Có lẽ hai từ “đồng phục” rất quen thuộc với mỗi người chúng ta. Ngay cả các trẻ em nhỏ ngày nay, khi mới bước vào lớp mẫu giáo, cha mẹ đã phải đăng ký mua cho các cháu bộ “đồng phục” của trường. Mỗi sáng khi đến trường các cháu đều mặc bộ đồng phục này, mỗi cháu ít nhất từ hai đến ba bộ để thay đổi mỗi ngày. Khi lớn lên, thay đổi trường học hay làm việc chúng ta đều phải thay đổi “đồng phục”. Theo những dấu hiệu bên ngoài ấy, người ta nhận biết ta “thuộc về” tổ chức hay tập thể nào đó.
Còn chúng ta, những người môn đệ của Chúa, đồng phục của chúng ta là yêu thương. Chúa Giêsu đã chọn cho chúng ta đồng phục ấy khi Người nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Yêu thương là bộ đồng phục không tốn tiền để mua nhưng lại thật khó kiếm. Tại sao vậy? Nó khó kiếm bởi vì nó đòi hỏi ta phải ra khỏi con người mình để đến với tha nhân, nó đòi hỏi sự hy sinh quên mình vì lợi ích của người khác, sống cho tha nhân là chết cho chính mình, chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu nhưng đổ mồ hôi và nước mắt, chết không chỉ một lần mà chết dần chết mòn từng ngày liên lỉ.
Kahil Gibran viết: “Bạn cho đi ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Thánh Benađô dạy: “Mức độ tình yêu là yêu không mức độ”.
Riêng Chúa Giêsu đã dạy: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (x. Ga 15, 9 – 17). Chính Ngài đã làm gương trước bằng cái chết tự nguyện trên đỉnh Canvê.
Bước theo Chúa, các Thánh cũng đã làm như vậy. Thánh Phaulinô, giám mục thành Nôla (353 – 431), sau khi thu xếp xong việc gia đình, từ bỏ chức lãnh sự ở Rôma, đã sống một cuộc đời tu đức khổ hạnh và làm đến chức Giám mục. Khi quân Goths chiếm đóng xứ của ngài và bắt nhiều người làm nô lệ, ngài đã bán tất cả gia sản để nuôi người nghèo và chuộc nhiều kẻ nô lệ trong số đó. Tới lúc quân Vandales tiến đến, ngài không còn gì để bán nữa nên đã hy sinh chính bản thân mình, đi làm nô lệ thay cho con trai của bà góa và bị điệu sang Châu Phi. Mãi lâu sau, ngài mới được trả tự do và trở về lại giáo phận Nôla của ngài trước niềm hân hoan cảm phục của mọi giáo hữu.
Khi thật lòng muốn tốt cho người khác, chúng ta sẽ biết phải làm gì cho đẹp lòng Chúa. Đồng thời phải nhờ ơn Chúa để ta có thể kiên nhẫn khi gặp phải cảnh mà người đời thường gọi “ăn cháo đá bát” hay “làm ơn mắc oán”. Vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1Pr 2,12) Là môn đệ của Chúa ta phải đón nhận những sự ấy trong đức tin, vì “chẳng có gì bí ẩn mà lại không hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”(Lc 8,17).
Với lòng yêu mến thật sự thì những sự ấy không có gì là khó hiểu vì “yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều họ, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ” (ĐHV 766).
Khoác trên mình bộ đồng phục bác ái, sẽ giúp chúng ta hiệp nhất với nhau, xóa đi khoảng cách giữa các tôn giáo, giữa các Dòng Tu trong Giáo Hội, hay giữa các thành phần trong một Hội Dòng, giữa các thành viên là những người từ nhiều vùng miền khác nhau quy tụ về cùng một mái nhà của Hội Dòng.
Cha Guido thuật lại: “Trong thời Quốc xã, tu sĩ nhiều Dòng tu bị bắt giam. Trong những ngày đầu, mỗi người còn giữ y phục riêng của Dòng mình, và như thế, họ họp nhau thành từng nhóm nhỏ theo mỗi dòng tu. Dần dần, với thời gian, áo dòng rách nát hết, họ phải mặc áo tù nhân nên chẳng còn phân biệt gì nữa. Điều đặc biệt liên kết mọi người cùng nhau chịu đau khổ. Một thời gian sau nữa, không còn phân biệt người nào thuộc dòng nào, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau: cùng chung một tình bác ái huynh đệ. Đó là lần thứ nhất các dòng tu sống chung với nhau và khám phá ra họ là anh em với nhau. Những người lính gác thấy tình thương như thế cũng thay đổi thái độ, họ đối xử với nhau có tình người hơn”.
Thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là tình yêu của chúng ta đối với nhau. Thánh Thomas Merton nói: “Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa chỉ là tưởng tượng”.
Tóm lại, để có thể vào nước thiên đàng chúng ta không thể không mang “đồng phục” là tấm lòng bác ái. Thánh Rosalie còn khẳng định “nước thiên đàng không dành cho những ai cằn cỗi yêu thương”.
Isave Nguyễn Thị Phúc