Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô
Bài Suy Niệm 06
(Mt 27, 26-31)
Chúng ta bước vào giai đoạn sau cùng của cuộc Thương Khó, là giai đoạn thi hành hình phạt đóng đinh vào Thập Giá. Về thể xác, đây là giai đoạn đau đớn nhất, nhưng không chỉ có đau đớn về thể xác, nhưng còn tinh thần nữa. Thực vậy, cuộc hành hình có ba bước liên kết chặt chẽ với nhau: đánh đòn, nhạo báng và đem đi đóng đinh. Trước khi giết chết, giống như con thú, nó chơi giỡn và hành hạ con mồi một hồi lâu, rồi nó mới kết liễu. Vì thế, thú tính bộc lộ rõ nét nhất ở giai đoạn này: người ta cảm thấy vui thú trong việc cắn xé và chà đạp ngôi vị người khác. Hành hạ thân xác luôn đi đôi với diễu cợt trên ngôi vị, vì dưới mắt kẻ hành hình, nạn nhân không còn là người: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi” (Tv 22, 7)
Như thế, cái chết đến từ từ, trước khi lấy mạng; và đó là điều khủng khiếp nhất. Vì thế, Tv 22 mô tả rất dài và với nhiều chi tiết kinh nghiệm sợ hãi trước khi bị giết chết (Tv 22, 13-19). Chúng ta xin được hiệp thông với Đức Giê-su trong đau khổ. Nhưng Ngài mời gọi chúng ta đi xa hơn và sâu hơn trong kinh nghiệm hiểu biết và cảm nếm mầu nhiệm Thương Khó: Ngài tự nguyện chịu như thế để bày tỏ cho chúng ta điều gì? Đâu là sứ điệp về Chúa, về loài người, về tội, sự dữ, về từng người chúng ta?
1. Đức Giê-su bị đánh đòn (c. 26)
Chúng ta cùng nhìn lại một chút hành trình đã qua: Tối hôm trước ở dinh Thượng Tế Caipha, theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu, cả hội đồng đã đồng thanh lên án Chúa: “Hắn đáng chết!”, họ khạc nhổ vào mặt Chúa, đánh đập Chúa, có những người tát Chúa và nhạo báng Chúa: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi: ai đánh ông đó”. Tại tòa Philatô, ông thừa biết người Do Thái nộp Đức Giê-su chỉ vì lòng ghen tị (Mt 27, 18), nhưng không bảo vệ sự thật mà lại chiều theo ý muốn điên rồ của đám đông.
Theo qui trình hành hình bằng cách đóng đinh, quan Phi-la-tô ra lệnh đánh đòn Đức Giê-su trước khi đem đi đóng đinh. Đánh đòn bằng roi trước khi đem đi đóng đinh vào thập giá, là cách làm của người Roma. Đây là một trong những hình phạt khủng khiếp nhất. Chiếc roi là chuỗi mắt xích nhỏ, ở đầu có những mảnh xương và những viên chì. Khi dùng roi này đánh, nó không chỉ xé nát làn da, mà còn cả thớ thịt nữa. Đánh đòn kiểu này trước khi đem đi đóng đinh chính là để cho nạn nhân yếu đi và như thế rút ngắn thời gian đau đớn khi bị đóng đinh.
Chúng ta hãy quan sát và lắng nghe họ. Chắc chắn khi đánh đòn, họ còn buông ra những lời nhục mạ; bởi vì bạo lực luôn đi đôi với sỉ nhục. Và những lời sỉ nhục có khi còn đau đớn hơn roi vọt. Con người mọi thời, và cả chúng ta nữa, vẫn luôn tra vấn về sự dữ: Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo và Toàn Năng, nhưng tại sao lại có sự dữ trên đời này?
– Sự dữ luân lý là tội lỗi, là những hành vi xấu con người gây ra cho con người.
– Sự dữ thể lý là những khiếm khuyết nơi thân thể, những đau đớn, những bệnh hoạn và cuối cùng là cái chết.
Câu trả lời của Thiên Chúa không phải là một hành động dùng quyền phép làm biến đi mọi tai họa, khổ đau, bệnh tật, sự dữ… ở trên đời, nhưng là cuộc Thương Khó của Đức Giê-su: Đức Giê-su, Con chí ái của Ngài, mang lấy vào mình sự dữ, cả sự dữ luân lý lẫn sự dữ thể lý. Như thế, câu trả lời về sự hiện diện của Sự Dữ không ở nơi những suy tư cao siêu của con người, nhưng ở nơi Thánh Tâm của Đức Giêsu-Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Nhìn ngắm Chúa chịu đánh đòn trước khi bị đem đi đóng đinh. Hình hài tan nát, khuôn mặt của Chúa không còn là hình người. Đấng tạo cho chúng ta khuôn mặt con người, nay không còn hình người. Sự dữ luân lý và thể lý của con người hiện rõ trong thân xác của Chúa. Chúa mang lấy tội và hậu quả của tội cụ thể như thế đó: “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52, 14). Chúng ta hãy nghe sự thinh lặng của Chúa. Có thể đây là lúc Chúa nói nhiều hơn hết cho chúng ta, và đây cũng là lúc Chúa hành động hơn hết cho chúng ta.
Xin cảm thấy được sự tương phản tuyệt đối giữa Sự Dữ và Sự Thiện. Tại sao Sự Thiện lại mang dáng vẻ của Sự Dữ, vì những kẻ bất chính mới đáng chịu như thế. Nhưng Chúa đâu phải là kẻ bất chính; các phiên tòa xét tội Chúa, một cách lạ lùng, lại nêu bật lên sự công chính của Chúa. Bởi vì, chúng ta chỉ được chữa lành khỏi tội, khi thấy tội hiện hình thật rõ trong cuộc khổ nạn của Chúa, trên thân xác của Chúa và nó có một hình dạng không thể chấp nhận được.
2. Đức Giê-su bị nhạo báng (c. 27-30)
Hình dung ra Đức Giê-su: hình dạng của người Tôi Tớ Đau Khổ trong Is 52, 13 – 53, 12 giúp chúng ta hình dung ra. Ngài đứng ở giữa cả một cơ đội; hình ảnh này chất đầy những tương phản thật lớn:
– Đức Giê-su một mình, ở giữa cả một cơ đội.
– Đức Giê-su tay không, còn họ thì trang bị vũ khí đầy mình.
– Và Đức Giê-su kiệt quệ sau trận đánh đòn; còn họ thì hùng hổ như thú dữ.
Sau đó, người ta bắt đầu nhạo báng. Khi cầu nguyện, chúng ta đừng bỏ sót chi tiết nào:
– Đức Giê-su được mang tấm áo choàng đỏ.
– Vương miện bằng gai.
– Tay cầm cây sậy
Giống như với đối với tội trong lịch sử cứu độ: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt”(St 50, 19-20); ở đây cũng vậy, Chúa dùng chính điều xấu con người làm cho Chúa, để nói lên căn tính, vương triều và vương quyền đích thật của Chúa. Người ta từng muốn tôn Ngài lên làm Vua, và có lẽ các môn đệ cũng vậy. Nhưng Ngài không muốn. Nhưng khi người ta tôn Ngài lên làm vua theo kiểu này, thì ngài để cho làm. Ngài muốn nói gì với loài người chúng ta, với từng người chúng ta qua cực hình đùa giỡn trên ngôi vị này?
Tất cả là hình ảnh của Vị Vua với đầy đủ biểu tượng: long bào màu đỏ (thân phận hoàng tộc), vương miện (vương triều) và cây gậy (vương quyền). Nhưng có điều là giả hết, là nhạo báng hết; nhưng Chúa dùng chính những điều giả tạo dùng để nhạo báng này, để nói lên rằng Chúa không cần “đồ thiệt”, hay đúng hơn, “đồ thiệt” không phù hợp với Chúa, vì cách Chúa làm Vua thì khác hẳn, không theo cách của con người, nhưng theo cách của Thiên Chúa:
– Áo choàng đỏ: nói lên điều Ngài đã nói trong bữa tiệc li: “máu đổ ra cho muôn người”; Ngài muốn cho luôn thân phận, cho luôn sự sống; bởi vì Chúa đến để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10).
– Vương miện bằng vàng hay kim cương, tượng trưng cho tư cách đế vương. Ở đây, vương miện của Ngài lại là vòng gai, ghim vào đầu. Điều này cho thấy, Ngài là vua, nhưng không kiểu trần gian vua trần gian: thay vì bắt thần dân phục vụ và chết cho mình, ngài phục vụ và chết cho thần dân của mình.
– Thay vì là cây gậy rắn chắc biểu tượng của sức mạnh và quyền bính, cây sậy trong tay Chúa, chẳng đánh chết được ai cả, nói lên rằng, cách Ngài cai trị, không phải bằng sức mạnh hay áp đặt, nhưng bằng sự gần gũi, hiền lành và cảm thông.
Chúng ta có thể đọc ra những ý nghĩa khác. Tiếp theo, là những cử chử và những lời nhạo báng, không chỉ trên ngôi vị, nhưng cả một Dân Tộc: Vạn tuế Đức Vua Dân Do Thái. Và cuối cùng là khạc nhổ, lấy cây sậy đập vào đầu Ngài.
Chúng ta hãy hình dung ra đám cơ binh: chính khi họ nhạo báng, họ vùi dập nhân tính của Đức Giê-su, nghĩa làm cho Ngài không còn hình người, họ tự làm cho mình trở nên đáng bị nhạo báng, mất nhân tính: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài” (Tv 141, 10) là như thế; họ có hình người nhưng mang dạ thú; càng lúc, đám cơ binh bộc lộ thú tính; hay đúng hơn thú tính hiển hiện ở nơi những con người cụ thể: con người mà lại có những hành động không nhân tính trên người khác. Giống như một số loài thú, đùa giỡn với con mồi một lúc rồi mới ăn thịt.
Trong khi đó, vẻ bề ngoài và thân hình Chúa càng lúc biến dạng, nhưng một khuôn mặt khác càng lúc càng hiển hiện rõ nét, càng rạng ngời: đó là Sự Thiện.
3. Đức Giê-su bị điệu đi đóng đinh (c. 31)
Chúng ta được mời gọi cùng đồng hành với Đức Giê-su vác thập giá. Thánh Vịnh 19 sẽ giúp chúng ta chiêm ngắm chân dung rạng ngời của Ngài: “Thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng, và vui sướng lên đường như tráng sĩ.” (Tv 19, 6).
Thực vậy, Đức Ki-tô sẽ chinh phục con tim của chúng ta bằng thập giá. Và chúng ta không một mình, vì theo Tin Mừng Gioan, còn có Đức Mẹ, người môn đệ Đức Giê-su thương mến, các bà, nhất là bà Maria Magdala.
Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc