Như Dạ Lý Mùa Xuân – SN Lễ Mẹ Thiên Chúa, 2020

0

 

“Đã có rất nhiều bài Thánh ca tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, thế nhưng những ca khúc viết về Đức Mẹ và Mùa Xuân thì lại còn khá khiêm tốn – trong số đó, ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngọc Kôn, được coi là đã chạm đến những cung bậc cảm xúc bày tỏ lòng mến yêu đối với Mẹ Thiên Chúa…

Nhạc sĩ Ngọc Kôn, tên khai sinh là Phaolô Võ Văn Côn, sinh năm 1950 tại An Hòa, Châu Thành, An Giang (giáo xứ Năng Gù, giáo phận Long Xuyên). Hiện ở tại số 15/2 đường số 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (Giáo xứ Fatima Bình Triệu).

Thời niên thiếu và thanh niên của Võ Văn Côn đã kinh qua các “lò”  đào tạo linh mục như Tiểu Chủng viện Thánh Phụng (Châu Đốc), Têrêxa (Long Xuyên), Đại Chủng viện Thánh Giuse (Sài Gòn), Thánh Tôma Aquinô (Long Xuyên), học xong tháng 12.1975 (chưa được truyền chức linh mục)… Sau khi tốt nghiệp Đại Chủng viện, thầy Côn tình nguyện đi vùng sâu lập lại giáo họ Ong Dèo (tháng 12.1975). Sau một tai nạn không mong muốn vào năm 1976, thầy Côn lưu lạc nhiều nơi, sống trong mòn mỏi để mong được lãnh tác vụ linh mục. Thời gian này, thầy đã đi học thêm và tạm làm nhạc sĩ sáng tác thánh ca để “chờ thời” và tự nâng đỡ “đời tu một mình” – tức sáng tác thánh ca, và chỉ thánh ca… Khởi đi từ năm 1976, bút danh Ngọc Kôn là do người bạn, linh mục nhạc sĩ Duy Linh Phạm Hồng Nhật (hiện ở giáo phận Long Xuyên) đặt cho.

Trước đó, thầy cũng đã được học âm nhạc với linh mục nhạc sư Tiến Dũng từ năm 1965 (khi ngài vừa về nước), bạn đồng học lúc ấy có linh mục nhạc sĩ Văn Chi (Úc), linh mục nhạc sĩ Duy Thiên, linh mục nhạc sĩ Duy Linh Phạm Hồng Nhật (Long Xuyên) và linh mục nhạc sĩ Dao Kim (Mỹ)… Năm 1987, Ngọc Kôn học tiếp âm nhạc nâng cao, đặc biệt là thánh nhạc chuyên ngành với linh mục nhạc sư Tiến Dũng, sau đó được ngài đề cử sang Rôma thi lấy bằng nhạc sư sáng tác, nhưng không đi vì thiếu kinh phí. Không còn thấy hy vọng được lãnh tác vụ linh mục nên Ngọc Kôn hoàn tục và lập gia đình năm 1996, tuy nhiên, bây giờ thì người nhạc sĩ này sống cô độc với đôi mắt bị thương tật trầm trọng…

Hiện nay, nhạc sĩ Ngọc Kôn cùng với linh mục nhạc sĩ Ân Đức (Ocis), linh mục Giuse Trần Thanh Công (chính xứ Vườn Xoài), nhạc sĩ Phan Thanh Dũng, một số nhạc sĩ, ca trưởng, ca sĩ và nghệ sĩ… tạo một môi trường Thánh ca Phụng vụ thể hiện qua ca đoàn và dàn nhạc Thánh Thi (đàn hát Lời Chúa, đàn hát Lời Chúa với cộng đoàn, đàn hát Lời Chúa với cộng đoàn bằng các tác phẩm có hình thể xứng tầm phụng vụ); sau 4 năm thể nghiệm, nay đang hoạt động thường xuyên trong phạm vị toàn quốc (nơi nào muốn thì ca đoàn “tự thân vận động” đến hát trong thánh lễ, không gây phiền hà hay tốn kém cho bất kỳ ai).

Riêng về tác phẩm Như Dạ Lý Mùa Xuân, nhạc sĩ cho biết là đã sáng tác vào năm 1976, bằng nguồn cảm xúc nóng sốt trong một đêm ngắm hoa Dạ Lý nở về khuya, bằng sự đau khổ trong cuộc sống và do lòng muốn tạ ơn Đức Mẹ đã gìn giữ trong những cơn hoạn nạn… Nhạc sĩ đã viết một mạch hết điệp khúc với cảm xúc đột ngột, tình cờ và cháy bỏng, qua hôm sau mới viết tiếp các phần phiên khúc. Trong trạng thái chất ngất, cảm xúc trào tràn, với Ngọc Kôn, điểm nhấn của ca từ là “Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì, chỉ cần nhìn ngắm Mẹ”… Giai điệu như tiếng lòng thổn thức, tiết tấu tự nhiên như hơi thở, chỉ cốt dâng lên Đức Mẹ lời khen ngợi mọi nét đẹp đa dạng và tuyệt mỹ của Người”. (Hà Đình Nguyên; cgvdt.vn).

Ngày đầu năm mới và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội muốn đặt lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ.

Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch,cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria.

Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).

Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, và được trở nên cao trọng, vì Mẹ khiêm nhường. Đức khiêm nhường dẫn Mẹ đến chỗ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.Từ biến cố Truyền tin, qua lời đáp xin vâng của Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng dạ Mẹ. Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Giáo hội đã tuyên bố Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, Người có ngôi vị duy nhất trong hai bản tính. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa làm người, nên là Mẹ của Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô 431 đã minh định điều ấy khi tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Mẹ Thiên Chúa trở thành một tín điều và là mầu nhiệm của đức tin Công Giáo. Tước hiệu này đã trở nên một phần vĩnh viễn trong những kinh tuyên xưng đức tin và trong phụng vụ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Chúng ta đặt năm mới này vào tay Đức Mẹ. Xưa Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế mở đầu một nhân loại mới, nay xin Đức Mẹ cũng cho năm mới này được chúc phúc, được cứu độ và được hòa bình. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người biết noi gương mục đồng, luôn lắng nghe sứ điệp hòa bình, luôn phấn đấu đi tìm đến nguồn mạch hòa bình và luôn phấn khởi loan tin mừng hòa bình.

Năm 2019 đã trôi qua. Ngày 01.01.2020 là thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó, 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần… cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.

Thời gian là chiều kích tự nhiên của đời người và người đời.Thời gian gắn liền với thân phận mỗi người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc.

Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được tình yêu đong đầy trong từng phút giây cuộc sống.

Giờ phút linh thiêng của thánh lễ khởi đầu năm mới hôm nay, chúng ta hãy đặt 365 ngày của năm 2020 này dưới sự che chở và nâng đỡ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.

Ngày lễ mừng Mẹ Thiên Chúa, nghe lại ca khúc “Như Dạ Lý Mùa Xuân”, một bài hát ngợi ca vẻ đẹp của Đức Mẹ : Như Dạ Lý mùa Xuân. Mẹ đẹp tươi như Dạ lý ngát hương trinh (Dạ Lý thơm ngát hương trinh). Con say sưa lời hát ân tình. Con dâng Mẹ lòng mến chân thành, với trọn tâm tình (tâm tình)… Như Huệ thắm vườn thiêng. Mẹ kiều diễm như Huệ non núi Si-on (Huệ non trên núi Si-on). Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì : Chỉ cần nhìn ngắm Mẹ…”, chúng ta sẽ thấy lòng dâng trào cảm xúc để cầu nguyện với Mẹ Maria – Nữ hoàng của các Mùa Xuân !

Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Comments are closed.

phone-icon