Thông điệp “Laudato Si” (Chăm sóc ngôi nhà chung) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập tới cuộc hoán cải môi sinh. Đây là chủ đề khó hiểu đối với nhiều tín hữu. Một “cuộc cách mạng văn hóa rộng rãi” để đương đầu với cuộc khủng hoảng môi trường. Một tác giả đã lược ra những yêu cầu trong Tông thư Laudato Si của Đức Phanxicô như sau:
- Dùng bớt máy điều hòa không khí ở nhà cũng như trên xe.
- Dùng bớt xăng nhớt, năng lượng ở nhà cũng như trên xe.
- Lái xe chậm hơn.
- Dùng giấy tái hồi làm giấy nháp.
- Dùng ánh sáng tự nhiên khi có thể.
- Tắt đèn mỗi khi ra khỏi phòng.
- Giới hạn dùng khăn giấy, đĩa nhựa, những loại dùng một lần vứt bỏ.
- Tiết kiệm nước nhiều nhất có thể.
- Trồng rau cải, nấu ăn ở nhà.
- “Tái hồi” nói lui nói tới “cám ơn, xin lỗi, vui lòng”.
Một cái nhìn tổng quát
“Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?” Câu hỏi này chính là trọng tâm thông điệp “Laudato Si”, Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà người ta chờ đợi về việc săn sóc căn nhà chung. Ngài viết tiếp: “Câu hỏi này không phải chỉ liên quan riêng đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: “Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?” Đức Giáo Hoàng viết: “Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng”.
Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. “Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ rằng, trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ”. Chính “chúng ta là đất” (Xc.St 2,7). Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng”.
Giờ đây, trái đất, bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than, và những tiếng than trách của trái đất đang hiệp với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi hãy lắng nghe họ. Ngài kêu gọi tất cả và từng người – cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế – hãy “hoán cải về môi sinh”, theo kiểu nói của thánh Gioan Phaolô 2, nghĩa là “đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để ‘săn sóc căn nhà chung’. Đồng thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận rằng: “Người ta nhận thấy có sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với môi trường và việc săn sóc thiên nhiên, và thành thực lo lắng vì những gì đang xảy ra cho hành tinh của chúng ta”. Hợp thức hóa cái nhìn hy vọng mà toàn thể Thông điệp làm nổi bật và gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: “Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung”; “con người còn khả năng can thiệp tích cực”; “không phải tất cả đã bị mất mát, vì con người, tuy có khả năng thoái hóa tột độ, nhưng vẫn còn có thể tự vượt thắng, tái chọn lựa điều thiện và tái tạo”.
Dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ lời với các tín hữu Công giáo, ngài nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô 2: “Đặc biệt các tín hữu Kitô nhận thấy rằng nghĩa vụ của họ giữa lòng thiên nhiên, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức tin của họ”, nhưng họ “đặc biệt muốn đối thoại với tất cả mọi người về căn nhà chung của chúng ta”: đối thoại được nói đến trong toàn Thông điệp, và trong chương V nó trở thành một phương thế để đối phó và giải quyết các vấn đề. Ngay từ đầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng cả “các Giáo hội và các Cộng đoàn Kitô khác – cũng như các tôn giáo khác – đã phát triển sự quan tâm sâu xa và một suy tư quí giá” về đề tài môi sinh học. Đúng hơn, họ đóng góp đặc biệt, bắt đầu tự sự đóng góp của “Đức Thượng Phụ chung quí mến Bartolomeo”, được trích dẫn nhiều trong các đoạn số 8-9. Rồi nhiều lần, Đức Giáo Hoàng cám ơn những người giữ vai chính trong công cuộc này – các cá nhân cũng như các hiệp hội và tổ chức – ngài nhìn nhận rằng “suy tư của vô số nhà khoa học, triết gia, thần học gia và các tổ chức xã hội đã phong phú hóa tư tưởng của Giáo hội về những vấn đề ấy” và Đức Giáo Hoàng mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn nhận “sự phong phú mà các tôn giáo có thể đóng góp cho một nền môi sinh học toàn diện và cho sự phát triển trọn vẹn con người”.
Những thay đổi khí hậu: “Những thay đổi khí hậu là một vấn đề hoàn cầu với những hệ lụy trầm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị, và chúng là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại. Nếu “khí hậu là một thiện ích chung của tất cả và cho tất cả mọi người”, thì ảnh hưởng nặng nề nhất của sự thay đổi khí hậu đè nặng trên những người nghèo nhất, nhưng “nhiều người có nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hoặc chính trị hơn, dường như chỉ chú tâm tới việc che đậy vấn đề hoặc dấu nhẹm những triệu chứng của sự thay đổi khí hậu”: “sự thiếu phản ứng đứng trước những thảm trạng ấy của anh chị em chúng ta là một dấu hiệu cho thấy có sự mất ý thức trách nhiệm đối với những người đồng loại của chúng ta, trách nhiệm này vốn là nền tảng của mọi xã hội dân sự”.
– Vấn đề nước uống: Đức Giáo Hoàng khẳng định rõ ràng rằng” “Có được nước uống an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản và của tất cả mọi người, vì nó ảnh hưởng tới sự sống còn của con người và vì thế, đây là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác”. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống có nghĩa là “phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng của họ”.
– Bảo vệ sự đa dạng sinh vật (biodiversità): “Mỗi năm có hàng ngàn loại thực vật và động vật biến mất mà chúng ta không có thể biết chúng nữa, các con cháu chúng ta không thể thấy chúng nữa, chúng biến mất vĩnh viễn”. Không những chúng là những “tài nguyên” có thể khai thác được, nhưng còn có giá trị tự mình. Trong viễn tượng đó, “thật là đáng ca ngợi và ngưỡng mộ những cố gắng của các nhà khoa học và kỹ thuật tìm cách giải quyết các vấn đề do con người gây ra”, nhưng sự can thiệp của con người, khi nó nhắm phục vụ cho tài chánh và sự thiêu thụ, thì “làm cho trái đất nơi chúng ta sinh sống bớt phong phú và tươi đẹp hơn, ngày càng giới hạn và u ám hơn”.
– Món nợ môi sinh: trong khuôn khổ một nền luân lý đạo đức về các quan hệ quốc tế, Thông điệp của Đức Giáo Hoàng cho thấy có “một thứ nợ về môi sinh”, nhất là nợ của các nước giàu đối với những nước nghèo trên thế giới. Đứng trước những thay đổi khí hậu, có “những trách nhiệm khác nhau”, và trách nhiệm của các nước phát triển thì lớn hơn.
Ý thức về những khác biệt sâu xa trong các vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ra rất ngạc nhiên vì “chỉ có những phản ứng yếu ớt” trước những thảm trạng của bao nhiêu con người và dân tộc. Mặc dù không thiếu những ví dụ tích cực, nhưng Thông điệp tố giác “một thái độ thiếu nhạy cảm và một thứ vô trách nhiệm thiếu suy xét”. Thiếu một nền văn hóa thích hợp và sự sẵn sàng thay đổi lối sống, sản xuất và tiêu thụ, trong khi đó cần cấp thiết “kiến tạo một hệ thống qui phạm (..) đảm bảo hệ thống môi sinh”.
Tin Mừng về sự sáng tạo
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đọc lại các trình thuật Kinh thánh, và trình bày một cái nhìn toàn diện đến từ truyền thống Do thái – Kitô và nêu rõ “trách nhiệm lớn lao” của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và sự kiện “môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người”.
Trong Kinh Thánh, “Thiên Chúa giải thoát và cứu vớt cũng là Đấng đã tạo dựng vũ trụ.. […] Nơi Ngài, lòng quí mến và sức mạnh liên kết với nhau”. Ở vị thế trung tâm là trình thuật về sự sáng tạo để suy tư về tương quan giữa con người và các loài thụ tạo khác, và cho thấy tội lỗi phá vỡ sự quân bình của toàn thể thiên nhiên nói chung: “Các trình thuật này gợi ý về “Cuộc sống con người dựa trên 3 tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái đất”. Theo Kinh Thánh, 3 tương quan sinh tử này bị cắt đứt, không những bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta nữa. Sự tan vỡ ấy chính là tội lỗi”.
Vì thế, cho dù “đôi khi các tín hữu Kitô đã giải thích Kinh Thánh không đúng, nhưng ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ phủ nhận rằng từ sự kiện được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và từ mệnh lệnh thống trị trái đất, người ta có thể biện minh cho một sự thống trị tuyệt đối trên các loài thụ tạo”. Loài người có trách nhiệm “vun trồng và gìn giữ” vườn thế giới (Xc St 2,15), vì biết rằng “mục đích chung kết của các loài thụ tạo khác không phải là chúng ta. Trái lại tất cả tiến bước, cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, là Thiên Chúa”.
Sự kiện con người không phải là chủ tể của vũ trụ, “không có nghĩa là mọi sinh vật đều giống như nhau và tước bỏ giá trị đặc thù của chúng”; và “cũng không bao hàm sự thần thánh hóa trái đất, làm cho chúng ta không còn ơn gọi cộng tác và bảo vệ sự mong manh của trái đất”, nhưng “một tâm tình kết hiệp thâm sâu với các hữu thể khác trong thiên nhiên, không thể là một tâm tình chân chính, nếu đồng thời trong tâm hồn không có sự dịu dàng, cảm thông và quan tâm đến con người”. Cần ý thức về một sự hiệp thông đại đồng: “Được cùng một Cha dựng nên, tất cả hữu thể của vũ trụ chúng ta được liên kết với nhau bằng những mối dây vô hình và chúng ta họp thành một thứ gia đình đại đồng, […] thúc đẩy chúng ta có thái độ tôn trọng thánh thiêng, yêu thương và khiêm tốn”.
Kết thúc điều nòng cốt của mạc khải Kitô giáo: “Chúa Giêsu trần thế”, với “tương quan rất cụ thể và thương yêu của Ngài với thế giới”, đã “sống lại vinh hiển, hiện diện trong mọi thụ tạo với quyền chủ tể đại đồng của ngài”.
Vâng, trên đây là những tóm lược loạt bài của Đức Thánh Cha thật hay và thực tế; và dưới đây là một vài suy tư rất hạn chế của cá nhân để hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời đề ra hướng canh tân hữu hiệu hơn về việc có ý thức bảo vệ môi sinh một cách thiết thực trong đời sống người Kitô hữu:
Đời sống Thiêng Liêng Đời sống nhân Bản
– Sống Đạo Đức – Sống Công bằng
– Siêng năng tham dự Thánh lễ – Sống quan tâm đến người khác
– Rước Chúa mỗi ngày – Sống Tiết độ
– Siêng năng Lãnh nhận Bí tích Hòa Giải – Sống Hiền lành và Khiêm nhường
– Kết hiệp mật thiết với Chúa trong ngày sống – Sống Tế nhị
– Siêng năng Lần hạt Mân Côi – Sống Thật thà
– Sống động lòng trắc ẩn – Sống chan hòa với người khác
– Kính Lòng Thương Xót Chúa – Sống vị tha
– Sống Bác Ái – Sống Bác Ái
– Sống Yêu thương – Sống Yêu thương
Thiết nghĩ, đời sống của con người một khi cân bằng giữa Tinh thần và Đời sống Nhân Bản, chắc chắn việc sống bảo vệ môi trường (môi sinh) sẽ được tốt hơn.
Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên trái đất này chúc phúc lành và ban an bình cho hết thảy chúng con. Amen.
Têrêsa Trần Thị Thanh Thảo