Giảng lễ Thiếu nhi: Này là con Ta yêu dấu

0

Chúa Chịu Phép Rửa

NÀY LÀ CON TA YÊU DẤU

(Dành cho Thiếu Nhi)

Thiếu Nhi chúng con rất thân mến!

Khi nào thì chúng con cần rửa tay chân? Khi tay chân dơ bẩn. Để làm gì? À, để giữ gìn vệ sinh và tránh bệnh tật nguy hiểm. Thông thường chúng con còn phải tắm mỗi ngày nữa. Mặc dù có những em cũng làm biếng tắm lắm, nhất là những hôm trời lành lạnh như mấy hôm nay. Có ai 3 tháng mới tắm một lần không? Có hả? Có thì mang đi làm yaourt được rồi đấy!

Chúng con thấy trên Tivi người ta quảng cáo nhiều loại xà bông diệt khuẩn: nào là Lifebouy, nào là Safeguard… nhằm diệt các vi khuẩn có hại và nguy hiểm bám trên da.

Ngay từ thời xa xưa con người đã biết ý thức về việc giữ gìn vệ sinh thân thể, tức là tắm rửa. Việc thanh tẩy còn có ý nghĩa tôn giáo nữa, như trong đạo Do Thái. Người ta gọi đó là phép rửa, nhằm khu trừ các bệnh tật của linh hồn, tức là tội lỗi và các thói hư tật xấu… Thánh Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa này cho dân chúng và Chúa Giêsu cũng đã đến để lãnh nhận phép rửa của Gioan.

Vậy cha hỏi chúng con nè, phép rửa mà chúng con cũng như cha đã lãnh nhận và phép rửa mà Chúa Giêsu chịu từ tay Gioan có giống nhau không? Không. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận là Bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập để tha tội, tội chung và tội riêng; đồng thời cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Đây là phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi đó khi rửa tội, chúng con nghe linh mục đọc: “Cha rửa con, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Còn phép rửa mà ông Gioan thực hiện thì sao? Có tha được tội nguyên tổ và tội riêng không? Có làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa không? Có nhân danh Ba Ngôi không? Thưa không. Đây chỉ là nghi thức sám hối, nhằm kêu gọi mọi người ăn năn hoán cải, sửa đổi đời sống, hầu chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế và đón nhận ơn tha tội mà Chúa Giêsu sẽ ban sau này.

Chúa Giêsu có tội không chúng con? Chắc chắn là không rồi. Vì lẽ đó mà ban đầu ông Gioan không dám làm phép rửa cho Chúa Giêsu như lời ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa. Thế mà Ngài lại đến với tôi”.

Vậy thì tại sao Chúa lại phải lãnh nhận phép rửa của Gioan? Chúa lãnh nhận phép rửa của Gioan vì Chúa muốn đồng cảm với con người chúng ta để chia sẻ kiếp người yếu đuối mong manh, dễ bị tổn thương bởi chính tội lỗi của mình, cũng như dễ làm người khác bị tổn thương. Chúa hòa vào dòng người tội lỗi ấy để đến xin Gioan làm phép rửa cho, như một cử chỉ nhắc nhở và khích lệ thánh Gioan tiếp tục can đảm làm chứng nhân và làm tiền hô cho Chúa. Sau hết, Chúa đón nhận phép rửa của Gioan để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn, nghĩa là để Chúa Cha có thể giới thiệu Ngài với nhân loại chúng ta.

Mặc dù Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, không vướng mắc một tội lỗi nào, nhưng vì yêu thương và muốn cứu chúng ta khỏi tội lỗi, nên Ngài đã vâng lời Chúa Cha, xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu hèn của con người. Hành động này đã làm cho Chúa Cha hài lòng, nên Chúa Cha đã xác nhận: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Chúng con thân mến! Qua Bí tích Rửa Tội, chúng con đã được Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa và được trở nên con cái Thiên Chúa. Vậy chúng con hãy dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân, vì Chúa đã cho chúng con được làm con của Người, được gọi Chúa là Cha và được đón nhận mọi người như là anh em, chị em của mình.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, ngay gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Vậy lúc này đây, chúng con hãy dâng lên Chúa quyết tâm sống thật tốt, thật xứng đáng là con Thiên Chúa qua cuộc sống của mình. Cụ thể là luôn biết yêu thương, thảo hiếu trong gia đình, biết hoà nhã khiêm tốn đối với mọi người chung quanh, và biết chăm chỉ siêng năng học hành nơi trường lớp. Có như thế, chúng con mới có thể được nghe Chúa nói với mình: “Đây là cu Tí, cu Tèo; đây là bé Na, bé Ni yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về các con… Ta rất vui và rất thương các con…”. Chứ không phải nghe lời Chúa nói: “Đây là con yêu…quái của Ta; Ta… buồn lòng về nó…”.

Chúng con thích nghe câu nào? Câu thứ nhất hay câu thứ hai? Tất nhiên là câu thứ nhất rồi. Vậy thì chúng con hãy biết sống xứng đáng là người con ngoan của Chúa nha! Được không? Được!

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

 

Comments are closed.

phone-icon