Ad Jesum Per Mariam – Đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Cụm từ này nắm giữ một trong các giáo lý trung tâm của Công giáo: Con đường chắc chắn nhất để nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu là qua Mẹ Ngài – Đức Maria. Là người đã cộng tác trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, giúp khởi đầu sứ vụ của Ngài, và cùng chịu đau khổ với Ngài trong Cuộc Thương Khó, Đức Maria là người độc nhất vô nhị có thể dẫn chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn.
Thật chí lý khi Đức Maria là đường dẫn đến sự hiệp thông hoàn hảo của tình yêu là Chúa Ba Ngôi. Như Peter Kreeft đã lưu ý trong cuốn “Forty Reasons I Am a Catholic” (Bốn Mươi Lý Do Tôi Là Người Công Giáo). Các bà mẹ là những người hội đồng. Họ nối kết mọi người với nhau, bởi vì họ đã biết về sự gần gũi với người khác (những đứa con trong bụng của họ) một cách thân mật hơn đàn ông. Đức Mẹ bao gồm tất cả các mối quan hệ khả dĩ với Thiên Chúa, với cả Ba Ngôi Thiên Chúa, một cách hoàn hảo: Ái Nữ đối với Chúa Cha, Hiền Mẫu đối với Chúa Con, và Hiền Thê đối với Chúa Thánh Thần. (Forty Reasons, 112)
Mối quan hệ hoàn hảo của Đức Mẹ với Ba Ngôi Thiên Chúa được mặc khải trong lời tường thuật của Thánh Luca về cuộc Truyền Tin và Thăm Viếng. (x. Lc 1)
1. TUÂN PHỤC CHÚA CHA
Trong cuộc Truyền Tin, kế hoạch về cuộc Nhập Thể của Thiên Chúa được bày tỏ cho Đức Maria, người đã hoàn toàn đồng ý: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38) Từ ngữ Hy Lạp cho nữ tỳ là doulē, chữ này cũng có thể ám chỉ người nô lệ. Do đó, nó chuyển tải sự phục tùng hoàn toàn của Đức Maria đối với ý muốn của Thiên Chúa Cha, phản ánh sự từ bỏ mình của Đức Kitô nơi Vườn Dầu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22:42)
Là Đấng Tạo Hóa, ý muốn của Thiên Chúa là sự quan phòng, là kế hoạch của Ngài cho mọi sự và mọi thời đại. Đối với chúng ta, các thụ tạo, tuân phục ý Chúa là đồng ý trở thành như chúng ta được tạo nên. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều được tạo dựng để ở với Thiên Chúa. Trường hợp của Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hiến thân đến mức trở thành Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, sinh Con Thiên Chúa. Tất cả đã được thực hiện bằng cách tuân theo ý muốn của Chúa Cha. Nếu muốn noi gương Mẹ Maria để hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, tất cả chúng ta phải phó thác trọn đời mình cho Thánh Ý Chúa Cha.
2. KẾT HIỆP VỚI CHÚA THÁNH THẦN
Kết quả của sự tuân phục nơi Đức Mẹ với Chúa Cha là sự kết hợp của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ đã nhận được Chúa Thánh Thần sâu xa đến nỗi Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt trong cung lòng Đức Mẹ. Tôi đang dựa vào cái nhìn sâu sắc của ĐGH Benedict XVI (khi còn là HY Joseph Ratzinger) trong cuốn “Mary: The Church at the Source.” Sứ thần đã nói với Đức Maria: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37) Do đó, điều đã từng là không thể tưởng tượng được – bất kỳ sự kết hợp thực sự nào giữa Thiên Chúa là linh hồn thuần khiết và loài người – đã thực sự xảy ra.
Các tiến sĩ của Giáo Hội, từ Thánh Augustinô đến Thánh Tôma Aquinô, đã dạy rằng Chúa Thánh Thần kết hiệp đặc biệt với tình yêu Thiên Chúa, giống như Ngôi Lời đồng nhất với sự tự nhận biết của Ngài. Điều này có ý nghĩa vì tình yêu là hiệp nhất, như Thánh Tôma Aquinô đã dạy. Tình yêu đó khao khát được ở bên người yêu dấu. Trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu tồn tại giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong Summa Theologica – Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma Aquinô viết: “Tên gọi Tình Yêu trong Thiên Chúa có thể được hiểu về bản thể và cá thân. Nếu xét về mặt cá nhân, đó là danh xưng của Chúa Thánh Thần; giống như Ngôi Lời là danh xưng của Chúa Con.” Để kết hợp với Chúa Thánh Thần, chúng ta phải noi gương Đức Maria và trở thành sự tiếp thu thuần túy.
3. THI HÀNH SỨ VỤ VỚI CON YÊU
Sự tuân phục. Sự kết hiệp. Sau đó là sứ vụ. Sự kết hiệp của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần dẫn đến sự hợp tác của Mẹ Maria với Chúa Giêsu trong sứ vụ cứu chuộc của Ngài. Điều này bắt đầu lúc Đức Mẹ thụ thai, như lời tường thuật của Luca về lời của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1:35)
Khi sinh ra Chúa Giêsu, Mẹ Maria đang tham gia sứ mệnh của Ngài một cách thần bí, đem Ngài đến thế gian. Điều này tiếp tục trong cuộc thăm viếng, khi Đức Mẹ đem Chúa Giêsu đến thánh hóa Gioan Tẩy Giả trong lòng bà mẹ Êlidabét. Mối quan hệ với Chúa Giêsu với tư cách là người mẹ hợp tác trong suốt sứ vụ của Ngài, từ Cana đến Canvê. Nếu muốn theo Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu, chúng ta phải thực hiện cùng một cách tiếp cận là chia sẻ sứ vụ của Ngài, dù cho điều đó có đưa chúng ta đến Thập Giá hay không.
4. KẾT LUẬN
Làm thế nào chúng ta có thể tham gia sâu xa hơn vào sự sống của Chúa Ba Ngôi? Mẹ Maria chỉ cho chúng ta một con đường: bằng cách tuân phục Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, và rao truyền Lời Chúa với Đức Kitô. Mỗi việc đều liên quan một mối quan hệ riêng. Như Kreeft lưu ý, đối với Mẹ Maria là Ái Nữ của Chúa Cha, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, và Hiền Mẫu của Chúa Kitô.
Sự tuân phục. Sự kết hiệp. Sứ vụ. Mỗi cái này vừa xây dựng dựa trên cái kia vừa gói trọn cái kia. Chỉ thông qua sự tuân phục hoàn toàn thì chúng ta mới có thể trở nên hoàn toàn tiếp nhận Thiên Chúa. Và chỉ qua việc tự làm trống rỗng mình như vậy thì chúng ta mới học được cách hiến thân trọn vẹn cho người khác khi chúng ta tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô.
Chúng ta diễm phúc khi có Mẹ Maria không chỉ là mẫu gương cho chúng ta, mà chúng ta còn học hỏi từ Đức Mẹ bằng cách đọc và tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời Đức Mẹ. Với Đức Mẹ, cũng như với Chúa Ba Ngôi, chúng ta gặp con người sống động. Còn ai tốt hơn để đưa chúng ta đến với Chúa Ba Ngôi hơn ngoài Đức Mẹ?
STEPHEN BEALE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Thượng tuần tháng 05-2021
▶ Cầu Xin Ba Ngôi – https://youtu.be/_qHgd9dVP8s