Lá trong văn hóa Á Đông biểu tượng cho hạnh phúc và sự phồn vinh. Chúa Nhật lễ lá gợi nhắc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu độ của Người trên Thập Giá. Sự kiện dân chúng đón tiếp Người với những cành lá và trải áo dưới lối Người đi qua, những lời tung hô, cùng với việc Người cưỡi lừa vào thành làm nổi bật ý nghĩa ngày lễ.
Cưỡi Lừa:
Người chiến binh ra trận với chiến mã uy hùng hay trở về khi thắng trận, là biểu tượng của vị thần chiến tranh, người chinh phục. Việc Chúa Giêsu dùng lừa để vào thành, nói lên ý nghĩa khác với vị thần chiến tranh. Người là Hoàng Tử bình an, Đấng thiết lập hòa bình bằng tha thứ, lấy khiêm nhượng thay thế sự kiêu hãnh, đón nhận hy sinh làm nên hạnh phúc. Việc cưỡi lừa vào thành Giêrusalem được diễn tả bằng một sứ điệp quan trọng: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì ban lại bình an cho ngươi” (Lc 19, 42). Dấu chỉ sự bình an đã xuất hiện nơi Con Người sắp chịu nạn vì Tình Yêu. Nhận ra Người trong thời điểm của tử nạn và phục sinh là thời điểm của “Tình yêu chiến thắng hận thù”.
Cầm cành lá.
Việc tung hô một vị vua vào thành thường được dân thành chuẩn bị kỹ trước khi vị vua đi vào. Thế nhưng, việc Chúa Giêsu vào thành hôm nay lại mang dấu ấn rất bộc phát từ nơi dân chúng. Họ dùng lá cây thay cho những cờ hiệu để phất lên chào đón. Những chiếc lá của ngày khải hoàn thường là cành nguyệt quế biểu trưng cho sự bất tử, vì lá nguyệt quế luôn xanh tươi trong cả những mùa đông giá rét, người La Mã thường dùng để tôn vinh bậc chiến binh cũng như bậc trí tuệ. Với Chúa Giêsu, người ta chặt những cành lá, đó là đặc điểm khác thường trong ngày tôn vinh, nói lên tính bộc phát của lòng đạo đức bình dân. Việc tôn vinh Thiên Chúa không hệ tại ở nghi thức mà xuất phát từ tấm lòng.
Trải thảm.
Người ta thường dùng từ “trải thảm” để nói đến sẵn sàng đón tiếp với một mức độ cao nhất có thể với đối tác được mong đợi. Việc Chúa Giêsu vào thành, khác với lệ thường là những thảm đỏ, đón rước như một quân vương tiến vào thành. Người ta trải áo, chặt cành lá, làm nên tấm thảm của những con người bình dị nhất của cuộc sống. Nghi thức không cầu kỳ, không xa hoa, tráng lệ nhưng lại rất long trọng của những con người nhỏ bé, nghèo khổ. Bất cứ có gì để tôn vinh, người ta có thể dùng thứ ấy, một buổi lễ huy hoàng của lòng tôn kính. Mơ ước rất đơn giản của người nghèo đón Chúa bấy giờ. Họ chờ mong một con người đến từ tầng lớp người nghèo như họ. Một con người nghèo vật chất nhưng lại rất rộng lượng, giàu có về Tình Yêu. Họ tin rằng chính Tình yêu mới làm nên điều kỳ diệu của cuộc sống chứ không phải vật chất. Tình Yêu làm thay đổi mọi hoàn cảnh của cuộc sống chứ không phải là những tiến bộ văn minh thiếu tình thương.
Hosana.
Kết quả bùng phát trong lời tung hô: “Hosana, Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (Mt 21, 9). Không ai đặt khẩu ngữ chung cho đoàn người này. Không có người đứng đầu để khởi phát lời tung hô này. Tất cả đến từ tâm khảm của con người chờ đợi Thiên Chúa đến giải thoát cho dân Người. Lời tung hô ấy, đã âm ỷ trong cả ngàn năm lịch sử của dân Do Thái kể từ ngày ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ. Họ đã chờ đợi và từng chờ đợi trong chuỗi lịch sử trải qua nơi dân tộc của mình. Biết bao thăng trầm trong lích sử, họ đã cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, (Đấng giải thoát họ cũng chính là Đấng đã tạo dựng nên họ). Tin tưởng, cậy trông và hết lòng yêu mến, từ tâm khảm của những con người cùng khổ dưới ách tội lỗi và sự nghèo nàn về vật chất, họ tung hô, họ hát vang lời chúc tụng: “Hosana”.
Bạn thân mến!
Làm sao trong ngày hôm nay khi tung hô Chúa vào thành, mỗi người đều nghiệm thấy trong cuộc đời cuộc khải hoàn của chính Chúa đã đến: “Đấng giải thoát con cũng chính là Đấng đã dựng nên con”. “Xin chúc tụng Chúa, Đấng nhân Danh Thiên Chúa mà đến” (Mt, 21, 9).
Lm Giuse Hoàng Kim Toan