Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về Sách CVTĐ từ C1- C5

0

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Sách Công vụ Tông đồ (tt)

‘Cầu nguyện là lá phổi trao hơi thở cho các môn đệ của mọi thời đại’

19 tháng Sáu, 2019 15:20

JIM FAIR

“Cầu nguyện là ‘lá phổi’ trao hơi thở cho các môn đệ của mọi thời đại,” không có cầu nguyện thì không thể là một môn đệ của Chúa Giê-su, không cầu nguyện thì chúng ta không thể trở thành một người Ki-tô hữu!” Đức Thánh Cha Phanxico tuyên bố ngày 19 tháng Sáu, 2019.

Những lời của ngài trong Buổi Tiếp Kiến Chung trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đó ngài tiếp tục bài giáo lý về Công vụ Tông đồ, dùng “những Lưỡi Lửa” trích đoạn Sách Công vụ 2:3: “Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.”

Đức Thánh Cha kể lại cảnh các môn đệ tập trung trong phòng Tiệc Ly, nhà của họ, cùng với Mẹ Maria. Khi họ cầu nguyện, một điều xảy ra ngoài mong chờ của họ — gió và lửa xuất hiện gửi Thánh Thần đến với họ.

“Trong lửa, Thiên Chúa trao ban lời sống động và hữu hiệu (xem Dt 4: 12) mở ra tương lai; lửa diễn tả tượng trưng cho công cuộc sưởi ấm của Ngài, soi sáng và thấm đẫm sự khôn ngoan trong lòng, sự chăm sóc của Ngài trao ban sức bền cho công việc của con người, cho việc thanh tẩy và trao sức sống mới cho họ,” Đức Phanxico dạy. “Do đó Giáo hội được sinh ra từ lửa của tình yêu, và với một ‘ngọn lửa’ bùng lên trong ngày Lễ Ngũ Tuần và thể hiện sức mạnh của Lời của Đấng Sống Lại thấm đẫm Thần Khí.

“Giao ước mới và dứt khoát không còn được tìm thấy trên luật viết trên các phiến đá, nhưng trên hoạt động của Thần Khí Chúa, Đấng làm cho mọi sự trở nên mới và được khắc sâu trong tâm hồn của xác phàm.”

Đức Thánh Cha so sánh Thánh Thần như người nhạc trưởng điều khiển ban nhạc giao hưởng tạo ra “một sự cộng hưởng hài hòa các âm thanh hợp lại và tạo nên sự đa dạng hòa hợp” khi viết lên khúc nhạc ngợi khen Thiên Chúa. “Chúa Thánh Thần là người tạo nên sự hiệp thông, là nghệ nhân của sự hòa giải, Người biết cách tháo bỏ những rào chắn giữa người Do Thái và Hy Lạp, nô lệ và người tự do, để tạo nên một thân thể duy nhất.”

Đức Thánh Cha kết luận bài hướng dẫn của ngài bằng lời cầu nguyện rằng tất cả các tin hữu có thể trải nghiệm được tinh thần này của Ngày Lễ Ngũ Tuần.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào các nhóm tín hữu từ khắp nơi trên thế giới hiện diện trong Quảng trường, gồm những người nói tiếng Anh:

“Cha chào mừng tất cả anh chị em hành hương và khách đến thăm nói tiếng Anh tham dự Buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ các nước Anh, Scotland, Bắc Ireland, Úc, Ấn độ, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ. Cha xin gửi lời chào đặc biệt đến những Sứ giả Hòa bình Trẻ của Hiroshima và Nagasaki đến từ Nhật. Cha cũng xin chào những người thắng giải trong cuộc Thi Thánh Kinh truyền thống của Đất Thánh. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giê-su Ki-tô đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”

Cuối buổi Tiếp Kiến, Đức Thánh Cha gửi lời chào những người hành hương đến từ giáo phận Léon, cùng với nhiều người khác có Đức Giám mục giáo phận đi theo, Đức ông Julián López Martín. Nói với những người hành hương Ba lan, ngài đề cập đến việc ngày mai là Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, “là một cơ hội đặc biệt để làm sống lại đức tin của chúng ta trong sự hiện hữu thật của Chúa trong Phép Thánh Thể. Thánh Lễ, sự tôn thờ Thánh Thể và rước kiệu trên các con đường trong thành phố và làng mạc là chứng tá cho lòng sùng kính và việc đi theo Đức Ki-tô là Đấng ban cho chúng ta Mình và Máu Người, để nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu của Người và làm cho chúng ta trở thành những người được dự phần trong cuộc sống của Người trong vinh quang của Chúa Cha.

Hai ngày tới sẽ là ngày phụng vụ kính nhớ Thánh Aloysius Gonzaga, một mẫu gương tuyệt vời của sự khổ hạnh. “Khẩn xin ngài giúp anh chị em xây dựng một tình bạn hữu với Chúa Giê-su để giúp anh chị em có thể đối mặt với cuộc sống trong sự bình an,” Đức Thánh Cha nói.

Toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Năm mươi ngày sau Phục sinh, trong phòng Tiệc ly mà sau đó trở thành ngôi nhà của họ và là là nơi mà sự hiện diện của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là một yếu tố gắn kết, các Tông đồ trải qua một biến cố vượt ngoài mong đợi của họ. Họp nhau cầu nguyện – cầu nguyện là “lá phổi” trao hơi thở cho các môn đệ của mọi thời đại, không có cầu nguyện thì không thể là một môn đệ của Chúa Giê-su, không cầu nguyện thì chúng ta không thể trở thành một người Ki-tô hữu! Nó là không khí, nó là lá phổi của đời sống Ki-tô hữu – nó ngạc nhiên bởi sự đi vào của Chúa. Nó là một sự đi vào không khoan nhượng cho việc đóng kín: nó thổi tung những cánh cửa rộng mở bằng sức mạnh của một luồng gió để lấy lại ruah, là hơi thở nguyên thủy, và làm trọn vẹn lời hứa của “sức mạnh” mà Đức Ki-tô Phục sinh đã hứa trước khi Ngài rời bỏ các ông (xem Cv 1: 8). Thình lình, “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (Cv 2: 2). Cơn gió sau đó lại có ngọn lửa tiến vào nhắc lại việc bụi gai bốc cháy và núi Si-nai cùng với món quà là mười điều răn (xem Xh 19: 16-19). Trong truyền thống kinh thánh, lửa thể hiện sự khải hiện của Thiên Chúa. Trong lửa, Thiên Chúa trao ban lời sống động và hữu hiệu (xem Dt 4: 12) mở ra tương lai; lửa diễn tả tượng trưng cho công cuộc sưởi ấm của Ngài, soi sáng và thấm đẫm sự khôn ngoan trong lòng, sự chăm sóc của Ngài cho sức bền của công việc của con người, cho việc thanh tẩy và trao sức sống mới cho họ. Trong khi tại núi Si-nai tiếng Chúa được nghe thấy, thì ở Giê-ru-sa-lem, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, chính Phê-rô là người nói, là tảng đá mà Đức Ki-tô đã chọn để xây dựng Hội Thánh của Người. Dù lời của ông là yếu ớt và thậm chí có thể chối Chúa, nhưng khi lửa của Thần Khí đi qua, nó lấy lại sức mạnh, đủ khả năng đâm thấu những tâm hồn và dẫn đến sự hối cải. Quả thật, Chúa chọn những gì là yếu đuối trong thế gian để làm đảo lộn những sự hùng mạnh (xem 1 Cr 1: 27).

Do đó Giáo hội được sinh ra từ lửa của tình yêu, và với một ‘ngọn lửa’ bùng lên trong ngày Lễ Ngũ Tuần và thể hiện sức mạnh của Lời của Đấng Sống Lại thấm đẫm Thần Khí. Giao ước mới và dứt khoát không còn được tìm thấy trên luật viết trên các phiến đá, nhưng trên hoạt động của Thần Khí Chúa, Đấng làm cho mọi sự trở nên mới và được khắc sâu trong tâm hồn của xác phàm.

Lời của các Tông đồ được thấm đẫm Thần Khí của Đấng Sống lại và trở nên một lời mới, khác biệt, nhưng mọi người đều có thể hiểu được, dường như nó được thông dịch ngay lập tức thành tất cả các ngôn ngữ khác: thật vậy, “ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2: 6). Đó chính là ngôn ngữ của sự thật và yêu thương, nó là ngôn ngữ phổ quát: ngay cả những người không biết chữ cũng có thể hiểu nó. Mọi người đều hiểu được ngôn ngữ của sự thật và sự yêu thương. Nếu bạn bước đi với sự thật trong lòng, với sự chân thật, và bạn bước đi với tình yêu, thì mọi người sẽ hiểu bạn. Ngay cả khi bạn không nói, nhưng bằng một cử chỉ âu yếm, thì đó là thật và là yêu thương.

Chúa Thánh Thần không những tỏ lộ Ngài qua một sự cộng hưởng hài hòa các âm thanh hợp lại và tạo nên sự đa dạng hòa hợp, nhưng còn cho thấy Ngài giống như một người nhạc trưởng của ban giao hưởng tấu lên những tuyệt khúc ngợi khen “những công trình vĩ đại” của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là người tạo nên sự hiệp thông, là nghệ nhân của sự hòa giải, Người biết cách tháo bỏ những rào chắn giữa người Do Thái và Hy Lạp, nô lệ và người tự do, để tạo nên một thân thể duy nhất. Người xây dựng nên cộng đoàn các tín hữu, làm hài hòa sự hiệp nhất của thân thể và con số đông đảo của các chi thể. Người làm cho Giáo hội phát triển bằng cách giúp Giáo hội tiến bước vượt qua những giới hạn, tội, và bất kỳ những sự bất toàn nào của con người.

Sự kỳ công thật vĩ đại, đến mức người ta thắc mắc không biết những người kia có bị say rượu không. Phê-rô sau đó thay mặt tất cả các Tông đồ can thiệp và đọc lại biến cố dưới ánh sáng của Giô-en 3, trong đó công bố sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần. Những môn đệ của Chúa Giê-su không say rượu, nhưng họ sống trong tinh thần mà Thánh Ambrosio định nghĩa như là “say Thần Khí,” nó làm bừng lên những sứ ngôn giữa dân Chúa qua các giấc mơ và thị kiến. Ơn ngôn sứ này không chỉ dành riêng cho một ít người, nhưng là cho tất cả những ai khẩn cầu danh Chúa.

Từ đó trở đi, từ giây phút đó, Thần Khí của Chúa làm rung động các tâm hồn để chào đón ơn cứu độ thông qua một Ngôi Vị, là Chúa Giê-su Ki-tô, Người là Đấng mà con người đã đóng đinh trên thập giá gỗ và là Đấng Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết, “giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Cv 2: 24). Và Ngài tỏa ra Thần Khí làm hòa hợp nhiều cung bậc của bài ca ngợi khen mà tất cả mọi người đều nghe thấy. Như Đức Benedict XVI nói, “Lễ Ngũ Tuần nghĩa là: Chúa Giê-su, và qua Người là chính Thiên Chúa, thật sự đến với chúng ta và kéo chúng ta lại gần với Người” (Bài giảng, 3 tháng Sáu năm 2006). Thần Khí hoạt động qua sự cuốn hút của Chúa: Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta bằng tình yêu của Người và từ đó dẫn đưa chúng ta cùng dự phần để chuyển động lịch sử và khởi đầu những tiến trình nhờ đó sự sống thấm qua. Thật vậy, chỉ Thần Khí của Chúa mới có sức mạnh để làm nhân tính hóa và huynh đệ hóa mọi bối cảnh, bắt đầu từ những người chào đón Người.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được trải nghiệm một Lễ Ngũ Tuần mới, mở rộng tâm hồn chúng ta và làm hài hòa những cảm thức của chúng ta với Đức Ki-tô, để chúng ta có thể loan báo lời biến đổi của Người mà không xấu hổ, và làm chứng cho sức mạnh của tình yêu làm hồi sinh cho tất cả những gì nó gặp.

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2019]

1 2 3 4 5

Comments are closed.

phone-icon