Đau khổ – SN Chúa Nhật XXII TN, năm A

0

 Suy Niệm: Mt 16, 21- 27

Cha ông ta thường nói: “Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”.

Làm người ai cũng phải nếm mùi đau khổ. Đau khổ gắn liền với cuộc sống nhân sinh, nên người ta thường nói “đời là bể khổ”. Đau khổ của bản thân, của gia đình, của xã hội. Đau khổ vì chiến tranh, ly tán, lũ lụt, hạn hán, đói nghèo, bất công, đàn áp, bị bóc lột, bị cô lập, bệnh tật, chết chóc và rất nhiều loại đau khổ mà chúng ta không thể kể hết ở đây về tâm lý, sinh lý cũng như tinh thần…Trước những đau khổ khắc nghiệt và đa dạng như thế, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Đau khổ là một phần không thể thiếu của kiếp người, đau khổ thoáng qua, đau khổ dai dẳng, đau khổ triền miên mà ta thường gọi là đau khổ, đau đớn, thống khổ, phiền muộn, cực hình…

Trước những thực tại này dù chúng ta đón nhận hay không thì đau khổ vẫn đến. Nếu thế thì đốt lên một ngọn nến trong đêm tối vẫn tốt hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Chúa Giê-su đã đi trước để làm gương cho chúng ta: Ngài tự nguyện đi vào con đường khổ giá và mời chúng ta cùng theo Ngài. Trong đau khổ, Chúa gần chúng ta hơn bao giờ hết và Ngài giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin. Câu truyện dấu chân trên cát mà tôi rất tâm đắc đã được nhạc sĩ Thành Tâm phổ nhạc với tất cả tâm huyết của người đã cảm nghiệm “đoạn trường ai mới qua cầu mới hay” đã giúp tôi vững tin hơn vào một Thiên Chúa tình yêu luôn bồng ẵm tôi trong lúc oằn mình trong đau khổ: “Một đêm kia tôi nằm mơ thấy Chúa. Ngài cùng tôi song hành trên bãi biển hoang. Cùng lúc ấy trên trời xanh đang diễn ra những cảnh đời tôi. Mỗi cảnh vui buồn đều được đôi dấu chân ghi trên nền cát trắng. Lòng lâng lâng tôi lặng nghe tiếng sóng vỗ, và xa xa chập chờn đôi cánh hải âu. Chợt sóng gió chẳng biết từ đâu bỗng bùng lên khiến tôi hãi kinh. Quay mặt nhìn lui: “Ô kìa! Sao tôi chỉ thấy một dấu chân thôi?” Hốt hoảng thắc mắc tôi vội kêu: “Chúa hỡi! Chúa hỡi! Sao bỏ con. Những lúc sóng gió là những lúc con cần đến Chúa hơn bao giờ hết!” Chúa đã nói với con rằng: “Sẽ mãi mãi yêu quý con, sẽ luôn luôn nâng đỡ con suốt cuộc đời cho đến chết.” Chợt bên tai tôi nghe được tiếng Chúa nói: “Này con bé nhỏ của Ta ơi, đừng hoảng hốt hãi sợ chi. Ta ở đây luôn bên cạnh con. Những dấu chân này là của Ta đó! Vì những lúc ấy Ta đang bồng bế con trên tay.”

Cảm động biết bao khi Chúa sánh bước cùng ta trên cuộc sống đầy sóng gió. Và cảm động hơn nữa, Chúa ẵm ta trên cánh tay yêu thương của Ngài khi phải băng qua muôn ngàn hiểm nguy. Hình ảnh tuyệt vời này phải giúp ta can đảm hơn giữa muôn ngàn thử thách. Một người được Chúa nhào nặn trong đau khổ sẽ hiểu được bài học này: Đau khổ sẽ giúp họ lớn lên trong tình yêu. Cha Mello SJ nói: “Mỗi biến cố đau buồn đều chứa đựng nơi mình một hạt giống cho chúng ta lớn lên và tự do. Với sự thật ấy, bạn hãy quay về với cuộc đời mình và nhìn lại vài biến cố mà lâu nay bạn chưa bao giờ tri ân, bạn sẽ biết mình có khả năng phát hiện ra nơi những biến cố ấy tiềm năng giúp mình tăng trưởng mà lâu nay bạn chưa hề ý thức và vì thế chưa một lần khai thác.”

Để cho chúng ta hiểu ý nghĩa sự đau khổ, Chúa đã vào cuộc trước rồi mời chúng ta theo Ngài, cha Cantalamessa nói: “Đâu là bằng chứng chắc chắn nhất thức uống mà ai đó đưa cho bạn không bị thuốc độc? Chính là việc người đó uống từ cùng một chiếc chén trước khi bạn uống. Đó chính là điều Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Người đã uống, trước mặt toàn thế giới, chén đau đớn đến tận giọt cuối cùng. Đó là cách Người chỉ cho ta thấy nó không bị chuốc độc, nhưng bên dưới nó có trân châu bảo ngọc”.

Chính vì thế mà Chúa không o bế chúng ta, không hứa hẹn tương lai như các lãnh tụ thế gian trước khi lên nắm quyền. Nhưng Ngài vạch cho chúng ta một con đường gian khổ mà Ngài sẽ phải trải qua. Cuộc khổ nạn là nòng cốt của sứ mệnh Chúa Giê-su vì nhờ nó mà Ngài cứu độ trần gian.

Cuộc khổ nạn không phải là một biến cố phải chấp nhận nhưng đó là con đường phải đi để đến phục sinh. Phục sinh có hai mặt: Niềm vui và sự sống. Và các môn đệ cũng như chúng ta không thể tách rời khỏi Thầy mình nhưng nối kết với nhau bởi cùng một số mệnh. Những cám dỗ của các tông đồ, của Giáo Hội, của dân được chọn là nhân danh Chúa Giê-su vinh quang từ chối người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Thập giá luôn gắn liền với việc từ bỏ mình. Từ bỏ mình đòi các môn đệ của Chúa Giê-su không bận tâm đến lợi ích riêng mình, không nghĩ đến mình. Họ phải như Chúa Giê-su quên mình, tập trung lợi ích cho Chúa Giê-su.

Vác thập giá là phải từ bỏ nếp sống an toàn để theo một ông thầy dẫn các môn đệ đến một nơi vô định: không nhà, không nơi tựa đầu: “Cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi tựa đầu”. Chúa Giê-su này không phải là con người thời nay chờ đợi. Họ xua trừ Ngài ra khỏi xã hội và ra khỏi gia đình mình. Nhưng dẫu con người không chấp nhận thì Thập giá vẫn ở đó, ở khắp nơi, nơi con người hiện diện.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta can đảm đáp lại lời mời gọi của Ngài là đón nhận Thập Giá trong tình yêu phó thác, dẫu phải lê lết với những thương đau. Chúng ta tin rằng dẫu yếu đuối, dẫu mỏng manh, dẫu bất lực và ngay cả nổi loạn trước những khốn cùng này, thì sức mạnh của Thập Giá vẫn âm thầm làm phát sinh ơn thánh trong tâm hồn những kẻ mang thập giá. Thiên Chúa chọn sự yếu đuối và vô nghĩa để Ngài tuôn đổ ơn thánh và tình yêu của Ngài. Ý nghĩa của Thập giá là thế!

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon