Xây Dựng Tương Lai (Viễn Cảnh) Thánh Thiện
Thiên Chúa thích ban phúc lành cho chúng ta và định hình chúng ta giống như Chúa Giêsu, Con Một của Người.
Trong một số năm, dây đeo cổ tay và miếng dán “WWJD” đã được giới trẻ yêu thích. Những chữ viết tắt đó là “Chúa Giêsu sẽ làm gì?” và những từ đó có ý nghĩa giúp người ta đặt câu hỏi trong mọi tình huống: “Ngay bây giờ tôi đang sống như thế nào?” “Tôi đang nghĩ gì trong tình huống này?” “Chúa Giêsu sẽ làm gì trong cùng tình huống này?” Đây là cùng một thông điệp khẩn cấp mà Chúa Giêsu đã đưa ra trong Bài giảng trên Núi: Hôm nay, ngay bây giờ chúng ta đang sống như thế nào?
Khi chúng ta nhìn vào Bài Giảng trên Núi, chúng ta có thể thấy cách nó diễn tả “luật mới” và luật mới này cho chúng ta biết Chúa Giêsu sẽ làm gì trong mọi tình huống (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1967-1969). Bài Giảng trên Núi được chia thành ba phần: Các Mối Phúc, các điều răn mới và tầm quan trọng của việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí – tất cả được kèm theo bởi những lời khuyến khích để tìm kiếm sự hiện diện và ân sủng của Chúa.
Các Mối Phúc. Các Mối Phúc là danh sách các đức tính thánh thiện mà Chúa Giêsu đã sống hết lòng (Mt 5,3-12). Bây giờ, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống giống như Chúa đã sống khi chúng ta dựa vào ân sủng của Người. Người muốn chúng ta hỏi: “Tôi có tinh thần nghèo khó không? Có từ bi không? Có hiền lành không? Có đói khát chân lý không? Có thương xót không? Có trong sạch trong tâm hồn không? Có là một người xây dựng hòa bình không? Có kiên nhẫn trong sự bách hại không?” Nếu chúng ta đang phấn đấu cho những đức tính này trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang trở nên giống Chúa Giêsu hơn và Người sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta.
Một mặt, các Mối Phúc là một danh sách những điều phải “làm” của đời sống Kitô hữu. Mặt khác, chúng chỉ cho chúng ta cách thức Thiên Chúa sẽ ban phúc lành cho chúng ta và bảo vệ chúng ta khi chúng ta cố gắng thực hành những điều ấy.
Các Điều Răn Mới. Sau các Mối Phúc, Chúa Giêsu đưa một số điều răn tiêu cực – giết người, ngoại tình, trả thù, xét đoán người khác và đối phó với kẻ thù – tới một mức độ mới mẻ. Người đã nâng những điều “không (được làm)” trong Mười Điều Răn lên một cấp độ thuần khiết mới. Nói cách khác, Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta muốn tâm hồn trong sạch, từ bi và thương xót, thì chúng ta sẽ phải gạt bỏ sự căm ghét, lòng ham muốn và sự trả thù.
Lịch sử đã cho thấy rằng nhiều người có cơ hội để noi gương Chúa Giêsu và họ đã chọn những cơ hội này để hành động như Chúa Giêsu đã làm. Thánh Stêphanô đã tha thứ cho những người giết ngài (Cv 7,60). Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tha thứ cho người đàn ông đã cố gắng ám sát ngài. Đức Hồng Y quá cố Bênađô đã tha thứ cho người đàn ông đã buộc tội ngài lạm dụng tình dục. Và còn nhiều hơn nữa.
Cầu Nguyện, Ăn Chay, Bố Thí. Tiếp theo, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy cầu nguyện, ăn chay và hãy rộng lượng cho những người đang gặp khó khăn. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu kể câu chuyện về ông Phú hộ, một người giàu có đã bị kết án xuống hỏa ngục không phải vì sự giàu có của ông, mà vì sự thờ ơ của ông ta đối với người nghèo khó Ladarô (Lc 16,19-31). Ở một nơi khác, Chúa Giêsu nói về những người chăm sóc những người nghèo khổ, đói rách và tù tội là những người được ân thưởng với ân sủng trên trời (Mt 25,34-40).
Các quy tắc để sống được chứa đựng trong Bài Giảng trên Núi tạo thành nền tảng cho luật mới và là cơ sở cho quan điểm thánh thiện. Trong khi luật mới có thể có vẻ như rất đòi hỏi, nhưng đó là cách Chúa Giêsu đã sống cuộc sống của mình và Người cũng muốn chúng ta sống như vậy. Và, cốt lõi của luật mới chính là điều răn lớn nhất – hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta (CCC, 1970).
Cộng Tác với Chúa Thánh Thần. Tất cả cuộc sống của chúng ta, chúng ta được hình thành bởi những kinh nghiệm ngày này qua ngày khác ở nơi làm việc, ở trường học, trong nhà thờ và ở nhà. Nhưng đồng thời chúng ta cũng được định hình khi Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự sáng suốt qua ân sủng và sự mạc khải của Người.
Khi chúng ta kết hợp sự cởi mở với Chúa Thánh Thần với các hoạt động tự nhiên của mình, chúng ta sẽ thấy mình muốn làm vui lòng Chúa. Chúng ta sẽ muốn biết bình an của Chúa. Chúng ta sẽ muốn phát triển các đức tính và kỷ luật tạo nên cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô. Trên hết, chúng ta sẽ muốn – như các Mối Phúc nói – được Thiên Chúa “chúc phúc lành”.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng thực hành những luật mới này, chúng ta sẽ thấy không thỏa đáng. Chắc chắn, sức mạnh ý chí và kỷ luật của chúng ta có thể giúp chúng ta phát triển các đức tính thánh thiện – đến một điểm. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn biết các phúc lành đầy đủ nhất của loại cuộc sống này, chúng ta cần hợp tác với Chúa Thánh Thần. Thánh Stêphanô, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Hồng y Bênađô đã có thể được tha thứ vì các ngài được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh. Nó có thể là bất kỳ điều gì khác nhau đối với chúng ta?
Mỗi người trong chúng ta đều có những điểm mạnh riêng (những phẩm chất giống Chúa) và những yếu điểm (những cách xúc phạm đến Chúa). Thánh Thần muốn lấy điểm mạnh của chúng ta và làm cho chúng mạnh hơn, giống như Người muốn giảm thiểu yếu điểm của chúng ta và chấm dứt sự thống trị của chúng trên chúng ta.
Khi chúng ta đầu tư thời gian vào mối tương quan của chúng ta với Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ tìm thấy tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thấy ưu điểm của mình ngày càng lớn mạnh hơn và chúng ta sẽ kiểm soát được những yếu điểm của mình nhiều hơn. Chúng ta sẽ cảm nghiệm rằng Chúa Thánh Thần đang tuôn đổ tình yêu của Thiên Chúa trên chúng ta và đồng thời nhẹ nhàng thuyết phục rằng chúng ta cần thay đổi và rằng Chúa Giêsu là Chúa và là người biến đổi cuộc sống của chúng ta (Ga 16, 8-11).
Chúa Giêsu Yêu Thương Chúng Ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn cả chúng ta yêu thương con cái của chúng ta. Cũng như chúng ta muốn định hình cuộc sống của con cái chúng ta bằng những đức tính, cũng vậy, Chúa Thánh Thần muốn chúng ta định hình cuộc sống của chúng ta bằng chính những đức tính mà Chúa Giêsu đã thể hiện.
Chúa Giêsu là Thầy Thuốc vĩ đại của chúng ta (Mt 9,12). Người muốn chữa lành, muốn biến đổi chúng ta và uốn nắn chúng ta thành hình ảnh của Người. Đúng vậy, chúng ta có một phần quan trọng để thực hiện. Chúng ta phải ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, phải ra khỏi con người mình và phải cố gắng sống tốt hết sức mình. Nhưng Thiên Chúa yêu thương chúc phúc lành cho những nỗ lực chân thành của chúng ta và sẽ định hình chúng ta giống như Chúa Giêsu, Con Một của Người.
Chúa Thánh Thần muốn biến đổi và làm mới chúng ta. Người muốn làm cho chúng ta nên thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Khi chúng ta nghe những lời của Chúa Giêsu và đem ra thực hành, chúng ta sẽ được biết đến như những người xây dựng ngôi nhà của họ trên đá (Mt 7,24). Chúng ta sẽ được biết đến như những người có quan điểm thánh thiện về cuộc sống dựa trên luật tình yêu mới.
Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương