Như chúng ta đã biết, ơn gọi Đa Minh là rao giảng Tin Mừng cứu độ, rao giảng một Đức Kitô đã đến “không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mt 20, 28), một Đức Kitô đã yêu đến cùng, đã chết trên thập giá vì yêu thương và đã phục sinh để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Thế nhưng thử hỏi chúng ta rao giảng Tin Vui ấy bằng cách nào? Làm thế nào để “Lời” có thể vang xa đến tận chân trời góc biển. Xin dựa vào hai lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 4) và “Hãy đi giảng dạy khắp muôn dân” (x. Mt 28, 20; Mc 16, 20), để phác họa sứ vụ loan báo Tin Mừng của người tu sĩ Đa Minh
1. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”
Theo Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ một lệnh truyền trước khi vào cuộc khổ nạn: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 4). Làm thế nào để chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu? ở lại bằng cách nào? Trước hết, “ở lại trong tình yêu Chúa Giêsu” là ở lại trong lời của Ngài, như Chúa Giêsu đã nói với những người Do thái: “Nếu các ngươi lưu lại trong lời của Ta, thì các ngươi là môn đồ của Ta” (Ga 8, 31). Vậy, “ở lại trong lời Chúa” là đón nhận lời Ngài, suy niệm lời Ngài, để lời Ngài thấm sâu vào trong tâm hồn chúng ta. Nói cách khác “ở lại trong Chúa” là để cho lời Ngài vang vọng trong tâm hồn chúng ta, khơi dậy nơi chúng ta khát vọng sống yêu thương, sống hiến thân, sống cho đi và sống kết hợp với Chúa Cha trong từng giây phút. Sống trong một thế giới ồn ào, náo động, lòng trí của chúng ta phải tiếp cận với ngàn lời nói khác nhau, có lời mang đến niềm vui, sự bình an, có lời mang đến sự buồn phiền, giả dối. Vì thế, chúng ta cần phải “ở lại trong Lời Chúa” để chính Lời Ngài soi đường chỉ lối cho chúng ta, soi sáng cho chúng ta biết đâu là lời thật, lời mang lại niềm vui và hy vọng.
“Ở lại trong tình yêu Chúa Giêsu” là đón nhận chính sự sống của Ngài, một sự sống hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Một sự sống sinh hoa kết trái như Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để mô tả tương quan của Người với các môn đệ. Người là “cây nho thật”, còn chúng ta là cành, mà cành thì phải “ở lại” trên cây nho để sinh hoa kết trái. Điều này muốn nói lên rằng, chúng ta phải “ở lại” trong tình thương của Đức Giêsu như Người “ở lại” trong tình thương của Chúa Cha, vì thế hãy để cho Người yêu thương ta, không đặt một trở ngại nào gây khó khăn cho tình thương ấy. Chính trong bí tích Thánh Thể, Chúa thông ban cho chúng ta đời sống thần linh và những ơn thánh cần thiết như nhựa sống của cây, để chúng ta có thể sinh hoa kết trái bằng các việc lành, và có sức để đương đầu với thử thách của cuộc đời.
Lời mời gọi “ở lại” của Chúa Giêsu trở nên thiết thực đối với tất cả mọi người Kitô hữu và cách riêng đối với mỗi người tu sĩ Đa Minh. Có thể nói một đòi hỏi của nhà giảng thuyết là cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa, một kinh nghiệm sống động, kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa. Kinh nghiệm này chỉ có được nhờ lắng nghe lời Chúa, nhờ “ở lại với Ngài” trong cầu nguyện, trong hiệp thông với Ngài qua bí tích Thánh Thể. Người tu sĩ Đa Minh sống cầu nguyện như thế nào? Thánh Đa Minh không viết một thiên khảo luận về cầu nguyện, nhưng qua cuộc đời của người, anh em trong Dòng đã sớm nhận ra vài nét đặc trưng chi phối cách cầu nguyện cũng như truyền thống đạo đức của Dòng. Tất cả những nhân chứng ở Bologna tuyên bố rằng thánh Đa Minh là con người cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện ngày và đêm. Người cầu nguyện đặc biệt cho những người đau khổ, bị bỏ rơi. Lời cầu nguyện của thánh Đa Minh là lời cầu nguyện chuyển cầu. Lời cầu nguyện này có sức mạnh phi thường như Thiên Chúa đã nói với thánh Catarina Siena: “Đừng bao giờ buông lơi khát vọng xin Cha trợ giúp. Đừng bao giờ bớt nhiệt tình trong việc xin Cha thương xót thế gian. Đừng bao giờ ngừng gõ cửa Chân Lý Cha bằng dõi theo vết chân Người” (Đối Thoại, ch. 107).
Chính vì thế, mỗi người tu sĩ Đa Minh cần sống lại tinh thần của thánh Đa Minh, sống đời cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. Đây cũng là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, trong loạt bài giáo lý thứ tư hằng tuần về cầu nguyện: “Trước mọi nguy hiểm, khó khăn, đe dọa, cộng đồng Kitô đầu tiên không cố gắng phân tích cách thức để phản ứng hay tìm kiếm các chiến thuật để tự bảo vệ, và phải áp dụng biện pháp nào, nhưng trước những thử thách, họ đã cầu nguyện”. Vì thế, chúng ta hãy kết hợp “mọi biến cố trong đời sống với lời cầu nguyện, để tìm được ý nghĩa sâu xa hơn, để như cộng đồng Kitô tiên khởi, chúng ta cũng có thể được soi sáng bởi Lời Chúa qua việc suy niệm Kinh Thánh, để chúng ta có thể học biết cách nhận thức rằng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta, hiện diện ngay trong những giờ phút khó khăn, và trong mọi sự”[1]. Chỉ trong thinh lặng và chiêm niệm người tu sĩ Đa Minh mới có thể chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Hơn thế nữa, nhà truyền giáo đích thực là một vị thánh: “Lời mời gọi truyền giáo tự bản chất bắt nguồn từ lời mời gọi nên thánh”[2]. Do đó, mỗi người tu sĩ Đa Minh chỉ đích thực là nhà truyền giáo khi dấn thân sống theo con đường thánh thiện. Sự thánh thiện là nền tảng thiết yếu và là một điều kiện tuyệt đối không thể thay thế được để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng.
2.“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”
Đây là lệnh truyền mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ trước khi Ngài đi về cùng Cha. Chính lệnh truyền này làm nên bản chất của Giáo hội, như Công đồng Vatican II đã khẳng định rằng: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”[3]. Và trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm nổi bật lý do hiện hữu và tồn tại của Giáo hội “Giáo hội hiện hữu là để truyền giáo”[4]. Trong dòng suy tư ấy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết về căn tính truyền giáo của Giáo hội “Giáo hội là một cộng đoàn ở trong tình trạng thừa sai đời đời”[5]. Như thế, ơn gọi và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội được đặt trên nền tảng thần học dựa theo nguồn Mạc Khải. Bởi đó, ơn gọi thánh thiêng này, sứ mệnh cao cả này luôn được Giáo hội cổ võ và thể hiện ở mọi nơi, mọi thời và mọi dân tộc trên toàn thế giới.
Tiếp nối sứ mạng của Giáo hội, người tu sĩ Đa Minh cũng phải rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Đây cũng là một trong những mục đích của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp: “Làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và dâng hiến hoàn toàn cho việc loan báo Tin Mừng…”[6]. Chúng ta loan báo Tin Mừng theo cách thế nào? Trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, Đức Phaolô VI nhận định rằng: “Người đương thời sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là những thày dạy, hoặc nếu họ có nghe các thày dạy, thì bởi vì chính các thày dạy cũng là những nhân chứng”[7]. Điều này cho thấy cách thế truyền giáo hữu hiệu nhất là chứng nhân của cuộc sống. Cách thế truyền giáo này không phải là điều mới mẻ, vì trong lịch sử Giáo hội, biết bao anh hùng tử đạo đã hy sinh mạng sống mình làm chứng cho đức tin. Và ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu của chúng ta, máu của các anh hùng tử đạo đã làm nảy sinh và phát triển đức tin trong lòng dân tộc Việt Nam. Vậy nói đến đời sống chứng nhân là chúng ta nhấn mạnh đến “cái là” hơn “cái làm”. Vì thế, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu – bổn mạng các xứ truyền giáo – đã nói : “Thiên Chúa cần một tâm hồn tông đồ chứ không cần việc tông đồ”. Hay Mẹ Têrêxa Calcutta trong lá gửi thư cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có viết: “điều quan trọng không phải là công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công tác”. Nếu nhấn mạnh đến cái làm, chúng ta có nguy cơ lấy bản thân mình làm trung tâm điểm thay vì lấy Đức Kitô, chúng ta biến cái phụ thành cái chính. Đây là một cơn cám dỗ cho một số đông các tu sĩ trong thời đại hôm nay. Vì thế, loan báo Tin Mừng bằng những cuộc tiếp xúc cá nhân là một hình thức loan báo Tin Mừng luôn có giá trị và quan trọng.
Trong thời đại hôm nay, phương tiện truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người, như Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhận xét: “Đối với nhiều người, muốn tìm lời khuyên, ý tưởng, thông tin và các câu trả lời, thì việc đầu tiên là lên mạng hay vào mạng xã hội. Trong thời đại chúng ta, Internet ngày càng trở thành nơi để hỏi và tìm câu trả lời”[8], chính vì thế, Hội dòng cũng nhận ra tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng qua truyền thông nên đã thiết lập một trang web. Thế nhưng thử hỏi làm cách nào để “giao tiếp giữa người với người” có thể thực hiện được qua cách thức truyền giáo này? Nói cách khác làm thế nào trang web của chúng ta “có thể giúp con người ngày nay tìm được thời giờ suy tư và tìm hiểu những vấn đề thiết yếu, cũng như tạo khoảng trống cho thinh lặng và cơ hội cầu nguyện, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa”[9]. Điều này đòi hỏi mỗi thành viên trong Hội dòng sống đúng linh đạo Đa Minh “Chiêm niệm và hoạt động”. Chỉ trong chiêm niệm, những suy tư, những bài chia sẻ, suy niệm Lời Chúa của chúng ta mới có thể giúp người khác “hoán cải nội tâm” và “quay về cùng Thiên Chúa”. Qua phương tiện truyền thông này, “Lời” sẽ không còn co cụm trong một nơi chốn, một địa điểm, nhưng sẽ “vang xa” đến chân trời góc biển, đến với tất cả những ai “quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì?”[10].
Thay lời kết
Như các môn đệ được sai đi đến với mọi dân tộc để làm cho mọi người trở thành môn đệ Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta cũng được sai đến với con người ngày hôm nay để loan báo Tin Mừng cứu độ. Sống trong một thế giới duy vật, yêu chuộng vật chất, bán rẻ lương tâm, đánh rơi con người, người tu sĩ Đa Minh cần sáng suốt để biện phân, xem xét điều cần làm và phải làm dưới ánh sáng của Tin Mừng. Điều này đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta lòng yêu mến đời sống thinh lặng, đời sống nội tâm để có thể loan báo Tin Mừng cách có hiệu quả, đó cũng chính là sứ điệp mà Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI gởi đến cộng đồng dân Chúa trên toàn thế giới trong ngày Quốc tế truyền thông 2012 : “Thinh lặng và Lời nói: Nẻo đường Phúc Âm hoá.
Việc truyền giáo của chúng ta ngày hôm nay cũng trở nên phong phú, đa dạng qua những cách thức tiếp cận khác nhau: qua sự hiện diện, sống với những người nghèo, vùng sâu, vùng xa, và qua phương tiện truyền thông. Cách này hay cách khác, đi đến biên cương hay đóng khung trong bốn bức tường tu viện, tất cả đều nhằm đến một mục đích duy nhất loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất.
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, O.P
[1] Nguồn http://www.zenit.org/article-30615?l=french.
[2] Đức Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng cứu độ, số 90.
[3] Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo hội 1. 2.
[4] ĐGH Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, số 14.
[5] Đức Gioan Phaolô II, Ngày truyền giáo 1985.
[6] Nội Quy và Công vụ Tổng hội Tam hiệp XIII, chương 0, V, tr. 31.
[7] Sđd, số 41.
[8] ĐGH Bênêdictô XVI, Sứ điệp truyền thông 2012.
[9] Sđd.
[10] Sđd.