Có thể tin và sống với hai tôn giáo cùng một lúc?

0

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Tôn giáo và đức tin tự nó đã là một định nghĩa rất mông lung, rất trìu tượng mang nặng tính triết học, và thần thánh. Ở một nghĩa nào đó, nó tiềm ẩn những hình thức mê tín, dị đoan và huyền bí. Dưới con mắt của một người vô thần thì “Tôn giáo là một cái gì nhảm nhí, nhưng lại không ai có thể dẹp bỏ được điều nhảm nhí đó”. Và cái mà những người này cho là nhảm nhí của tôn giáo chính là đức tin, niềm tin tưởng vào Thượng Đế, vào sức mạnh vô hình, và vào cõi siêu nhiên. Vì thế, nếu có người này, người khác biểu lộ nếp sống tôn giáo của họ qua những hình thức khác nhau, những thực hành khác nhau, điều này không có gì lạ. Tuy nhiên, khi đã đề cập đến tôn giáo, đến niềm tin, đến thiêng liêng một cách nghiêm chỉnh, thì câu hỏi cốt lõi vẫn là:

1. Tôi sinh ra để làm gì? Mục đích của đời sống con người ở cõi tạm này là gì? Tại sao tôi lại sinh vào thế gian này?

Để trả lời câu hỏi tại sao tôi có mặt trên cõi đời này, việc này tốt hay không tốt đối với tôi, Thánh Augustine (354-430) đã có câu nói hết sức thời danh, đó là, “Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến bạn khi Ngài dựng nên bạn.” Theo thánh nhân, nguyên một việc được đưa ra từ hư vô vào cõi nhân sinh đối với ta đã là một ân huệ của Thượng Đế. Vì vậy, khi Thiên Chúa thưởng ban ơn huệ cho ta là Ngài thưởng ban do những nỗ lực của ta, chứ những việc làm của ta chẳng thêm bớt gì cho vinh quang Ngài cả. Sách Giáo Lý Công Giáo dạy, “Thiên Chúa dựng nên ta vì sự thánh thiện của Ngài, và để chia sẻ với chúng ta hạnh phúc viên mãn của Ngài trên thiên đàng” (God made us to show forth His goodness and to share with us His everlasting happiness in heaven), [1] một hạnh phúc mà “mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng trí chưa hề tưởng tượng những gì mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những kẻ yêu mến Ngài” (I Cor 2:9).

Ngay từ khi còn trên gối mẹ, mẹ tôi đã dạy tôi những lời kinh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa này: “Tôi cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ tôi, chẳng để tôi không đời đời, mà lại sinh ra tôi, cho tôi được làm người, cùng hằng gìn giữ tôi, hằng che chở tôi…, và cho tôi được đạo thánh Đức Chúa Trời…” Lời kinh đơn sơ ấy có thể được diễn nghĩa theo văn chương hiện nay là: Con cảm ơn Thiên Chúa tốt lành vô cùng, Ngài đã nghĩ đến con. Đem con từ hư vô ra hiện hữu. Ngài luôn che chở và đồng hành bên con. Nhất là ban cho con ơn huệ được nhận biết Ngài, được sống trong Hội Thánh của Ngài.

Đối với nhân loại kể cả các Kitô hữu, quan trọng nhất vẫn là được cứu độ, được phúc lộc trường sinh, “Vì chưng, nếu không được cứu chuộc, chúng ta sinh ra có ích gì?”[2]

2. Con đường nào dẫn đến vĩnh hằng?

Để đạt tới hạnh phúc viên mãn, để lên được vĩnh hằng, Niết Bàn, hay Thiên Đàng, con người dựa vào những con đường – đạo. Đạo chính là đường. Phật Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Tin Lành, và Công Giáo… Mỗi đạo đều có những triết lý, những giáo lý, những cách thức biểu lộ niềm tin, thực hành đạo. Như vậy, trên hành trình dẫn về vĩnh cửu, về Thiên Đàng, về miền cực lạc, về Niết Bàn… Trên con đường tìm gặp Thượng Đế, Đấng Toàn Năng, Thiên Chúa, mỗi người hoặc nhiều người sẽ đi trên những con đường đạo giáo phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, kiến thức và tâm linh mà mình có. Từ cái nhìn này, một số người vẫn thường quan niệm đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, đạo nào cũng tốt. Và dẫn đến việc là trong thực hành, có những người không theo đạo nào, ngược lại, có những người không chỉ theo một đạo mà nhiều đạo.

Giáo Hội Công Giáo trong quá khứ đã không dễ dàng chấp nhận, cũng như tôn trọng những giá trị tinh thần của nhiều tôn giáo. Quan niệm và lối nhìn ấy có thể đến từ việc hiểu và cắt nghĩa một cách hẹp hòi lời của Thiên Chúa: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16: 16). Như thế, chỉ những ai may mắn được tiếp nhận giáo lý Công Giáo, nghe và học hỏi rồi được rửa tội theo nghi thức Công Giáo mới được cứu rỗi, mới được lên Thiên Đàng, được vào Niết Bàn, được đến miền cực lạc. Nhưng con số những người được rửa tội theo nghi thức Công Giáo, tính đến nay vẫn chỉ là một con số ít ỏi so với toàn thể nhân loại. Sau hơn 2000 năm được thành lập, theo tài liệu của Wikipedia, the free encyclopedia, hiện nay trên toàn thế giới, Giáo Hội Công Giáo dưới sự cai trị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới chỉ có:
640 Tổng Giáo Phận.
2.851 Giáo Phận.
221.700 Giáo Xứ.
1.299 tỷ tín đồ, 3 với:
5.304 Giám Mục.
415.656 Linh Mục.
42.255 Phó Tế.[3]

Vậy thì so với con số thống kê toàn thế giới tính đến tháng 5 năm 2018 là 7.6 tỷ người, liệu đã được bao nhiêu người nghe tới Phúc Âm, biết về Thiên Chúa, và được rửa tội? Những người này sẽ đi về đâu sau khi chết?!

Có lẽ vì nhận thấy mình quá khép kín, quá lạc lõng, quá bảo thủ giữa thế giới hiện đại nên Công Đồng Vaticano II mới được triệu tập, và sau Công Đồng này cái nhìn về các tôn giáo khác, về ơn cứu độ, và về con người của Giáo Hội Công Giáo đã có những đổi mới, cũng như đã có những canh tân về giáo lý, tín lý, và cơ cấu của Giáo Hội.

Cái nhìn thần học mới về ơn cứu độ sau Công Đồng, đó là mặc dù vẫn khẳng định ơn cứu độ có được do bởi Đức Kitô, bởi đức tin và bởi Bí tích Rửa tội, và thuộc về Giáo Hội, nhưng người ngoài Công Giáo cũng có thể được cứu độ, do họ có liên kết với Giáo Hội, thí dụ, thuộc hẳn về Giáo Hội như các tín hữu đã chịu phép Rửa Tội, hoặc hiệp thông với Giáo Hội nếu là những người ngoài Công Giáo.

Trong số những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, dưới cái nhìn của Vaticano II lúc này thì họ là những người thuộc về các tôn giáo ngoài Công Giáo. Họ là những người không do lỗi của họ chưa biết Thiên Chúa. Hoặc họ là những người vẫn sống một cuộc đời tốt lành theo lương tâm ngay thẳng, tuy không thuộc về bất cứ một tôn giáo nào, mà chỉ là những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa.

Công Đồng Vaticano II tuy không trả lời rõ ràng những người không Công Giáo có thể được cứu độ ngoài hay trong chính tôn giáo của họ, hoặc các tôn giáo này tự nó có những giá trị cứu độ hay không, nhưng thừa nhận rằng mặc dù Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ [4], các tôn giáo khác cũng có những giá trị tích cực, vì mọi tôn giáo đều tìm kiếm câu trả lời cho những khắc khoải của kiếp người, vấn đề nhân sinh. Tất cả mọi dân tộc làm nên một cộng đồng, chia sẻ một định mệnh chung, ở đó có những “hạt giống của Lời Chúa” [5] “những tia chân lý soi sáng con người” [6] và có hoa trái của Chúa Thánh Thần. Công Đồng cũng cho rằng nơi các tôn giáo này có chứa đựng những yếu tố siêu nhiên, ngay cả đức tin cứu độ. Bỏ qua những giới hạn, sai lầm và tội lỗi của con người, các tôn giáo này là một chuẩn bị cho Tin mừng.

3. Các vị Giáo Hoàng của thế kỷ

Vấn đề đối thoại liên tôn, vấn nhìn nhận những giá trị Kitô Giáo, và sự hiệp nhất giữa các tôn giáo có cùng một niềm tin vào Thiên Chúa, cùng nguồn gốc như Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, và Tin Lành được trình bày bàng bạc trong tài liệu Công Đồng Vaticano II. Ở đây xin dẫn chứng các vị Giáo Hoàng của Công Đồng và sau Công Đồng với những suy nghĩ và tầm nhìn liên quan đến những vấn đề trên:

– Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978), vị Giáo Hoàng của “đối thoại”. Ngài là người đã có những cái nhìn mới và thiện cảm với các tôn giáo bạn. Ngài được tuyên phong hiển thánh ngày 14 tháng Mười, 2018.

Kế vị Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963), đấng triệu tập và khai mạc Công Đồng, Đức Phaolô VI đã điều khiển và bế mạc Công Đồng Vaticano II, và ngài đã có một tầm nhìn phong phú, sâu sắc về các tôn giáo khác như sau:

“Thiên Chúa đến cho nhân loại. Giáo Hội phải đối thoại với 1) toàn thế giới, 2) các phần tử của các tôn giáo khác, 3) các giáo hội Kitô khác, và 4) ngay chính trong lòng Giáo Hội.”

“Cần phải tôn trọng các gía trị luân lý và tâm linh nơi các tôn giáo khác.” Ngài viết trong thông điệp của mình: “Giáo Hội kính trọng và đánh gía cao các tôn giáo Không-Kitô giáo, bởi vì các tôn giáo đó là cách diễn tả sống động tâm hồn của vô số các nhóm dân tộc. Chúng mang trong mình tiếng vang vọng cuộc tìm kiếm Thiên Chúa từ hàng ngàn năm nay, một cuộc tìm kiếm tuy bất toàn nhưng được thực hiện với thành tâm thiện ý…. Chúng có vô số “các hạt giống của Lời Chúa” và do đó, hình thành một “chuẩn bị đích thực cho Tin Mừng” [7] .

– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005), bằng một tầm nhìn của một triết gia, ngài đã khẳng định tư tưởng của mình trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc): “Giáo Hội cần cho ơn cứu độ vì Giáo Hội được thiết lập do ý muốn của Thiên Chúa và Giáo Hội tham dự vào kế hoạch cứu độ của Người. Ơn cứu độ không chỉ ban cho những ai là thành viên của Hội Thánh, minh nhiên tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng cũng được ban cho những ai sống ngoài ranh giới của Giáo Hội” [8]

Vẫn theo ngài, cần phải có sự kính trọng đối với mọi điều đã được Thánh Thần thổi bất cứ nơi đâu Người muốn. Qua đối thoại, Giáo Hội muốn khám phá “hạt giống Lời Chúa” nơi các tôn giáo khác. Tuy nhiên, đối thoại không thể thay thế cho sứ vụ rao giảng Tin mừng của Giáo Hội, vì đối thoại liên tôn là một phần của sứ vụ Giáo Hội. Đối thoại là con đường hiểu biết lẫn nhau và làm phong phú lẫn nhau. Đối thoại và sứ vụ rao giảng Tin mừng liên hệ mật thiết với nhau nhưng không hoán vị nhau.

– Là nhà thần học lỗi lạc của thế kỷ và cũng là Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo, Đức Bênêđíctô XVI (2005-2013) “không tin rằng hằng triệu triệu sinh linh bị luận phạt đời đời do một Thiên Chúa tình yêu chỉ vì cũng một Thiên Chúa tình yêu và toàn năng đã an bài cho họ được sinh ra tại những quốc gia mà ở đó không phải là Kitô Giáo.” (He can’t believe that untold millions are being tormented forever by a loving God just because the same loving and omnipotent God arranged for them to be born in countries that are not Christian). [9] Trong buổi triều yết chung, ngày 30 tháng 11, 2005, nhận định về bài suy niệm của Thánh Augustine (354-430), ngài đã nói: “Bất cứ những ai tìm kiếm sự bình an và thiện hảo của tôn giáo với một lương tâm tinh tuyền, và tuân giữ sống động ước muốn về sự hoàn thiện, sẽ được cứu độ mặc dù họ thiếu hiểu biết về niềm tin của Thánh Kinh.” Whoever seeks peace and the good of the community with a pure conscience, and keeps alive the desire for the transcendent, will be saved even if he lacks biblical faith, says Benedict XVI. [10]

– Sau cùng là Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2013 – ) đang điều khiển Giáo Hội. Ngài không ngừng hô hào, cổ võ đối thoại, hiệp thông với các tôn giáo, kể cả Hồi Giáo. Hiện ngài còn hướng đến việc đối thoại và hiệp thông với cả những giám mục quốc doanh, với giáo hội quốc doanh Trung Hoa nữa. Điều này đang nổi lên những phê bình, những quan tâm từ phía các giáo phẩm, những nhà chuyên môn, những chính khách lỗi lạc, cũng như những trí thức Công Giáo.

Tóm lại, có thể kết luận: “Giáo Hội là phương tiện mang lại ơn cứu độ cho nhân loại theo như dự án của Thiên Chúa. Chỉ có một lịch sử là lịch sử cứu độ, qua lịch sử này, Thiên Chúa mạc khải dần dần chương trình cứu độ của Người. Đỉnh cao của lịch sử, ơn cứu độ tuyệt đối và mạc khải là chính Đức Giêsu Kitô.” [11] Tuy nhiên, bên cạnh đạo Công Giáo, vẫn có những con đường khác mở ra cho những ai đang nỗ lực tìm kiếm cho mình một lối đi an toàn dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa.

4. “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6).

Giải thích cho thiếu phụ Samaritano bên bờ giếng Giacob về tôn giáo, và cách thức thể hiện niềm tin, Chúa Giêsu đã nói với chị: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gioan 4:23-24). Chúng ta chỉ có thể tìm được thần khí ấy, sự thật ấy nơi Đấng đã tự xưng: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6). Do đó, cũng trong niềm tin vào Thiên Chúa, dưới ánh sáng thần linh của Ngài khởi dẫn, nếu như ai đó phát hiện, nhận ra niềm xác tín của mình qua đức tin Công Giáo, đòi hỏi họ phải suy niệm, phải sống, và thực hành theo đúng ý nghĩa là một tôn giáo.

Tóm lại, khi chưa biết Thiên Chúa, chưa nghe về Ngài, và chưa được học hỏi về Ngài, người ta có thể tìm kiếm, thay đổi, hoặc tin theo đạo này, đạo khác. Nhưng khi lời mặc khải đã đến, và khi đã tìm được Ngài, thì không có lý do gì để cho phép chúng ta chọn lựa và hành động như người không có niềm tin. Mátthêu đã ghi lại sự chọn lựa cuối cùng của chúng ta trên con đường đi tìm chân lý. Thánh sử viết: “Nước Trời cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quí, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”. (Mat 13: 45-46)

________

Tài liệu tra cứu:
1. Lesson 1 from the Baltimore Cathechism
2.Công bố Nến Phục Sinh
3.”Presentazione dell’Annuario Pontificio 2018 e dell’ “Annuarium Statisticum Ecclesiae” 2016″ (in Italian). Sala Stampa della Santa Sede. 13 June 2018. Retrieved 13 June 2018.
4.Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 45
5.Nostra Aetate số 11
6.Lumen Gentium số 17
7.Evangelii Nuntiandi 53
8.Redemptoris Missio số 10
9.Andrew Brown, “If a former pope says non-Catholics can go to heaven, why be Catholic?”, THE GUARDIAN. Tue 22 Mar 2016 09.46 EDT Last modified on Wed 23 Mar 2016 04.09 EDT
10.VATICAN CITY, NOV. 30, 2005 (Zenit.org)
11.Nguồn tin: Học Viện Đa Minh

Comments are closed.

phone-icon