Sức mạnh của lời nói

0

Hãy nói những lời đem lại hạnh phúc cho gia đình chúng ta

Các tác giả của cả Cựu ước và Tân ước đều nhấn mạnh đến sức mạnh to lớn của lời nói: cả lợi lẫn hại.

Thánh Phaolô nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói đoan chính trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu khi ngài khuyến khích các thành viên chú ý đến cách họ nói chuyện với nhau: “Đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29).

Đặc biệt là với những người thân yêu của chúng ta, chúng ta quá dễ dàng trở nên bất cẩn trong cách chúng ta nói chuyện với nhau. Chỉ trích, nói nhảm, châm biếm và phàn nàn thực sự có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ của chúng ta – trong gia đình, trong giáo xứ, và trong công việc của chúng ta. Một khi nhận thức được những kiểu giao tiếp tiêu cực này, chúng ta có thể học cách thay thế chúng bằng những kiểu giao tiếp tích cực hơn. Chúng ta hãy xem xét một số cách mà lời nói của chúng ta “có thể xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29).

Lời khen ngợi luôn được hoan nghênh!

“Ôi chao, em yêu, anh thực sự cảm kích thời gian em đã dành để chuẩn bị một bữa tối ngon lành mỗi ngày”.

“Này Bobby, Ba thấy con thực sự đã làm việc chăm chỉ để dọn dẹp phòng của con đó”.

“Ba, kỳ nghỉ năm nay của chúng con thực sự rất vui. Cảm ơn Ba vì đã đưa chúng con đi chơi”.

Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy được đánh giá cao. Nó khích lệ tinh thần khi biết rằng chúng ta được đánh giá cao, và tài năng và nỗ lực của chúng ta đã được quan tâm. Trái lại, chúng ta bị tổn thương hoặc tức giận khi bị chỉ trích, đặc biệt là khi lời chỉ trích đó được đưa ra một cách gay gắt. Tuy nhiên, trong ngày chúng ta thường ít chú ý đến những việc làm và hành động tốt của các thành viên trong gia đình, nhưng lại tìm nhiều cơ hội để nhắc nhở họ về những lỗi lầm và thất bại của họ.

Một khi tôi nhận ra cảm giác vui thích của mình khi được khen và đánh giá cao như thế nào, tôi cũng sẽ bắt tay vào việc bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với người khác. Cần một chút thực hành. Tôi thường phải ép mình không bị lôi cuốn vào chương trình làm việc của mình đến mức trở nên vô cảm với người khác. Nhưng tôi thấy rằng bất cứ khi nào tôi bày tỏ một lời cảm ơn, người đó được hạnh phúc. Các cặp vợ chồng có thể thực sự chúc phúc cho nhau và cuộc hôn nhân của họ bằng việc làm theo lời khuyên đơn giản này.

Điều quan trọng là chúng ta phải cho con cái của chúng ta biết rằng chúng đang được chúng ta yêu thương. Mặc dù chúng ta cần phải kỷ luật con cái của mình, nhưng những lời chỉ trích liên tục sẽ không giúp chúng đạt được mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho chúng. Thay vào đó, chúng sẽ có nhiều khả năng bỏ cuộc, vì nghĩ rằng chúng sẽ không bao giờ có thể làm vừa lòng chúng ta.

Hãy tìm cơ hội để bày tỏ sự ưu ái của bạn với con cái. Thường xuyên nói với chúng rằng bạn yêu chúng và hài lòng về chúng. Hãy cho chúng biết rằng bạn thích ở bên chúng: “Mẹ rất vui vì con đã đến cửa hàng với mẹ. Chúng ta thực sự đã có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau”. Hãy tìm cơ hội để khen một công việc đã hoàn thành tốt: “Cảm ơn con vì đã làm rất tốt công việc dọn dẹp nhà để xe”. Và nhớ đưa ra những lời động viên khi chúng gặp khó khăn hoặc thiếu tự tin.

Nụ cười là ở bạn

“Mary duyên dáng giống như một con bò đực trong cửa hàng đồ sứ Trung Quốc”.

“Bill, anh ăn nhiều đến nỗi phải dùng cái thùng đồ nghề làm hộp đựng đồ ăn trưa”.

Có bao giờ bạn là đối tượng của những loại bình luận này chưa? Kiểu đùa giỡn này vừa buồn cười lại vừa gây đau đớn, với sự hài hước có được khi người khác phải trả giá.

Hài hước tiêu cực thường chỉ trích sai lầm, điểm yếu hoặc tính cách lập dị của ai đó. Thông thường, nó có thể nhằm thể hiện tình cảm và sự quen thuộc, một cách châm chọc với ai đó bằng sự mỉa mai hoặc thậm chí là để đưa ra một lời khen châm biếm.

Tuy nhiên, sự hài hước tiêu cực có thể gây tổn thương rất nhiều. Nó thường bị lây nhiễm bởi sự ghen tị, tính cạnh tranh, hoặc xảo quyệt. Tuy những gì bề ngoài là vô hại và đùa cợt, nhưng rất có thể dẫn đến sự bất an trong các mối quan hệ của chúng ta. Bị chỉ trích hoặc bị “hạ bệ” dưới lớp áo khoác của một trò đùa cuối cùng khiến chúng ta cảm thấy không tự tin về bản thân và những gì người khác nghĩ về chúng ta.

Đôi khi thông điệp đang được truyền đạt là một thông điệp thực sự không nên được gửi đi. Tuy nhiên, đôi khi thông điệp đáng để gửi đi, nhưng nên được “chọn lọc” theo cách tốt hơn. Nếu trò đùa tiêu cực nhằm mục đích hài hước để sửa lỗi một người nào đó, thì nên nói thẳng minh bạch về vấn đề đó. Những nhận xét chê bai, thậm chí được đưa ra một cách đùa cợt, tốt hơn là không nên nói ra.

Thay thế phàn nàn bằng lòng biết ơn

“Tôi rất bận”.

“Bên ngoài nóng quá!”

“Bạn có thực sự muốn tôi đến đó không?”

Thật dễ dàng để có thói quen phàn nàn! Chúng ta có thể cảm thấy như chúng ta đang bình luận về một tình huống khó khăn. Tuy nhiên, phàn nàn mãn tính rất nguy hiểm. Nó có thể làm xói mòn mối quan hệ của chúng ta với Chúa, cướp đi niềm vui của chúng ta và đầu độc mối quan hệ của chúng ta với nhau. Giống như một căn bệnh truyền nhiễm, nó cũng dễ lây lan: sự phàn nàn của chính chúng ta thường khiến người khác cũng làm như vậy.

Một lần trên một chuyến đi đường dài với chị tôi và con nhỏ của chị ấy, bọn trẻ bắt đầu trở nên bồn chồn, nóng nảy và buồn chán. Cứ sau vài phút lại có một lời phàn nàn khác. Chẳng mấy chốc, chúng bắt đầu cằn nhằn lẫn nhau. Chị tôi nhẹ nhàng sửa sai cho con mấy lần. Cuối cùng chị tôi nói với cậu con trai nhỏ của mình: “Đừng than vãn! Hãy cố gắng vui vẻ trong Chúa”. Cậu bé này nhanh chóng trả lời: “Nhưng mẹ ơi, con đang phàn nàn trong vui vẻ!”

Có điều kiện như vậy không? Tôi không nghĩ vậy. Nhưng, giống như đứa cháu trai sáng tạo của tôi, tôi thường cố gắng “xác định lại” hành vi tồi tệ của mình, viện lý do cho thái độ tiêu cực của mình, và biện minh khi tôi bực tức. Sự cố nhỏ này đã khiến tôi phải nhìn lại cuộc sống của mình và lắng nghe cuộc trò chuyện của chính mình – và khiến tôi nhận ra rằng tôi có nguy cơ trở thành một người phàn nàn kinh niên!

Có một cách chữa đơn giản: bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Như nhà truyền giáo Amy Carmichael đã từng viết: “Hãy liệt kê những sung túc thuận lợi của bạn, điều lớn cũng như điều nhỏ, và bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn có rất nhiều thứ để thu thập”. Khi tôi nhớ lại những phúc lành của mình, tôi sẽ ít phàn nàn về những gì tôi còn thiếu thốn.

Hãy bịt tai trước chuyện phiếm

“Tôi không bao giờ lặp lại những câu chuyện phiếm, vì vậy hãy lắng nghe cẩn thận trong lần đầu tiên”.

“Chuyện phiếm cũng giống như một quả bưởi-để trở nên thực sự ngon, thì nó phải ngọt”.

“Một người hay ngồi lê đôi mách là một người mắc chứng suy nhược cấp tính”.

Chúng ta có thể bật cười trước những câu châm biếm dí dỏm này và coi việc nói chuyện phiếm là một lỗi nhỏ hoặc tội nhẹ, nhưng Kinh thánh xem điều đó rất hệ trọng. Thánh Phaolô đã đưa nó vào những tội nghiêm trọng: “chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn” (2Cr 12,20). Mặc dù những câu chuyện phiếm có thể không đưa ra những lời buộc tội hoàn toàn về hành vi sai trái hoặc sự kém cỏi, nhưng nó tạo ra một mạng lưới những lời ám chỉ. Nó làm giảm lòng tin và sự tôn trọng của người nghe đối với người bị đưa ra làm chủ đề của việc đàm tiếu.

Lần tới hãy bịt tai khi ai đó bắt đầu nói chuyện phiếm, hoặc nhẹ nhàng thay đổi cuộc trò chuyện. Và nếu bạn tình cờ nghe thấy một “mẩu tin” thú vị, đừng lan truyền nó. “Con nghe được chuyện gì ư? Hãy chôn nó trong lòng. Can đảm lên! Điều đó sẽ không làm con nổ tung đâu!” (Hc 19,10). Trên hết, hãy chống lại sự cám dỗ để tung tin đồn nhảm hoặc nói chỉ trích ai đó trước mặt con cái của bạn. Nó không chỉ khiến con bạn có ấn tượng tiêu cực về người đó mà còn có thể khiến chúng nghĩ rằng nói chuyện phiếm là một việc làm có thể chấp nhận được.

Suối nguồn của cuộc sống

Lời nói của chúng ta là sự phản ánh những gì ở trong tâm hồn của chúng ta. Nếu nhận thấy mình đang nói những điều mình không thích, chúng ta cần phải nhìn lại sâu sắc hơn về bản thân và tận gốc và ăn năn về bất kỳ sự cay đắng hoặc tức giận nào mà chúng ta có thể đang nuôi dưỡng.

Đối với các tín hữu, việc từ bỏ thói quen nói năng tiêu cực là một cuộc đấu tranh cả đời. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn biết về những cách bạn làm tổn thương người khác bằng lời nói của mình. Sau đó, hãy ăn năn tội và cầu xin Chúa ban cho ân sủng để “canh chừng” miệng lưỡi bạn (Tv 141,3). Hãy lên kế hoạch để loại bỏ gia đình bạn khỏi những kiểu nói tiêu cực. Hãy có trách nhiệm với nhau trong lĩnh vực này. Hãy dành thời gian với các tín hữu đã hình thành thói quen nói theo những cách xây dựng mối quan hệ của họ.

“Miệng người công chính là suối nguồn sự sống” (Cn 10,11). Chớ gì chúng ta, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, luôn nói những gì mang lại nguồn sống cho gia đình và cộng đồng của chúng ta.

Tác giả: Jeanne Kun

Nguồn: https://wau.org/resources/article/word_power/
Chuyển ngữ: Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD.

Comments are closed.

phone-icon