Lời giảng Cộng đoàn

0

Lm. Nguyễn Trọng Viễn, OP

Bài nói chuyện trong ngày họp mặt Gia Đình Đa Minh Việt Nam 6-11-2022 – Mừng 250 năm tử đạo thánh Vinh Sơn Liêm Hòa Bình

Sử liệu về thánh Vinh Sơn Liêm quá ít mà lại không chắc chắn. Chúng ta khó có thể khám phá những sứ điệp của Vinh Sơn Liêm bằng phương pháp sử học hoặc bằng một phương pháp thông diễn luận nhằm tìm một sự thật khách quan theo kiểu Schleimarcher, Dilthey, hoặc Betti… Tuy nhiên, với những cách hiểu thông diễn học bản thể theo hơi hướng của M. Heidegger, hoặc Gadamer, hoặc P. Ricoeur thì chúng ta có thể tìm thấy sứ điệp của Vinh Sơn Hòa Bình trong dòng chảy tâm thức chung của Dòng. Theo cách thức này, chúng ta có thể đọc những sử liệu ít hỏi về thánh Vinh Sơn Hòa Bình như một cuộc “song thoại”, đối chiếu tâm tình cá nhân của thánh Vinh sơn Hòa Bình với tâm thức của anh em Đa Minh ngày nay, nhận ra những điểm tương đồng hoặc dị biệt của hoàn cảnh thời thế kỷ XVIII ở Việt Nam với hoàn cảnh của đời sống Đa Minh Việt Nam lúc này…, và từ đó có thể nhận ra những yếu tố thuộc về bản chất của sự sống và sứ vụ Đa Minh một cách phổ quát…

Cách nhìn này, thay vì đề cao cá nhân của một vị thánh, cố gắng nhào nặn cho được những đức tính nổi trội của một con người có đẳng cấp đạo đức thánh thiện cao hơn những người khác…, thì ta hướng chú tâm vào những nền tảng chung của Giáo hội, của Giáo hội Việt Nam và dòng sức sống cũng như khuynh hướng riêng của Dòng. Như thế, cá nhân của thánh Vinh Sơn Hòa Bình chính là hoa trái biểu lộ bản chất đức Tin Kitô giáo và ơn gọi Đa Minh. Nói một cách nào đó, cuộc đời và cuộc tử đạo của Vinh Sơn Hòa Bình chính là sự tỏ lộ dòng chảy của sự sống, của sinh lực sống trong Giáo hội và Dòng… Đồng thời, cách nhìn theo kiểu thông diễn luận bản thể này giúp cho chúng ta, những con người Đa Minh đang sống trong thế kỷ XXI này hiểu được rõ hơn chính ý nghĩa của sự sống, ơn gọi và sứ mệnh Đa Minh ngày hôm nay…

1. Từ dự phóng cộng đoàn của đời sống Đa Minh

1.1 Dự phóng cộng đoàn trong ý nghĩa nguyên khởi

Cha B. Cadoré đã mở đầu bức thư mang tựa đề “Từ ‘Đề xuất’ của Dòng đến các Dự phóng Đời sống Tông đồ Tu viện[1], ngày 21-09-2015, bằng cách xác định nét căn bản của Dòng là mối tương quan giữa sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ :

“Bằng cách phát biểu rằng ‘hình thái của Dòng, xét như một hội dòng, xuất phát từ sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ của Dòng’ (LCO số I,$VI), Hiến pháp nền tảng rõ ràng đã thiết lập nên mối liên hệ giữa sứ vụ và cộng đoàn, là hình thức định hình nên Dòng”.

Hiến Pháp Nền Tảng triệt $VI, khẳng định mối liên hệ giữa sứ vụ và cộng đoàn chính là hình thức định hình nên Dòng, khẳng định ấy là sự xác định thêm một lần nữa điều đã nói ngay ở triệt I của Hiến Pháp Nền Tảng như là cội nguồn và như là căn tính của Dòng :

“Khi viết cho thánh Đa Minh và các anh em của ngài, Đức Hônôriô III đã diễn tả chủ đích (propositum) của Dòng bằng những lời này : ‘Đấng làm cho Hội thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái, vì muốn cho thời hiện đại này hợp với thời tiên khởi và muốn truyền bá đức tin Công giáo, đã gợi lên cho anh em tâm tình đạo đức này là: nhờ ấp ủ đức thanh bần và khấn giữ nếp sống tu trì, anh em tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta trên toàn thế giới” {Sắc chỉ  19-01-1221}” (LCO, số I,$I)

Như thế, chúng ta có thể hiểu, một cách nào đó, “chìa khoá” của sự sống Đa Minh nằm ở mối tương quan giữa sứ mệnh và sự hiệp thông huynh đệ. Mối tương quan ấy, từ di sản của thánh Đa Minh được Giáo hội chuẩn y, không phải chỉ là một tâm tình luôn thăng trầm hay một phẩm tính luân lý cao thấp nơi người này người kia, mà là một thể chế hướng dẫn đời sống cộng đoàn. Tạm nói “chìa khoá của chìa khoá” để tìm thấy được và nuôi dưỡng được mối tương quan sinh tử của Dòng – mối tương quan giữa sứ mệnh và sự hiệp thông huynh đệ – lại là một qui định mang tính thực hành, đó là tu viện hội.

Theo cha Cadoré, căn tính Đa Minh của toàn Dòng không phải chỉ được xác định một lần trong Hiến Pháp; hoặc, đối với mỗi người, khi quyết tâm chọn lựa đời sống Đa Minh. Căn tính ấy đích thực là dòng chảy của sự sống mà toàn Dòng cũng như mỗi người anh em cần liên tục ngụp lặn và được nuôi dưỡng trong đó. “Dự phóng[2]cộng đoàn” không phải chỉ là một bản kế hoạch, nhưng là một dòng chảy của sự sống và sứ vụ qua dòng lịch sử. Cha Cadoré nói :

“Chúng ta không được thiết lập chỉ một lần cho mãi mãi trong căn tính Đa Minh, căn tính sẽ được xác định bằng các giá trị, các phương thế thực hiện căn tính, các yếu tố làm nên lịch sử của truyền thống Dòng…” (trang 871)

Nếu căn tính Đa Minh được nuôi dưỡng một cách chủ yếu nơi “dự phóng cộng đoàn” thì đích thực “dự phóng cộng đoàn” cũng là một sự sống. Sự sống thì luôn vượt quá mọi định nghĩa. Quả thật, cha Cadoré đã tổng hợp nhiều cách giải thích của các tổng hội và xoay sở diễn tả thực tại ấy bằng nhiều cách thức, mà vẫn rất rối rắm…và đó là rối rắm chung của Dòng, vì chính tổng hội Trogir, khi lưu ý đến những lúng túng liên quan đến một vài vấn đề trong việc sử dụng khái niệm “dự phóng cộng đoàn” đã yêu cầu Bề trên Tổng quyền viết một lá thư về vấn đề này. Chúng ta ghi nhận một vài điều về ý nghĩa và những giá trị tương tác của “dự phóng cộng đoàn”:

1.2 Cách hiểu “Dự phóng cộng đoàn” qua các Tổng hội:

– “Dự phóng cộng đoàn là một phương thức để dung hoà áp lực giữa đời sống huynh đệ và sứ vụ (Tổng Hội Mexico 1992, Caleruega 1995, Bogota 1998) nhằm đảm bảo rằng kế hoạch này thuộc về mọi thành viên, để toàn thể cộng đoàn đều rao giảng và làm chứng (LCO 311, $ 2)

– “Dự phóng cộng đoàn là một trong những cứ điểm quan trọng để thực thi lời khấn vâng phục, vì dựa trên tinh thần trách nhiệm cá nhân trong tương quan với cộng đoàn cũng như với sứ vụ của Dòng” (Caleruega 1995)

– Đó là cách thức mà các cộng đoàn tu viện trở nên những “ngôi nhà giảng thuyết” (Krakow 2004)

– Dự phóng này “là một phương cách để đào sâu các mối tương quan giữa chúng ta, củng cố sự trao đổi chân thành và sự dấn thân của tất cả mọi thành viên vào sứ vụ” (Bogota 2007).

– “Chính khi chia sẻ cho nhau sự dịu ngọt của nếp sống huynh đệ, niềm vui và ơn tha thứ, sẽ hình thành nên việc loan báo Tin Mừng tuyệt hảo nhất, giữa một thế giới bị tổn thương vì bạo lực, xung đột và khai trừ. Các cộng đoàn đầu tiên của chúng ta đã chẳng được gọi là ‘thánh thuyết cục’ đó sao” (Trogir 2013).

1.3 Dự phóng cộng đoàn như một câu chuyện

Trong bức thư này, cha Cadoré lưu ý:

+ Một mặt, “dự phóng cộng đoàn” không phải chỉ là một chương trình sinh hoạt hay chỉ như một tổ chức thuần tuý và nhằm một mục tiêu chiến lược nào đó. Cha B. Cadoré nhắc đi nhắc lại rằng:

– “dự phóng cộng đoàn không chỉ đơn thuần là danh sách các hoạt động tông đồ riêng của mỗi cá nhân…” (tr. 870; x. tr.863, tr. 866).

– “Chúng tôi cho rằng dự phóng tông đồ tu viện không phải là một dự án mang tính chiến lược…”(trang 884; x. tr. 867).

+ Mặt khác, có lẽ điều quan trọng nhất là cha Cadoré sử dụng khái niệm của Paul Ricoeur về “căn tính thuật chuyện” để diễn tả những gì thuộc phạm vi của việc thiết lập dự phóng tông đồ nơi các cộng đoàn.

Xin tạm ghi nhận vài ý nghĩa căn bản của “Dự phóng cộng đoàn như một câu chuyện”:

a/ Dự phóng cộng đoàn là cách thức thể hiện đề án của chính thánh Đa Minh thuở ban đầu:

– “thể hiện được, trong một thời điểm và không gian cụ thể, chính propositum của thuở ban đầu”;

– “đó là sự năng động nhờ đó, cộng đoàn các anh em giảng thuyết muốn trở thành một diễn tả cụ thể về ‘lời giảng thuyết thánh’ của Dòng”;

 – “Đối với tôi, đây là một thách đố đặt ra cho chúng ta: thiết lập dự phóng cho một ‘lời giảng thuyết thánh’”.

– tạo nên sự thống nhất trong lời giảng hướng tới việc loan báo Tin Mừng Nước Trời như lúc ban đầu… đó là sự hiệp thông mang tính cánh chung, hướng tới việc loan báo danh Chúa Giêsu Kitô cho khắp thế giới…

– tạo nên một “sự quân bình chung của ‘hệ sinh thái’ Đa Minh”.

b/ Sâu xa hơn, dự phóng cộng đoàn không dừng lại ở cội nguồn của Dòng, nhưng dính dáng sâu xa hơn đến chính sứ điệp Tin Mừng của đức Giêsu:

– Các cộng đoàn “đang nỗ lực trở nên như những ‘giáo hội nhỏ’ trong lòng Giáo hội”, thực hiện một cuộc phiêu lưu của lời giảng thuyết thánh, qua đó, thời đại của chúng ta có thể nên giống như thời ban đầu nhờ ‘Đấng làm cho Hội thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái’.

– “tham dự và ‘tính năng động nền tảng” này, Dòng của thánh Đa Minh có thể đã được định nghĩa như ‘ký ức Tin Mừng” mà Giáo hội được hình thành qua việc giảng thuyết như là bí tích của cuộc đối thoại thân tình giữa Thiên Chúa với con người”. (tr. 886)

c/ “Dự phóng cộng đoàn” giúp cho các thành viên hiệp nhất với nhau và cùng hướng về sứ vụ:

– tạo nên “cảm thức thuộc về” (tr. 881)

– “…nơi đó, việc đối thoại giữa các anh em sẽ cho phép dành thời giờ để mọi người chia sẻ thông tin về các hoạt động hiện tại cho nhau, để trao đổi những quan điểm chung liên quan đến mối bận tậm về thế giới trong thời gian và không gian cụ thể, để đánh gía, điều chỉnh việc giảng thuyết hiện nay…” (tr. 884)

– “Thực hiện dự án chung, đó là phải nói với nhau về điều làm cho chúng ta sống, về những gì chúng ta được liên đới vào trong thế giới mà trong đó chúng ta rao giảng, và về những gì chúng ta hiểu nơi trật tự logic của việc ta làm, nơi những quan tâm của chúng ta với ơn cứu độ các linh hồn, nơi việc học hành và nơi những cuộc đối thoại của chúng ta với người vô tín” (tr. 879)

– “…Dòng được mời gọi hiện diện, vừa để đóng góp như những nhà giảng thuyết chăm sóc những vết thương do con người và xã hội gây ra bởi những gãy đổ tương quan trong thế giới, vừa để tham gia vào việc xây dựng những nhịp cầu nối kết, làm cho các biên giới này không còn là phải là nơi phân chia, nhưng là những cơ hội để tiến đến sự hiệp thông. Hãy nhớ lại những biên cương mà tổng hội Avila năm 1986 đã xác định…” (tr. 877)

Để thể hiện được những khía cạnh nêu trên, chắn chắn phải hiểu “dự phóng cộng đoàn” một cách linh động hơn, không phải chỉ như một tổ chức, nhưng là một dòng sự sống, được bộc lộ trong phẩm tính của đời sống cộng đoàn, để có thể cô đọng lại một cách phong phú trong tu viện hội.  Do đó, cha B. Cadoré thích sử dụng một khái niệm của Paul Ricoeur về “căn tính thuật chuyện”. Nói cách khác “dự phóng cộng đoàn” không phải là một “bài toán” nhưng là “câu chuyện”, không phải bằng việc liệt kê những việc đang làm và phải làm như một “tổng số”, nhưng là một “toàn thể” với phẩm tính của tình huynh đệ cộng đoàn, và đó là một “toàn thể” đang triển nở không ngừng.

“Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa” (Tu luật th. Âu Tinh, số 1).

Từ triết gia Hégel, yếu tố thời gian được tìm lại trong dòng lịch sử triết học tây phương. Với Hégel và trong thế kỷ XIX này, thời gian như “sử học” (histoire) từ xa xưa được mặc thêm một ý nghĩa khác là “sử quan” (philosophie de l’ histoire). Nhưng rồi dần dần, thế kỷ XX, người ta tìm thấy một ý nghĩa sâu xa và căn bản hơn đối với con người, đó là “sử tính” (historicité). Heidegger cho thấy “chân tính của hữu thể nằm trong hiện hữu”, đó là một hiện hữu tại thế, chuyển mình và hình thành nên chính mình trong thời gian…

Trong thế kỷ XX, nhân loại tìm thấy một sự đồng thuận rộng rãi về chiều kích lịch sử như nền tảng của hữu thể người. Con người thiết yếu là một hữu thể có sử tính. Lịch sử trở nên bộ môn nền tảng trong mọi lãnh vực, nhất là trong các khoa học nhân văn (khoa học xã hội). Điều đó cũng thể hiện trong thần học nói chung, đặc biệt trong và sau Công đồng Vatican II, mà chiều kích cánh chung trở nên như xương sống của mọi ngành thần học.

Triết gia P. Ricoeur (1913-2005) diễn tả “căn tính thuật chuyện” (narrative Identity) là “một loại căn tính mà một người đạt được thông qua trung gian của chức năng trình thuật[3]. Để hiểu rõ hơn, chúng ta trở lại với cách P. Ricoeur phân biệt hai khái niệm idem và ipse : khái niệm “Idem” để diễn tả cái tôi vẫn luôn là chính tôi trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh; và khái niệm “ipse” để diễn tả khía cạnh cái tôi hình thành mình qua dòng lịch sử, viết nên câu chuyện đời mình qua cách thức đối diện với những biến cố trong lịch sử đời mình… Trong khi viết câu chuyện đời mình, mỗi người sẽ thể hiện mình như một chủ thể, nỗ lực nối kết “những gì tôi đã kế thừa” với “những gì tôi mong đợi”; đó cũng là sự kết hợp giữa thực tại và “hư cấu”, và đây chính là một “dự phóng”.

Cũng theo cách thức ấy, một tập thể hình thành nên căn tính thuật chuyện của mình. Quả thật một cộng đoàn đích thực chính là một dự phóng, một dòng sự sống bắt rễ vào căn cội của mình để trở nên mình qua dòng lịch sử. Hiểu cộng đoàn như một “dự phóng”, đó là thể hiện đời sống và sứ vụ cộng đoàn như một hành trình vừa không ngừng tìm lại căn tính của mình, vừa không ngừng sáng tạo căn tính ấy. Cha
Cadoré nói rằng:

“Thay vì đóng băng trong một khát vọng vô nghĩa về căn tính không thay đổi, thì cộng đoàn trở nên chính mình bằng cách phóng mình vào trong ý tưởng về Nước Trời đang đến. Theo một cách nào đó, cuộc phiêu lưu vào câu chuyện như thế là những gì cho phép một cộng đoàn luôn chấp nhận mình như ‘được thánh hiến’ cho Lời đang đến, và cho lòng xót thương. Một “cộng đoàn trong dự phóng” thì giống như một bí tích cho kế hoạch của Đấng đã sai Con Một mình đến để cứu độ nhân loại” (tr. 869)

Nhìn “dự phóng cộng đoàn” như một câu chuyện, ta hiểu được mỗi thành viên được hình thành nên chính căn tính của mình khi “viết câu chuyện” đời mình trong tương quan với cộng đoàn. Đồng thời, chính cộng đoàn, qua dự phóng cộng đoàn, cũng đang viết câu chuyện cộng đoàn, cộng đoàn như một câu chuyện gắn liền với cội nguồn đời sống Đa Minh, và nhất là gắn liền, tiếp nối câu chuyện của một lịch sử ơn cứu độ… Một cách nào đó, trong khi cộng đoàn thực hiện một sự hiệp nhất mang tính “đồng đại” (synchronique) bằng cách tìm sự hợp nhất của các thành viên nên một, thì đồng thời cộng đoàn cũng thực hiện một sự hiệp nhất mang tính “lịch đại” (diachronique) để trung thành và sáng tạo đối với ơn gọi và sứ mạng của Dòng. 

“Như vậy, người ta sẽ hiểu rằng sự thống nhất trong trong lời giảng của Dòng, của Tỉnh dòng, hay của một cộng đoàn, không quy hướng về sự đồng nhất ý nghĩa hay hình thức cho bằng sự sự thống nhất về mục tiêu cần hướng tới, mà việc loan báo Tin Mừng Nước Trời đã hướng tới từ lúc ban đầu…” (tr. 868)

Chúng ta hiểu rằng “dự phóng” là một nét tư tưởng căn bản trong triết học hiện sinh. Con người luôn nằm trong trục thời gian quá khứ – hiện tại- tương lai, trong đó hiện tại không bao giờ chỉ là hiện tại đơn thuần, hiện tại như một sự can đảm đảm nhận quá khứ để nhẩy vào tương lai, con người luôn đứng trong sự giằng co giữa “nhớ” và “mơ”.

Hơn nữa, ý nghĩa câu chuyện diễn tả một cách chân thực hơn nhiều về ơn cứu độ trong truyền thống Do thái- Kitô giáo, được thể hiện rất rõ nét trong cấu trúc của Kinh Thánh, một cấu trúc trình bày Thiên Chúa cứu độ là Thiên Chúa của lịch sử, con người được cứu độ là con người trong lịch sử, tất cả làm nên một “lịch sử ơn cứu độ”.

Một dự phóng cộng đoàn như thế linh động, mền dẻo, vừa có khả năng hiệp nhất các thành viên một cách nhân bản, vừa trung tín với cội nguồn, vừa mở ra với tương lai trong tinh thần trung thành và sáng tạo.

2. Thánh Vinh Sơn trong “dự phóng cộng đoàn”

2.1 Một người con của gia đình Đa Minh

Thánh Vinh Sơn Liêm sinh khoảng năn năm 1732, tại Thôn Đông, Trà Lũ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Thân phụ là ông Antôn Doãn, là trùm họ; và thân mẫu là bà Maria Doãn, đứng đầu hội Mân Côi trong xứ. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Khi đó, Dòng Đa Minh đang phụ trách giáo phận Đông Đàng. Các vị phụ trách trong giáo phận nhận thấy Vinh Sơn Liên là một cậu bé thông minh và đạo đức nên chọn cậu để được học bổng của Tây Ban Nha. Năm 1750, cha chính Espinoza Huy đã gởi Vinh Sơn Liêm đi du học Manila (Phi Luật Tân), học tại trường Juan de Letran. Sau ba năm học tại đây, thầy Liêm xin gia nhập dòng Đa Minh, lãnh tu phục ngày 9/9/1753. Một năm sau, thầy khấn trọng thể, cùng với ba tu sĩ đồng hương, và chọn danh hiệu là Vinh Sơn Hòa Bình (Vincente de la Paz). Sau đó, thầy Vinh Sơn Liêm học tiếp bốn năm tại đại học của Dòng, Santo Tomas, rồi thụ phong linh mục năm 1758. Trở về Việt Nam, cha Vinh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Trong trách nhiệm này, cha Vinh Sơn đã góp phần vào việc đào tạo các chủng sinh để duy trì và phát triển đời sống Giáo hội tại quê hương Việt Nam.

Có lẽ một vài nét sơ lược như thế không cho ta thấy điều gì đặc biệt về con người Vinh Sơn Liêm; có chăng là danh hiệu mà ngài chọn khi khấn trọng thể trong Dòng: Vinh Sơn Hòa Bình. Không rõ do nguồn cơn nào mà Vinh Sơn Liêm đã chọn danh hiệu ấy, nhưng danh hiệu ấy cho thấy cảm thức của Vinh Sơn Liêm về đời sống đức Tin hoặc về sứ vụ của Dòng vượt trên tầm mức một tôn giáo thuần túy “thiêng liêng”. Đó là một chọn lựa hé lộ chiều kích xã hội hoặc tầm mức nhân bản trong ơn gọi và sứ vụ mà ngài muốn thể hiện.

Quá trình được đào tạo và được cộng tác vào việc đào tạo của Vinh Sơn Hòa bình có thể cho chúng ta thấy rõ hơn sự sống và dáng dấp của giáo phận Đông Đàng Ngoài do các linh mục Dòng Đa Minh phụ trách. Truyền thống truyền giáo gắn liền với việc đào tạo vốn là nét kiên định, để lại một truyền thống vững chắc trong lịch sử truyền giáo ở vùng đất này mà chúng ta có thể thấy truyền thống ấy vẫn sống dai dẳng qua những thách đố khó khăn nhất, và điều đó vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Phụ Tỉnh, rồi Tỉnh Dòng Nữ Vương các thánh Tử Đạo…

Vinh Sơn Hòa bình là một người con trong gia đình Đa Minh và ta có thể nói chắc chắn rằng tất cả cuộc đời, sứ vụ và cuộc tử đạo của Vinh sơn Hòa bình đều mang dấu vết sự sống Đa Minh… Cuộc đời và cuộc tử đạo của thánh Vinh Sơn Liêm cho thấy một sức sống đức Tin giống như “thuở ban đầu” của Giáo hội, một đức Tin đơn sơ, chân thật, một tinh thần tuyền giáo nhiệt thành, …

2.2 Sứ vụ truyền giáo của Tỉnh dòng Mân Côi

Sau thời gian đảm nhận trách nhiệm đào tạo, Vinh Sơn Hòa bình ao ước được tham gia vào sứ mang loan báo Tin Mừng. Cha đảm nhiệm công việc mục vụ tại các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả vùng Lai Ổn… Tuy nhiên, mặc dù bị cấm cách, cha Vinh Sơn Hòa bình luôn muốn mở rộng việc truyền giáo đến các làng ngoại giáo. Vinh Sơn Hòa bình luôn biểu một tinh thần hăng say, nhiệt tình, tràn đầy tình yêu thương với mọi người và công việc của ngài đạt được nhiều thành công.

Tuy vậy, Vinh sơn Hòa bình cũng có một tinh thần khiêm tốn rất chân thật. Sử liệu thuật lại là cha thường nói với bạn hữu : “mình chỉ là dụng cụ của Chúa dùng mà thôi, làm được gì tốt đều là Chúa làm. Không có Chúa, mình làm được gì?”;  Sự khiêm tốn chân thật ấy biểu lộ rõ nét trong lời thư cha gửi cho các đức Cha và các bề trên : “Xin Đức Cha và các Bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con, khi dâng lễ và trong kinh nguyện, để mỗi ngày con được hoàn thiện hơn, biết vui lòng đón nhận những khốn khó theo ý Chúa”.

Có lẽ công việc truyền giáo là công việc đời hỏi nhiều thiện chí dấn thân, chấp nhận nhiều hy sinh gian khổ… nhưng một sứ vụ truyền giáo đích thực lại luôn “mạc khải” cho các nhà truyền giáo thấy rõ hơn hết rằng hiệu năng của việc truyền giáo là điều vượt quá năng lực của mình, đó chỉ là nhờ quyền năng của Chúa mà thôi.

Tinh thần truyền giáo của Vinh sơn Hòa bình cũng biểu lộ trong niềm vui khi nghe tin ông hoàng em thứ sáu của chúa Trịnh Doanh trước khi từ trần đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Cha đón nhận tin đó như tín hiệu vui của Giáo Hội Việt Nam. Trong bức thư ngày 17-6-1764, cha vui mừng báo tin này cho cha Pedro Yre Bề trên Giám tỉnh ở Manila và Đức Cha Bernado Vetaria.

Một vài nét nhỏ bé như thế trong cuộc đời thánh Vinh sơn Liêm cũng có thể cho chúng ta thấy tinh thần truyền giáo của Tỉnh dòng Mân Côi thời ấy; và sâu xa hơn, tinh thần ấy giúp chúng ta nhìn lại cấu trúc và dáng dấp căn bản của sự sống đức Tin thời các tông đồ cũng như bầu khí “men nồng rượu mới” của anh em Đa minh thuở ban đầu[4].

Chúng ta biết, trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu, các vị tông đồ đã coi công việc loan báo Tin Mừng như một việc quan trọng nhất. Sứ vụ ấy, qua các thời đại, được đào sâu trong nhiều khía cạnh, như noi gương một Đức Giêsu từ bỏ, một đức Giêsu sống tình huynh đệ…, và cũng không tránh khỏi những lệch lạc so với hướng khởi ban đầu.  Trong bầu không khí của thế kỷ XIII, với những biến động xã hội hết sức lớn lao, thánh Đa Minh và anh em đã tìm lại được một chiều kích căn bản trong đời sống của Giáo hội, chiều kích tông đồ. Một khi đón nhận sứ vụ tông đồ với tất cả niềm hăng say mới mẻ, đời sống của Dòng thuở ban đầu đã diễn tả trong Giáo hội một dáng dấp có vẻ “kỳ dị” và cũng phải chịu không ít sự chê cười. Tuy nhiên, chính yếu tố này lại giúp anh em Đa Minh như thể tìm lại được một kinh nghiệm cụ thể về lòng thương xót của Chúa, một kinh nghiệm mới mẻ về tác động của ân sủng; và những điều ấy bộc lộ ra trong một dáng dấp vui vẻ khác thường, một niềm hạnh phúc khi thấy rõ được “lý do hiện hữu” của một đời tông đồ. Có lẽ chính yếu tố này làm cho tinh thần Đa Minh luôn đề cao ân sủng hơn là luân lý, đề cao tác động của Chúa hơn là nỗ lực của con người.

Đời sống Giáo hội khi ấy vốn bị phân tách thành một bên là đời sống chiêm niệm và một bên là hoạt động mục vụ. Có vẻ như sự tách biệt ấy mới chỉ thể hiện được sứ vụ tư tế và hoàng vương (?). Thánh Đa Minh đã chọn một cấu trúc của đời sống đan tu làm nền tảng, nhưng với một tài năng quản trị nhạy bén, ngài đưa vào cấu trúc ấy những ngõ mở để có thể gắn liền với hoạt động tông đồ. Cấu trúc ấy, thuở ban đầu, đã bộc lộ một sức sống mãnh liệt để tạo nên những con người mang dáng dấp ngôn sứ.

Thực sự, cho đến công đồng Vatican II, Giáo hội mới xác định trách nhiệm loan bao Tin Mừng là ““hành phần toàn vẹn” của đời sống Kitô gíao, nghĩa là một yếu tố không thể thiếu bản chất của đời sống Kitô giáo. Do đó, một khi thiếu ý thức và hoạt động tông đồ, theo cách thức của ơn gọi, đời sống đức Tin chắc chắn sẽ méo mó, lệch lạc, hoặc èo uột…

Với Vatican II, Giáo hội tìm lại được ý nghĩa của việc tông đồ như một thành phần toàn vẹn của ơn gọi Kitô hữu, nhờ nhìn lại trách nhiệm tông đồ của người giáo dân. Từ đây, yếu tố tông đồ không còn chỉ là một yếu tố “làm thêm” hoặc là trách nhiệm riêng biệt của một số người, nhưng chính là “thành phần toàn vẹn” của căn tính Kitô giáo.

Bởi được liên kết với Chúa Kitô là Đầu, người giáo dân có quyền và có bổn phận làm tông đồ. Khi được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, được nên mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, họ được chính Chúa giao phó trách vụ tông đồ. Họ được thánh hiến để thực thi chức tư tế vương giả và làm nên đoàn dân thánh (x. 1 Pr 2,2-10), để hiến dâng lễ phẩm thiêng liêng qua mọi công việc, và để làm chứng cho Chúa Kitô khắp nơi trên trái đất. Các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, luôn chuyển thông và nuôi dưỡng nơi họ đức ái như là linh hồn của tất cả mọi hoạt động tông đồ (6).

Việc tông đồ được thực thi trong niềm tin, cậy, mến do Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn mọi thành viên của Giáo Hội. Hơn nữa, giới luật bác ái, điều răn lớn nhất Chúa dạy, luôn thúc bách tất cả các tín hữu hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa, làm cho nước Ngài hiển trị và đem lại cho mọi người sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17, 3).

Vì thế, tất cả các Kitô hữu được trao cho nhiệm vụ cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận sứ điệp cứu độ.” (TĐGD 3)

Người Kitô hữu đã lãnh nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa khi lãnh bí tích Rửa Tội, nghĩa là gắn liền với sự sống và đời sống đức Tin.

Tuy vậy, ít nhất là trong Giáo hội Việt Nam, ta thấy hình như ý thức tông đồ chưa thực sự là một sự sống trong chính đời sống đức Tin của người Kitô hữu. Phần lớn người gíao dân chấp nhận dừng lại ở mức độ một đời sống luân lý liêm chính cho chính mình. Không ít những linh mục, tu sĩ cũng không nhận ra thôi thúc của trách nhiệm tông đồ như là “thành phần toàn vẹn” trong cấu trúc đời sống đức tin của mình. Phải chẳng ta có thể thấy điều này là nguyên nhân của sự vật vờ trong đởi sống đức Tin cũng như là yếu tố làm cho khuôn mặt của đức Tin bị biến tướng, dị dạng ?

Triết học nói rằng con người có bản tính xã hội, và phẩm tính này chắc chắn hàm chứa những hệ luỵ trong nhiều chiều kích của đời sống. Con người chẳng những cần đến người khác để học cách sống làm người, nhưng con người chỉ có thể trở nên chính mình trong tương quan; và đặc biệt, con người chỉ có thể làm được lý do hiện hữu của mình khi dám dấn thân cho tha nhân, khi nhận ra trách nhiệm của mình đối với tha nhân. Đây không phải là một điều con người cần phải trả giá như nền tảng để có được quyền làm người nhưng là điều con người được mời gọi để mở ra một chân trời cho thân phận làm người và để hoàn thành vận mạng làm người ở đỉnh cao của phẩm giá.

Quả thật, từ một cách nhìn thông diễn về cuộc đời và sứ vụ của Vinh sơn Liêm, ta có thể thấy rõ sức sống của một cấu trúc chân thật: làm hoa và làm hạt

2.3 Tình huynh đệ trong đời sống và trong “chứng tá”

Vào thời thánh Đa Minh, có một sự chuyển biến lớn : mối tương quan chiều ngang trở nên quan trọng. Chúng ta chỉ có thể hiểu được thể chế của Dòng trong bầu không khí nghiêng về “chiều ngang” ấy : tinh thần dân chủ trong việc chọn lựa những người lãnh đạo, vai trò của người lãnh đạo như là “anh trưởng” (prior chứ không phải superior), việc trao đổi trong “tu viện hội” của đời sống cộng đoàn, thái độ tôn trọng thiên tư riêng của mỗi người anh em, việc tuyên khấn trong tay anh-trưởng chứ không phải trước Thánh Thể… Chúng ta cũng hiểu được, chính trong thể chế nặng tính chiều ngang ấy mà thánh Anberto đã nhận ra cần phải đặt nền tảng của thần học trên nền triết học của Aristote chứ không phải trê học thuyết Platon; chúng ta hiểu được học thuyết của thánh Tôma mang tính “cận nhận tình” và dễ bị hiểu lầm là mang tính duy nhiên…

Dĩ nhiên không ai có thể hiểu đây là một thứ “chiều ngang” loại bỏ hay chống lại “chiều dọc”, nhưng là một hình thái sống đức Tin đúng theo “quy chế hiện hữu” của con người, qui chế mang tính bí tích. Như thế, trong nhiệm cục mới, học cách sống với Chúa cũng là học cách sống với anh em, yêu mến Chúa cũng là yêu mến anh chị em, hoà giải với Chúa cũng là hoà giải với anh chị em mình… Về bước biến chuyển này, cha Régamey nhận xét:

“Dù đáng thán phục đến đâu, linh đạo đan tu thế kỷ XII không phát ra âm vang độc đáo nhất của Tin Mừng. Cái thiếu sót của linh đạo ấy là đã không hiểu vai trò số một, thực sự có tính cách cấu trúc của giới răn mới trong tất cả nhiệm cuộc của Kitô giáo”

(trong footnote ở chữ “vai trò số một”, cha Régamey trích dẫn Gioan 13,34 : “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”)[5].

Những điều ấy chắc hẳn giúp chúng ta nhận ra tầm giá trị của đời sống cộng đoàn trong thể chế Đa Minh, vì cộng đoàn như là nơi bộc lộ ý muốn của Thiên Chúa. Lời khấn Vâng Phục Đa Minh không đơn thuần là vâng lời bề trên, không phải là giản lược Ý Chúa vào ý bề trên, nhưng trong thực chất, chính là tìm ý Chúa trong đời sống cộng đoàn qua việc vâng phục người anh-trưởng (prior)…

Quả thật, trong một số quá ít tài liệu về thánh Vinh Sơn Hòa Bình, chúng ta vẫn thấy hai lần sử liệu ghi lại yêu cầu của Vinh sơn Hòa bình về một bản án hoặc cả hai cùng được tha, hoặc cả hai đều chịu chết. Cha Phan Tấn Thành, trong bài  thuyết trình về thánh Vinh Sơn Liêm nhân kỷ niệm 250 năm tử vì đạo, tường thuật như sau :

“…Chúa (Trịnh) quyết định: Ông Gia sẽ bị chém, còn ông Liêm sẽ bị giam tù. Tuy nhiên cha Liêm phản đối: “Chúng tôi đều đi giảng đạo như nhau, cho nên hoặc là tha cả hai hay bị luận tội cả hai chứ”.

đến ngày 7-11-1773. Đến ngày xử án, hai tù nhân vẫn bị nhốt trong cũi, được quan quân khiêng ra pháp trường, theo sau là đám đông dân chúng đủ mọi thành phần. Khi đi qua hoàng cung, theo thông lệ, tù nhân sẽ được giữ lại xem Chúa có ân xá hay ra lệnh y án. Một viên quan lớn tiếng đọc bản cáo trạng, rằng cha Jacinto Castañeda, còn gọi là Cụ Gia, và cha Vinh Sơn Liêm de la Paz, bị kết án vì tội làm đạo trưởng Hoa Lang đạo, một đạo đã bị nghiêm cấm trên đất nước này.

Sau đó, một viên quan khác đứng lên và nói: “Mặc dù đúng là Hoa Lang đạo đã bị cấm từ lâu, nhưng cho đến nay, chưa một người bản xứ nào trên đất nước chúng ta bị kết án tử hình vì đã theo đạo này. Thế nên, không kết án tử hình đối với Cụ Liêm thì hợp lý hơn”. Lập luận của viên quan này có vẻ thuyết phục với tất cả mọi người, trừ cha Vinh Sơn, người phản đối rằng:

Lý do để kết án Cụ Gia cũng là lý do để kết án tôi, và thậm chí tôi còn đáng bị kết án theo luật pháp Nước Trời hơn, vì tôi chưa tuân giữ luật ấy được như cụ Gia. Nếu luật pháp nước ta có thể cho phép tha tội chết cho tôi, thì cũng phải tha tội chết cho cụ ấy, vì Cụ Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu chỉ giết Cụ Gia, còn tôi thì tha, án của vua không công minh. Tại sao cùng một việc mà vua lại tuyên án khác nhau. Điều hợp lý là tha thì tha cả hai, còn giết thì giết cả hai, bởi tôi là bạn đồng hành cùng cụ ấy”.

Cha Liêm nêu lý do yêu cầu cả hai cùng lãnh nhận bản án như nhau, bởi vì “tôi là bạn đồng hành cùng cụ ấy”.

Những tâm tình và những tình tiết xung quanh thánh Vinh sơn Hòa bình không khỏi gợi nhớ cho chúng ta về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ, “từng hai người một” (x. Mc 6,7; Lc 10,1…); hoặc biến cố thánh Đa Minh cũng chia 16 anh em tiên khởi ra đi từng hai người một đi đến các đô thị để rao giảng Tin Mừng.. để thể hiện sức sống của Dòng “như một Lễ Hiện Xuống”.

2.3 Lời giảng cộng đoàn trong Hội Đồng Tứ Giáo

Tác phẩm Hội Đồng Tứ Giáo là một sự kiện trong tiểu sử của thánh Vinh Sơn Liêm. Theo cách nhìn sử học, người ta đã đang và sẽ còn tranh luận về tính xác thực của tác phẩm này. Tuy nhiên, với một cách nhìn khác, ta có thể xác quyết rằng, dù có thật hay không cuộc đối thoại giữa bốn tôn giáo, thì chắc chắc tác phẩm ấy là một thứ “lời giảng cộng đoàn” của Dòng Đa Minh trong thế kỷ XVIII tại Việt Nam. Người ta có thể xác quyết tác phẩm này xuất phát từ vùng truyền giáo của Dòng Đa Minh. Cha Phan Tấn Thành[6] viết :

“Thật khó xác định tác giả là ai; chỉ có thể đoán xuất xứ của nó là vùng truyền giáo thuộc dòng Đa Minh (địa phận Đông), bởi vì đã được các thừa sai cùng dòng phổ biến (bản mộc từ năm 1864, rồi in tại Phú Nhai từ năm 1867) và dịch sang tiếng Tây Ban Nha.

Mặc dù dưới khía cạnh phê bình, ta không thể coi cha Liêm và cha Gia là tác giả của sách Hội đồng tứ giáo, nhưng không ai ngăn cản chúng ta coi tác phẩm này như là một công trình tập thể của các thừa sai Đa Minh. Có lẽ cuốn sách được soạn bởi một vài anh em vô danh, nhằm giúp cho các nhà truyền giáo biết cách trình bày đạo lý Công giáo khi đối chiếu với các tôn giáo địa phương. Quyển sách được phổ biến rộng rãi hơn các sách hộ giáo khác có lẽ nhờ nhà in Phú Nhai đường”.

Đây là hoa trái của một “lời giảng cộng đoàn” trong tinh thần Đa Minh, do đó, ta cũng có thể nói hai thánh Gia và Liêm được kể đến trong tác phẩm này là “tác giả”, không phải như những người đã tham dự một Hội Nghị Tứ Giáo thật, nhưng như thành viên trong dòng sức sống của Dòng. Ta có thể khám phá sứ vụ, sức sống, tinh thần truyền giáo và những lý lẽ trong tác phẩm ấy thực sự diễn tả sứ mạng Đa Minh.

Ba đề tài chính trong tác phẩm ấy thật sự là những vấn đề đạo lý căn bản làm nên ý nghĩa toàn thể kiếp sống nhân sinh :

– Cội rễ người ta bởi đâu mà sinh ra ?

– Người ta ở đời này phải làm thế nào ?

– Sự sau cùng hết, người ta chết rồi đi đâu ?

Con người  càng văn minh, càng phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, thực tiễn…và cũng thường hay quên mất ý nghĩa căn bản của kiếp nhân sinh. Thế giới biến đổi nhanh buộc người ta bận tâm để thích ứng, trong khi đáng lý ra, càng trong những biến chuyển mới lạ người ta càng phải bám chắc vào căn bản nhiều hơn. Quả thật một khi trở lại với những ý nghĩa căn bản của phận người, giáo lý Kitô có lẽ có khả năng trở lời cách minh bạch và thuyết phục hơn.

Lời giảng Đa Minh có thể rơi vào tình trạng quá lý thuyết hoặc quá khô khan,… nhưng Tinh thần Đa Minh luôn khẳng định về tính đạo lý của lời giảng thuyết, và tác phẩm Hội Đồng Tứ Giáo khá rõ ràng mang dáng dấp của lời giảng cộng đoàn Đa minh.

3. Lời giảng Cộng đoàn ngày nay

“Lời giảng cộng đoàn” chỉ có thể được thành hình và vận hành đúng đắn khi tìm về với “dự phóng cộng đoàn như một câu chuyện”. Chưa có một cuộc khảo sát nào để có thể đánh giá về phẩm tính lời giảng cộng đoàn trong đời sống Gia đình Đa minh hiện nay. Tuy nhiên, ta vẫn có thể đọc được phần nào phẩm tính ấy trong một số “dấu chỉ”

– Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn thật sự thông thoáng để anh chị em có thể dám sống và dám nói thật với nhau. Điều trái ngược với thái độ “dám sống và dám nói thật với nhau” chính là một bầu không khí dè dặt, một sự ngại ngần trong chia sẻ tâm tình, một thái độ đối phó hoặc tình trạng phe nhóm trong cộng đoàn… Một sự bận tâm quá đáng về lễ nghĩa, quá đề cao cung cách tế nhị có lẽ cũng cho thấy chiều hướng của cộng đoàn nghiêng về kiểu “biết điều” hơn là “chan hòa”… Bình thường người ta sống thật nhất là khi người ta dám thanh thản bày tỏ khuyết điểm của mình; và một cộng đoàn lành mạnh cũng là một cộng đoàn mà các thành viên có thể dễ dàng trêu đùa với những khuyết điểm của nhau trong sự cảm thông và yêu thương, đó là một sự trêu đùa không làm cho nhau bị xúc phạm….

– Ôm ấp một mối bận tâm về sứ vụ. Con người không thể không có chiều kích liên lụy trách nhiệm, và một cộng đoàn đích thực, cho dù là đan viện, cũng không thể không có một thứ lửa sứ vụ trong “dòng máu” nuôi dưỡng sự sống của cộng đoàn.

– Sự trao đổi sống động và phong phú về cảm nhận, ưu tư, tư tưởng và giải pháp có thể để trả lời cho thách đố hiện tại của Giáo hội và xã hội.

…và chắc chắn còn nhiều điều khác nữa, xin anh chị em cùng suy nghĩ thêm về khía cạnh này……………

Tạm kết

Trong suốt hơn 800 năm hiện diện trong dòng lịch sử, truyền thống Đa Minh đã tỏ lộ một năng lực tìm chân lý, nhất là ở những khúc quanh quan trọng của lịch sử. Chẳng hạn, vào thế kỷ XIII, đường lối của thánh Tôma xuất hiện như một giải pháp mới mẻ trong cơn khủng hoảng chân lý giữa hai khuynh hướng duy linh và duy vật. Vào thế kỷ XVI, trong sự nhiễu nhương của một thế giới mới do phong trào thực dân của những đế quốc Tây phương gây nên, nhà thần học Francisco de Victoria đưa ra giải đáp về quyền sở hữu của con người, và Bartolomeo de Las Casas đấu tranh để giải phóng người nô lệ dựa trên nhân quyền. Vào thế kỷ XIX, khi mà vấn đề chân lý của Kinh Thánh bị lung lay tận gốc do khuynh hướng muốn áp dụng phương pháp giải thích thuần tuý khoa học của trào lưu khoa học thực nghiệm, các cha anh trong trường Kinh Thánh Giêrusalem đã là những người tiên phong trong Giáo hội Công giáo dám đối diện thẳng thắn với thách thức đó một cách can đảm…

Năng lực tìm kiếm chân lý như thế chắc chắn không phải là chuyện tình cờ, hay chỉ là tài năng của cá nhân, nhưng còn là hoa trái từ một thái độ tinh thần trong truyền thống của Dòng. Ngay từ khởi đầu, tinh thần của cha Đa Minh đã là thái độ dám nhìn lại một cách can đảm về thực trạng của đời sống Giáo hội và dám chấp nhận những điều tốt đẹp của anh em lạc giáo… Trong nếp sống của người Đa Minh, những phẩm tính như tinh thần tự do, dân chủ, trao đổi cộng đoàn,… đã và đang nhào nặn nên vóc dáng Đa Minh như những người đi tìm chân lý.

Gia sản của Dòng chắn chắn là những thành tựu do cha anh chung ta đã để lại, những học thuyết và những giải pháp, nhưng điều có lẽ còn quý báu hơn và căn bản hơn, đó chính là những đường nét tinh thần đã đưa đẩy các cha anh trên hành trình tìm chân lý. Một sự trung tín đích thực không phải chỉ là gìn giữ kỹ càng, tỉ mỉ những thành quả đã xong của cha anh, nhưng căn bản hơn chính trở về với đường nét tinh thần vẫn luôn chảy ngầm trong dòng truyền thống của Dòng. Chính đường nét ấy đã giúp các cha anh mạnh dạn lên đường tìm kiếm chân lý, thẳng thắn đối diện với thách đố của thời đại, sáng tạo cách nhìn mới mẻ, táo bạo và chân thực. … 

Anh chị em chúng ta có thể làm được gì để gìn giữ và phát huy gia sản quí báu của cha anh ?

Mừng 250 năm thánh Vinh Sơn Liêm lãnh nhận ngành lá thiên tuế, có lẽ điều tốt nhất chúng ta làm được là cùng suy nghĩ và tạo nên một bầu không khí tốt hơn để có một lời giảng cộng đoàn phong phú hơn trên quê hương Việt Nam thân yêu.

___________________

[1] X. Tình Dòng Đa Minh Việt Nam, Can Đảm Hướng Tới Tương Lai, Thư gửi toàn Dòng của các Bề trên Tổng Quyền, Học Viện Đa Minh, 2017.

[2] Cha Bruno Cadoré cho rằng việc việc chuyển dịch từ ngữ propositum vừa cho thấy nhiều sắc thái (tiếng Anh : purpose/ tiếng Pháp : projet/ tiếng Tây Ban Nha: ideal) và cũng cho thấy rõ hơn những nguy cơ giản lược phẩm tính của “dự phóng cộng đoàn” vào một khía cạnh nào đó. Tôi thích hiểu propositum như là một “đề án”…

[3] P Ricoeur, Esprit, 1998, trích lại trong B. Cadorés, Sđd tr. 868.

[4] X. Paul Muray OP, Men Nồng Rượu Mới trong Linh Đạo Đa Minh, Học Viện Đa Minh 2018.

[5] Pie Régamey, O.P. Linh Đạo Đa Minh, bản photo, không rõ nhà xuất bản, tr. 12

[6] Bài thuyết trình dịp 250 năm tử đạo của thánh Vinh Sơn Liêm.

Comments are closed.

phone-icon