kể một người mẹ góa đã chứng kiến cái chết đau thương của các con mình do lòng thù hận ghen tỵ. Những cái chết của những đứa con đó gây thương tích đau đớn trong trái tim của Bà đến nỗi bà luôn thốt lên:. thà rằng chúng đừng sinh ra trên đời này thì hơn. Nhưng dần dần nhờ cầu nguyện Chúa đã giúp bà vượt lên trên nỗi thống khổ này. Thay vì ngồi để than thân trách người, trách phận, bà đã tìm đến những người cùng cảnh ngộ để an ủi. Bà đã vực được nhiều người đứng lên giữa những đau khổ qua kinh nghiệm bản thân. Chính qua đau khổ này họ nhận ra một điều: Chúa đã cho họ cảm nghiệm được sự bình an sâu lắng trong khổ đau.

Hôm nay các mộn đệ đang âu sầu sợ hãi vì Thày đã mất; giữa những mất mát to lớn ấy, Chúa Giesu đến với các ông, Ngài chúc bình an và cho các ông xem những vết thương. Các môn đệ vui mừng.  Đây là sự bình an trong vết thương. Chính Chúa Giê-su Ngài không che giấu vết thương nhưng Ngài biểu lộ cho Toma xem những chứng tích của tình yêu. Ngài không chỉ nói về tình yêu nhưng Ngài sống tình yêu. Những vết thương của Ngài minh chứng điều đó. Khi Toma thấy Chúa, niềm tin của ông được củng cố và niềm bình an nơi ông dâng trào. Những dấu đanh thánh và cao quí của Chúa Giê-su ấy cũng mang lại niềm vui, sự can đảm và niềm hy vọng  giúp chúng ta sống vết thương của mình cách ý nghĩa. Nhờ thế mà chúng ta không ích kỷ nhưng biết mở ra với tha nhân.

Chúng ta thường có khuynh hướng che đậy vết thương của mình vì cho rằng nó phô bày sự yếu đuối chứ không tạo nên được sự kính trọng. Nhưng khi sống chiều kích đó, chúng ta trở thành con suối đem đến cho anh em sự mát mẻ của hy vọng và giúp anh em trải nghiệm ơn bình an chảy ra từ nguồn khổ đau. Các môn đệ cũng thế, Thập giá của Chúa Giê-su làm họ thất vọng vì họ đã bỏ tất cả mà theo Ngài và bây giờ mọi sự đều tan tành hết. Hơn nữa bản thân họ bây giờ đang bị đe dọa như cá nằm trên thớt.

Giữa vết trọng thương đó thì sự bất ngờ đã xẩy ra, Ngài đến giữa họ và cho họ xem vết thương, chứng tích của tình yêu, cốt để cho họ nhận ra Ngài, Đấng yêu thương họ. Ngài mời họ sờ đụng và xỏ ngón tay vào lỗ đinh. Và từ lỗ đinh này họ đã được ban bình an. Nếu họ không kinh nghiệm bị tổn thương, bị đớn đau, họ sẽ không biết thế nào là bình an hạnh phúc. Người không bao giờ sống trong sự thiếu thốn nghèo đói sẽ không biết hạnh phúc của người no đủ. Người không bao giờ yếu đau sẽ không cảm được niềm vui sướng của người khỏe mạnh. Có người nói “sự khổ đau như đòn bẩy giúp con người vươn lên số phận. Và nỗi đau giúp bạn đương đầu với những khó khăn không thể tránh trong cuộc sống để tiếp tục hoàn thiện chính mình.”

Không ai trên đời tránh được khổ đau và khi bị thử thách người ta tưởng chừng như Chúa bỏ rơi mình. Câu truyện quen thuộc của “ Dấu chân trên cát” đã minh chứng điều này: Một người khi chìm sâu vào giấc ngủ anh nằm mơ mình đi dạo mát trên bãi biển thì kìa trên bầu trời diễn cảnh lịch sử vui buồn cuộc đời mình. Khi đời xuôi chèo mát mái thì bốn dấu chân song hành in trên cát rõ mồn một. Nhưng khi gió không xuôi, buồm không thuận thì chỉ còn hai vết chân lẻ bóng. Người này thốt lên với Chúa : “Chúa hỡi, Chúa hỡi, sao bỏ con những lúc sóng gió là những lúc con cần đến Chúa hơn bao giờ hết. Chúa đã nói với con rằng: sẽ mãi mãi yêu quí con, sẽ luôn luôn nâng đỡ con suốt cuộc đời cho đến chết.” Chúa nói:

“Những lúc nào chỉ thấy một dấu chân, Con biết không, Ta vẫn ở thật gần,
Bồng ẵm con trong vòng tay Ta đó…”

Nếu chúng ta theo Chúa, Chúa sẽ bước đi cùng chúng ta luôn mãi. Và có Chúa chúng ta sẽ được bình an dẫu khổ đau. Hôm nay Chúa đến với các môn đệ trong lúc khổ đau cao ngất: mất Thày, mất danh dự, mất tương lai, mất gia đình và mất tất cả. Nhưng bây giờ khi gặp lại Chúa, các ông được tràn trề hạnh phúc, cái vui sướng biểu lộ trọn vẹn trong lời tuyên xưng của Toma: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con.”

Chúa Giê Su Phục sinh là nguồn bình an, Ngài hứa ban “sự bình an” cho chúng ta. Ngài ban ngay trong những thử thách bao quanh chúng ta. Cho dù đó là những đấu tranh của cá nhân, những khó khăn của gia đình hay những cuộc khủng hoảng trong cộng đoàn, thì bình an cũng sẽ đến khi chúng ta tin tưởng rằng Ngài có quyền năng để xoa dịu tâm hồn đau thương của chúng ta nếu chúng ta khiêm tốn để ngài chữa trị. Như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta hãy để Ngài đến, để Ngài sửa chữa, để Ngài ban ơn hầu chúng ta  đón nhận được sự bình an chữa lành của Ngài.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon