Gia đình – Giáo xứ – Cộng đoàn Lời Chúa

0

GIÁO LÝ MỤC VỤ 2011 CỦA GIÁO PHẬN XUÂN LỘC:

GIA ĐÌNH – GIÁO XỨ – CỘNG ĐOÀN LỜI CHÚA

VÀO TẬP

Tại Nhà thờ chính tòa Xuân Lộc, ngày 03/01/2011, khi cử hành thánh lễ bế mạc (Cấp Giáo phận) Năm thánh Giáo Hội Việt Nam, Đức Giám Mục Giáo phận đã công bố đường hướng mục vụ Ngũ Niên để đón mừng Kim khánh thành lập Giáo phận (1965-2015) là “Canh tân đời sống đức tin gia đình và giáo xứ thành Gia đình của Thiên Chúa”. Chương trình Ngũ Niên bắt đầu từ năm 2011 và kết thúc vào năm 2015.

Ban Huấn giáo trân trọng giới thiệu tập tài liệu học tập về đường hướng mục vụ Ngũ Niên này giúp các giáo xứ triển khai cho mọi thành phần dân Chúa thuộc giáo phận hiểu và sống, làm nên lời cảm tạ chân thành và hữu hiệu trước những hồng ân Chúa đã thương ban cũng như trước những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai.

Tài liệu này dành bài 1 để trình bày khái quát đường hướng mục vụ ngũ niên. Các bài tiếp theo triển khai chủ đề mục vụ năm 2011 là “Gia đình và giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa”.

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng trí lòng để chúng ta nắm vững đường hướng mục vụ ngũ niên, đồng thời hiểu, yêu mến và sống Lời Chúa. Nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm giúp mỗi người chúng ta biết đón nghe và thực hành Lời Chúa như Mẹ.

Ban Huấn giáo Giáo Phận

 TÌM BÀI :

  • Vào tập
  • Bài 1: Khái quát đường hướng mục vụ ngũ niên
  • Bài 2: Thiên Chúa nói với lòai người
  • Bài 3: Lời Thiên Chúa trong Kinh thánh
  • Bài 4: Thành thánh, Đền thờ Giêrusalem và các đại lễ Do thái giáo
  • Bài 5: Khung cảnh lịch sử dân Do Thái thời Chúa Giêsu
  • Bài 6: Tin mừng nhất lãm
  • Bài 7: Tin mừng theo thánh Gioan
  • Bài 8: Sách Tông đồ công vụ
  • Bài 9: Các thư thánh Phaolô
  • Bài 10: Truyền thống đọc Lời Chúa trong Hội thánh
  • Bài 11: Người tín hữu đọc và suy niệm Kinh thánh
  • Bài 12: Người tín hữu sống Lời Chúa
  • Bài 13: Đức Maria, mẫu gương suy niệm và sống Lời Chúa
  • Kinh cầu cho Giáo phận

 BÀI  I: KHÁI QUÁT

ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ NGŨ NIÊN

 “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 46-47).

Bước vào cuộc hành trình dài 5 năm chào đón Kim Khánh Giáo phận (năm 2015), chúng ta cần thống nhất hướng đi và các hoạt động. Sự đồng lòng chung sức chắc chắn được Chúa chúc phúc và chúng ta sẽ gặt hái thành công tốt đẹp.

1.  H. Đường hướng mục vụ ngũ niên của Giáo phận thế nào và có mục đích gì ?

T. Đường hướng mục vụ Ngũ niên của Giáo phận là:“Canh tân đời sống đức tin gia đình và giáo xứ thành Gia đình của Thiên Chúa”, có mục đích hưởng ứng lời mời gọi của Đại hội Dân Chúa Việt Nam: “Đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam” (Sứ điệp ĐHDC số 3), và để cảm tạ Thiên Chúa về muôn hồng ân đã lãnh nhận, nhất là hồng ân hiệp thông, từ ngày thành lập giáo phận (1965), khi giáo phận chuẩn bị đón mừng Kim khánh thành lập Giáo phận (2015).

2.  H. Đường hướng mục vụ ngũ niên được thực hiện cách nào?

T. Đường hướng mục vụ ngũ niên mời gọi từng người và tất cả các tín hữu thực hiện cuộc canh tân toàn diện đời sống dựa trên 04 cột trụ là Lời Chúa – Phụng tự – Yêu thương – Truyền Giáo mà trung tâm và chóp đỉnh là Thánh Thể.

Để đạt hiệu quả cao, mỗi năm sẽ học hỏi và nỗ lực thực hiện 01 chủ đề :

Năm 2011: Gia đình và Giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa.

Năm 2012: Gia đình và Giáo xứ, cộng đoàn Phụng tự.

Năm 2013: Gia đình và Giáo xứ, cộng đoàn Yêu thương.

Năm 2014: Gia đình và Giáo xứ, cộng đoàn Truyền giáo.

Năm 2015: Gia đình và Giáo xứ, cộng đoàn Thánh Thể.

3. H. Dựa vào đâu để ấn định các chủ đề trong kế hoạch ngũ niên?

T. Dựa vào cách sống đức tin của cộng đoàn tín hữu thời các tông đồ. Sách Tông đồ công vụ (Cv) ghi lại như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừngHọ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2, 42.47)

4.   H. Cần nắm bắt những ý tưởng quan trọng nào trong đường hướng mục vụ ngũ niên?

T. Cần nắm bắt ba ý tưởng quan trọng này:

  • Một là canh tân đời sống đức tin.
  • Hai là cộng đoàn gia đình và Giáo xứ.
  • Ba là gia đình của Thiên Chúa.

5.  H. Canh tân đời sống đức tin là gì ?

T. Canh tân đời sống đức tin là: trở về với giáo lý tinh tuyền của Chúa Kitô, và đổi mới đời sống sao cho cuộc sống hôm nay đi đúng giáo lý tinh tuyền đó.

6. H. Vì sao cần canh tân đời sống đức tin?

T. Vì cách hiểu và sống đức tin của không ít Kitô hữu còn nhiều hạn chế, như yếu kém (do không xây trên nền tảng vững chãi), thiếu sót (do chưa thực hành đầy đủ các đòi hỏi đức tin), lệch lạc (do pha trộn ít nhiều yếu tố mê tín dị đoan, do tác động của thời thế), lỗi thời (do cách diễn tả đức tin gây ngộ nhận cho người khác).

7.      H. Gia đình có tương quan thế nào đối với Hội thánh?

T. Gia đình là “Hội thánh tại gia”, là “Hội thánh thu nhỏ”. Vì thế, gia đình cần sống đời cầu nguyện, yêu thương, phục vụ và truyền giáo là những hoạt động chính yếu của Hội thánh.

8.      H. Trong gia đình, cha mẹ có nhiệm vụ nào?

T. Trong gia đình, cha mẹ có nhiệm vụ đem sức sống đức tin nuôi dưỡng các thành viên. Vì thế, cha mẹ được gọi là “Giáo lý viên đầu tiên của con cái.”(?)

9. H.    Theo Giáo luật, Giáo xứ là gì ?

T. Theo Giáo luật: “Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho cha xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục giáo phận. (GL điều 515 §1)

Theo đó, Giáo Luật xác định vai trò của cha xứ trong cộng đoàn giáo xứ.

10. H. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Giáo xứ là gì ?

T. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II : “Giáo xứ là gia đình của Thiên Chúa, là cộng đoàn huynh đệ chỉ có một tâm hồn, là mái ấm gia đình, huynh đệ và niềm nở.” (Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, số 26).

Như thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến bầu khí thuận lợi cho việc phát triển đức tin và thực thi đức ái nơi giáo xứ.

11. H. Trong Giáo xứ, cha xứ có vai trò nào?

T. Trong giáo xứ, cha xứ là người cha. Cùng với các cộng sự viên, cha xứ thực hiện việc canh tân đời sống đức tin cho mọi thành phần trong giáo xứ, bằng việc giảng dạy, cử hành các bí tích và lãnh đạo.

12. H. Vì sao liên kết gia đình với giáo xứ trong tiến trình canh tân đời sống đức tin ?

 T. Vì ảnh hưởng hỗ tương giữa gia đình và giáo xứ : gia đình ươm trồng đức tin, giáo xứ làm tăng trưởng đức tin. Gia đình tốt, giáo xứ sẽ tốt. Giáo xứ tốt, gia đình sẽ tốt hơn. Như thế, gia đình và giáo xứ vừa là tác nhân, vừa là địa bàn thực hiện việc canh tân đời sống đức tin.

13.H. Gia đình Thiên Chúa là gia đình nào?

T. Gia đình Thiên Chúa là gia đình Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản thể và quyền năng như nhau, cùng hoạt động trong việc sáng tạo, cứu độ và thánh hóa thế gian.

14. H. Cần hiểu thế nào về mục tiêu gia đình của Thiên Chúa?

T. Gia đình và giáo xứ được mời gọi nhìn lên Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu gương sự hiệp nhất và nguồn mạch tình yêu, để cùng nhau làm cho gia đình mình thành cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương, xứng đáng được Thiên Chúa nhận làm gia đình của Người.

15. H. Để canh tân đời sống đức tin, cần lưu ý những yếu tố nào ?

T. Cần lưu ý ba yếu tố này :

  • Một là ơn Chúa.
  • Hai là nỗ lực bản thân.
  • Ba là môi trường sống.

16. H. Cần làm gì để đón nhận ơn Chúa trong đời sống đức tin?

T. Cần cầu nguyện. Thánh Phêrô khi nhận biết đức tin của mình rất non yếu nên đã thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Thầy xin thêm đức tin cho con.” (Lc 17, 5)

17. H. Sự cố gắng bản thân đòi hỏi những đức tính nào?

T. Phải chân thành và kiên trì. Chân thành nhận mình còn xa lý tưởng Kitô giáo, và kiên trì để không nản lòng trước những khó khăn.

18. H. Cần tạo lập môi trường gia đình và giáo xứ thế nào để đạt kết quả trong việc canh tân đời sống đức tin?

T. Cần tạo lập môi trường thánh thiện, thanh khiết, yêu thương, hiệp nhất và phục vụ. Sống trong môi trường như thế, các thành viên cảm thấy được nâng đỡ, sẽ khích lệ nhau cùng thăng tiến.

 BÀI II: THIÊN CHÚA NÓI VỚI LOÀI NGƯỜI

Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh tử.” (Dt 1,2)

Chúa nói với chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Cần bén nhạy nhận ra tiếng nói đầy yêu thương ấy để thực hành mà được sống đời đời.

19. H. Chủ đề mục vụ năm 2011 của Giáo phận là gì?

T. Chủ đề mục vụ năm 2011 của Giáo phận là: “Gia đình và giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa.

20. H. Vì sao chọn Lời Chúa làm chủ đề mục vụ cho năm đầu tiên trong kế hoạch ngũ niên này?

T. Vì Lời Chúa rất quan trọng trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của người Kitô hữu:

  • Lời Chúa quy tụ con người thành cộng đoàn của Thiên Chúa.
  • Lời Chúa xây dựng nền tảng và phát triển đời sống đức tin.

21. H. Con người thường bày tỏ tâm tư tình cảm của mình bằng cách nào?

T. Con người thường bày tỏ tâm tư tình cảm của mình qua lời nói, chữ viết, thái độ, cử chỉ và các loại  hình nghệ thuật như múa hát, hội họa, điêu khắc….

22. H. “Lời Chúa” có nghĩa là gì ?

T. Lời Chúa nói chung có nghĩa là những cách thức Chúa dùng để bày tỏ ý muốn của Chúa cho nhân loại.

23. H. Thiên Chúa thường dùng những cách thức nào để nói với loài người ?

T. Thiên Chúa thường dùng những cách thức này: Vũ trụ thiên nhiên, lương tâm con người, thị kiến, chiêm bao, các Ngôn sứ, Sách thánh, Hội thánh, Chúa Giêsu Kitô.

24. H. Thiên Chúa nói với loài người qua vũ trụ thiên nhiên như thế nào?

T. Qua vũ trụ thiên nhiên, Thiên Chúa nói cho con người biết Người là Đấng quyền năng đã dựng nên vũ trụ và ban cho con người hưởng dùng vũ trụ này: “Trời đất tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,1; x. St 1,1-2,25).

25. H. Thiên Chúa nói qua lương tâm con người nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Thiên Chúa đặt tận đáy lòng con người những nguyên tắc căn bản giúp con người phân biệt điều tốt điều xấu. Do đó, người nào biết lắng nghe tiếng lương tâm ngay thẳng mách bảo, người ấy có thể hành động đúng thánh ý Chúa (x. GLCG 777).

26. H. Có khi nào Thiên Chúa đã nói với loài người qua các ngôn sứ không?

 T. Có nhiều trường hợp, như khi:

– Thiên Chúa dùng Môi sen nói với dân Israel rằng: “ Này Ta sẽ đến với ngươi trong làn mây u huyền, để cho dân nghe được trong lúc Ta phán bảo ngươi và chúng cũng tin vào ngươi luôn mãi” (Xh 19, 9).

–   Thiên Chúa dùng Giona nói với dân thành Ninivê rằng: “Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị hủy diệt” (Gn 3, 4).

–   Thiên Chúa dùng ngôn sứ Isaia nói với dân Israel rằng: “Vào thời ân sủng, Ta sẽ nhận lời ngươi, trong ngày cứu độ, Ta sẽ hộ giúp ngươi” (Is 49, 8).

27. H. Câu Kinh thánh nào chứng tỏ Thiên Chúa nói với loài người nhờ Đức Giêsu Kitô?

T. Đó là câu: “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 2). Như thế chính Chúa Giêsu Kitô là lời ưu việt, vượt trên mọi hình thức Thiên Chúa dùng để nói với loài người.

28. H. Hội thánh tuyên xưng thế nào về việc Thiên Chúa dùng Kinh thánh để nói với loài người?

T. Kết thúc các bài đọc sách thánh đêm vọng Phục sinh, Hội thánh cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa,Chúa dùng lời Kinh Thánh giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Vượt Qua. Xin cho chúng con được thâm hiểu lòng nhân hậu của Chúa đối với chúng con, để những hồng ân Chúa ban tặng ở đời này giúp chúng con vững vàng tin tưởng sẽ được Chúa ban muôn phúc lộc đời sau.” (sách lễ Rôma XB 1992, tr 293)

29. H. Kinh Thánh là cách thế Thiên Chúa dùng ngôn ngữ loài người để nói với loài người. Vì thế, muốn hiểu Kinh thánh ta phải làm gì ?

T. Ta phải vừa dựa vào chữ viết vừa vượt qua chữ viết, nghĩa là phải nhờ Chúa Thánh Thần mới hiểu được điều Chúa muốn nói như  Thánh Phaolô đã viết: “Văn tự thì giết chết, Thần Khí mới ban sự sống.” (2 Cr 3,6).

30. H. Truyền thống Giáo hội công nhận có bao nhiêu nghĩa trong Kinh Thánh?

T. Truyền thống Giáo hội công nhận có 2 loại nghĩa trong Kinh Thánh, đó là nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng (x.Tông huấn Lời Thiên Chúa số 37). Nghĩa văn tự là nghĩa theo mặt chữ; Nghĩa thiêng liêng gồm nghĩa ẩn dụ, luân lý và loại suy. Các nghĩa này được diễn tả trong câu thơ thời Trung cổ như sau:

Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin; luân lý nói tới hành động;  loại suy nói về số phận tương lai.” (?)

31. H. Trong chủ đề “Gia đình và giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa”, Đức Giám mục muốn nhấn mạnh tới hình thức “lời” nào của Thiên Chúa?

T. Đức Giám mục muốn nhấn mạnh tới bộ sách Kinh thánh, nhất là Tân ước, cách riêng bốn sách Tin mừng và các thư Thánh Phaolô.

32. H. Có tài liệu nào giúp người tín hữu học hỏi và thực hành Lời Chúa không?

 T. Có nhiều tài liệu:

Tài liệu Hội thánh toàn cầu gồm:

  • Hiến chế Tín lý về mạc khải (Lời Chúa – Dei Verbum) ban hành ngày 18/11/1965)
  • Sách Giáo lý Hội thánh công giáo ban hành ngày 11/ 10/1992
  • Tông huấn Lời Thiên Chúa (Verbum Domini), ban hành ngày 30/9/2010.
  • Tài liệu Hội thánh Việt Nam có:
  • Các ấn bản Kinh thánh do Uy Ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám mục xuất bản.
  • Thư mục vụ 2005 của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Lời Chúa.

Tài liệu của Giáo phận Xuân Lộc có:

  • Bộ sách “Giờ Kinh tối gia đình”.
  • Tập sách “Dẫn vào Kinh thánh”.
  • Thư mục vụ năm 2011 của Đức Giám mục.
  • Tập sách “Gia đình và giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa” của Ban Huấn giáo Giáo phận.

33. H. Thư Mục vụ và tập sách “Gia đình và giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa” được gửi tới ai và có mục đích gì?

T. Thư mục vụ và tập sách “Gia đình và giáo xứ, cộng đoàn Lời Chúa” được gửi tới từng tín hữu trong giáo phận ; có mục đích giúp mọi tín hữu học tập và nỗ lực canh tân đời sống đức tin.

34. H. Nên sử dụng phương cách nào để học các tài liệu đó?

T. Theo hoàn cảnh cụ thể, mỗi giáo xứ có thể sử dụng một hoặc nhiều cách sau đây hoặc các phương cách khác thích hợp:

  • Giới thiếu nhi: học tập trong các giờ giáo lý.
  • Các giới khác và các hội đoàn: học tập trong các buổi sinh hoạt hàng tuần hoặc hàng tháng.
  • Chung cho giáo xứ: cha xứ giảng dạy trong những giờ kinh lễ, nhất là ngày Chúa nhật.
  • Gia đình và cá nhân: nên dành thời gian mỗi ngày, ít nhất mỗi tuần để đọc và suy niệm Lời Chúa trong chính bản văn Kinh thánh.

35. H. Khi mọi thành viên trong gia đình và giáo xứ đều nỗ lực học hỏi Lời Chúa, điều tốt lành nào sẽ xảy ra?

T.  Sẽ xảy ra những điều tốt lành này:

  • Một là gương học tập và sự hiểu biết của người này sẽ tăng thêm phấn khởi và bổ túc kiến thức cho người kia.
  • Hai là bầu khí hiệp thông và đoàn kết được thiết lập trong gia đình và giáo xứ.
  • Ba là nếp sống đạo đức cá nhân và cộng đoàn được xây dựng vững chắc và phát triển đúng hướng.

 BÀI III: LỜI CHÚA TRONG KINH THÁNH

Những lời đã được chép trong Kinh thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta” (Rm 15, 4).

Những điều Chúa nói, những việc Chúa làm được ghi lại trong Kinh thánh. Chúng ta học hỏi sơ lược cả hai phần Cựu ước và Tân ước, chú tâm nhiều hơn tới các sách Tin Mừng.

36. H. Kinh thánh là bộ sách nào ?

T. Kinh thánh là bộ sách chứa đựng Lời Thiên Chúa nói với loài người và những việc Thiên Chúa làm cho loài người, được các thánh sử ghi lại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và được quyền Giáo Huấn công nhận.

37. H. Ai là tác giả Kinh thánh?

T. Thiên Chúa là tác giả. Người soi sáng cho các thánh ký viết ra những điều Người muốn nói với loài người trong ngôn ngữ loài người và theo khả năng của mỗi thánh ký.

38. H. Kinh thánh có nội dung chính yếu nào?

T. Kinh thánh có nội dung chính yếu là chương trình cứu độ của Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô thực hiện. Chúa Giêsu Kitô là trung tâm và tột đỉnh của toàn bộ Kinh thánh.

39. H. Kinh thánh gồm mấy phần, mỗi phần có bao nhiêu cuốn?

T. Kinh thánh gồm 2 phần là Cựu ước có 46 cuốn và Tân ước có 27 cuốn. Cả hai phần được gọi là giao ước.

40. H. Giao ước là gì?

T. Giao ước là lời cam kết giữa hai bên về những gì họ phải thực hiện cho nhau. Cam kết này có thể thực hiện giữa:

–   Hai bên bình đẳng (như giữa vợ chồng trong hôn nhân).

–   Hoặc hai bên không bình đẳng (như giữa phe thắng và phe thua trận).

41. H. Giao ước trong Kinh thánh có ý nghĩa gì?

T. Giao ước trong Kinh thánh chỉ mối tương giao, mối liên kết mà Thiên Chúa thiết lập với loài người. Giao ước này luôn kèm theo một lời hứa và thường được ký kết bằng một hy lễ (x.St 15, 7-19; Xh 24, 3-8).

42. H. Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người có nội dung thế nào?

T. nội dung chính yếu này:

  • Về phía Thiên Chúa: Thiên Chúa cam kết yêu thương và cứu chuộc loài người.
  •  Về phía loài người (Israel là đại diện): Israel công nhận Đức Giavê là Thiên Chúa độc nhất phải tôn thờ và sống theo luật do Người ban hành.

43. H. Việc thực hiện giao ước đó thế nào?

T. Về phía Thiên Chúa, Người luôn trung thành; còn về phía loài người, đã nhiều lần vi phạm và bất trung. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở, cảnh tỉnh và răn đe để kêu gọi loài người sám hối. Khi họ ngoan cố, Thiên Chúa trừng phạt để cảnh tỉnh họ trở về cùng Người.

44. H. Giao ước đó có được lặp lại và được hoàn chỉnh không?

 T. Có. Qua dòng lịch sử cứu độ, giao ước đó được lặp lại và hoàn chỉnh nhiều lần qua các trung gian : Noe (x.St 9, 11), Abraham (x.St 15, 24), Môisen (x.Xh 19, 24), Đa-vit (x.2 Sm 7, 14). Cuối cùng hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, gọi là giao ước mới.

45. H. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước liên quan với nhau thế nào?

T. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước liên quan với nhau rất mật thiết vì cả hai cùng hướng tới một nhân vật trọng điểm là Chúa Giêsu Kitô và cả hai cùng thực hiện một chương trình duy nhất là công cuộc cứu độ trần gian. Cựu ước tiên báo, còn Tân ước hoàn tất những điều Cựu ước loan báo.

46. H. Mối liên quan mật thiết giữa phần Tân ước và Cựu ước thúc giục ta nên làm gì?

T. Thúc giục ta nên học và đọc trọn bộ Kinh thánh vì những điều ta đọc được trong Cựu ước giúp ta hiểu hơn những điều trong Tân ước và ngược lại.

47. H. Cựu ước được viết vào thời kỳ nào và gồm mấy thể loại văn chương?

T. Cựu ước được viết trong khoảng từ năm 1000 đến năm 100 trước Chúa Giáng sinh và gồm 4 thể loại sau đây:

  1. Loại lề luật, gồm 5 cuốn đầu tiên trong bộ Kinh thánh, còn gọi là Ngũ kinh (Sáng thế, Xuất hành…)
  2. Loại lịch sử gồm 16 cuốn (sách Giona, Biên niên sử…)
  3. Loại giáo huấn gồm 7 cuốn (sách Châm ngôn, Giảng viên…)
  4. Loại Tiên tri gồm 18 cuốn (Isaia, Hôsê,…)

48. H. Vì sao cần phân biệt các thể loại văn chương trong từng tập sách Kinh thánh?

T. Vì mỗi thể loại văn chương trình bày chân lý cách khác nhau. Có xác định được thể loại tập sách đang đọc, ta mới hiểu được điều thánh sử muốn nói tới và nhờ đó, hiểu được điều Thiên Chúa muốn thông truyền cho loài người.

49. H. Phần Cựu ước dạy ta những chân lý căn bản nào?

T. Dạy ta những chân lý căn bản sau đây:

  • Một là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Người tạo dựng vũ trụ, điều khiển vận mạng con người. Loài người chỉ được thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
  • Hai là Thiên Chúa hằng yêu thương loài người. Người trung thành với lời hứa cứu vớt loài người ngay cả khi loài người phản bội Người.
  •  Ba là giáo lý về Chúa Ba Ngôi và về Chúa Giêsu Kitô tiềm ẩn trong nhiều tập sách Cựu ước.

50. H. Phần Tân ước được viết vào thời kỳ nào và gồm mấy thể loại văn chương?

T. Phần Tân ước được viết từ sau khi Chúa Giêsu về trời đến khi thánh Gioan qua đời khoảng năm 100, và được xếp theo 3 thể loại sau đây:

  • Một là loại lịch sử: gồm 5 cuốn (4 sách Tin Mừng và sách Tông đồ công vụ).
  • Hai là loại giáo huấn: Gồm 21 cuốn (14 thư Thánh Phaolô và 7 thư chung).
  • Ba là loại tiên tri: một cuốn duy nhất là sách Khải huyền.

51. H. Phần Tân ước dạy ta những chân lý căn bản nào?

T. Dạy ta những chân lý căn bản này:

  • Một là Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.
  •  Hai là những con đường loài người cần bước vào để tiến đến hạnh phúc đời đời.
  •  Ba là Hội thánh là một tổ chức do Chúa Giêsu thiết lập để tiếp tục công cuộc cứu độ của Người.

52. H. Trong các sách Tân ước, sách nào được Hội thánh chú trọng hơn cả?

T. Trong các sách Tân ước, 4 sách Tin Mừng được Hội thánh chú trọng hơn cả. Đó là Tin mừng theo thánh Matthêu, Maccô, Luca và Gioan.

53. H. Vì sao 4 sách Tin Mừng được Hội thánh chú trọng hơn cả?

T. Vì 4 sách này ghi lại các hoạt động và giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của toàn thể nhân loại (x. Ga 14,6).

54. H. Có cử hành nào trong phụng vụ chứng tỏ Hội thánh tôn trọng các sách Tin Mừng cách đặc biệt không?

T. Có, đó là khi cả cộng đoàn đứng dậy nghe đọc sách Tin Mừng trong thánh lễ hoặc trong các giờ suy tôn Lời Chúa. Tư thế đứng vừa diễn tả lòng tôn kính của cộng đoàn đối với sách Tin Mừng, vừa thúc giục các tín hữu hãy đón nhận và ra đi thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống mỗi ngày.

55. H. Bốn sách Tin Mừng còn được gọi là Phúc âm, vậy Tin Mừng hay Phúc âm nghĩa là gì?

T. Tin Mừng nghĩa là tin tốt lành, tin đem lại niềm vui cho người được loan báo. Vui mừng vì được giải thoát, được cứu độ. Phúc âm là từ Hán Việt cũng có nghĩa như thế.

56. H. Tin Mừng được hiểu theo mấy nghĩa?

T. Tin Mừng được hiểu theo 4 nghĩa:

  • Một là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là tin tốt lành do chính Chúa Giêsu Kitô rao giảng. Chúa Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,15; Mt 11,5; Lc 8, 14).
  •  Hai là Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là tin tốt lành do các tông đồ rao giảng. Các tông đồ rao giảng về Chúa Giêsu Kitô (x. Cv 4, 11-12; Cl 1, 28).
  •  Ba là các sách Tin Mừng. Thánh Giustinô (thế kỷ 2) là người đầu tiên dùng nghĩa này.
  •  Bốn là chính Chúa Giêsu Kitô (x. Lc 2, 10-11).

Chúng ta hiểu Tin Mừng theo nghĩa này hoặc nghĩa kia tùy từng trường hợp.

 BÀI IV: THÀNH THÁNH, ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM

VÀ CÁC ĐẠI LỄ TRONG DO THÁI GIÁO

Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ hô lên” (Lc 10,40)

Trong Tông huấn Lời Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trình bày ý kiến của các Nghị phụ như sau: “Thánh địa là cuốn Kinh thánh thứ năm” (?). Như thế, hiểu biết về đền thờ, thành thánh và các đại lễ của người Do thái là điều rất hữu ích giúp chúng ta hiểu Lời Chúa hơn.

57. H. Thành Giêrusalem được xây dựng ở đâu?

T. Thành Giêrusalem được xây dựng trên một ngọn núi cao khoảng 800m mà Cựu ước thường gọi một cách thi vị là núi Sion. Trước kia, Giêrusalem là thành của dân Canaan bản xứ. Vào khoảng năm 1000 trước Chúa Giáng sinh, vua Đavit mang quân chiếm lấy, biến thành kinh đô chính trị và tôn giáo của Israel. Từ đó Giêrusalem được gọi là “thành thánh” vì có sự hiện diện của hòm bia giao ước và còn mang tên là “kinh thành của vua Đavit”.

58. H. Ai đã xây thành và đền thờ Giêrusalem?

T. Vua Đavit đã xây thành và vua Salomon đã xây đền thờ. Năm 589 trước Chúa Giáng sinh, Nabucôđônôxo, vua Babylon, đã chiếm thành, phá hủy thành và đền thờ. Étra và Nekhemia đã xây dựng lại, nhưng nhỏ bé và nghèo nàn hơn xưa. Khoảng năm 20 trước Chúa Giáng sinh, Hêrôđê đại đế xây lại đền thờ và năm 64 (?) sau Chúa Giáng sinh mới hoàn thành. Thành và đền thờ lại bị tướng Titô phá hủy năm 70 sau Chúa Giáng sinh.

59. H. Đền thờ Giêrusalem có ý nghĩa gì đối với người Do thái?

T. Đền thờ Giêrusalem là niềm kiêu hãnh của toàn dân, là nơi Thiên Chúa ngự và là trung tâm đời sống tôn giáo của dân Chúa. Định mệnh Israel được gắn liền với đền thờ. Mọi người dân từ 12 tuổi trở lên, dù ở phương trời nào, cũng phải hành hương đền thờ mỗi năm 3 lần vào các dịp lễ Vượt qua, Ngũ tuần và Lều trại.

60. H. Lễ Vượt qua là lễ gì?

T. Đó là ngày đại lễ mà người Do thái cử hành vào mùa xuân để kỷ niệm việc xuất hành khỏi Ai cập. Lễ được bắt đầu cùng với những ngày ăn bánh không men và bữa tiệc gia đình, trong đó người ta ăn chiên vượt qua.

61. H. Nguồn gốc lễ Vượt qua như thế nào?

T. Có lẽ từ đầu có 2 lễ khác nhau:

  • Lễ hội mùa xuân của dân du mục. Họ có thói quen thiêu tế một con chiên để cầu xin được phú túc. Máu chiên bôi trên khung cửa để trừ tà. Môisê đã lấy lại và biến thành lễ Vượt qua của dân Israel.
  • Lễ ăn bánh không men là lễ hội nhà nông của dân Canaan bản xứ. Trong suốt 7 ngày, người ta ăn bánh bằng bột lúa mới gặt, không trộn men.

Vào cuối thời Quân chủ, người ta sáp nhập hai lễ thành một để kỷ niệm biến cố xuất hành ra khỏi Ai cập của dân Do thái.

62. H. Tại sao gọi là lễ Vượt qua?

T. Vì lễ này kỷ niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ tại Ai cập. Biến cố này có những việc trọng đại đáng kể:

  • Thiên sứ Giavê vượt qua nhà dân Israel có máu chiên bôi trên khung cửa, không vào giết các con đầu lòng.
  • Dân Israel đã vượt qua Biển Đỏ bình an khi quân Ai cập đuổi theo.
  • Dân Israel đã vượt qua sa mạc 40 năm với bao nỗi cam go thử thách trước khi vào đất hứa.

63. H. Lễ Ngũ tuần (50) là lễ nào?

T. Đó là đại lễ được cử hành 50 ngày sau khi dâng bó lúa đầu tiên, tức là đúng 7 tuần lễ sau bánh không men. Trong dịp này, người ta dâng trong đền thờ bánh làm bằng lúa mới gặt và nhiều lễ vật khác. Lúc đầu, lễ này chỉ là lễ hội nhà nông. Về sau được cử hành với mục đích ghi nhớ việc Thiên Chúa ban lề luật cho dân người tại núi Sinai.

64. H. Lễ Lều trại là gì?

T. Lễ lều trại còn gọi là lễ thu hoạch, được cử  hành vào tháng 9, là lễ tạ ơn Thiên Chúa đã phù hộ dân trong sa mạc cũng như ban cho dân thu hoạch hoa trái hằng năm. Cuộc lễ kéo dài 7 ngày. Trong suốt những ngày này, dân Israel trẩy hội ở trong những chiếc lều làm bằng cành lá. Đây là đại lễ mang tính bình dân và vui tươi nhất trong năm.

 BÀI V: KHUNG CẢNH LỊCH SỬ DÂN DO THÁI

THỜI CHÚA GIÊSU

 Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Khung cảnh địa lý, lịch sử và văn hóa ảnh hưởng không nhỏ trên con người. Việc học hỏi về các điều trên giúp chúng ta đi sâu vào tâm tình, ý nghĩa các hoạt động của Chúa Giêsu và các nhân vật trong Kinh thánh.

 65. H. Chúa Giêsu sinh ra ở đâu?

T. Chúa Giêsu sinh ra ở Belem trong xứ Giuđêa miền Palestina. Palestina là miền đất nằm ở Trung đông. Tên gọi và biên giới đã thay đổi tùy theo thời cuộc:

  • Thời tổ phụ Abraham gọi là đất Canaan.
  • Khi dân Philitinh chiếm, gọi là Palestina.
  • Khi dân Israel chiếm lại thì được gọi là Israel.
  • Sau thời Salomon, nước bị chia đôi: Miền Bắc gọi là Israel, miền Nam thuộc chi họ Giuđa nên gọi là Giuđêa (Do thái)
  • Vào năm 587 trước Chúa Giáng sinh, Giêrusalem bị thất thủ, người ngoại quốc đến cư ngụ ở miền trung làm thành một dân tộc pha trộn gọi là Samaria.
  • Từ năm 1948 sau Chúa Giáng sinh đến nay, người Do thái tiếp tục trở về Palestina để tái lập nước Israel.

66. H. Vào thời Chúa Giêsu, Palestina chia làm mấy miền?

T. Vào thời Chúa Giêsu, Palestina chia làm 3 miền:

  • Miền Bắc gọi là Galilêa, là miền cao nguyên có người Do thái và dân ngoại sống chung, buôn bán thịnh vượng.
  • Miền Trung gọi là Samaria, do dân ngoại chiếm ngụ, không đồng tôn giáo với người Do thái.
  • Miền Nam gọi là Giuđêa do người Do thái chính tông cư ngụ.

67. H. Tình hình chính trị của Palestina thời Chúa Giêsu thế nào?

T. Vào thời Chúa Giêsu, Palestina là thuộc địa của đế quốc Rôma, chia làm 3 miền do các nhà cầm quyền Rôma cai trị. Miền Bắc do vua Hêrôđê Antipa cai trị. Miền Samaria và Giuđêa do vua Ackêlaô cai trị. Sau khi vua này bị truất phế, hoàng đế Roma đặt tổng trấn cai trị. Thời Chúa Giêsu là tổng trấn Phongxiô Philatô.

68. H. Cơ quan nào giữ quyền tối cao trên dân Do thái?

T. Về mặt tôn giáo, dân Do thái được hướng dẫn bởi Hội Đồng Tối Cao gồm 71 thành viên được tuyển chọn giữa các vị thượng tế, ký lục và kỳ lão đương nhiệm. Hội Đồng Tối Cao có nhiệm vụ gìn giữ trật tự chung, điều hành đời sống tôn giáo, có quyền thu vài thứ thuế và có quyền xét xử.

69. H. Giới lãnh đạo thời Chúa Giêsu gồm những ai?

T. Giới lãnh đạo Do thái thời Chúa Giêsu gồm:

  • Thầy thượng tế: Trước thời vua Hêrôđê, chức thượng tế có tính cha truyền con nối; nhưng về sau, chính quyền Rôma dành toàn quyền áp đặt vị thượng tế nào có lợi cho họ. Chức vụ này không tồn tại sau khi Giêrusalem bị phá hủy năm 70.
  • Các kỳ lão: Là các trưởng gia đình có thế giá, nắm giữ một vài quyền bính thuộc phạm vi dân sự và tôn giáo.
  • Các ký lục: Thời Chúa Giêsu, đó là những chuyên viên về Kinh thánh Cựu ước.

70. H. Sách Tân ước có nói tới mấy bè phái trong dân Do Thái?

T. Sách Tân ước nói tới 2 bè phái : Pharisêu (biệt phái) và Sađusêo.

 Pharisêu có nghĩa là đứng riêng ra, gồm một số người Do thái nhiệt thành sùng đạo. Họ rất thông thạo luật Môisê và am tường các truyền thống tiền nhân. Họ tự buộc mình và buộc những người khác phải giữ lề luật cách tỉ mỉ và khắt khe đến nỗi gần như giả hình. Họ chú trọng đến luật nghỉ ngày Sabat, tin linh hồn bất tử và xác sẽ sống lại. Họ không tiếp tay cho người Rôma thống trị, nên rất được lòng dân và có uy tín trên dân.

Còn Sađusêô là nhóm người thuộc dòng Sa đốc, thầy tư tế thời vua Đavit (x.1V 1, 34). Nhóm này thuộc thành phần giàu có, lại chạy theo ngoại bang nên ít được dân chúng tín nhiệm. Họ không tin linh hồn bất tử và không tin hạnh phúc đời sau.

 BÀI VI: TIN MỪNG NHẤT LÃM

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 15).

Ba cuốn sách đầu tiên trong phần Tân ước được gọi là sách Tin mừng nhất lãm. Tìm hiểu nội dung và đặc điểm của mỗi cuốn sẽ giúp ta hiểu Lời Chúa cách thấu đáo hơn khi tiếp xúc với chính bản văn Kinh thánh.

71. H. Tin mừng nhất lãm là những sách nào?

T. Tin mừng nhất lãm là 3 sách Tin mừng theo thánh Matthêu, Tin mừng theo thánh Maccô, Tin mừng theo thánh Luca.

72. H. Tại sao gọi các sách ấy là Tin mừng nhất lãm?

T. Vì 3 sách ấy có dàn bài tương đối giống nhau, ghi lại nhiều sự kiện như nhau. Ta có thể viết các sự kiện ấy vào 3 cột song song trên mặt giấy để “nhìn” một lượt, nhờ đó dễ dàng đối chiếu các sự kiện với nhau.

73. H. Dàn bài chung của các sách Tin mừng nhất lãm như thế nào?

T. Dàn bài chung như sau:

I. Giai đoạn chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu // Mt 3, 1-4, 11; Mc 1, 1-13; Lc 3, 1-4, 13

II. Sứ vụ Chúa Giêsu tại Galilêa và vùng phụ cận // Mt 14, 12-18, 35; Mc 1, 14-16, 52; Lc 4, 14-9, 50

III. Hành trình lên Giêrusalem và sứ vụ tại đó // Mt 19, 1-25, 46; Mc 11, 1-13, 37; Lc 9, 51-21, 38

IV. Cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu // Mt 26, 1-28, 20; Mc 14, 1-16, 20; Lc 22, 1-24, 53

74. H. Thánh Matthêu là ai?

T. Thánh Matthêu là nhân viên thu thuế, được Chúa Giêsu gọi làm tông đồ lúc ông đang ngồi ở bàn thuế (x.Mt 9, 9).

75. H. Thánh Matthêu viết sách Tin mừng vào thời gian nào, hướng tới loại độc giả nào và có mục đích gì?

T. Thánh Matthêu viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 80 – 90, hướng tới các Kitô hữu gốc Do thái sống ở Palestina, để củng cố lòng tin của họ vào Chúa Kitô.

76. H. Thánh Matthêu trình bày những đạo lý căn bản nào?

T. Thánh Matthêu trình bày những đạo lý căn bản này:

  • Một là Chúa Giêsu Nagiaret là Đấng Mêssia được Cựu ước loan báo. Người là Môisê mới, ký kết giao ước mới, để kiện toàn lề luật.
  • Hai là Chúa Giêsu Nagiarét là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha giới thiệu đặc biệt tại sông Giođan và trên núi hiển dung.
  • Ba là Chúa Giêsu Nagiaret là Đấng thành lập Hội thánh. Những ai đón nghe lời các Tông đồ giảng dạy và lãnh nhận phép rửa, đều trở thành môn đệ Chúa Kitô và là thành viên của Hội thánh.

77. H. Tin mừng theo thánh Matthêu có những đặc điểm nào?

T. Tin mừng theo thánh Matthêu có những đặc điểm này:

  • Một là có nhiều trích dẫn Cựu ước và các tập tục Do thái, để thuyết phục người Do thái mới trở lại tin rằng Chúa Giêsu là Đấng cha ông họ hằng mong đợi.
  •  Hai là sắp đặt các ý tưởng cách mạch lạc có hệ thống vì hướng tới việc giáo dục đức tin.
  •  Ba là được Giáo hội sử dụng nhiều nhất so với các Tin mừng khác vì hai lý do trên.

78. H. Thánh Maccô là ai ?

T. Thánh Maccô là người quê ở Giêrusalem, ban đầu là môn đệ thánh Phaolô (x.Cv 12, 25), sau đó theo thánh Phêrô làm thông ngôn (x. 1Pr 5,13).

79. H. Thánh Maccô viết sách Tin mừng vào thời gian nào, hướng tới loại độc giả nào và có mục đích gì?

T. Thánh Maccô viết sách Tin mừng vào khoảng năm 65-70, hướng tới các Kitô hữu không phải gốc Do thái, hiện đang sinh sống ngoài xứ Palestina, để chứng minh cho họ biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

80. H. Thánh Maccô trình bày những đạo lý căn bản nào?

T. Thánh Maccô trình bày những đạo lý căn bản này:

  • Một là Tin mừng phải được loan báo cho mọi thụ tạo. Tin mừng ấy là nước Thiên Chúa và là Chúa Giêsu Kitô.
  •  Hai là Chúa Giêsu Nagiaret chính là Con Thiên Chúa hằng sống, để trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15)
  •  Ba là con đường mà những ai muốn làm môn đê của Chúa Giêsu phải đi qua, đó là con đường thập giá dẫn đến phục sinh.

81. H. Tin mừng theo thánh Maccô có những đặc điểm nào?

T. Tin mừng theo thánh Maccô có những đặc điểm này:

  • Một là được viết trước nhất và ngắn nhất trong 4 sách Tin mừng.
  • Hai là có lời văn mộc mạc nhưng sống động và chân thực.
  • Ba là trình bày sự kiện có tính khơi gợi thắc mắc, khiến người đọc phải suy nghĩ để tìm ra chân lý.

82. H. Thánh Luca là ai?

T. Thánh Luca là Kitô hữu gốc Hy lạp, quê ở Antiôkia làm y sĩ trước khi theo thánh Phaolô (x. Cl 4,14).

83. H. Thánh Luca viết sách Tin mừng vào thời gian nào, hướng tới loại độc giả nào và có mục đích gì?

T. Thánh Luca viết sách Tin mừng vào khoảng năm 70-80 gởi đích danh cho Thêôphilê; nhưng thực ra là gởi cho những người Hy lạp tòng giáo để thuật lại cho họ đời sống và việc làm của Chúa Giêsu mà tin theo.

84. H. Thánh Luca trình bày những đạo lý căn bản nào?

T. Thánh Luca trình bày những đạo lý căn bản này:

  • Một là Chúa Giêsu là con người thực sự đã sống ở trần gian, đồng thời Người là Con Thiên Chúa.
  • Hai là lòng nhân hậu của Thiên Chúa được bày tỏ qua Chúa Giêsu.
  • Ba là vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu.

85. H. Tin mừng theo thánh Luca có những đặc điểm nào?

T. Tin mừng theo thánh Luca có những đặc điểm này:

  • Một là lời văn sáng sủa lưu loát dễ đọc.
  • Hai là toàn tác phẩm toát ra niềm vui và sự thanh thản.
  • Ba là những chương đầu cuốn sách nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

86. H. Có những ích lợi gì khi nêu lên những đạo  lý căn bản và đặc tính của mỗi sách tin mừng?

T. Có những ích lợi này:

  • Một là giúp người đọc dễ hiểu hơn khi tiếp xúc với bản văn Kinh thánh của mỗi thánh sử.
  • Hai là giúp người đọc dễ tìm ra đoạn văn phù hợp tâm trạng mình lúc đọc, nhờ vậy mà thu được nhiều kết quả hơn.

 BÀI VII: TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

Từ nguyên thủy đã só Ngôi Lời… và Ngôi Lời đã làm người” (Ga 1, 1.14)

 Tin Mừng theo Thánh Gioan là một sách bổ túc cho Tin Mừng Nhất Lãm. Đạo lý trong Tin mừng theo thánh Gioan sâu xa, cần được tìm hiểu kỹ lưỡng hơn.

87. H. Thánh Gioan là ai?

T. Thánh Gioan là em thánh Giacôbê con ông Dêbêđê, là một trong số các môn đệ đầu tiên được Chúa chọn gọi (x. Mt 4,21-22). Người tự xưng là “môn đệ được Chúa yêu” (Ga 13,23).

88. H. Thánh Gioan viết sách Tin mừng vào thời gian nào và có mục đích gì?

T. Thánh Gioan viết sách Tin mừng vào cuối thế kỷ 1, có mục đích thúc giục mọi người tin vào Chúa Giêsu để được sống đời đời.

89. H. Đạo lý nền tảng của Tin mừng theo thánh Gioan là gì ?

T. Đạo lý nền tảng của Tin mừng theo thánh Gioan là 2 chủ đề sau đây:

  • Một là mầu nhiệm của Chúa Giêsu và sứ vụ cứu độ của Người.
  • Hai là người tín hữu trong sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu.

90. H. Mầu nhiệm Chúa Giêsu và sứ vụ cứu độ của Người là gì?

T. Là hai điều này:

  • Một là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
  • Hai là Chúa Giêsu là Đấng Kitô.

91. H. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nghĩa là gì ?

T. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nghĩa là Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng hữu, được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu độ loài người. Khi xuống thế, Chúa Giêsu đã che giấu vinh quang của Người. Vinh quang này chỉ được hé mở vài lần trong cuộc sống nhưng đã được bộc lộ trọn vẹn khi “giờ” của Người đến, nghĩa là giờ “được nâng cao” trong biến cố khổ nạn phục sinh.

92. H. Chúa Giêsu là Đấng Kitô nghĩa là gì?

T. Kitô trong tiếng Hy lạp và Mêsia trong tiếng Do thái đều có nghĩa là “được xức dầu”. Chúa Giêsu được xức dầu Thánh Thần trở thành vị tư tế ngôn sứ và quốc vương để thi hành sứ vụ cứu độ Chúa Cha trao phó.

93. H. Trong tư cách thượng tế, Chúa Giêsu đã làm gì?

T. Trong tư cách thượng tế, Chúa Giêsu đã dâng chính bản thân cho Chúa Cha, đã cầu nguyện cho các môn đệ và cho tất cả những ai tin vào Người nhờ lời rao giảng của các Tông đồ.

94. H. Trong tư cách ngôn sứ, Chúa Giêsu đã làm gì?

T. Trong tư cách ngôn sứ, Chúa Giêsu đã truyền đạt cho loài người ý định cứu độ và các lời dạy của Cha Người. Vì là Ngôi Lời hằng hữu, nên khi xuống thế gian, Chúa Giêsu có đầy đủ uy tín và khả năng để nói về Chúa Cha cho mọi người.

95. H. Trong tư cách quốc vương, Chúa Giêsu đã làm gì?

T. Trong tư cách quốc vương, Chúa Giêsu đã thực hiện chủ quyền trên thiên nhiên, ma quỷ, bệnh tật, sự chết và tội lỗi. Như vậy, Người đã trở thành mục tử tối cao chăm sóc đoàn chiên.

96. H. Từ sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, người tín hữu đã lãnh nhận những ân huệ nào?

T. Người tín hữu lãnh nhận được rất nhiều ân huệ mà căn bản là ơn đức tin và sự sống đời đời. Hai ân huệ này liên hệ với nhau như nguyên nhân và hiệu quả.

97. H.  Ơn đức tin là gì?

T. Theo thánh Gioan, tin là đến với Chúa Giêsu, cũng là đến với Chúa Cha, để nhận biết Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian. Các “dấu lạ” Chúa Giêsu thực hiện đều khơi dậy lòng tin nơi các người chứng kiến. Các lời Chúa giảng đều có mục đích tạo điều kiện cho đức tin được nảy sinh trong lòng người nghe.

98. H. Ơn được sống đời đời là gì?

T. Ơn được sống đời đời là được Chúa Cha thông ban sự sống của Người cho ta. Sự sống này khởi sự từ trần gian và đạt tới mức hoàn hảo trên thiên đàng. Người tín hữu làm phát triển sự sống đời đời nhờ đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể.

99. H. Tin mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm nào?

T. Có những đặc điểm này:

  • Một là chú trọng đến đời sống kết hợp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và đời sống nội tâm của các tín hữu.
  • Hai là trình bày các đề tài theo thể đối kháng: Ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết, tin và không tin …
  • Ba là có lời tựa cho toàn tập xác định nguồn gốc thần linh của Chúa Kitô và nhiệm vụ của thánh Gioan tẩy giả là giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng.

BÀI VIII: SÁCH TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ

 “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ(Cv 2, 47)

Phần đầu sách Tông đồ công vụ (Cv) ghi lại sinh hoạt của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi, có những yếu tố rất quí giá, giúp xây dựng cộng đoàn giáo xứ cách linh động và có chiều sâu.

100.   H. Tác giả sách Tông đồ công vụ (Cv) là ai và viết trong thời gian nào?

T. Tác giả sách Cv là thánh Luca, sách được viết khoảng năm 80-90

101.   H. Khi viết sách Cv, thánh Luca có chủ đích nào?

T.Khi viết sách Cv, thánh Luca có chủ đích ghi lại việc rao giảng Tin mừng của thánh Phêrô được tập trung tại Giêrusalem, và lời rao giảng của thánh Phaolô vượt ngoài biên giới Palestina đến tận Rôma.

102.   H. Đạo lý căn bản của sách Cv là gì?

T. Sách Cv có những đạo lý căn bản này :

  • Một là Chúa Thánh Thần (CTT): CTT Là Thiên Chúa, là Đấng khởi đầu thời đại Hội thánh, Đấng ban sức mạnh cho các tông đồ. Vì thế có người gọi sách Cv là Tin mừng của Chúa Thánh Thần.
  • Hai là Chúa Giêsu Kitô: Chúa Giêsu Kitô thuộc dòng dõi Đavit, sống ở Nagiaret, rao giảng Tin mừng khắp vùng Palestina, chết trên thập giá và sống lại ngày thứ ba, được Chúa Cha tôn vinh đúng như Kinh Thánh đã minh chứng và đang ngự bên hữu Chúa Cha.
  • Ba là Hội thánh: Hôi thánh gồm những người tin theo Chúa Kitô, được các tông đồ quy tụ thành cộng đoàn ở từng địa phương. Các cộng đoàn này thể hiện Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô.

103.   H. Chúng ta có thể học hỏi được điều gì ở sách Cv để tổ chức cộng đoàn dân Chúa?

T. Chúng ta có thể học được nhiều điều bổ ích cho việc tổ chức cộng đoàn, trong đó ta nên lưu ý hai điểm sau đây:

  • Một là cách tổ chức nhân sự trong Hội Thánh thuở ban đầu.
  • Hai là cách sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi.

104.   H. Các tông đồ tổ chức nhân sự thế nào?

T. Các tông đồ đặt các phó tế để trông coi việc ăn uống và chăm lo tài sản chung của cộng đoàn. Còn các tông đồ thì chuyên tâm rao giảng Lời Chúa.

Các Tông đồ cũng thiết lập hàng kỳ mục như những cộng tác viên quan trọng. Các kỳ mục sẽ phụ giúp các tông đồ trong một số công việc và thay thế khi các ngài vắng mặt. Như thế các tông đồ xây dựng Hội Thánh vững chắc không những bằng lời giảng dạy mà còn bằng cả nhân sự nữa.

105.   H. Sinh hoạt của các cộng đoàn tiên khởi ra sao?

T. Sinh hoạt của các cộng đoàn tiên khởi được sinh động nhờ bốn yếu tố sau:

  • Một là các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, vì họ ý thức rằng đức tin có được là nhờ có người giảng dạy.
  • Hai là các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh. Thói quen này tạo nên truyền thống tham dự thánh lễ Chúa nhật trong sinh hoạt Hội thánh cho tới ngày nay.
  • Ba là các tín hữu mở rộng tình hiệp thông giữa mọi người, nhiệt thành sống bác ái huynh đê. Cách sống này khiến lương dân thốt lên lời ca ngợi “kìa hãy xem họ yêu thương nhau dường nào”.
  • Bốn là đời sống của họ có sức hấp dẫn thuyết phục người khác tự nguyện đón nhận Tin Mừng.

Những yếu tố trên rất cần thiết cho bất kỳ cộng đoàn nào muốn đứng vững và phát triển.

 BÀI IX: CÁC THƯ THÁNH PHAOLÔ

Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9, 16b)

Các thư của thánh Phaolô có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục đức tin và tổ chức cộng đoàn. Người tín hữu cần đào sâu các giáo huấn và hoạt động của thánh nhân để xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn thành gia đình của Thiên Chúa.

106.   H. Thánh Phaolô là ai và làm tông đồ khi nào?

T. Thánh Phaolô sinh tại Taxsê, khoảng năm thứ 7 sau Chúa giáng sinh, với tên là Saolô. Thời niên thiếu, thánh Phaolô theo học với thầy Gamalien nổi tiếng ở Giêrusalem. Phaolô là người Do thái rất nhiệt thành, thông thạo lề luật và hăng say bênh vực tập truyền của cha ông (x.Gl 1, 14). Khoảng năm 34 trên đường đi Đa mat bách hại tín hữu Chúa Giêsu, ông được thị kiến Đấng Phục sinh và được ơn trở lại. Sau khi được rửa tội, ông bắt đầu rao giảng Tin mừng cho người Do thái, gặp chống đối và thất bại. Ông lui về sa mạc Arabi và tĩnh tâm ở đó 3 năm (34-37), rồi ông được Banaba đến tìm và mời đi rao giảng Tin mừng (x.Cv 11, 25-26). Người đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo. Cuối đời, thánh Phaolô đến Rôma vào năm 61 và được phúc tử đạo tại đó vào năm 67.

107. H. Trong các thư của Thánh Phaolô, thư nào quan trọng hơn?

T. Đó là các thư gửi giáo đoàn Galata, Êphêsô, Rôma, Côrintô và Thexalônica. Trong các thư này, thánh Phaolô nói về sự công chính hóa, việc tái lâm trong vinh quang của Chúa Giêsu Kitô và tất các các vấn đề mà người tân tòng cũng như các cộng đoàn sơ khai thường gặp.

108.   H.Đâu là những điểm chính yếu trong các thư của thánh Phaolô?

T. Những điểm chính yếu trong các thư của thánh Phaolô là:

  • Một là Chúa Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu thế và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.
  • Hai là Hội thánh là thân thể nhiệm mầu của Chúa Giêsu Kitô, được xây dựng trên lời rao giảng Tin mừng, gồm người Do thái và dân ngoại trong bình đẳng và tự do của con cái Thiên Chúa.
  • Ba là công cuộc cứu chuộc được liên kết với mầu nhiệm Ba Ngôi, do sáng kiến của Chúa Cha được thực hiện bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 BÀI X: TRUYỀN THỐNG ĐỌC LỜI CHÚA

TRONG HỘI THÁNH

“Anh em hãy thuật lại những lời ấy cho con cái … lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường” (Đnl 6, 7)

Biết được lòng mộ mến đọc Kinh thánh của các tín hữu suốt 20 thế kỷ qua, hiểu được trách nhiệm gìn giữ và giải thích Kinh thánh của Hội Thánh, là hai điều cần thiết giúp các tín hữu đọc và suy niệm Lời Chúa trong sự hiệp thông với toàn dân thánh.

109.   H. Lời Chúa quan trọng thế nào đối với các tín hữu?

T. Lời Chúa là đá tảng xây nền móng, là ngọn đèn dẫn lối và cùng với Thánh Thể, là lương thực nuôi dưỡng đời sống các tín hữu.

110. H. Hội thánh chủ trương điều gì liên quan đến việc đọc Kinh thánh?

T. Hôi thánh chủ trương phải mở rộng lối vào Kinh thánh cho các tín hữu, vì theo lời thánh Giêrônimô: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô”.

111.H. Thời Cựu ước, người Do thái đọc bộ Kinh thánh nào?

T. Thời Cựu ước, người Do thái đọc sách luật tức Ngũ kinh và sách các ngôn sứ.

112. H. Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai có thói quen đọc Lời Chúa chưa?

T. Thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu đã có thói quen tụ họp nhau vào ngày Chúa nhật để nghe đọc và diễn giải Kinh thánh. Thánh Giustinô làm chứng rằng: “Vào ngày mặt trời mọc, mọi người chúng tôi, người ở tỉnh thành, người ở thôn quê cùng họp nhau tại một chỗ, người ta đọc bút ký của các tông đồ hay các tiên tri”.

113. H. Thời các giáo phụ,  thói quen đọc Kinh thánh như thế nào?

T. Vào thời này, các giáo phụ đã dành một vị trí quan trọng cho việc đọc Kinh thánh bên cạnh việc cử hành Thánh thể, vì các ngài đã hiểu được giá trị của Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu. Ông Origenê viết: “Đọc Lời Chúa là lãnh nhận bánh sự sống y như chúng ta rước Mình thánh Chúa Kitô trong thánh lễ”.

114.    H. Thời Trung cổ, thói quen đọc Kinh thánh thế nào?

T. Thời Trung cổ, các tín hữu nối tiếp truyền thống tốt đẹp đọc Kinh thánh của bậc cha ông. Thời này xuất hiện nhiều khuôn mặt sáng giá về việc cổ võ đọc Kinh thánh, như thánh Bênađô, thánh Đa minh.

115.    H. Từ thế kỷ 16, việc đọc Kinh thánh đã có những nét chung nào?

T. Từ thế kỷ 16, việc đọc Kinh thánh có những nét chung sau đây:

  • Một là đọc vào những giờ nhất định, ở những nơi cố định.
  • Hai là đọc thành tiếng, vì con người tiếp nhận Lời Chúa như một sứ điệp chứ không như một bản văn.
  • Ba là đọc cách “tiết kiệm”, nghĩa là đọc một đoạn ngắn để suy niệm chứ không đọc dài.
  • Bốn là đọc sốt sắng, nghĩa là đọc với trái tim, trong tâm tình cầu nguyện và hiến dâng.

116.    H. Giữa thế kỷ 20, các Nghị phụ Công đồng Vatian II có hành động cụ thể nào đối với Kinh thánh?

T. Các nghị phụ dành cả một Hiến chế về mạc khải để bàn tới những điểm nòng cốt về Lời Chúa; đồng thời dành trọn chương 6 của hiến chế hướng dẫn và khích lệ các Kitô hữu siêng năng đọc Kinh thánh. Công đồng khuyên các tín hữu hai điều :

  • Một là nên tiếp xúc trực tiếp với chính bản văn Kinh thánh.
  • Hai là nên đọc thêm các tác phẩm của các Giáo phụ và các sách phụng vụ để hỗ trợ việc đọc Kinh thánh. Đầu thế kỷ 21, có Tông huấn Lời Thiên Chúa (Verbum Domini) do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành ngày 30/9/ 2010.

117.             H. Khi tiếp xúc với bản văn Kinh thánh, người tín hữu cậy dựa vào đâu để có thể hiểu đúng điều Chúa nói?

T. Khi tiếp xúc với bản văn Kinh thánh, người tín hữu cần dựa vào Hội thánh vì Hội thánh được Chúa trao cho nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Kinh thánh. Trách nhiệm này gồm 3 việc:

  • Một là Hội thánh quyết định những sách nào là sách Kinh thánh thực sự. Những sách Kinh thánh này được liệt kê trong quy thư do Công đồng Trentô công bố ngày 8/4/1548.
  • Hai là Hội thánh gìn giữ các sách ấy trong tình trạng ban đầu không thay đổi, không thêm bớt, để truyền lại nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau.
  • Ba là Hội thánh chăm lo để việc giải thích Kinh thánh phù hợp với ý của Chúa.

118.   H. Đối với các tín hữu bình dân, nên đọc bản văn Kinh thánh nào?

T. Nên đọc những bản văn Kinh thánh có chú giải do thẩm quyền Giáo hội chuẩn y. Những bản dịch Kinh thánh do thẩm quyền Giáo hội chuẩn y thường có chữ Imprimi Potest (có thể in ấn) và Imprimatur (được phép in)

BÀI XI: NGƯỜI TÍN HỮU ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

Ai sống theo lẽ khôn ngoan thì được rèn luyện nên người tài đức” (Kn 7, 14).

Bài này xác định thái độ và tâm tình người tín hữu cần có khi tiếp xúc với Kinh thánh. Bài này cũng nêu lên một phương pháp đọc Kinh thánh đơn giản mà hiệu quả

119.   H. Vì sao người tín hữu cần đọc và suy niệm Kinh thánh?

T. Người tín hữu cần đọc và suy niệm Kinh thánh vì:

– Một là để hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.

– Hai là để nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên.

Chúa nói: “Người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Thánh Phêrô cũng thưa với Chúa rằng: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68).

120.   H. Người tín hữu cần xác tín điều gì khi đọc Kinh Thánh?

T. Người tín hữu cần xác tín điều này: Mặc dù Chúa nói cách đây hơn 2000 năm nhưng hôm nay Chúa vẫn đang nói với ta những lời ấy qua trang sách Kinh Thánh ta đọc.

121.   H. Việc Chúa nói với ta hôm nay gợi trong ta tâm tình nào?

T. Việc Chúa nói với ta hôm nay gợi lên trong ta tâm tình yêu mến và  cảm tạ. Ta yêu mến Chúa vì những lời này phát xuất từ lòng Chúa yêu thương muốn ta được hạnh phúc. Ta cảm tạ Chúa vì Người đã dự liệu để Lời Chúa được tồn tại mãi mãi cho loài người được hưởng nhờ.

122.    H. Cùng với hai tâm tình trên, ta cần có thái độ nào để việc đọc Kinh thánh sinh hoa kết trái?

T. Ta cần có thái độ khiêm hạ. Khiêm hạ để xứng đáng được Thiên Chúa dạy bảo như Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25). Thánh Giacôbê cũng căn dặn chúng ta: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời Chúa được gieo vào lòng anh em. Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.” (Gc 1, 21).

123.   H. Ta nên theo thứ tự nào khi đọc Kinh thánh?

T. Ta nên theo thứ tự sau đây:

  • Một là cầu nguyện.
  • Hai  là mở sách Kinh thánh.
  • Ba là đọc bản văn Kinh thánh.
  • Bốn  là suy nghĩ và chiêm niệm.
  • Năm là kết thúc cuối giờ.

124.   H. Cầu nguyện trước khi đọc Kinh thánh quan trọng như thế nào?

T. Cầu nguyện đóng vai trò chuẩn bị tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Thánh Augustinô dạy: “Muốn hiểu Kinh thánh, điều cốt yếu là cầu nguyện”. Hiến chế Mạc khải cũng dạy: “Mọi người nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh thánh để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (Mk 25).

125.   H. Ta cầu nguyện với ai?

T. Ta cầu nguyện:

  • Một là với Chúa Giêsu vì trái tim Người “là nguồn mạch mọi lời ban sự sống”.
  •  Hai là với Chúa Thánh Thần vì Người “là Đấng dẫn ta vào chân lý trọn vẹn.” (Ga 16,13)
  •  Ba là với Đức Trinh nữ Maria vì Mẹ là mẫu gương lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

126.   H. Mở sách Kinh Thánh cách nào?

T. Mở cách khoan thai để tỏ lòng tôn kính, vì đây là sách Lời Chúa. Thiên Chúa sẽ nói với ta những lời dịu dàng để an ủi, những lời mạnh mẽ để thúc giục, cả những lời cứng cỏi để cảnh tỉnh, sửa chữa.

127.   H. Đọc bản văn Kinh thánh theo nhịp độ nào?

T. Nên đọc chậm để kịp theo dõi ý tưởng của đoạn văn và để có giờ cảm nếm được tình yêu dịu ngọt của Chúa. Đọc ngắn và chăm chú hơn đọc dài mà không suy gẫm. Vì đọc để nuôi dưỡng tâm hồn hơn là để mở mang kiến thức.

128.   H. Để tìm hiểu đoạn văn Kinh thánh, ta nên làm gì?

T. Đối với một số bản văn, ta nên tập chú vào những từ quan trọng. Những từ này ví như chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn vào toàn bộ bản văn.

Đối với một số bản văn khác, ta có thể dùng một chút tưởng tượng để hình dung ra khung cảnh nơi sự việc xảy ra, quan sát thái độ và hành động của từng nhân vật, đi sâu vào tâm trạng tình cảm của các nhân vật đó.

129.   H. Suy niệm bản văn thế nào?

T. Tìm hiểu ý tưởng bản văn mới là bước đầu có tính khách quan, ta như đứng ngoài cuộc để quan sát; còn suy niệm là nhập cuộc. Ta đồng hóa mình với nhân vật trong câu chuyện, ta nhập vai để sống với thực tại đó. Đây là giây phút êm đềm và quý giá nhất của giờ đọc Kinh thánh. Hãy để tâm hồn cảm nếm sự ngọt ngào của Lời Chúa, thưa chuyện với Người, lắng nghe Người dạy bảo và quyết tâm thực hiện điều Người dạy. Trong thực tế việc tìm hiểu và suy niệm thường xen kẽ nhau.

130.   H. Cuối giờ suy niệm ta nên làm gì?

T. Ta nên tự hỏi Chúa dạy tôi điều gì hôm nay và quyết tâm thực hiện điều đó. Hãy dự đoán trước những cảnh huống có thể xảy ra trong ngày để dễ nắm bắt cơ hội thi hành quyết định trên.

131.   H. Kết thúc giờ đọc Kinh thánh, ta nên làm gì?

T. Ta nên cảm tạ Chúa đã dạy dỗ ta qua trang Kinh thánh vừa đọc. Ta xin Chúa tha thứ những thiếu sót. Cuối cùng, xin Chúa giúp sức để ta thực hiện điều vừa quyết tâm.

132. H. Ngoài cách đọc trên, có phương pháp nào đơn giản hướng dẫn việc đọc Kinh thánh không?

T. Có phương pháp của Tu hội Xuân Bích gồm 3 tác động:

  • Một là đặt Chúa trước mặt.
  • Hai là đặt Chúa vào lòng.
  • Ba là đăt Chúa trên tay.

 133. H. Đặt Chúa trước mặt như thế nào?

T. Đặt Chúa trước mặt là nương theo bản văn Kinh thánh, ta hình dung câu chuyện như đang xảy ra mà ta là nhân chứng. Ta ngắm nhìn các nhân vật, các sự kiện nhờ trí tưởng tượng.

134. H. Đặt Chúa vào lòng nghĩa là làm sao?

T. Là đón Chúa vào tâm hồn để Chúa tác dộng trên ta. Ta hòa nhập với Chúa, yêu mến Chúa. Đây là thời khắc vàng ngọc của giờ đọc Kinh thánh.

135. H. Đặt Chúa trên tay như thế nào?

T. Là thi hành những điều Chúa dạy: “Hãy về và làm như vậy, thì anh em sẽ được sống” (Lc 10,28).

BÀI XII: NGƯỜI TÍN HỮU SỐNG LỜI CHÚA

Con hãy về và làm như vậy thì con sẽ được sống.” (Lc 10,27)

Bài này nêu lên những ích lợi của việc sống Lời Chúa, nhấn mạnh tới việc Lời Chúa phải bao trùm con người toàn diện. Bài này cũng nêu lên những việc làm cụ thể để người tín hữu tập sống Lời Chúa. Cuối cùng là cách chia sẻ Lời Chúa.

136. H. Sống Lời Chúa là gì?

T. Sống Lời Chúa là thực hành những điều Chúa dạy: “Phúc cho các con, nếu các con làm theo như vậy” (Ga 13, 17).

137. H. Để quyết tâm sống Lời Chúa, ta cần lưu tâm tới điều gì?

T. Ta cần lưu tâm tới 2 điều này:

  • Một là ích lợi của việc sống Lời Chúa.
  • Hai là cách thực hiện sống Lời Chúa.

138. H. Sống Lời Chúa có những ích lợi nào?

T. Sống Lời Chúa có những ích lợi này:

  • Một là chứng tỏ tình yêu chân thành của ta đối với Chúa như Người đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy.” (Ga 14, 15)
  • Hai là chứng thực ta thuộc đoàn chiên Chúa như Người đã nói :“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi.” (Ga 10, 27)
  • Ba là trở nên những người thân thiết với Chúa như Người đã nói: “Anh em, chị em và mẹ tôi, chính là những người nghe và thực hành Lời Chúa.” (Mc 3, 38)
  • Bốn là đảm bảo cuộc sống hạnh phúc đời đời như Người đã nói: “Hãy về và làm như vậy thì các con sẽ được sự sống đời đời.” (Lc 10,28)

139.    H. Cách thực hiện việc sống Lời Chúa phải như thế nào?

T. Cách thực hiện việc sống Lời Chúa phải bao trùm con người toàn diện, nghĩa là vừa trong tâm hồn, vừa bằng lời nói và hành động bên ngoài.

140. H. Sống Lời Chúa trong tâm hồn nghĩa là làm sao?

T. Là hết lòng yêu mến Lời Chúa dạy, sẵn sàng để Lời Chúa uốn nắn, biến đổi ý chí và tình cảm, tới độ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)

141. H. Sống lời Chúa bằng hành động nghĩa là làm sao?

T. Là biểu lộ sự suy phục Lời Chúa ra bên ngoài qua cử chỉ, lời nói và việc làm.

142. H. Ta có thể thi hành tất cả mọi điều Chúa dạy trong một thời gian ngắn không?

T. Không, vì khả năng con người có hạn, không thể ôm đồm nhiều hoặc rút ngắn thời gian. Do vậy, ta nên thực hiện từng bước, thực hiện từng điều từ dễ đến khó, thực hiện đều đặn sẽ dẫn dến thành công.

143. H. Có cách nào cụ thể giúp ta sống Lời Chúa trong sinh hoạt hàng ngày không?

T. Có nhiều cách. Chẳng hạn chọn cho mình một câu Kinh thánh làm kim chỉ nam để cả đời sống theo lời Kinh thánh ấy; hoặc khi tham dự thánh lễ, cố gắng nhớ một câu Kinh thánh rồi trong ngày quyết tâm thực hiện lời Kinh thánh ấy; hoặc khi đọc Kinh thánh, thấy sự kiện nào hoặc lời nào đánh động tâm trí ta, ta dừng lại suy nghĩ sự kiện ấy, lời ấy, rồi lợi dụng cơ hội trong ngày để thực hiện.

144. H. Có những ví dụ nào để minh họa cách thực hành vừa đề cập không?

T. Ví dụ: sau khi suy gẫm gương nhịn nhục của Chúa Giêsu trong giờ khổ nạn, người chồng quyết tâm không phàn nàn chén canh quá mặn trong bữa cơm chiều.

Ví dụ: Đọc đoạn Tin Mừng kể lại việc Matta và Maria đón Chúa vào nhà, người mẹ quyết tâm điều động gia đình giữ thói quen đọc kinh tối hằng ngày.

Ví dụ: Nghe đoạn Phúc âm kể lại việc Chúa Giêsu trở về Nagiaret vâng phục Đức Mẹ và thánh Giuse, em thiếu nhi quyết tâm sáng nào cũng xếp giường chiếu gọn gàng theo lời mẹ dạy.

145. H. Có những mẫu gương nào của các thánh đã nhờ Lời Chúa mà được biến đổi cuộc đời  không?

T. Có rất nhiều. Ví dụ: Thánh Inhaxio nói với bạn mình là Phanxicô Xaviê đang say mê tìm kiếm vinh quang trần thế rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì”(Lc 9,25). Thánh Phanxicô suy nghĩ lời ấy. Người đã từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu và đã trở thành vị tông đồ truyền giáo nhiệt thành.

Ví dụ: Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu khi đọc Kinh thánh đã khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu. Từ đó Têrêxa quyết chí trở thành chứng nhân tình yêu của Chúa trong Hội thánh. Người nói: “Trong Hội thánh, tôi sẽ là tình yêu”.

146. H. Cách gọi “dự phòng” Lời Chúa nghĩa là gì?

T. Cách ấy là dành một thời gian thuận lợi để tra cứu một số đoạn văn Kinh thánh liên quan tới các tình huống thường xảy ra trong cuộc sống, ghi chép vào giấy để khi tình huống ấy xảy đến, ta lấy ra đoạn Kinh thánh tương hợp, đọc và suy gẫm. Cách làm này rất hữu hiệu.

147. H. Đâu là những trích dẫn tiêu biểu về những đoạn Kinh thánh liên quan đến các tình huống thường xảy ra?

T. Có rất nhiều trích dẫn, ta có thể ghi nhận một số :

  • Khi được Chúa ban ơn, ta có thể đọc: Tv 64; Tv 83; Dt 11, 15…
  • Khi bị cám dỗ, ta có thể đọc: Tv 1; Tv72; Mt 6, 24; Lc 21, 33-36
  • Khi đức tin bị chao đảo, ta có thể đọc: Tv 31; Tv 40; Mt 26, 29 ; Ga 5, 11
  • Khi bị bạn bè lãng quên, phản bội, ta có thể đọc: Tv 26; Tv 34; Mt 10, 21-31; Lc 17,3-4
  • Lúc mệt mỏi lao nhọc, ta có thể đọc: Tv 6; Tv 39; Mt 11, 28; Rm 8, 31
  • Muốn thành tâm sám hối, ta có thể đọc: Tv 50; Tv 68; Mt 1, 21; Cv 4, 12

148. H. Chia sẻ Lời Chúa có phải là sống Lời Chúa không?

T. Đúng như vậy. Nhưng chia sẻ Lời Chúa có thêm một tính chất, đó là tính cộng đồng, trong khi việc sống Lời Chúa như trình bày ở trên thiên về đời sống cá nhân.

149. H. Tính cộng đồng của việc chia sẻ Lời Chúa được hiểu thế nào?

T. Tính cộng đồng của việc chia sẻ Lời Chúa được hiểu là một nhóm người tụ họp lại, đọc Lời Chúa rồi trao đổi với nhau những cảm xúc, ý nghĩ xuất phát từ đoạn Kinh thánh vừa nghe đọc.

150. H. Đâu là nguồn gốc việc chia sẻ Lời Chúa?

T. Nguồn gốc việc chia sẻ Lời Chúa là đoạn thư của thánh Gioan: “Điều đã có ngay từ khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1, 1-4).

151. H. Nên lưu ý những điểm nào trong đoạn văn Kinh thánh trên?

T. Nên lưu ý những điểm này:

  • Về nội dung: “Điều đã có ngay từ khởi đầu” là chính Chúa Giêsu Kitô.
  • Về sự trải nghiệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt” tức là thánh Gioan đã tiếp xúc, đã có kinh nghiệm bản thân về Chúa Giêsu Kitô.
  • Về đối tượng chia sẻ: “Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa”, thánh Gioan chia sẻ cho người khác về Chúa Giêsu Kitô  mà người đã trải nghiệm.
  • Về mục đích: “Để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi”, tức là mỗi người cũng có được sự sống đời đời như thánh Gioan.

Trên đây là những điều cốt yếu cần phải có trong việc chia sẻ Lời Chúa.

152. H. Có thể nêu lên ít nhiều chỉ dẫn hữu ích để việc chia sẻ Lời Chúa mang lại kết quả không?

T. Đây là một số chỉ dẫn hữu ích:

  • Một là nên chọn bản dịch Kinh thánh được Giáo quyền chấp thuận. Sử dụng các bài đọc trong thánh lễ của ngày để chia sẻ là tốt nhất, vì giúp đào sâu và sống liên tục thánh lễ bàn thờ và thánh lễ cuộc đời.
  • Hai là cần thinh lặng ít phút sau khi nghe đọc bài Kinh thánh để Lời Chúa thấm nhâp và tác động trong ta, rồi mới bắt đầu lên tiếng.
  • Nội dung chia sẻ là Chúa Giêsu Kitô và những gì liên hệ tới Chúa. Ví dụ ta hiểu Chúa Giêsu thế nào qua đoạn Kinh thánh vừa nghe? Niềm vui được đón nhận Lời Chúa, tâm tình phát xuất do việc tiếp xúc với Lời Chúa. Cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, dù điều này không phải là chính yếu: Ta đã sống Lời Chúa thế nào, gặp những khó khăn nào, giải quyết ra sao…
  • Tính chất việc chia sẻ phải là thành thật phát xuất từ đáy lòng do Lời Chúa tác động. Vì thế tránh những bài đọc viết sẵn, tránh mọi hình thức phô trương, lên mặt dạy đời.

 BÀI XIII: ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG

SUY NIỆM VÀ SỐNG LỜI CHÚA

 “Đức Maria đã suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19)

Kinh thánh tập chú vào Chúa Giêsu Kitô nhưng cũng đề cập đến Mẹ của Người là Đức Maria. Chúng ta học cách “suy đi nghĩ lại của Mẹ”, để việc đọc Kinh thánh phát sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống hằng ngày.

153. H. Kinh thánh có nói gì đến Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu không?

T. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước đều nói tới Đức Maria, nhưng theo cách thức khác nhau.

154. H. Nhân vật nào trong Cựu ước được coi là hình bóng Đức Maria?

T. Đó là bà Giuđich, bà Ette nhất là bà Evà. Bà Giuđich và bà Ette đã giải thoát dân Israel khỏi nô lệ ngoại bang, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Hai bà này tiên báo sự cộng tác tuyệt vời của Đức Trinh nữ Maria vào công trình của Chúa Giêsu để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ Sa tan.

155. H. Bà Eva là hình bóng Đức Maria như thế nào?

T. Bà Evà được các giáo phụ so sánh với Đức Maria theo hình thức đối kháng: Evà là mẹ loài người theo phương diện tự nhiên, Đức Maria là mẹ loài người theo phương diện siêu nhiên. Evà là mẹ của kẻ chết do tội lỗi, Đức Maria là mẹ của kẻ sống do ân sủng.

156. H. Các thánh thường sử dụng các hình ảnh sự vật nào để nói về Đức Maria?

T. Các thánh thường ví Đức Maria như hòm bia Thiên Chúa, khu vườn rào kín, hoa hồng, suối nước mát, hừng đông, sao mai, nắm bông dưới sương đêm… Những cách ví von này muốn đề cao địa vị ưu việt của Đức Maria và muốn nói lên sự chăm sóc đầy ưu ái của Chúa Ba Ngôi dành cho Mẹ.

157. H. Cựu ước đã tiên báo thế nào về Đức Maria trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô?

T . Đó là 2 lời này:

  1. Dòng dõi người nữ sẽ đạp dập đầu mi.” (St 3, 15). Đây là lời Thiên Chúa tuyên phạt nguyên tổ, đồng thời là lời hứa cứu độ nhân loại nhờ Chúa Giêsu Kitô sẽ sinh bởi Đức Trinh nữ Maria. Lời hứa này là mấu chốt của công trình cứu độ, là niềm hy vọng lớn lao và vui sướng tràn trề cho loài người. Vì thế lời hứa này được gọi là “Tiền Tin Mừng”.
  2. Một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14). Đây là lời ngôn sứ Isaia tiên báo Trinh nữ Maria sẽ mang thai và sinh hạ Đấng Cứu Đô muôn dân, Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

158.  H. Tân ước nói thế nào về Đức Maria ?

T. Tân ước nói trực tiếp về đời sống và hoạt động của Đức Maria trong tương quan với Chúa Giêsu và trong vai trò của Mẹ đối với loài người. Tất cả những điều ấy có thể quy vào 3 nội dung sau đây :

  •  Một là Đức Maria là người mẹ trinh khiết đã sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu Con Thiên Chúa.
  •  Hai là Đức Maria hết lòng cộng tác vào công trình cứu độ của Con Mẹ.
  •  Ba là Đức Maria trở thành gương mẫu sáng ngời cho loài người noi theo.

159. H. Đức Maria đã nêu gương sáng ngời nào cho loài người?

T. Đức Maria đã nêu gương đời sống đức tin, đức cậy, đức mến và các nhân đức khác cách hoàn hảo như kinh cầu Đức Bà xác nhận: “Đức Bà là gương nhân đức”.

160. H. Đức Maria đã nêu gương đón nhận và thực hành Lời Chúa trong những hoàn cảnh nào ?

T. Đức Maria đã nêu gương đón nhận và thực hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, như trong ngày truyền tin, ngày sinh hạ hài nhi, ngày dâng Chúa vào đền thánh, tại tiệc cưới Cana, trên đồi thập giá… Chính Chúa Giêsu đã tế nhị ca ngợi Mẹ : “Mẹ và anh em tôi chính là những ai đón nghe và thực hành Lời Chúa” (Mc 3, 35).

161. H. Trong ngày truyền tin, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa thế nào?

T. Trong ngày truyền tin, Mẹ can đảm thưa “xin vâng” (Lc 1,38) đón nhận Lời Chúa đề nghị làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Lời “xin vâng” ấy thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Mẹ. Từ đây, Mẹ không còn là một phụ nữ như các phụ nữ khác nhưng đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Từ đây, Mẹ sống chỉ để phục vụ công cuộc cứu độ của Con Mẹ.

162. H. Lời xin vâng của Mẹ dạy ta điều gì?

T.  Lời xin vâng của Mẹ dạy ta biết vâng theo thánh ý Chúa trong mọi sự như Mẹ, mà thánh ý Chúa được bày tỏ chắc chắn nhất trong Kinh thánh. Cho nên sống những Lời Chúa dạy trong Kinh thánh là cách sống trọn hảo đối với các Kitô hữu.

163. H. Đức Maria đã làm cách nào để mỗi ngày hiểu biết Chúa hơn?

T.  Đức Maria thường “suy đi nghĩ lại trong lòng” những gì liên quan tới Chúa Giêsu, Con Mẹ. Cụm từ “suy đi nghĩ lại trong lòng” được thánh Luca ghi lại trong 2 trường hợp sau đây:

  • Một là khi các mục đồng tới máng cỏ Belem thờ lạy Chúa Hài nhi (x. Lc 2, 19).
  • Hai là sau khi tìm lại được Chúa Giêsu trong đền thánh (x. Lc 2, 33).

164. H. Việc Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng dạy ta điều gì ?

T. Dạy ta cũng biết suy đi nghĩ lại những điều Chúa nói với ta qua đoạn văn Kinh thánh đang đọc. Đọc và suy nghĩ trong thinh lặng sẽ giúp ta hiểu Lời Chúa hơn như Kinh thánh viết : “Lời Chúa chỉ vang lên trong nơi thinh lặng (1 V 19). Noi gương Mẹ, ta cũng biết sẵn sàng xin vâng trong những biến cố khó hiểu của cuộc sống ta.

165. H. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy ta điều gì về thái độ của Đức Maria đối với Lời Chúa?

T. Đức Thánh Cha dạy: “Đức Maria là một trinh nữ lúc nào cũng chăm chú lắng nghe Lời Chúa, sống hòa điệu hoàn toàn với Lời Chúa, trân quý trong lòng mọi biến cố của Con mình, nối kết chúng lại với nhau thành một bức tranh duy nhất” (Tông huấn Lời Thiên Chúa số 27).

166. H. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyên ta nên thực hành việc đạo đức nào để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria?

T. Đức Thánh Cha khuyên ta nên đọc kinh truyền tin là kinh vừa đơn giản vừa sâu sắc, giúp ta thêm lòng yêu mến mầu nhiệm nhập thể. Người cũng khuyến khích ta đọc kinh mân côi là kinh suy đi nghĩ lại các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha còn căn dặn : tốt nhất là trước mỗi chục kinh, ta nên đọc một đoạn Kinh thánh ngắn liên quan đến mầu nhiệm đang suy niệm (Tông huấn Lời Thiên Chúa số 88).

 THAY LỜI KẾT

Sau khi đã ban cho chúng ta Con Ngài, Lời của Ngài, Thiên Chúa không còn lời nào nữa để ban cho chúng ta. Ngài đã nói tất cả và nói một lần nơi Ngôi Lời, bởi vì những gì Ngài đã nói từng phần qua các tiên tri, thì Ngài đã nói đầy đủ tất cả nơi Con của Ngài, khi Ngài ban cho chúng ta tất cả, bởi vì Con Ngài là tất cả.” (thánh Gioan Thánh Giá).

 KINH CẦU NGUYỆN CHO GIÁO PHẬN

Chuẩn bị mừng Kim khánh Giáo phận (Ngũ niên 2011 – 2015)

 Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,/ chúng con cảm tạ Chúa đã qui tụ chúng con thành gia đình Giáo Phận/ và hằng hiện diện chăm sóc từng người chúng con./ Chúa đang dẫn chúng con vào hành trình tiến về hồng ân Kim Khánh Giáo Phận, khi mời gọi chúng con nỗ lực canh tân đời sống đức tin/ để gia đình và giáo xứ trở thành cộng đoàn Lời Chúa,/ cộng đoàn Phụng Tự,/ cộng đoàn Yêu Thương,/ cộng đoàn Truyền Giáo / và cộng đoàn Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu,/ xin cho chúng con biết yêu mến và sống Lời Chúa,/ để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng sự thật và tình yêu./ Xin cho Lời Chúa thấm nhập mọi suy nghĩ,/ lời nói/ và hành động của chúng con,/ để cuộc đời chúng con trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện./ Xin cho chúng con biết sốt sắng cầu nguyện chung với nhau nơi gia đình,/ siêng năng tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh,/ và làm cho thánh lễ trở thành trung tâm đời sống,/ để chúng con ngày càng hiệp nhất với Chúa hơn./ Nhờ Lời Chúa và các Bí Tích nuôi dưỡng,/ xin giúp chúng con luôn sống hiệp nhất và yêu thương./ Xin đổ tràn Chúa Thánh Thần trên chúng con,/ thúc đẩy chúng con nhiệt thành tiếp nối sứ mạng phục vụ và yêu thương của Hội Thánh,/ biết cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống,/ để mọi người tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất./

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,/ thánh cả Giuse,/ và các thánh Tử Đạo Việt Nam,/ xin Chúa chúc lành cho mọi cố gắng của chúng con,/ nhằm xây dựng gia đình và giáo xứ thành gia đình của Thiên Chúa,/ nên dấu chỉ tình yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay. Amen.

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon