Biểu tượng của cuộc sống mới trong lòng Giáo Hội – Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

0

Biểu Tượng của Cuộc Sống Mới Sống Trong Lòng Giáo Hội

Bởi: JEANNE KUN

Chúa Thánh Thần đã bao trùm Đức Maria và đã làm cho Chúa Kitô thụ thai trong dạ mẹ. Bây giờ, Chúa Giêsu rời xa Mẹ, nhưng Người đã để lại một lời hứa: “Thầy sẽ cầu nguyện với Chúa Cha và Người sẽ cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, để ở cùng anh em mãi mãi, Người là Thần Chân lý” (Ga 14,16-17 )

“Tất cả các ông [tông đồ] đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14).

Lễ Ngũ tuần… cho thấy bộ mặt của Giáo Hội như một gia đình được quy tụ cùng với Đức Maria, được làm cho sống lại nhờ sự tuôn đổ của Thánh Thần và sẵn sàng cho sứ mạng truyền giáo. Sự suy gẫm về cảnh này. . . phải dẫn dắt người tín hữu đến một sự nhận thức cao hơn bao giờ hết về cuộc sống mới của họ trong Chúa Kitô, sống trong lòng Giáo Hội, một cuộc sống mà chính Lễ Ngũ Tuần là “biểu tượng” tuyệt vời (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Rosarium Virginis Mariae, 23).

Maria đã đi đâu sau ngày đau khổ đó tại Golgotha? Có phải gia đình Gioan có một ngôi nhà ở Giêrusalem, nơi ông che chở cho Mẹ khi Mẹ đau buồn? Chúng ta chỉ có thể tự hỏi Mẹ đã ở đâu và Mẹ đã nghĩ gì khi Mẹ sống ngày thứ bảy tĩnh lặng. Đặt “Đức Mẹ là Mẹ của ngày Thứ Bảy Thánh” trong các bài suy niệm của mình, Đức Hồng Y Carlo Martini của Milanô đã viết:

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã học để chờ đợi và hy vọng. Mẹ đã chờ đợi với niềm tin về sự ra đời của Người Con Đấng sứ thần loan báo; Mẹ tiếp tục tin vào lời của sứ thần Gáprien, ngay cả trong những khoảng thời gian dài khi Mẹ không hiểu gì; Mẹ đã hy vọng ngược lại mọi hy vọng dưới Thập giá và ngay cả chính Ngôi mộ; trong ngày Thứ Bảy Thánh, Mẹ đã thông truyền niềm hy vọng cho các môn đệ đang bối rối và thất vọng. Nhờ Mẹ, các môn đệ được ban cho niềm an ủi đầy hy vọng, niềm an ủi có thể được gọi là “niềm an ủi cho tâm hồn”, và nhờ Mẹ, tâm hồn chúng con cũng được an ủi” (Đức Mẹ của ngày Thứ Bảy Thánh).

Có lẽ những người phụ nữ đến ngôi mộ để xức xác Chúa Giêsu (x. Lc 24,1-12) đã chạy đến với Đức Maria với tin vui rằng họ đã nhìn thấy Chúa phục sinh (x. Mt 28,1-10). Mặc dù ở đây tất cả các tác giả Tin Mừng không nói gì, nhưng chúng ta có thể giả định – như Thánh Inhaxiô Loyola và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Mẹ của Người trước hết?

Lúc truyền tin, Maria tự mở lòng mình không chút do dự trước Thánh Thần và vai trò làm mẹ của mình. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, việc làm mẹ trong Thánh Thần của Mẹ trở nên phổ quát: Hội Thánh không chỉ công nhận Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu mà còn gọi Mẹ là “Mẹ của Giáo Hội”. Như Đức Hồng y Joseph Ratzinger chỉ ra ra rằng:

“Chức năng làm mẹ của Đức Maria không chỉ dựa trên sự kiện sinh học, điều đã xảy ra một lần, mà trên thực tế là trong toàn bộ bản thể của mình, Đức Maria đã, và do đó sẽ vẫn là một người mẹ. Lễ Ngũ Tuần, sự ra đời (khai sinh) của Giáo Hội bởi Chúa Thánh Thần, cho thấy điều này trong thực tế: Đức Maria đang ở giữa cộng đoàn cầu nguyện, bởi sự Xuất Hiện của Thánh Thần, trở thành Giáo Hội. Sự tương đồng giữa sự Nhập thể của Chúa Kitô bởi quyền năng của Thánh Thần tại Nazareth, và sự khai sinh của Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần, không thể bị coi thường. ‘Người liên kết hai khoảnh khắc này là Đức Maria’” [Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc, 24] (Dấu Hiệu của Người Phụ Nữ: Lời Giới thiệu của Thông điệp).

Trước hết, được tràn đầy Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35) lúc sứ thần Truyền tin, Đức Maria cũng đã trải nghiệm sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần trong suốt cuộc đời của Mẹ. Vì thế, bây giờ, ở phòng trên, Mẹ nhận ra rằng các tông đồ và các môn đệ khác sẽ được hưởng lợi bao nhiêu từ lời hứa Thánh Thần sẽ đến: Chính Thánh Thần sẽ trang bị cho họ để tuyên bố tất cả những gì họ đã chứng kiến ​​và rao giảng về sự ăn năn sám hối và ơn tha thứ tội nhân danh Chúa Giêsu (x. Lc 24,47-48). Do đó, “lưu tâm đến lời hứa của Chúa Giêsu, Mẹ đã chờ đợi ngày lễ Ngũ Tuần và cầu xin nhiều ân huệ cho mọi người, phù hợp với từng tính cách và nhiệm vụ của mỗi người” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Giải thích thêm về ý nghĩa của lời cầu nguyện Đức Maria cho cộng đồng Kitô giáo đầu tiên này, Đức Thánh Cha nói thêm:

Việc thúc đẩy sự ngự đến của Thánh Thần, ngụ ý hành động của Người trong tâm hồn của các môn đệ và trên thế giới. Giống như khi nhập thể, Thánh Thần đã hình thành thân xác thể lý của Chúa Kitô trong tử cung đồng trinh của Mẹ, thì ở phòng trên cũng chính Thánh Thần ấy đã ngự xuống để ban sự sống cho Thân Thể Thần Bí. Do đó, Vì thế, Lễ Ngũ Tuần cũng là một thành quả của lời cầu nguyện không ngừng của Đức Trinh Nữ, được chấp nhận bởi Đấng Bầu Chữa với sự ưu ái đặc biệt là một biểu hiện của tình yêu mẫu tử của Mẹ dành cho các môn đệ của Chúa (Yết kiến chung, ngày 28 tháng 5 năm 1997).

Những người tập trung ở phòng trên không chờ đợi và cầu nguyện vô ích. Đúng như lời đã hứa, Thiên Chúa đã gửi Thánh Thần của Người đến cho những môn đệ đang mong đợi này được biểu lộ bằng gió, lửa và những lời nói kỳ diệu. Trong sự kinh ngạc, những người Do Thái sùng đạo ở Giêrusalem và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đều nghe thấy những người theo Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Thần,  “họ dùng tiếng của chúng ta mà rao những việc lớn lao của Thiên Chúa” (Cv 2,1-11). Trong ơn nói những tiếng mới lạ này, sự hỗn loạn và bất đồng thời tháp Babel (x. St 11,1-9) được đảo ngược khi người ta dùng một lời (từ ngữ) chung – lời của Thiên Chúa – được nghe thấy bởi tất cả mọi người.

Được tràn đầy sức mạnh mới này, Phêrô mạnh dạn tuyên bố Chúa Giêsu thành Nadarét – bị đóng đinh và giờ đã sống lại từ cõi chết – như Đức Chúa và Chúa Kitô (x. Cv 2,22-36). Phêrô hối thúc các độc giả của mình: “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa tội nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ của Thánh Thần” (Cv 2,38). Khoảng ba ngàn người đã đón nhận lời của Phêrô và được rửa tội (Cv 2,41) – thành viên mới nhất của Giáo Hội vừa được sinh ra. Một thời đại mới bắt đầu cho loài người khi Thiên Chúa tuôn đổ Thánh Thần của Người vào ngày Lễ Ngũ Tuần.

Chắc chắn, chúng ta có thể tưởng tượng Đức Maria – tâm hồn Mẹ tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn – ở giữa cộng đồng các tín hữu này (x. Cv 2,44-47). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề xuất rằng: “Sau ngày lễ Ngũ Tuần, cuộc sống của Mẹ sẽ tiếp tục âm thầm và kín đáo, tỉnh thức và sinh hoa trái. Vì được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, Mẹ đã có một ảnh hưởng sâu sắc trên cộng đồng của các môn đệ Chúa” (Yết kiến chung, ngày 28 tháng 5 năm 1997).

Theo The Word Among Us [wau.org]
Inside This Issue Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon