Nghệ thuật Công giáo – Tập 1

0

NGHỆ THUẬT CÔNG GIÁO – tập 1

Tác giả : Nguyên Hưng

Nhà xuất bản : Đồng Nai

Năm xuất bản : 2011

Số trang : 177 trang

Bìa sách

Ủy ban Nghệ Thuật Thánh (UBNTT) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) vừa xuất bản cuốn sách “Nghệ thuật Công giáo-tập 1” của nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng

Lịch sử nghệ thuật Công giáo đã có chiều dài gần 20 thế kỷ; trong đó, một thời gian rất dài, khoảng từ thế kỷ thứ III cho đến thế kỷ thứ XVIII, nghệ thuật Công Giáo là dòng chủ lưu, thậm chí, ít nhiều đồng nhất với nghệ thuật Tây phương nói chung. Hầu hết những tác phẩm lớn, từ hội họa đến điêu khắc và kiến trúc, nếu không gắn liền với cảm hứng từ Cựu Ước và Tân Ước thì cũng được Giáo hội bảo trợ; tư tưởng mỹ học của nghệ thuật Công giáo ảnh hưởng, với những độ đậm nhạt khác nhau, lên hầu hết các trào lưu mỹ thuật Tây phương suốt từ thời trung cổ đến thời sơ kỳ hiện đại, từ nghệ thuật Romanesque và Gothic đến nghệ thuật Phục hưng và Baroque. Từ thế kỷ XIX, trong khi ảnh hưởng của nghệ thuật Công giáo giảm dần ở Tây phương thì nó lan rộng và ăn sâu vào nghệ thuật của vô số quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á và châu Phi, trước hết theo con đường thực dân hóa và sau, theo con đường toàn cầu hóa.

Bởi vậy, có thể nói, nghệ thuật Công giáo là một hiện tượng toàn cầu. Đó là tài sản của nhân loại và là một trong những thành tựu xuất sắc nhất mà con người đã đạt được trong lịch sử. Việc tìm hiểu nghệ thuật Công giáo, do đó, không đơn giản thuộc phạm vi của đức tin mà rộng hơn, thuộc phạm trù tri thức và thẩm thức. Hầu như bất cứ người nào yêu nghệ thuật và tò mò về lịch sử nghệ thuật thế giới, hoặc ít nhất, nghệ thuật Tây phương, cũng đều quan tâm đến nghệ thuật Công giáo. Có thể nói, không hề sợ khoa trương, thiếu kiến thức về nghệ thuật Công giáo, sự hiểu biết của chúng ta về nghệ thuật nói chung, sẽ bị hụt hẫng hẳn đi – cũng như nói về hội họa và điêu khắc mà quên đi những tên tuổi lớn như Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphel

Điều đáng tiếc là, ở Việt Nam, trong mấy chục năm vừa qua, do nhiều nguyên nhân, khách quan cũng như chủ quan, nghệ thuật Công giáo chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Và đúng cách. Do đó, ngộ nhận rất phổ biến; thậm chí, nhiều người không hề nghĩ đến sự tồn tại của nó.

Cuốn sách này, bởi vậy, có thể được xem là bước đầu chạm lại nghệ thuật Công giáo.

Chạm lại, bằng cách điểm lại một số tác phẩm tiêu biểu của một số tác giả tiêu biểu ở một số chủ đề tiêu biểu của nghệ thuật Công giáo.

Đây là cuốn sách rất đáng để tham khảo cho nghệ thuật thánh. Vậy xin trân trọng giới thiệu và kính mời độc giả đến Thư viện Chân Lý để tìm đọc quyển sách hữu ích này.

Thủ Thư

Comments are closed.

phone-icon