Cứ mỗi năm lại nghe sứ điệp “thức tỉnh” kêu gọi để trở về với căn tính của người Kitô hữu. Có lẽ chúng ta vẫn hỏi, tại sao sứ điệp “tỉnh thức” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và thường kỳ như vậy? Với một vài khía cạnh “thức tỉnh” và nghe lại Lời Chúa mời gọi, chúng ta cũng chuẩn bị cho ngày Chúa đến.
Thức tỉnh giữa những ngủ quên.
Thức tỉnh để lấy lại niềm vui đang ẩn náu trong bạn và trong cuộc đời. Chữ “Sin” chỉ về tội lỗi, ý nghĩa của từ đó là “đi sai đường”. Đi sai đường nên mất niềm vui sống, đi sai đường nên cứ loanh quanh sống cuộc đời không lối thoát. Chúa Giêsu mời gọi tỉnh thức theo ý nghĩa này là “Sám Hối và tin vào Tin Mừng”. Nghĩa là cần lắng nghe lại Lời Chúa chỉ dẫn để sửa lại lối đi cho có mục đích, thức tỉnh giữa mê lầm để trở lại sống trong niềm vui của Tin Mừng. Niềm vui là chính Chúa ở trong chúng ta, đó là sứ điệp chính yếu mà Thánh Gioan đã trình bày: “Người đã đến nhà của Người” (Ga 1, 11)
Ngủ mê giữa lúc tỉnh thức. Cuộc sống luôn đòi tỉnh thức giữa bao mê hoặc, giả dối chung quanh. Nhưng làm sao tỉnh thức mà không có lúc ngủ quên. Ngủ quên vì mệt mỏi, vì chủ quan, vì theo lối sống thường nhật, vì bao nhiêu thứ khác đưa đẩy và cả vì lối sống thường xuyên ham vui thế tục. Như người lái xe tỉnh thức, lúc nào cũng bẻ lái sang phải, sang trái một chút để điều chỉnh hướng đi. Con người giữa cuộc đời cũng thế, đâu thể cứ buông để sống. Ngày một, ngày hai có thể chưa thấy sai lầm nhưng mỗi ngày một ít sai đến khi không kịp bình tĩnh để sửa lỗi. Thế nên, Thánh Phêrô khuyên bảo: “ Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé.” ( 1 Pr 5: 8). Sống tiết độ là kiểm soát được mình, điều chỉnh mỗi ngày không để lạc hướng và sai mục đích trên đường đi tới.
Thức tỉnh cái tôi sở hữu. Giữa cái “tôi” và “sở hữu” có một liên quan mật thiết đến khó ngờ cần “tỉnh thức”. Chúng ta muốn có nhà to hơn, đẹp hơn; có chiếc xe mới hơn, hàng hiếm hơn; có những thứ có thể kiêu hãnh, hơn người vì sở hữu nó. Điều đó không sai nhưng đầy nguy hiểm. Lâu ngày, sẽ thấy giật mình “tỉnh thức” vì chính mình cũng đang đánh đổi giá trị “con người” sang giá trị “đồ vật”. Cái “chóng qua” thay cho điều “vĩnh cửu”, cái “trần thế” thay cho “cõi thiêng”. Chúa Giêsu cảnh giác: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12, 15).
Thức tỉnh với chính mình. Có rất nhiều biểu hiện “cái tôi” chính mình cần sửa đổi. Cái “tôi ích kỷ” thường biểu hiện qua cảm xúc chán ghét và than phiền về người khác. Thói quen này tưởng như không ảnh hưởng đến đời sống của mình nhưng kỳ thực, nó lại là nguyên nhân cơ bản đưa đến những đổ vỡ tương quan trầm trọng. Thường những khi phàn nàn, người ta hay mắc căn bệnh chủ quan và suy diễn theo những điều tiêu cực, dẫn đến nhận xét sai lầm về người khác và thường hay phóng chiếu lỗi lầm của người khác, để chứng mình điều mình nhận xét về người khác là đúng. Căn bệnh này thường là biểu hiện “cái tôi ích kỷ” tự đánh bóng mình lên bằng những sai lầm của người khác. Chúa Giêsu dạy: “”Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7, 1).
Thực hành thức tỉnh.
Cầu nguyện luôn:
Chúa Giêsu dạy “Cầu nguyện luôn” (Lc 21,36) để biết rằng con người mình đầy bất toàn và dễ vỡ. Cần có nhiều ơn Thiên Chúa mới có thể thắng được chính mình. Cần có Thiên Chúa luôn để hướng dẫn mình ra khỏi những mê lầm và đi trên con đường ngay chính. Con người được mời gọi đi tìm Thiên Chúa như những đạo sỹ đến tìm gặp Chúa Giêsu tại Bêlem, cần có ngôi sao dẫn đường, có Lời Chúa chỉ dẫn. Cần có một động lực của lòng yêu mến được Chúa Thánh Thần thắp lên, hăng hái lên đường và đôi khi đủ kiên vững vượt qua những chán nản.
Thực thi đời sống tiết độ để tìm gặp Chúa:
Giữ mình khỏi những thứ tham lam, kiểm soát được mình giữa những đam mê, biết dùng của cải chóng qua đời này mà tìm mua được Nước Trời. Đức tính tiết độ mời gọi sống biết dừng lại trước những cám dỗ “tiêu thụ”, “thụ hưởng” hay gọi cách khác “hưởng lạc”. Những cảm xúc chóng qua không mang đến hạnh phúc đích thực, những khoái cảm không mang lại an bình đích thực. Con người cần tìm đến Chúa là thực tại của “an bình” để trở nên “khí cụ của bình an”. Niềm vui của Tin Mừng mời gọi con người chúng ta khám phá và gặp thấy “Đấng ban bình an”, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).
Thực thi đức ái:
Đức ái không chỉ nhắm đến lòng thương xót người khác nhưng còn cao cả hơn đối với chính bản thân mình, đó là tập luyện để chiến thắng “cái tôi ích kỷ”. “Cái tôi ích kỷ” mà Chúa Giêsu mời gọi “ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình” (Lc 9, 23) là chiến thắng sự dữ ở nơi chính mình. Trong Kinh Hòa Bình nói đến một quy luật rất hay: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Sống hòa mình với người khác là chứng tỏ sự an bình đang ngự tại tâm hồn chính mình. Sống tha thứ, khoan dung với người khác là thấy mình đang được khoan dung và tha thứ. Cho nên luyện tập đức ái không chỉ là cho người khác mà còn là cho chính mình thông qua người khác., chiến thắng cái “tôi ích kỷ” nơi mình.
Tỉnh thức giữa đời, xin Chúa luôn dùng ngôi sao dẫn đường để chúng con biết hướng theo, tìm kiếm và học hỏi để nhận ra Chúa, nhận ra Chúa để chúng con được Chúa đổi mới tâm hồn. Tìm đến Chúa, gặp gỡ Chúa để rồi cũng gặp gỡ, sống tương quan tốt đẹp với những anh chị em chung quanh chúng con, những người đang thành tâm xây đắp bình an của Chúa trên toàn thế giới.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan