Ngày 08 tháng 5 năm 2021
Thứ bảy, sau Chúa Nhật V Phục Sinh
I. LỜI CHÚA: Ga 15, 18-21
18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.
20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.
21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM:
1. Ghen ghét
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua, Đức Giê-su nói về tình bạn: “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15), và về tình thương: “Điều Thầy truyền dạy, là anh em hãy yêu thương nhau” (c. 16).
Còn trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Người nói về lòng ghen ghét: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (c. 18), và về sự bắt bớ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (c. 20). Lòng ghen ghét sẽ tất yếu dẫn đến sự bắt bớ bằng bạo lực dưới mọi hình thức.
Tình bạn và tình thương thì thuộc về Thiên Chúa: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (c. 9). Ngược lại, lòng ghen ghét là nét đặc trưng của thế gian và những ai thuộc về thế gian, vì thế gian “không biết Đấng đã sai Thầy” (c. 21). Vậy, chúng ta hãy để cho lời của Đức Giê-su “phán xét” chúng ta, như Người đã nói: “Chính lời tôi sẽ xét xử người ấy” (Ga 12, 48):
- nếu chúng ta yêu thương nhau, thì ngay trong tương quan tình thương, Đức Giê-su hiện diện, trở nên bạn hữu, “nhựa sống”, và hơn nữa trở nên một với chúng ta;
- nhưng nếu chúng ta ghen ghét nhau, chúng ta sẽ tự xét đoán mình và tự làm cho mình thuộc về “thế gian”, vốn luôn luôn ghen ghét Thầy Giê-su.
Tuy nhiên, trong thực tế, lòng ghen ghét không chỉ có ở phía thế gian và những ai thuộc về thế gian, nhưng còn len lỏi vào lòng các môn đệ, vào lòng của chính chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì, ma quỉ đã gieo vào lòng loài người chúng ta “nọc độc ghen tị” ngay từ bước đầu của sự sống: ghen tị với Thiên Chúa và ghen tị với nhau (x. St 3-4); vì thế, không ai trong chúng ta thoát khỏi sức mạnh của lòng ghen ghét.
2. Tình thương
Để vượt qua lòng ghen ghét, vốn vừa mạnh và vừa phát xuất từ thủa ban đầu của sự sống (giống như nguồn nước bị ô nhiễm), trước hết, chúng ta cần ý thức điều này: lòng ghen ghét trước khi đi đến việc làm hại người khác, thì nó đã làm hại người “cưu mang” nó ở trong nội tâm của mình rồi. Có thể nói, nội tâm chứa chấp lòng ghen ghét, là nội tâm bị ô nhiễm, thậm chí bị nhiểm độc.
Sau đó, chúng ta phải dựa vào điều ngược lại, đó là tình thương; không phải tình thương của chúng ta dành cho Chúa và dành cho nhau, bởi vì tình yêu của chúng ta rất mỏng dòn, nhưng là tình thương của Chúa dành cho chúng ta, vốn mạnh hơn lòng ghen ghét và là cội nguồn của mọi sự: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9).
Như thế, Đức Giê-su không chỉ mở cho chúng ta con đường đi để vượt qua lòng ghen ghét, nhưng còn mang lại cho chúng ta cả một nguồn sức mạnh, là tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu thần linh này và đừng bao giờ bỏ đi; và nếu bỏ đi, thì hãy trở lại. Lòng ghen ghét luôn luôn hiện diện, nhưng nó chỉ mạnh mẽ, khi chúng ta không ở lại trong tình thương của Thiên Chúa, nghĩa là khi chúng ta quên đi ơn huệ, quên Đấng ban ơn huệ, quên tình thương và lòng thương xót của Người, được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô.
3. Mầu nhiệm Vượt Qua
Đức Giê-su nói những lời này trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly và và trong viễn tượng của mầu nhiệm Thương Khó; vì thế, chúng ta được mời gọi lắng nghe lời của Người dưới ánh sáng của mầu nhiều Vượt Qua. Thực vậy, Đức Giê-su là đối tượng của lòng ghen ghét; chúng ta có thể nhận ra điều này trong cuộc đời của Ngài và nhất là trong cuộc Thương Khó của Người. Và các môn đệ, vì được Đức Giê-su yêu thương, được Ngài chọn lựa và tách ra khỏi thế gian, nên cũng trở thành đối tượng của lòng ghen ghét, như chính Đức Giê-su.
Như thế, lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã loan báo loan báo mầu nhiệm Vượt Qua rồi, và mầu nhiệm Vượt qua sẽ làm cho hoàn tất những lời này của Người: trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ để cho lòng ghen ghét của thế gian và của những người thuộc về thế gian đi đến cùng, để vừa cho chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Sự Dữ, nhằm giải thoát chúng ta, vừa bày tỏ căn tính thần linh của Ngài, là Sự Thiện tuyệt đối, không hề dính dáng gì đến Sự Dữ, và vừa bày tỏ Tình Yêu tuyệt đối của Ngài dành cho loài người và cho từng người chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào.
Như thế, sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi nọc độc ghen ghét và khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau, chính là tình yêu của Đức Giê-su dành cho loài người và cho từng người chúng ta: đó là tình yêu hi sinh mạng sống. Tình yêu mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc