Hãy lên đường – SN Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B

0

 

Suy niệm: Mc 16, 15 – 20

Hôm nay Chúa về trời tiên báo nơi về hạnh phúc của chúng ta, một nơi tuyệt vời mà các thị nhân chỉ thoáng thấy một cách lờ mờ đã say sưa ngây ngất. Thánh Phaolô trong khi ngất trí được chiêm ngưỡng thiên đàng trong giây lát đã mô tả: “mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe”. Thật rất an ủi cho chúng ta khi đang hứng chịu cơn đại dịch covid lần hai. Một đại dịch nguy hiểm làm mọi người kinh hoàng, nó lây nhanh và cướp đi hơn ba triệu người. Con số người chết vẫn chưa dừng, còn người bệnh bị áp lực về tâm lý cũng như sinh lý vì họ chết trong cô đơn không có người thân bên cạnh, chết trong đau đớn vội vàng, khốn khổ, không mồ chôn, không đưa tiễn… Nếu chết là hết thì họ quá thiệt thòi, tủi nhục. Nhưng không, họ vẫn sống. Họ rời nơi khóc lóc để về nơi vĩnh cửu ngập tràn niềm vui và bình an. Nơi mà các môn đệ khi xưa say sưa nhìn Chúa về trời đã được hai thiên thần nhắc nhở: “Hỡi người Galile sao còn mãi mê đứng đó nhìn trời…”. Quê hương vĩnh hằng đó chỉ đạt được sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trần thế.

Người em họ của tôi mới sang phi châu, Đức Cha và các cha địa phận bên đó hỏi: “Sao mày đang ở một nước đang phát triển, mày lại sang đây, một nước nghèo nhất thế giới. Mày không sang Mỹ, sang các nước giầu có khác mà mày lại chọn nơi này? Em trả lời: “Đây là ơn gọi của tôi. Sang đây tôi thấy mình được bình an, hạnh phúc.” Phải chăng Em đã theo lệnh của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…” Em loan báo cho những người cùng đinh trong xã hội bằng cuộc sống từ bỏ và dấn thân của em. Em buông bỏ tất cả vì lệnh lên đường. Nhìn Tòa Giám Mục nghèo nàn và nhất là nhìn những túp lều xây bằng đất, lợp bằng tranh tối tăm, hoang sơ thật cám cảnh. Từ thành phố về Tòa Giám Mục hơn ba trăm cây số phải băng qua những dãi đất trống điểm mấy cây xanh vì không có nước. Mùa mưa chỉ có 4 tháng nên mùa nắng dân làng phải lên thành phố kiếm tiền và mùa mưa họ về quê trồng bắp, trồng mì, trồng lúa để ăn cả năm. Sống trong cảnh đói nghèo như thế nên ngày lễ lớn, các trẻ em được một bát cơm ăn trong bữa tiệc Buffet là mừng lắm rồi. Thấy các em ngồi vui vẻ hồn nhiên bốc từng nắm cơm như đang ăn những món cao lương mỹ vị mà thương.

Điều lạ là khi sống trong cảnh đói nghèo như thế, giáo dân rất sốt sáng khi tham dự Thánh lễ khoảng 2 tiếng. Trước khi ra về, trẻ em và người lớn múa nhảy rất vui. Tâm hồn đầy tràn Chúa có khác. Người nghèo của Gia-vê là thế đó!

Chúa luôn mời gọi chúng ta lên đường để ôm ấp, chữa lành và thi thố tình thương với những con người nhỏ bé đó. Tôi còn nhớ trước đây người ta lên án một nhà báo săn ảnh đã chụp tấm hình một em bé phi châu nghèo đói giơ bộ xương cách trí đang cố lết đến trạm cứu đói nhưng nhà báo đó đã không giúp em.

Cha Carolo nói :

“ Chúng ta là dụng cụ Chúa dùng vì không còn ai trên thế gian ngoài chúng ta.

Ngài không còn tay để nâng người sa ngã ngoài tay của chúng ta.

Ngài không còn chân để đi tìm kẻ hư mất ngoài chân của chúng ta.

Ngài không còn mắt để nhìn những giọt lệ khổ đau âm thầm ngoài mắt của chúng ta.

 Ngài không còn lưỡi để an ủi kẻ buồn sầu ngoài lưỡi của chúng ta.

 Ngài không còn trái tim để yêu thương những người không được yêu thương ngoài trái tim của chúng ta”.

Trong đại dịch tái phát này càng thúc đẩy chúng ta chung số phận, chung khó khăn, vất vả, lo âu, thao thức với cộng đồng nhân loại. “Trong mọi hoàn cảnh, đoàn thể “môn đệ của Đức Giêsu” luôn là những  người tích cực dấn thân, sẵn sàng tiên phong đi hàng đầu trong nỗ lực phục vụ và đem lại cho con người sự sống, bình an, và hạnh phúc, vì sứ vụ của Giáo Hội là đồng hành cùng nhân loại và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Giêsu” (Mt 28,19). Trong đại dịch này, tôi nghe tiếng Mẹ Giáo Hội nhắc bảo: “Phần con, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của con” (2Tm 4,5). Và tận đáy sâu tâm hồn nghe xôn xao, rộn ràng niềm vui truyền giáo, hạnh phúc tông đồ, khi mỗi ngày được “trở nên tất cả cho mọi người” (1Cr 9,22), để bằng mọi cách cùng Giáo Hội cứu được mọi người”. (Jorathe Nắng Tím)

Người truyền giáo là người sống yêu thương như Chúa nói: “Cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ của Thày”. Sống yêu thương yêu mọi người nhất là những người đau khổ.  Vui niềm vui của anh em, buồn nỗi buồn đau của anh em để giúp đỡ họ vượt qua những thử thách đời thường bằng sự giúp đỡ, chia sẻ, động viên và hiện diện… khi cần.

Hôm nay Chúa cũng trao cho chúng ta sứ mạng cao cả này và Ngài đảm bảo ở với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế. Chúng ta hãy xin Người gửi Thánh Thần đến với chúng ta, đó là điều mà Ngài đã hứa để chúng ta hăng say đến với anh em bằng chính tình yêu của Chúa. Xin Chúa hãy dùng chúng ta như dụng cụ của Ngài, để nơi đâu chúng ta hiện diện, nơi đó có sự bình an, hạnh phúc. Được Chúa ở với, chúng ta sẽ mạnh dạn ra đi trong khiêm tốn, trong tâm tình sám hối, trong sự quên mình, trong hy sinh, trong yêu mến, trong phó thác, trong tin yêu.

Nt.Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon