Ông Bà Trao Ban Một Loại Tình Yêu Đặc Biệt

0

Ông Bà Trao Ban Một Loại Tình Yêu Đặc Biệt
Làm Thế Nào Ông Bà Có Thể là một Dụng Cụ Tình Yêu
cho Các Cháu của Ông Bà

BỞI: LORENE HANLEY DUQUIN

Vài tuần trước khi tôi trở thành bà ngoại lần đầu tiên, một bà ngoại giàu kinh nghiệm nói với tôi, “Có một tình yêu đặc biệt bên trong bà mà bà thậm chí không biết nó tồn tại cho đến khi đứa cháu đầu tiên của bà được sinh ra”.
Lời nhận xét của cô khiến tôi giật mình. Tôi biết có những loại tình yêu khác nhau, nhưng tôi không thể hiểu được tình yêu của một đứa cháu có thể khác với tình yêu thương tôi dành cho con cái của tôi như thế nào. Không lâu sau tôi phát hiện ra rằng bà bạn tôi nói đúng.

Tình yêu của ông bà thì khác. Không phải là tôi yêu đứa cháu mới của mình hơn là yêu con tôi. Nhưng thực ra tôi yêu cháu tôi theo một cách khác.

• Tình yêu với một đứa cháu là giải phóng. Không có sự ràng buộc nào. Không có lo lắng hàng ngày về việc nuôi nấng hoặc kỷ luật.

• Tình yêu với một đứa cháu là thiêng liêng. Nó phản ánh tình yêu thương và sự rộng lượng của Thiên Chúa, và nó thấm nhuần trong chúng ta một sự tôn trọng sâu sắc cho cuộc sống.

• Tình yêu với một đứa cháu là một cảm hứng đầy kinh ngạc. Nó mang sự hoàn thành của các thế hệ trước và hy vọng của các thế hệ tương lai.

• Tình yêu với một đứa cháu là niềm vui. Đó là một nguồn vui lớn lao.

Tình yêu mà tôi cảm thấy đối với đứa cháu của mình, thực sự là một loại tình yêu đặc biệt mà tôi thậm chí không biết nó tồn tại. Và trong những năm qua, khi những đứa cháu khác xuất hiện, tôi cảm thấy một sự tuôn trào của tình yêu được mở rộng và sâu sắc hơn.

Sự Am Hiểu Tình Yêu

Là ông bà Công giáo, một trong những cách tốt nhất để hiểu loại tình yêu đặc biệt này là suy ngẫm về những cách mà Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta về chiều sâu tình yêu của Ngài và tình yêu của Cha Ngài trên thiên đàng. Dưới đây là một số đoạn Kinh Thánh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình yêu của các cháu của chúng ta từ góc độ tâm linh:
• Tình yêu ôm lấy trẻ em (Lc 18, 15-17). Chúa Giêsu để những đứa trẻ đến với Ngài mặc dù một số người đã cố ngăn cản các em. Làm thế nào để chúng ta ôm lấy các cháu của chúng ta? Làm thế nào để chúng ta trao cho chúng tình yêu vô điều kiện giống như cách Chúa Giêsu đã làm?

• Tình yêu dạy dỗ (Mt 13, 1-53). Chúa Giêsu đã tiết lộ vương quốc của Thiên Chúa bằng cách kể những câu chuyện. Làm thế nào chúng ta có thể dạy dỗ các cháu của chúng ta bằng cách kể những câu chuyện?

• Tình yêu trung thực (Mc 12, 14-17). Chúa Giêsu luôn nói sự thật – ngay cả khi Ngài biết rằng mọi người đang có ý hoặc đang cố lừa gạt Ngài. Chúng ta có luôn trung thực trong những gì chúng ta nói với các cháu của chúng ta không?

• Tình yêu chữa lành (Mc 6, 53-56). Chúa Giêsu luôn cố gắng giúp đỡ những người bị bệnh, mù, điếc, hoặc què quặt. Làm thế nào để chúng ta giúp đỡ các cháu của chúng ta khi họ bị bệnh hoặc đau khổ?

• Tình yêu quan tâm đến mọi người (Ga 6, 1-15). Khi Chúa Giêsu nhận ra người ta đói, Ngài bảo đảm rằng mọi người đều có đủ cá và bánh để ăn. Làm thế nào để chúng ta nuôi dưỡng những đứa cháu của chúng ta – về thể xác, tình cảm và tinh thần?
• Tình yêu an ủi (Mt 11, 28-30). Chúa Giêsu tiếp cận với những người buồn bã, mệt mỏi và sợ hãi. Làm thế nào để chúng ta an ủi các cháu của chúng ta khi chúng phải chiến đấu với các vấn đề hoặc những khó khăn?

• Tình yêu tín thác (Lc 12, 22-29). Chúa Giêsu đã hứa rằng khi chúng ta đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, thì Cha trên trời sẽ chăm sóc chúng ta. Làm thế nào để chúng ta đặt qua một bên những lo lắng và sợ hãi mà chúng ta có thể có về những đứa cháu của mình và nhắc nhở chính mình rằng Thiên Chúa sẽ chăm sóc chúng?

• Tình yêu phục vụ (Ga 13, 1-15). Chúa Giêsu không bao giờ đặt mình trước. Ngài rửa chân cho các môn đệ như một tấm gương về cách phục vụ người khác. Chúng ta dạy những đứa cháu của chúng ta phục vụ người khác theo cách nào?

• Tình yêu tha thứ (Lc 23, 33-35). Khi Chúa Giêsu trên thập tự giá, Ngài cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ đã làm hại Ngài. Làm thế nào để chúng ta tha thứ cho những đứa cháu của mình khi chúng nói hay làm điều gì đó khiến chúng ta đau lòng? Làm thế nào để chúng ta giúp chúng tha thứ?

• Tình Yêu cầu nguyện (Lc 6,12). Chúa Giêsu thường dành thời gian để cầu nguyện với Cha mình trên thiên đàng. Ngài biết rằng tình yêu của Chúa Cha đã giúp hướng dẫn, an ủi và củng cố Ngài. Làm thế nào để chúng ta cầu nguyện cho các cháu của chúng ta? Làm thế nào để chúng ta cầu nguyện với các cháu của chúng ta?

• Tình yêu quan tâm đến điều răn vĩ đại (Mt 22, 37-39). Khi ai đó hỏi điều răn lớn nhất là gì, Chúa Giêsu trả lời, “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Làm thế nào để chúng ta cho cháu của chúng ta thấy tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, cho hàng xóm của chúng ta, và cho chính chúng ta?

Một Bài Tập về Tình Yêu

Nếu bạn đang tìm kiếm một cách để đo lường khả năng yêu thương của bạn, đây là một bài tập nhỏ. Hãy đọc sự mô tả tình yêu của Thánh Phaolô: “Tình yêu thì kiên nhẫn và hiền hậu; tình yêu không ghen tuông hay vênh vang; tình yêu không tự đắc, không làm điều bất chính. Tình yêu không tìm tư lợi; tình yêu thì không nóng giận, không nuôi hận thù; tình yêu không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13, 4-6).
Bây giờ đọc lại đoạn văn, nhưng lần này, hãy thay chữ “tình yêu” và tất cả các đại từ kết nối bằng chữ “tôi”. “Tôi kiên nhẫn và hiền hậu; Tôi không ghen tuông hay vênh vang; tôi không tự đắc, làm điều bất chính. Tôi không tìm tư lợi; không nóng giận, không nuôi hận thù; tôi không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật”.
Không ai hoàn hảo trong khả năng yêu thương, nhưng bài tập nhỏ này cung cấp một mục tiêu mà chúng ta có thể phấn đấu đạt được.

Lời Cầu Nguyện của Ông Bà

Ôi Thiên Chúa tốt lành và ngọt ngào, cám ơn Chúa vì món quà là những đứa cháu của con. Xin hãy mở mắt các cháu của con để họ có thể nhìn thấy chiều sâu tình yêu của con dành cho Chúa và cho họ. Xin hãy ban cho con tình yêu của Chúa, và cho phép con trở thành một công cụ tình yêu của Chúa cho mọi thành viên trong gia đình con. Amen.
Trích từ Cẩm Nang Ông Bà Công Giáo: Những Cách Sáng Tạo để Thể Hiện Tình Yêu, Chia Sẻ Đức Tin, và Có Niềm Vui của Lorene Hanley Duquin (The Word Among Us Press, 2018). Có sẵn tại wau.org/books

Theo the Word Among us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP

Comments are closed.

phone-icon