Ngày 13 tháng 01
THÁNH LUCA PHẠM TRỌNG THÌN
CHÁNH TỔNG, TỬ ĐẠO ( 1820 – 1859 )
1. TIỂU SỬ
Luca Phạm Trọng Thìn sinh năm 1920 tại làng Quần Cống, Trà Lũ, Xuân Trường, Nam Định. Trọng Thìn lớn lên trong bầu khí đạo đức tại gia đình. Nhờ thông minh chăm chỉ, cậu đã sớm “Công thành danh toại”. Chính vì còn trẻ lại có chức có quyền nên có thời gian cậu lơ là trong việc đạo nghĩa và có vợ nhỏ. Nhưng nhờ lời khuyên của thân phụ và của cha giải tội, cậu đã thành tâm sám hối và trở thành một Kitô hữu gương mẫu thánh thiện, một gia trưởng và một thành viên Huynh đoàn giáo dân Đa Minh.
Trọng Thìn bị bắt cùng với cha và chú họ năm 1858 dưới thời vua Tự Đức. Đây là giai đoạn bắt đạo gay gắt nhất của lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Ông đã tuyên xưng đức tin bằng cách viết ra những lời khẳng khái: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi, dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”.
Ông bị kết án xử giảo vì tội chống nhà vua. Ông kịch liệt phản đối, chỉ an tâm khi bản án ghi: “Bất khẳng quá khoá”, nghĩa là không chịu bước qua thánh giá.
Ngày 13 – 1 – 1859, cùng với cha và chú, ông đã anh dũng chịu tử đạo.
Ngày 29 – 4 – 1951, ĐGH Piô XII suy tôn ông lên bậc chân phước.
Ngày 19 – 6 – 1988, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong ông lên bậc hiển thánh.
2. NHẬN ĐỊNH
– Chắc chắn Luca Phạm Trọng Thìn không được học nhiều về Thần học – Thánh Kinh – Luân Lý như chúng ta ngày nay, nhưng cuộc đời gương mẫu, lời tuyên xưng đức tin khẳng khái và cái chết anh dũng của ông đã cho thấy niềm tin kiên vững của ông.
– Di sản cao quý của gia đình Luca Thìn không chỉ là của cải, quyền thế, học vị nhưng trên hết là sự đạo đức, thánh thiện cùng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đó là trọng lễ giáo và chữ hiếu. Vì có lễ giáo, vì chữ hiếu mà ông đã mau mắn vâng lời thân phụ, cha giải tội dạy điều hay lẽ phải để từ đó trở về đường ngay nẻo chính.
– Sống và chết cho chân lý: lời tuyên xưng đức tin của Luca Phạm Trọng Thìn “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi, dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”cho ta nhớ lại quyết tâm của Thánh Đa Minh Saviô: THÀ CHẾT CHẲNG THÀ PHẠM TỘI. Dù đã có lúc ông sống chưa đúng nhưng khi đã được ơn hoán cải ông đã không ngần ngại lên tiếng để bảo vệ chân lý, dám nói lên suy nghĩ và niềm tin của mình, nhất là dám lấy mạng sống để minh chứng cho những gì mình tin. Bên cạnh đó, một điểm đáng khâm phục nơi Luca Thìn là việc ông kịch liệt phản đối bản cáo trạng cho rằng ông chống lại nhà vua. Ông đã từng làm chánh tổng, cộng tác với vua quan triều đình trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là ông luôn kêu gọi dân trung thành với vua thì không có lý gì ông lại chống nhà vua. Ông chỉ có một tội duy nhất là không chịu bước qua Thánh Giá là biểu tượng của niềm tin và ơn cứu độ. Việc này không thể quy cho ông tội chống nhà vua.
3. TỰ VẤN
Đọc tiểu sử của Luca Phạm Trọng Thìn, tôi rất vui và hãnh diện vì mình cũng là người Việt Nam. Cha anh đã sống và chết để bảo vệ đức tin dù các Ngài không học hiểu nhiều về Chúa và Giáo Hội như tôi ngày nay. Tôi tự hỏi,
– Thánh Giacôbê tông đồ quả quyết: Đức tin không việc làm là đức tin chết. Thánh Luca Thìn đã lấy cái chết để nói lên niềm tin của mình. Về phần mình, tôi đã làm gì để cho mọi người thấy đức tin của tôi?
– Thánh Luca Thìn chấp nhận cái chết đau đớn nhất còn hơn lỗi luật.
Tôi đã giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, luật Dòng với tinh thần nào?
Ước mong rằng câu trả lời của tôi không chỉ là những lý thuyết, những mớ kiến thức tôi đã thâu thập được từ trước đến nay hoặc là những quyết tâm trống rỗng mà tôi đã từng đặt ra cho mình hay là những gì tôi nói, tôi khuyên người khác mà chính là những gì tôi sống, những gì tôi từ bỏ và những gì tôi trao ban cho chị em, cho tha nhân. Đó chính là lời tuyên xưng đức tin hùng hồn nhất để những giọt máu đào của cha ông tôi không trở nên vô ích cho bản thân tôi cũng như cho dân tộc Việt nam.