Theo dõi và đợi chờ với Giacaria
Giáng Sinh. Những bài ca diễn tả niềm vui được phát thanh khắp trên radio và truyền hình. Những trang trí mới mẻ, tỉ mỉ xuất hiện trên các con đường của thành phố, trong các trung tâm mua sắm và xung quanh nhà mọi người. Trong Thánh Lễ, chúng ta hát: “Lạy Đấng Emmanuen, xin hãy đến, xin hãy đến”, chúng ta tạm ngưng hát Kinh Vinh Danh và chúng ta thắp các cây nến Mùa Vọng. Đối với một số người trong chúng ta, toàn bộ mùa Vọng gợi lên những ký ức ấm áp của quá khứ và sự mong chờ háo hức về các cuộc họp mặt gia đình trong tương lai.
Với những người khác, Giáng Sinh đem lại một mức độ lo lắng nào đó. Có thể chúng ta không có đủ tiền để thanh toán các hóa đơn, thì làm sao có thể mua những món quà cho những người thân yêu chúng ta. Có thể một số mối quan hệ gia đình bị ngột ngạt hoặc đổ vỡ. Có thể tất cả chúng ta đều cô độc và cảm thấy mình không có được niềm vui của mùa này.
Không quan trọng bạn cảm thấy thế nào, một điều chắc chắn là: bạn có thể ngày càng gần gũi hơn với Thiên Chúa trong Mùa Vọng này. Cho dẫu bạn có thể trao tặng những món quà hay có mừng lễ với gia đình bạn hay không, Thiên Chúa vẫn ban cho bạn những món quà của niềm hy vọng, sự canh tân đổi mới và niềm vui; Người muốn giúp bạn mừng lễ với Người. Giáng sinh đầu tiên đã biến đổi cuộc sống của những con người như Giacaria và Elisabet, Maria và Giuse và những người khôn ngoan, thông thái. Và cuộc sống của bạn cũng có thể được biến đổi.
Do đó, chúng ta hãy bắt đầu hành trình đức tin Mùa Vọng của chính chúng ta bằng cách cầu nguyện qua câu chuyện của ông Giacaria. Đó là câu chuyện về một người mà cuộc sống đã được biến đổi bởi lời hứa của Thiên Chúa đến thăm viếng dân của Người. Đó là câu chuyện về một người có trái tim và tâm trí đã mở ra qua việc cầu nguyện và suy tư thầm lặng.
Nỗi Buồn và Sự Xấu Hổ. Ở Israel cổ đại, con cái được xem là một dấu hiệu phúc lành của Thiên Chúa, giống như ngày nay. Bạn hãy tưởng tượng Giacaria và Elisabét đã cảm thấy thế nào khi bao năm tháng trôi qua mà bà vẫn hiếm muộn, không con. Họ đã cầu xin Chúa ban cho có con và ngày càng cảm thấy tủi hổ (x. Lc 1,25). Bạn hãy tưởng tượng cách họ đã phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa biết rằng Giacaria và con đang cố gắng hết sức để sống theo các lệnh của Chúa. Tại sao Chúa không cho phép chúng con có con?” Có lẽ họ thậm chí còn tự khiển trách mình, vì một số người nghĩ rằng sự hiếm muộn là dấu hiệu bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Bởi lẽ Giacaria là một tư tế của Đền thờ và Elisabét là con cháu của anh trai Môsê, Aharon, nên sự hiếm muộn của họ lại thêm một nỗi đau. Họ là những người ngay chính và thánh thiện xuất thân từ những gia đình tốt lành; Tại sao Thiên Chúa lại từ chối không ban cho họ một phúc lành như vậy? Phải chăng Thiên Chúa đang trừng phạt họ vì một tội lỗi nào đó mà thậm chí họ không biết họ đã mắc phạm?
Một Phản Ứng Nghi Ngờ. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng những suy nghĩ có thể hiện lên trong tâm trí Giacaria khi một thiên thần hiện ra với ông trong Đền Thờ. Truyền thống Do Thái tin rằng không ai có thể đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa mà còn sống và đây là một trong những sứ giả của Thiên Chúa! Do vậy, thật dễ hiểu khi Giacaria hết sức “bối rối” và “nỗi sợ hãi ập xuống trên ông” (Lc 1,12).
Sứ thần bảo Giacaria rằng ông không cần phải sợ hãi. Thiên Chúa đã chấp nhận những lời cầu nguyện của ông và Êlisabét. Thật vậy, mỗi lần ông hoặc bà Êlisabét cầu xin điều này (có con), Thiên Chúa đã nghe. Những năm tháng trôi qua có thể đã làm cho ông bà tuyệt vọng, nhưng Thiên Chúa chờ đợi thời gian của Người. Và giờ đây, sứ thần cho biết rằng thời gian đã đến và người con của ông bà sẽ đóng một vai trò đặc biệt trong kế hoạch của Thiên Chúa. Người con này đã được tiền định để “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).
Tuy nhiên, Giacaria vẫn nghi ngờ. Ông đã lớn tuổi và Thiên Chúa đã bác bỏ những lời cầu nguyện của ông quá lâu rồi; ông có thể thực sự tin rằng Thiên Chúa sẽ trả lời ông và vợ ông bây giờ không? Đó là khi có điều gì đó lạ lùng xảy ra. Một sứ thần vừa mới thông báo tin vui như vậy giờ đây sứ thần đã làm cho ông già trung tín này bị câm: “Ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi” (Lc 1,20).
Một Mùa của Sự Thinh lặng. Dường như Thiên Chúa hoặc ít là sứ thần đã nổi giận với Giacaria vì sự thiếu lòng tin của ông. Nhưng Thiên Chúa quảng đại hơn nhiều. Giacaria là một con người công chính và có đời sống cầu nguyện. Thiên Chúa không thể để một ngày không tốt làm tiêu tan hết những năm tháng trung tín của con người này. Thiên Chúa tận dụng ngay phản ứng nóng vội của Giacaria như cơ hội để dẫn đưa ông đến với một niềm tin và lòng tín thác sâu sắc hơn nữa vào Chúa. Và thế là Giacaria đã bắt đầu hành trình đức tin Mùa Vọng của mình và ông sẽ không bao giờ giống như vậy nữa.
Bạn sẽ làm gì nếu bạn không thể nói trong suốt chín tháng như thế? Giacaria chắc hẳn đã dành thời gian để cố gắng hiểu ý nghĩa những lời sứ thần đã nói. Ông đã cầu nguyện, nghiên cứu Thánh Kinh Do Thái và ôn đi ôn lại những lời của sứ thần nói với ông. Và những gì Giacaria đã khám phá thì làm ông tràn ngập niềm vui.
Qua thời gian thinh lặng của mình, Giacaria đã đi từ sự nghi ngờ không tin sang niềm tin vâng phục. Vì thế khi người con trai kỳ diệu của ông được sinh ra và khi đến lúc đặt tên cho con, Giacaria cho thấy rằng ông đã chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa cùng tất cả những lời hứa kèm theo. Thay vì đặt tên cho con trẻ theo tên mình, Giacaria đã vâng lời sứ thần và đặt tên cho con là “Gioan” (Lc 1,63). Ngay lập tức, lưỡi của Giacaria được tháo cởi và ông được tự do công bố tất cả những những lời khen ngợi mà ông đã để dành trong suốt chín tháng thinh lặng cầu nguyện.
Hoa Trái của Việc Cầu Nguyện trong Thinh Lặng. Thật dễ cám dỗ khi nhìn vào sự im lặng của Giacaria, sự im lặng đó chẳng khác gì một hình phạt vì sự không tin của ông. Nhưng khi chúng ta nhìn vào lời cầu nguyện ngợi khen của ông (Lc 1,68-79), thì rõ ràng là Thiên Chúa đang làm một điều gì đó sâu sắc hơn. Giacaria đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa và ông cần phải sẵn sàng cho điều đó. Ông cần phải dạy cho con trai mình thấm nhuần niềm tin để có thể chịu đựng được sự bách hại và hiểu lầm. Ông phải dạy cho Gioan cầu nguyện trong sự chờ mong và nghe lời của Thiên Chúa nói với dân Người. Và ông đã phải cho Gioan sự can đảm để công bố lời đó ngay cả lời đó làm cho ông bị bắt giữ và tử đạo.
Những tháng ngày này rất quan trọng đối với Giacaria. Ông cần thời gian này để lắng nghe hơn là nói chuyện, cầu nguyện hơn là lo lắng và khám phá cách thế để ông thích ứng với kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa. Chúng ta hãy xem một số điều mà Giacaria đã học hỏi khi ông làm điều đó.
- Sự viếng thăm của Thiên Chúa mang lại niềm vui. Những lời đầu tiên của Giacaria là những lời vui mừng và ngợi khen: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen” (Lc 1,68). Khi nhìn thấy sứ thần, phản ứng đầu tiên của Giacaria là sợ hãi và hoài nghi. Ông đã không thốt lên lời tạ ơn Chúa vì đã đáp lại lời ông cầu xin, không có một lời ca ngợi nào khi Thiên Chúa sai sứ thần đến viếng thăm ông. Nhưng giờ đây, sau những tháng ngày thinh lặng, Giacaria không thể không dâng lời ngợi khen Chúa.
- Thiên Chúa hoàn thành lời hứa của Người. Qua nhiều thế kỷ, dân Thiên Chúa đã cầu nguyện cho được ơn giải thoát khỏi các kẻ thù của họ. Đoạn nối tiếp đoạn kia trong Cựu Ước đã nói về lòng khao khát của họ để xin Thiên Chúa cứu chuộc dân Người: “Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ” (Tv 80,3). Bấy giờ Giacaria tuyên bố với những người hàng xóm của ông rằng những lời hứa của Thiên Chúa đang được thực hiện ngay trước mắt họ: “Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68, nhấn mạnh thêm). Giacaria có thể không biết Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó như thế nào, nhưng bây giờ ông có thể thấy rằng Thiên Chúa đang làm việc để mang lại ơn cứu độ cho dân Người.
- Thiên Chúa lắng nghe mọi lời cầu nguyện. Cũng như Giacaria biết rằng Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin cho có một đứa con, vì thế ông cũng biết rằng Thiên Chúa đã nghe mọi lời cầu nguyện, mọi tiếng khóc than của tâm hồn, từ tất cả dân Chúa qua dòng lịch sử. Từ tình trạng nô lệ của họ trong sa mạc cho đến những hiểm họa của cuộc xuất hành và hành trình trong sa mạc của họ, từ những sự chống đối bằng bạo lực của người Philitinh đến cuộc lưu đày của họ ở Babylon, từ tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn của họ khi họ cố gắng tái thiết lại đất nước trước sự tủi hổ vì bị người La Mã (Rôma) chiếm đóng, Thiên Chúa đã luôn luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của họ. Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên giao ước của mình (x. Lc 1,72). Thiên Chúa chỉ đang chờ đợi đúng thời điểm thích hợp và thời điểm đó là bây giờ. Thiên Chúa thực sự sẽ giải thoát dân Người, như Người đã hứa.
Hành Trình Mùa Vọng của Bạn. Như thế, bây giờ bạn hãy bắt đầu hành trình Mùa Vọng của bạn. Có thể sẽ không có chuyện một sứ thần sẽ làm bạn im lặng từ bây giờ cho đến Giáng Sinh. Nhưng trong khi thế giới đang la hét, reo hò để làm bạn chú ý vào nó, bạn có thể lựa chọn thực hiện một cuộc tĩnh tâm thầm lặng với Giacaria. Bạn có thể cầu xin Thiên Chúa dạy bạn như Người đã dạy cho người đàn ông khiêm tốn này (Giacaria).
Bạn hãy cố gắng làm cho cuộc sống của bạn thinh lặng một chút (và có lẽ là điện thoại di động và email của bạn). Mỗi ngày, bạn hãy đến một nơi yên tĩnh và hướng về Thiên Chúa trong sự tĩnh lặng. Thiên Chúa biết điều bạn cần; Người biết mọi lời cầu nguyện mà bạn đã từng cầu xin. Hãy dâng cho Chúa những lời cầu xin này ngay bây giờ và cố gắng dành thêm một chút thời gian để lắng nghe khi bạn cầu nguyện. Hãy suy niệm những bài Thánh Kinh về Mùa Vọng một cách thong thả và cẩn thận. Sau đó hãy xem những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện. Có thể Thiên Chúa sẽ biến đổi bạn như Người đã biến đổi ông Giacaria. Vào ngày Giáng Sinh có thể bạn sẽ đến với Chúa bằng một niềm tin sâu sắc hơn và bạn nhận biết rằng Thiên Chúa đang làm việc hôm nay. Hoặc có thể bạn sẽ dâng nhiều lời ngợi khen vui mừng hơn cho Thiên Chúa, Đấng luôn trung tín và lắng nghe mọi lời cầu nguyện của bạn.
Chúng ta hãy cùng với ông Giacaria tham dự Mùa Vọng này và để Thiên Chúa biến đổi chúng ta.
Theo The Word Among Us [wau.org]
Advent 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương