Sự vâng lời của Đức Giêsu

0

Vâng lời là một hành vi mang tính nhân bản và nhân linh của con người, là sự tuân theo mệnh lệnh hay làm theo yêu cầu của một ai đó có quyền hay trách nhiệm trên mình. Nói khác đi, vâng lời là làm theo ý người nào đó có trách nhiệm với mình hoặc ít là liên quan đến mình (cha mẹ, thầy cô, anh chị,…) và cao hơn nữa, con người còn vâng phục ông trời, các thần linh, các đấng thánh ở trên trời để các ngài phù hộ, che chở mình. Vâng lời là hành vi của lòng hiếu thảo, yêu mến và kính sợ đối với người có trách nhiệm với mình. Hành vi ấy cũng nói lên tôn ti trật tự trong luân thường đạo lý của con người ở mọi thời đại. Như thế, ai không vâng lời, người ấy chưa phải là người thực sự.

Thế nhưng, trong thời đại xã hội hôm nay, nền văn minh của nhân loại ngày càng tiến bộ, với sự phát triển siêu tốc của các phương tiện truyền thông (email, internet, điện thoại di động siêu hiện đại, …) và con người luôn ở trong trạng thái “online”, không quá khứ, không tương lai, mọi sự đều trong hiện tại và luôn hiện tại, tức thời. Chủ nghĩa cá nhân vốn đang được đề cao nay càng được chú trọng nhiều hơn nhất là vấn đề tự do, dân chủ. Người ta thích tự do và làm mọi cách để có tự do. Chính vì thế, con người thời nay nói chung, giới trẻ cách riêng dường như không thích vâng lời và rất khó vâng lời, ngay cả vâng lời cha mẹ, những người có trách nhiệm với mình. Nhiều bạn còn cho rằng vâng lời một cách ngoan ngoãn là cù lần, là ấu trĩ. Sự vâng lời có còn giá trị hay không và tôi phải sống đức vâng lời ấy như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng chiêm ngươơng gương vâng phục của Đức Giêsu: Dầu là Con Thiên Chúa nhưng khi làm người, Đức Giêsu đã sống đức vâng lời một cách triệt để và hoàn hảo (x. Dt 5,8).

1. Hành trình vâng phục của Đức Giêsu: (từ lúc nhập thể, nhập thế đến giây phút cuối cùng trên thập giá)

a. Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha

Đức Giêsu luôn vâng phục Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh và biến cố của đời Ngài.

Trước hết, Đức Giêsu đã vâng lời Cha từ bỏ “ngai vàng” để xuống thế nhập thể làm người sống giữa nhân loại (Pl 2,7). Ngài cũng tự nguyện vâng lời sinh ra trong thân phận nghèo hèn, túng thiếu “bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 1,12) để chia sẻ kiếp nghèo với từng người trong cõi nhân gian. Ngài vui nhận những giới hạn, chi phối về không gian, thời gian; cũng ăn, uống, làm việc, … như bao người khác. Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha trong việc chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ trong hành trình làm người và thực thi chương trình cứu độ: chạy trốn Hêrôđê (x. Mt 2,13), đối đầu với những cản trở, chống đối của phái Pharisêu (x. Mt 12, 2.10), ḅ khước từ, xua đuổi (x. Mt 8,34) , …

Tiếp đó, Đức Giêu dù vô tội nhưng vì vâng lời Cha, Ngài đã khiêm hạ xếp mình vào hàng tội nhân để xin Gioan làm phép rửa “Bây giờ cứ thế đã vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Trong suốt quá trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn vâng phục Cha qua việc chỉ nói và làm điều Cha muốn (x. Ga 5,19.30; Ga 8,26.28), Ngài không làm gì theo ý riêng mình mà hoàn toàn theo ý Cha, không bao giờ Đức Giêsu làm phật ý Cha, trái lại luôn làm hài lòng Cha “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5).

Đối với Đức Giêsu, ý Chúa Cha là lương thực, là lẽ sống của Ngài “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Chính vì thế, có thể nói rằng Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha trong mọi sự, mọi nơi, mọi lúc. Ngay cả trong những giây phút hấp hối kinh hoàng nhất, đau đớn nhất, dù phải đối diện với cái chết và dầu không muốn “Áp-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này” nhưng Đức Giêsu vẫn luôn tìm vâng phục ý Cha “xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). Vâng lời Cha, Đức Giêsu đón nhận mọi đòn roi, cực hình kể cả những lời nhạo báng, chê bai nhục nhaơ nhất (x. Lc 23,35-38). Và cuối cùng, vâng lời Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận án tử hình trên thập giá “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8), với lòng cậy trông tuyệt đối “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

b. Đức Giêsu vâng lời cha mẹ (Thánh Giuse và Đức Maria)

Dù là Con Thiên Chúa nhưng khi xuống trần gian thực hiện chương trình cứu độ, Đức Giêsu đã vâng lời làm người và “làm con của con người”. Trong tư cách là con, Đức Giêsu đã sống trọn tình vẹn nghĩa với cha mẹ Ngài là Thánh Giuse và Đức Maria. Ngài đón nhận tất cả tình yêu thương, sự nuôi nấng, dưỡng dục của cha mẹ và cứ thế lớn lên theo thời gian “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadareth và hằng vâng phục các Ngài” (Mt 2,51). Ngay cả khi đến tuổi trưởng thành, Đức Giêsu vẫn luôn là người con hiếu thảo, vâng lời. Chẳng hạn, tại tiệc cưới Cana dù chưa đến “giờ” của mình nhưng vâng lời Mẹ, Đức Giêsu đã làm phép lạ hoá nước lã thành rượu ngon đem lại niềm vui cho mọi người (x. Ga 2,1-12).
Như thế, có thể nói Đức Giêsu là người con hiếu thảo nhất, làm vui lòng cha mẹ nhất qua thái độ vâng lời trọn vẹn của Ngài.

2. Động cơ vâng phục của Đức Giêsu

* Với Chúa Cha

a. Yêu mến và hiếu thảo với Cha

Yêu mến ai thì luôn muốn làm vui lòng người yêu bằng cách nghe theo lời người yêu, làm điều người yêu muốn. Hơn ai hết, vì yêu mến Cha trên hết mọi sự, Đức Giêsu luôn vâng Cha cách tuyệt đối và với tâm tình con thảo, Ngài không bao giờ làm điều gì phật ý Cha. Ngài không làm gì mà không hỏi ý Cha và cũng không làm gì không vì yêu Cha. Yêu Cha, Đức Giêsu hoàn toàn phó mình trong tay Cha, nói tất cả những gì nghe được nơi Cha (x. Ga 8,26.28) và làm tất cả những gì Cha muốn (x. Ga 5,19.30; Ga 8, 28). Dù là giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ, đối chất với những người tự cho mình là công chính, là thánh thiện (các Kinh sư, Pharisêu,…) rồi bắt bẻ, chống đối Chúa, Đức Giêsu đều dấn thân cho đến cùng trong sự hướng dẫn của Cha, vì Cha và để tỏ lòng yêu mến Cha.

b. Muốn nên một với Cha trong mọi sự

Yêu ai thì muốn nên một với người ấy và bí quyết nên một với người yêu chính là vâng lời người yêu, làm những gì người mong muốn. Từ đời đời, Ngôi Hai Thiên Chúa đã là một và hoàn toàn nên một với Cha trong tình yêu, trong ý hướng và trong cả hành động “Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi” và “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Khi làm người mang bản tính nhân loại, Ngôi Hai vẫn muốn bảo toàn sự nên một tuyệt đối của Ngài với Cha nên bằng mọi giá, kể cả cái chết. Đức Giêsu luôn nói mọi lời, làm mọi sự trong Cha, với Cha và vì Cha đến độ “Lương thực của Thầy là thi hành thánh ý của Cha Thầy” (Ga 4,34). Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn nên một với Cha bằng sự kết hợp mật thiết với Cha qua đời sống cầu nguyện liên lỉ. Thật vậy, Ngài luôn cầu nguyện với Chúa Cha trước một ngày sống từ “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt” (Mc 1,35), trước khi chữa bệnh (x. Mc 7,34), làm phép lạ hoá bánh ra nhiều (x. Mc 6,41), trừ quỷ (x. Mc 9,29), trước khi chọn các tông đồ (x.Lc 6,12),… Đức Giêsu dâng tất cả mọi sinh hoạt, công việc trong ngày cho Cha để được Cha soi sáng, quan phòng và và nhất là để nên một với Cha trong mọi sự.

* Với con người

a. Yêu thương con người

Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha không chỉ vì yêu Cha và Ngài vâng lời cha mẹ trần gian cũng không vì chỉ yêu hay mang ơn các ngài nhưng xét cho cùng, tất cả vì cả nhân loại và vì từng người chúng ta. Quả thật, Đức Giêsu có thể không vâng lời Chúa Cha, Ngài có quyền tự do làm theo ý của mình, bởi Ngài cũng là Thiên Chúa từ đời đời (x. Ga 1,1), Ngài có khả năng làm được mọi sự (x. Ga 1,3). Hơn nữa, Đức Giêsu có quyền sai khiến, ra lệnh cho con người (ngay cả Thánh Giuse và Đức Maria) làm theo ý Ngài vì Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa Ngôi Hai. Ngài có thể thực hiện chương trình cứu độ theo sáng kiến riêng của mình chứ không nhất thiết phải theo con đường Cha muốn… Nhưng trên hết và trên hết, chỉ vì quá yêu thương con người, Đức Giêsu đã không làm gì theo ý mình, nhưng hoàn toàn vâng phục Cha và chỉ làm những điều Cha muốn, hầu tình yêu của Ngài với con người và với Cha được trọn vẹn. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn biết Thiên Chúa và Đức Giêsu có dư khả năng, dư sáng kiến để cứu độ con người nhưng việc Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha cách triệt để càng cho thấy tình yêu của Thiên Chúa, của Đức Giêsu sâu sắc khôn dò khôn thấu biết chừng nào. Đức Giêsu yêu con người đến quên tất cả quyền lợi, tự do và cả ý riêng mình để hoà đồng, nên một với con người ở mức độ thâm sâu, trọn vẹn nhất “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chính nhờ vậy, Đức Giêsu mới cảm nếm được mọi nỗi khốn cùng của con người “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta” (Dt 4,15) không ngừng yêu thương và nâng đỡ từng người chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

b. Nêu gương vâng phục cho con người

Có thể nói, Đức Giêsu là mấu gương tuyệt hảo về đức vâng lời cho tất cả nhân loại. Thật vậy, dù là Con Thiên Chúa và dù là Vua trên các vua, Chúa trên các chúa, Thần trên các thần, nhưng khi làm người Đức Giêsu vẫn tỏ ra khiêm tốn vâng lời trong mọi sự, mọi hoàn cảnh thuận lợi, khó khăn và như thư Do Thái đã khẳng định “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Như thế, Đức Giêsu – người Anh Cả của nhân loại đã nêu gương vâng phục cho từng đứa em bé nhỏ, khờ dại. Thật vậy, chúng ta vốn là những kẻ “nhân bất thập toàn” và chẳng có gì, cũng chẳng là gì, chúng ta tồn tại được là nhờ vào sự sống, ân sủng của Thiên Chúa, chúng càng phải biết sống vâng phục. Noi gương Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cần biết khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng lời Thiên Chúa, vâng lời những có trách nhiệm, vâng lời lương tâm ngay thẳng của mình.

3. Ý nghĩa sự vâng phục của Đức Giêsu

a. Thực hiện kế hoạch yêu thương của Chúa Cha

Sự vâng lời tuyệt đối và trọn hảo của Đức Giêsu trong mọi tư tưởng, lời nói và hành động (x. Ga 5,19) đã làm cho kế hoạch cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã định từ đời đời được hoàn thành cách tốt đẹp. Quả vậy, nếu Đức Giêsu không vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người thì làm sao có mầu nhiệm “Thiên Chúa nhập thể”. Tiếp đó, giả sử Chúa Giêsu không kiên cường vượt qua những cơn cám dỗ trong hoang địa (x. Ga 4,1-11) mà tự ý thể hiện quyền thiên sai, quyền Con Thiên Chúa hoá đá thành bánh, gieo mình xuống đất, thờ lạy ma quỷ thì có lẽ Ngài không thể chu toàn sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa theo con đường Chúa Cha muốn và hơn nữa, Đức Giêsu cũng không sống trọn thân phận là người thực sự. Vì lẽ, người thì không có quyền năng làm những chuyện phi thường của Thiên Chúa (hoá đá thành bánh…). Và nếu Đức Giêsu không vâng lời Cha mà nghe theo lời thuyết phục của Phêrô hành động việc cứu độ theo đường lối con người thay vì theo con đường khổ nạn của Thiên Chúa hoặc từ chối lên Giêrusalem để đối diện với cái chết thì liệu Tình yêu của Thiên Chúa có được bộc lộ một cách trọn vẹn trên thập giá không, hay Đức Giêsu nghiễm nhiên trở thành một vị vua, một Đấng Mêssia giải thoát dân Do Thái khỏi ách thống trị của Đế quốc Rôma như họ hằng mong đợi. Nhưng thật tuyệt vời biết bao, Đức Giêsu đã vượt qua tất cả mọi trở ngại, mọi gian khổ kể cả cái chết để vâng lời Chúa Cha và vâng lời cho đến cùng để mọi kế hoạch, mọi dự phóng của Thiên Chúa muốn làm cho con người đều được hoàn tất cách viên mãn “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

b. Chiến thắng mọi thế lực sự dữ

Satan chính là những thiên thần xưa kia đã phản đối và bất tuân lệnh Thiên Chúa (Luxiphe). Chúng liên tục gây ra biết bao sự dữ cho con người và còn dụ dỗ con người phản bội, không vâng phục Thiên Chúa. Satan đã đội lốt rắn để cám dỗ Eva ăn trái cấm trái lệnh Thiên Chúa (x. St 3,1-7) và ông bà nguyên tổ vì không vâng lời đã đem sự dữ vào thế gian, để lại hậu quả đời đời cho con cháu “vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết”. Từ đây, sự dữ hoành hành khắp nơi và “sự chết lan tràn tới mọi người vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu đã thực hiện lẽ công chính và đã vâng lời Thiên Chúa mà muôn người và mọi người được công chính và được sống (x. Rm 5,18-19); đồng thời, Ngài luôn thi thố lòng thương xót của Cha với con người, nhất là với những người tội lỗi, bất hạnh. Hơn thế nữa, Đức Giêsu xóa mình ra không, huỷ mình hoàn toàn để dù đường đường là Đấng vô tội, Ngài trở thành tội nhân xếp hàng với những người tội lỗi để được Gioan thanh tẩy (x. Mt 3,15) và dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã vâng phục hoàn toàn chấp nhận bản án tử hình với cái chết thê lương, nhục nhaơ nhất (x. Mc 15, 26-37).

Cuối cùng, chính nhờ sự vâng phục đến cùng của Đức Giêsu, mọi mưu mô quỷ quyệt của ma quỷ ḅ bẻ tan (x. Mt 4,1-11) và từ nay mọi thế lực sự dữ phải đầu hàng trước quyền năng của Thiên Chúa và “khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10).

c. Giao hoà con người với Thiên Chúa và với nhau

Vì không vâng lời, Adam và Eva đã đánh mất mối tương quan thân tình nhất của chính mình với Thiên Chúa. Quả thật, nếu trước khi phạm tội bất tuân, ông bà sống thân thiện, gần gũi với Thiên Chúa “Thiên Chúa đi dạo trong vườn” (St 3,8) thì ngay sau đó, con người đã tự mình tách lìa ra khỏi mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, con người đã đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình để mình được tự do hành động theo ý mình. Tội bất tuân lệnh của ông bà nguyên tổ không chỉ cắt đứt giao ước của Thiên Chúa với con người nhưng còn làm tổn thương sâu nặng đến sự gắn kết giữa con người với nhau mà từ ban đầu Thiên Chúa đã tác thành và thay vì yêu thương, con người còn đổ tội cho nhau (x. 3,12). Hậu quả của tội không vâng phục tai hại biết chừng nào! Nhưng may thay, nhờ Đức Giêsu – Đấng Công Chính đã vâng phục và vâng phục “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8) mà tất cả nhân loại được hoà giải với Thiên Chúa “nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình” (Cl 1,20). Thật vậy, chính của lễ vâng phục “này con xin đến để thi hành ý Cha” nơi cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chính thức hoà giải với con người và Ngài cũng làm cho con người được hòa giải với nhau trong tình huynh đệ thân thương của bưã tiệc Agapê, của sự hiệp nhất cùng chia sẻ một tấm bánh hy sinh là chính Thân Mình Đức Kitô (1Cr 10,17) để con người từ nay không phải là kẻ thù của nhau nhưng là những chi thể của cùng một thân thể và là anh chị em con cùng một Cha trên trời.

d. Đem lại sự sống đời đời cho con người

Xưa kia, ông bà nguyên tổ vì không tuân giữ lời Thiên Chúa mà để lại hậu quả là đau khổ và “sự chết” cho toàn thể nhân loại “vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết” (Rm 5, 15) thì nay nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu, ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người còn dồi dào gấp bội (x. Rm 5,15.17). Như thế, lẽ ra con người phải chết vì tội lỗi nguyên tổ và vì tội lỗi của chính mình “vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12) nhưng nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, nhờ Máu Ngài đã đổ ra trên thập giá, con người đã được cứu chuộc và được hưởng sự sống đời đời nơi vinh quang và sự phục sinh của Ngài.

Qua sự vâng phục tuyệt hảo của Đức Giêsu, ta thấy dù ở trong bất cứ thời đại và xã hội nào, sự vâng lời luôn có giá trị thường hằng. Sự vâng lời đích thực không hề làm mất tự do hay hạ giá con người. Trái lại, sự vâng lời trong khiêm tốn và yêu mến sẽ làm cho ta được lớn lên và phát triển không ngừng như Đức Giêsu coi việc thi hành ý Chúa Cha là lương thực chính yếu của Ngài (x. Ga 4,34). Đồng thời, càng vâng phục, ta càng được tự do thực sự: tự do không phạm tội và tự do để thực hiện lẽ công chính. Thật vậy, nếu Đức Giêsu là người sống vâng phục triệt để nhất thì Ngài cũng là con người tự do nhất: tự do yêu Cha, tự do làm hài lòng Cha và tự do cứu độ nhân loại. Và chính nhờ vâng phục hoàn toàn nơi Chúa Cha, Đức Giêsu đã chiến thắng mọi thế lực của Satan, sự dữ, đem lại sự bình an, ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời cho con người; đồng thời, qua đó tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đã được thể hiện cách trọn vẹn và viên mãn nhất (trên thập giá và trong Bí tích Thánh Thể)

Như thế, sự vâng phục của Đức Giêsu có ý nghĩa thật to lớn cho tôi và cho mỗi người. Là Kitô hữu và hơn nữa là một nữ tu dâng hiến cuộc đời cho Chúa, tôi đã hơn một lần tuyên khấn sống ba lời khuyên Phúc Âm, trong đó có lời khấn vâng phục. Tôi tự nguyện vâng phục Chúa qua Bề trên, qua những người có trách nhiệm và qua chính chị em. Nhưng dường như khi vâng lời những điều hợp ý mình thì rất dễ và ngược lại những lúc phải thi hành những điều trái ý dù biết chắc đó là ý Chúa, đôi khi tôi vẫn cảm thấy khó khăn. Mặc dù, ngày nay Giáo Hội không buộc tôi phải “vâng lời tối mặt”, vâng lời một cách thiếu suy nghĩ, thiếu phân định nhưng Chúa vẫn mời gọi tôi hãy dấn thân, quên mình bỏ ý riêng để can đảm thực thi ý Chúa qua những người có trách nhiệm. Tôi vẫn được phép trình bày những suy nghĩ của mình, nhưng trên hết tôi phải biết đối thoại trong lắng nghe, trong sự bỏ mình để trong mọi sự thánh ý Chúa luôn được thể hiện, có như thế tôi mới dần dần nên giống Đức Giêsu – Người Anh Cả rất tuyệt vời của tôi.

Sr. Maria Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon