Thánh Thể trong Đời sống Thánh hiến

0

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo (GH, số 11), là trọng tâm trong đời sống tu trì. Thánh Thể cũng là “nguồn mạch” của mọi sinh hoạt trong đời sống Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Bí tích Thánh Thể nói lên sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giêsu. Cũng qua Thánh Lễ, cùng với của lễ tuyệt hảo là Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin.

Bánh bẻ ra trên cây thập giá, để làm thành hy lễ tiến dâng Cha.

Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Mình và Máu của mình làm của ăn cho nhân loại.  

Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích cao trọng này. Hơn nữa chúng ta cũng được mời gọi để trở nên giống Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Sống “linh đạo Thánh Thể” trong đời sống thường ngày. Mặt khác, chúng ta cũng có bổn phận loan truyền mầu nhiệm này trong cuộc đời chứng nhân trong đời tu của chúng ta.

1. Sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể chính là sự tiếp diễn của Hy Tế Thập Giá, là đỉnh cao và tuyệt đỉnh của mọi cử hành phụng vụ cũng như các việc đạo đức khác trong đời sống của người kitô hữu nói chung và đời sống người thánh hiến nói riêng.

Nơi Bí tích Thánh Thể, khi hiệp thông với chính Hy Tế Thập Giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng dâng tất cả vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại, và dâng chính bản thân, gồm linh hồn và thân xác của ta làm của lễ để hiệp cùng Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha hầu đem lại ơn cứu độ cho chính bản thân và thế giới. Thật thế: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17), vì hết thảy chúng ta cùng thông phần vào một tấm bánh, thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cr 12, 27), và mỗi người là chi thể của nhau (x. Rm 12, 5).

Theo truyền thống của Giáo hội Đông Phương, các đan sĩ thường đi mót lúa sau mùa gặt của quần chúng trên các cánh đồng, họ nhặt từng bông lúa miến thu gom lại, chà gạo và xay thành bột. Từ bột đem lên bàn than nướng thành tấm bánh. Và trong phần chuẩn bị lễ vật, chủ tế lấy chút nước pha vào chén rượu. Như vậy, chúng ta có dự phần trong tấm bánh và chén rượu.

Nơi Thánh Lễ và qua việc Hiệp Lễ, chúng ta, những người sống đời thánh hiến được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, được Mình và Máu Thánh Ngài nuôi dưỡng, được ngụp lặn trong ân sủng và lớn lên trong tình yêu của Ngài.

Thánh Thể được ví như nguồn sống nơi người tận hiến, thế nên: như cá không nước, cây không nhựa, đèn không dầu, xe không xăng, đời tu mà không năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể thì tâm hồn sẽ suy yếu và chết yểu dần dần, vì: nếu chúng ta không ăn Thịt và uống Máu Con Người, chúng ta không có sự sống nơi mình (x. Ga 6, 53). Còn “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56-57).

Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngài tình nguyện ở lại như thế làm gì nếu không phải vì con người và mong cho nhân loại được hạnh phúc, được sống dồi dào và tồn tại muôn đời.

Khi chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ cảm nghiệm rất rõ tình yêu của Thiên Chúa Cha trong việc trao ban chính Con Một là Chúa Giêsu cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đến lượt Chúa Giêsu, chúng ta thấy và cảm nghiệm được tình yêu tự hiến của Ngài:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Tình yêu này được thánh Phaolô diễn tả: Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân như chúng ta. Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và là cái chết ô nhục trên thập giá (x Pl 2,6-11).

Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả để những người thuộc về Ngài được sống và sống dồi dào.

Nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta kín múc được nguồn suối tình yêu đến với tâm hồn chúng ta, làm cho mảnh đất tâm hồn được dạt dào và tốt tươi; đồng thời chúng ta cũng được mời gọi diễn tả hay làm cho dòng chảy đó đến với những tâm hồn sa mạc đang cần đến dòng suối tình yêu tuôn chảy đến mọi ngõ ngách khô cằn của tâm hồn.

Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, để qua đó ta được hạnh phúc và sẽ trao ban niềm vui, hạnh phúc đó cho anh em chúng ta: “Hãy đến hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Nơi Bí tích cao trọng này, chúng ta được  mời gọi sống sự hiệp thông bằng việc sống với nhau trong tình yêu của Chúa: “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở” (x. ĐHV 362). Bởi vì: “Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua” (PV, số 47). 

2. Bí tích Thánh Thể và đời sống thánh hiến

Khi chiêm ngắm và sống “linh đạo tình yêu” “linh đạo tự hiến” nơi Thánh Thể, người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông, xây dựng và gìn giữ mối dây bác ái với anh em cùng sống đời tu cũng như sống đời gia đình, bởi vì: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau. Thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân thể ấy (x. 1Cr 12,27), và “mỗi người là chi thể của nhau” (Rm 12,5).

Thánh Am-brô-si-ô đã thấy được trong Thánh Thể “món quà hôn lễ” của Đức Ki-tô cho hiền thê của Ngài và thấy được Nụ Hôn Tình Yêu trong sự hiệp lễ.

Thánh Augustino đã dạy: “Nếu anh em là thân thể và chi thể của Chúa Ki-tô, thì chính anh em là Bí tích đang đặt trên bàn thờ Chúa; anh em lãnh nhận Bí tích là chính anh em. Khi anh em lãnh nhận anh em nghe: “Mình Thánh Chúa Ki-tô” và trả lời “Amen”. Hãy thật sự trở thành chi thể của Chúa Ki-tô, để cho lời thưa amen của anh em là chân thật.”

Trong lời nguyện tiến lễ, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã diễn tả sự hiệp thông đó thật sâu xa: “Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa”

Như vậy, khi gắn bó với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào trong đại dương tình yêu bao la của Chúa, và được liên kết với anh em đồng loại như cành cây gắn liền với thân cây: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

Khi hướng tâm hồn chúng ta và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng sẽ trở nên quà tặng để hiến dâng lên cho Thiên Chúa: “Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Thánh Thần” (ĐSTH số 95).

Đời tu của chúng ta sẽ rất hạnh phúc nếu chúng ta kết hiệp với mầu nhiệm Thánh Thể và sống mầu nhiệm ấy trong đời sống thường ngày. Sống sự kết hiệp đó, ta có thể gọi nó là: “linh đạo Thánh Thể”.

3. Sống “linh đạo Thánh Thể” trong đời thánh hiến

Khi sống mầu nhiệm tự hủy này, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã cảm nghiệm: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi bị nghiền nát bởi nanh vuốt của thú dữ để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Thánh nhân đã sống tinh thần ấy và ngài đã thốt lên: “Cho đi tất cả để tìm lại được tất cả”; “Tôi là hạt lúa mì của Chúa Kitô”.

Những người sống đời thánh hiến cũng phải trở nên như hạt lúa mì bị nghiền nát ra để hòa nên một với Chúa Giêsu hầu trở nên tấm bánh cho người khác. Tinh thần này được khởi đi từ chính Chúa Giêsu, Ngài đã vâng lời Thiên Chúa Cha, chấp nhận nhập thể và nhập thế, rồi cuối cùng chết cho nhân loại (x. Pl 2, 6-9). Ngài cũng chấp nhận trở nên của ăn, của uống cho nhân loại nơi Bí tích Thánh Thể.

Như vậy, vì vâng lời, Chúa Giêsu đã chấp nhận thân phận tự hủy liên lỉ để thánh ý Thiên Chúa Cha được thực hiện là cứu độ con người qua cái chết của Chúa Giêsu.

Đến lượt chúng ta, những người sống đời thánh hiến, chúng ta cũng phải hy sinh, trở nên như hạt lúa mì bị nghiền nát nhờ những hy sinh hằng ngày của mình, để qua đó trở nên tấm bánh tinh tuyền thắm đượm hương vị của tình yêu trao tặng cho người khác.

4. Thánh lễ trong cuộc đời

Đức Kitô hôm nay vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta như đã mời gọi môn đệ của Ngài: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Ơn gọi đích thực của mỗi người chúng ta hệ tại ở việc trở nên tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của thế giới cùng với Chúa Giêsu.

Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ, mà còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời: nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết nhẫn nhục, tạo đoàn kết yêu thương, sống cho nhau, vì nhau. Vì sự hiến thân của Chúa Giêsu cho nhân loại mang tính toàn diện, là để mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Chính trong Mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải đẩy lui những tình trạng đối nghịch với phẩm giá con người, mà vì họ, Đức Kitô đã đổ máu mình ra để khẳng định giá trị cao trọng của mỗi con người.

Không nối kết với Thánh lễ cuộc đời, sợ rằng Thánh lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú và phản chứng. Ta hãy nhớ lại cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu giống y như nhau khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau. Cả 3 đoạn văn trên đều diễn tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ. Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng, Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một thực tại:

 Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Ngài đã ban lương thực nuôi thân xác.

–  Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Ngài đã tự hiến mình trên thánh giá.

–   Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Ngài cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhục, hành hình.

–  Chúa Giêsu không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Ngài không chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Ngài đã trở thành bí tích. Ngài không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người.

–  Làm sao có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ (Agape) nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét hoặc chưa giao hòa với nhau? Làm sao có thể đi dự Thánh lễ nếu ta vẫn còn làm ngơ với biết bao anh em đói khổ và thiếu thốn chung quanh mình? Làm sao có thể  dâng Thánh lễ nếu ta chưa dám hy sinh và hiến mình cho anh em?

Bởi vậy thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12,1).

5. Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến

Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến là biết tha thứ và yêu thương nhau. Tha thứ cho những xúc phạm của người khác với mình.

Khi có tha thứ, là có sự bình an trong tâm hồn, xây dựng sự hiệp nhất nơi cộng đoàn mà mình được mời gọi sống với nhau.

Trong đời tu, chúng ta chắc chắn có nhiều lúc bị cám dỗ sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Sống “co cụm trong vỏ ốc” và không muốn quan tâm đến ai. Sống theo kiểu chủ nghĩa “cá nhân”, tức là “ai có thân thì người ấy lo”, hay “mạnh ai nấy thắng”. Đây là những khó khăn, cám dỗ nội tại. Tuy nhiên, đôi khi thử thách đó đến từ ngoại cảnh, tức là chúng ta bị người khác đối xử không tốt và làm cho chúng ta cũng ích kỷ theo khi lựa chọn lối sống “ăn miếng trả miếng”; “mắt đền mắt, răng đền răng.

Người sống đời thánh hiến cũng vậy. Khi kết hiệp nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương nếu không muốn nói là bắt buộc, bởi vì: khi đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong lòng mà không sống yêu thương thì thật là quái gở, mẫu thuẫn nội tại, không bình thường.

Như vậy, tha thứ, xây dựng sự hiệp nhất và sống mầu nhiệm hiệp thông phải là điểm căn bản trong đời tu của chúng ta.

Bánh bẻ ra để bàn tay trao hiến,
chia cho nhau tấm bánh của cuộc đời,
cho con người được sống trong hòa bình hạnh phúc.
Trên bàn tiệc Nước Trời cùng họp mặt chung vui.

Comments are closed.

phone-icon