Gia phả của Đức Giêsu Kitô – Suy niệm 6.01

0

Ngày 06 tháng 01 năm 2017
Thứ sáu, trước Lễ Chúa Hiển Linh

Người là con ông Giuse 

Gia phả

I. LỜI CHUA: (Lc 3, 23-38)

23 Khi Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giu-se. Giu-se là con Ê-li,24 Ê-li con Mát-tát, Mát-tát con Lê-vi, Lê-vi con Man-ki, Man-ki con Gian-nai, Gian-nai con Giô-xếp.25 Giô-xếp con Mát-tít-gia, Mát-tít-gia con A-mốt, A-mốt con Na-khum, Na-khum con Khét-li, Khét-li con Nác-gai.26 Nác-gai con Ma-khát, Ma-khát con Mát-tít-gia, Mát-tít-gia con Sim-y, Sim-y con Giô-xếch, Giô-xếch con Giô-đa.27 Giô-đa con Giô-kha-nan, Giô-kha-nan con Rê-sa, Rê-sa con Dơ-rúp-ba-ven, Dơ-rúp-ba-ven con San-ti-ên.

28 Nê-ri con Man-ki, Man-ki con Át-đi, Át-đi con Cô-xam, Cô-xam con En-mơ-đam, En-mơ-đam con E.29 E con Giê-su, Giê-su con Ê-li-e-de, Ê-li-e-de con Giô-rim, Giô-rim con Mát-tát, Mát-tát con Lê-vi.30 Lê-vi con Si-mê-ôn, Si-mê-ôn con Giu-đa, Giu-đa con Giô-xếp, Giô-xếp con Giô-nam, Giô-nam con En-gia-kim,31 En-gia-kim con Ma-li-a, Ma-li-a con Mi-na, Mi-na con Mát-tát-ta, Mát-tát-ta con Na-than, Na-than con Đa-vít.

32 Đa-vít con Gie-sê. Gie-sê con Ô-vết, Ô-vết con Bô-át, Bô-át con Xan-môn, Xan-môn con Nác-sôn.33 Nác-sôn con Am-mi-na-đáp, Am-mi-na-đáp con Át-min, Át-min con Ác-ni, Ác-ni con Khét-rôn, Khét-rôn con Pe-rét, Pe-rét con Giu-đa.34 Giu-đa con Gia-cóp, Gia-cóp con I-xa-ác, I-xa-ác con Áp-ra-ham.

35 Na-kho con Xơ-rúc, Xơ-rúc con Rơ-u, Rơ-u con Pe-léc, Pe-léc con Ê-ve. Ê-ve con Se-lác.36 Se-lác con Kê-nan, Kê-nan con Ác-pắc-sát, Ác-pắc-sát con Sêm, Sêm con Nô-ê, Nô-ê con La-méc.37 La-méc con Mơ-thu-se-lác. Mơ-thu-se-lác con Kha-nốc, Kha-nốc con Gie-rét, Gie-rét con Ma-ha-lan-ên, Ma-ha-lan-ên con Kên-nan.38 Kên-nan con E-nốt, E-nốt con Sết, Sết con A-đam và A-đam là con Thiên Chúa.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

II. SUY NIỆM:

1. Những điều lạ lùng

So sánh với bản gia phả của Đức Giê-su theo lời kể của thánh Mát-thêu (x. Mt 1, 1-17) và khởi đi từ kinh nghiệm sống, chúng ta có thể thấy bản phả của Đức Giêsu theo thánh Luca có nhiều điều lạ lùng:

(1) Bình thường khi kể về cuộc đời của một người, gia phả được kể đầu tiên, như thánh Matthêu đã làm trong Tin Mừng của mình. Nhưng thánh Luca mãi đến cuối chương 3 mới kể gia phả!

(2) Thánh Luca đặt gia phả của Đức Giêsu ở giữa hai biến cố chịu phép rửa và chịu cám dỗ. Điều này rất lạ, so với hai Tin Mừng nhất lãm còn lại; và chúng ta có thể tự hỏi: thánh Luca muốn nói với chúng ta điều gì?

(3) Khi kể gia phả, thánh Luca lại kể không giống ai! Bởi lẽ thay vì kể từ tổ tiên xuống tới thế hệ con cháu hiện nay, như thánh Mát-thêu, trong bản gia phả, đã khởi đi từ “Abraham sinh Isaac”, thánh Luca lại khởi đi từ thế hệ con cháu hiện nay để lần lên tới tổ tiên.

(4) Điều lạ lùng thứ tư, mà ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra, đó là thánh Luca đi từ thế hệ con cháu để lần lên tới tổ tiên, không phải tổ tiên của một dân tộc, nhưng là tổ tiên của cả loài người, Adam! Điều này giải thích phần nào, tại sao thánh Luca kể ngược, vì nếu kể suôi chắc chắn là sẽ bị lạc, khó có thể lần ra thánh Giuse và qua đó Đức Giêsu! Và có một hệ quả lạ lùng, khi kể ngược lên tới Adam, đó là bất cứ ai trong chúng ta cũng có một gia phả y như Đức Giêsu, chỉ dài hơn “một chút” thôi. Từng người chúng ta, khi kể gia phả ngược lên, chắc chắc sẽ tới Adam, không chạy đi đâu được! Và nếu tới được Adam, thì chắc chắn sẽ tới Thiên Chúa, cũng không lạc đi đâu được!

Ngoài ra, các nhà chuyên môn còn cho chúng ta thấy nhiều điều lạ lùng nữa, khi nghiên cứu các tên gọi, cách chọn lựa và sắp xếp. Tuy nhiên khởi đi từ bốn điều lạ lùng chúng ta vừa nêu, đủ để chúng ta suy gẫm suốt ngày và lâu dài rồi!

2. Con của Thiên Chúa và Con của Con Người

Ở đây, chúng ta có thể dừng lại một chút ở điều lạ lùng thứ hai, nghĩa vị trí rất đặc biệt của gia phả Đức Giêsu theo Tin Mừng Luca, ở giữa biến cố phép rửa và biến cố chịu cám dỗ (hay đúng hơn là thử thách).

Ba chương đầu của Tin Mừng theo thánh Luca, mà chúng ta được nghe liên tục trong mùa vọng và mùa Giáng Sinh, mặc khải cho chúng ta về căn tính thần linh của Đức Giêsu: Ngài là Con Thiên Chúa, theo nghĩa “đặc biệt”. Đỉnh cao của mặc khải ban đầu này là lời tuyên bố từ trời trong biến cố phép rửa: “Con là Con của Cha, ngày hôm này, Cha đã sinh ra con” (Lc 3, 22). Tuy nhiên, bản gia phả của Đức Giêsu lại mặc khải cho chúng ta một căn tính khác của Đức Giêsu: Ngài là Con Thiên Chúa, còn theo nghĩa “thông thường” nữa. Theo nghĩa thông thường, nghĩa là Ngài là Con Thiên Chúa, bởi vì Ngài là con của Adam, và Adam là con Thiên Chúa. Và bất cứ ai, không phân biệt, đều như thế cả, đều là Con Thiên Chúa ngang qua ông tổ Adam, cha của toàn nhân loại! Trở nên Con Thiên Chúa bằng con đường thông thường, nghĩa là bằng nhân tính, bằng thân phận con người, đó chính là cuộc sống Đức Giê-su sẽ sống, là con đường người sẽ đi. Nếu khác đi, Đức Giêsu sẽ chẳng thực sự đụng chạm thực sự, sâu sa và toàn diện đối với chúng ta.

Chính vì thế, những thử thách đầu tiên của Satan dành cho Đức Giêsu, chính là gợi ý cho Người trở nên Con Thiên Chúa, được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, bằng quyền năng, bằng phép lạ cả thể. Thử thách này sẽ luôn bàng bạc ở trong ý đồ của các tông đồ và các môn đệ (Đức Giêsu sẽ gọi Phêrô là Satan!); và thử thách này sẽ trở lại lần cuối cùng vừa rõ nét và vừa quyết định trên đồi Golgatha: “Xuống khỏi thập giá, chúng ta thấy và chúng ta sẽ tin”. Thử thách này quá lớn và quá mạnh; và kinh nghiệm cho thấy, không ai trong chúng ta có thể cưỡng lại được. Chúng ta hãy giả định: nếu Thiên Chúa cho Đức Giêsu xuống khỏi thập giá, tức khắc Thiên Chúa sẽ được nhìn nhận là Cha Đức Giêsu và Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc, đó lại là Thiên Chúa và Con Thiên Chúa theo kiểu của Satan!

Thử thách này dành cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô của Ngài vẫn còn tiếp diễn, mỗi khi loài người chúng ta đòi Thiên Chúa phải thực hiện những “phép lạ cả thể”, phải thi thố quyền năng trái với nhân tính và trái qui luật của thế giới sáng tạo. Và như thế, gia phả của Đức Giê-su theo thánh Luca, mới nghe thật là dài và khô khan, thậm chí khó đọc nữa! Nhưng khi chúng ta biết lắng nghe, chúng ta sẽ nghiệm được một luồng ánh sáng làm rạng rỡ cách Đức Giê-su trở nên Con Thiên Chúa và cách mỗi người chúng ta trở nên Con Thiên Chúa. Bởi lẽ, Đức Kitô là Con Đường của chúng ta.

3. Cả nhân loại là “Một” nơi Adam

Cả nhân loại là “Một” nơi Adam! Chân lí này thật lớn lao, nếu chúng ta đem so với hiện thực nhân loại hôm nay, đầy bất đồng, bất ổn, ghen tị, chia rẽ, loại trừ, lên án, phân biệt chủng tộc. Vì thế, chân lí sáng tạo này cũng đồng thời là một ơn gọi: Loài người chúng ta được mời gọi trở nên Một.

Đức Kitô đến để tái xác nhận chân lí này về loài người, Ngài sống trọn vẹn chân lí này và qua đó chỉ cho loài người chúng ta con đường trở nên một: đó là sống trọn vẹn nhân tính mà Thiên Chúa ban tặng. Tội “tổ tông” chính là từ chối nhân tính; và con người từ chối nhân tính, sẽ tất yếu sống theo thú tính. Vì thế, lời nguyện tha thiết của Đức Giêsu ngỏ với Chúa Cha, đó là

“Xin cho chúng nên một, như chúng ta là một”. (Ga 17, 22)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon