Tình yêu mạnh hơn sự chết

0

Tình Yêu Mạnh Hơn Sự Chết

Bài Giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Trong bài diễn từ chia tay của mình, Chúa Giêsu loan báo cái chết sắp xảy ra của mình, Người nói: “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14,28). Chết là một “sự ra đi (đi xa)”.

Ngay cả nếu cơ thể của người quá cố vẫn còn đó, bản thân người ấy đã ra đi vào sự không biết và chúng ta không thể đi theo họ (x. Ga 13,36). Tuy nhiên, trong trường hợp của Chúa Giêsu, có cái gì đó hoàn toàn mới, làm thay đổi thế giới. Trong trường hợp cái chết của chính chúng ta, “sự ra đi” là dứt khoát; không có sự trở lại. Mặt khác, Chúa Giêsu nói về cái chết của Người: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Bằng cách ra đi để rồi Chúa Giêsu lại đến. Sự ra đi của Chúa Giêsu đang mở ra một cách hiện diện hoàn toàn mới và lớn hơn là cách diện diện hiện tại của Người. Bằng cái chết, Chúa Giêsu đi vào tình yêu của Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu là một hành động của tình yêu. Tuy nhiên, tình yêu là bất tử. Do đó, sự ra đi của Chúa Giêsu được chuyển thành một sự đến mới, chuyển thành một hình thức hiện diện đạt đến một mức độ sâu sắc hơn và không đi đến một kết thúc. Trong cuộc sống trần gian của mình, giống như tất cả chúng ta, Chúa Giêsu được gắn liền với điều kiện bên ngoài của sự tồn tại của cơ thể: đến một nơi được xác định và trong một thời gian xác định. Những nơi chốn về thể lý làm giới hạn sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta không thể cùng một lúc ở hai nơi khác nhau. Thời đại chúng ta được tiền định để đi đến một kết thúc. Và giữa “tôi” và “bạn”, đó là một bức tường của sự khác biệt (tha tính). Để chắc chắn, thông qua tình yêu chúng ta bằng cách nào đó có thể bước vào sự tồn tại của người kia. Tuy nhiên, rào cản không thể vượt qua khi sự khác biệt vẫn còn đó. Nhưng Chúa Giêsu, Đấng bây giờ hoàn toàn chuyển qua hành động của tình yêu, Người tự do khỏi những rào cản và giới hạn như vậy. Chúa Giêsu có thể không chỉ đi qua cánh cửa đóng kín ở thế giới bên ngoài, như Phúc Âm kể lại (x. Ga 20,19). Nhưng Chúa Giêsu có thể đi qua cánh cửa nội tâm chia cách giữa “Thầy” và “anh em”, cánh cửa khép kín giữa ngày hôm qua và ngày hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Vào ngày long trọng tiến vào Giêrusalem, khi một số người Hy Lạp xin gặp Chúa Giêsu, Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn hạt lúa mì trong đó nó phải kênh qua cái chết để sinh nhiều hoa trái. Bằng cách này, Chúa Giêsu báo trước số phận của chính mình: những lời này không chỉ được nói đơn giản cho một hoặc hai người Hy Lạp trong khoảng thời gian một vài phút. Qua thập giá, qua việc ra đi, qua cái chết giống như hạt lúa mì của mình, Chúa Giêsu sẽ thực sự đến giữa những người Hy Lạp, bằng cách đó họ có thể nhìn thấy Chúa Giêsu và chạm vào Người nhờ đức tin. Việc ra đi của Chúa Giêsu được chuyển thành một sự đến, theo cách hiện diện phổ quát của Chúa Phục Sinh, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Chúa Giêsu cũng đến ngày hôm nay và Chúa ôm lấy mọi thời khắc và và mọi nơi chốn. Thậm chí bây giờ Chúa Giêsu có thể vượt qua các bức tường của sự khác biệt ngăn cách “Thầy” và “anh em”, “tôi” và “bạn”. Điều này đã xảy ra với Phaolô, người đã mô tả quá trình chuyển đổi của mình và phép rửa của mình trong những lời này: “Tôi sống, nhưng còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhờ sự đến của Đấng Phục Sinh, Phaolô nhận được một căn tính mới. “Cái tôi” khép kín của Phaolô đã được mở ra. Bây giờ ngài sống trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, trong “cái tôi” vĩ đại của các tín hữu, những người đã trở thành – như Phaolô gọi – “là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).

Vì thế, các con thân mến, thật rõ ràng rằng, thông qua phép rửa tội, những lời nói bí ẩn của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly nay trở thành hiện thực cho các con một lần nữa. Trong phép rửa tội, Chúa đi vào cuộc sống của các con qua cánh cửa tâm hồn các con. Chúng ta không còn đứng bên cạnh hoặc đối lập với nhau. Chúa Giêsu đã đi qua tất cả các cửa ra vào này. Đây là thực tại của phép rửa: Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh đến; Người đến với các con và liên kết cuộc sống của Người với các con, Người kéo các con vào ngọn lửa tình yêu mở rộng của Người. Các con trở nên một, một với Người, và do đó Người nên một trong chính các con… Các tín hữu – những người chịu phép rửa tội – thực sự không bao giờ chia cắt nhau. Các Châu lục, các nền văn hóa, các cấu trúc xã hội, hoặc thậm chí khoảng cách lịch sử có thể phân rẽ chúng ta… Nhưng chúng ta trải nghiệm rằng trong sâu thẳm tận cùng, chúng ta đang đặt neo (gắn kết) trong cùng một căn tính, trên cơ sở đó tất cả những khác biệt bề ngoài của chúng ta lại trở thành thứ yếu, cho dẫu sự khác biệt mang lại sự phong phú tuyệt vời bao nhiêu có thể. Các tín hữu không bao giờ hoàn toàn bị chia cắt khỏi nhau. Chúng ta đang ở trong sự hiệp thông vì căn tính sâu xa nhất của chúng ta: Chúa Kitô ở trong chúng ta.

Bài giảng, ngày 22 tháng ba năm 2008

Trích từ Niềm Vui của Việc Nhận Biết Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

(The Word Among Us Press, 2009). Có sẵn tại wau.org/books

Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon