Lạy Chúa, Xin Làm Cho Chúng Con Nên Một

0

Thiên Chúa nghĩ gì về những sự chia rẽ trong Giáo Hội?

Điều này có bao giờ xảy ra với bạn chưa? Bạn đang ngồi trong chỗ của bạn tại nhà thờ và đang chờ đợi Thánh Lễ bắt đầu, khi “anh ấy” bước vào và ngồi xuống ghế ngay phía sau bạn. “Anh ấy” (hoặc “chị ấy”) có thể là bất cứ ai mà bạn đang có vấn đề khó khăn với họ – (chẳng hạn họ là) một người hàng xóm hay gây ồn ào, cha mẹ của một đứa trẻ có ý (không tốt) với con gái của bạn năm ngoái, hoặc họ chỉ là một người hát quá lớn hoặc người có niềm tin chính trị khiến bạn khó chịu. Bất kể lý do gì, giữa bạn và người ấy có một khoảng cách và sự hiện diện của họ làm cho bạn cảm thấy bực bội, khó chịu.

Rồi đến dấu hiệu của sự bình an. Bạn làm công việc gì? Bạn có tránh anh ta không? Bạn có bắt tay anh ta cách hờ hững hoặc tệ hơn là nhìn anh ta cách lạnh lùng? Hay bạn cố gắng đặt sự khác biệt của bạn sang một bên để chào anh ấy một cách thành tâm với một lời chúc chân thành “Bình an ở cùng anh (Anh luôn bình an nhé)”?

Tình huống này là một cách đơn giản để hiểu sự chia rẽ giữa các Kitô hữu Công giáo, Tin Lành và Chính Thống. Qua nhiều thế kỷ, đã có khoảng cách giữa chúng ta và Giáo Hội đang mời gọi chúng ta hướng về nhau và chân thành trao cho nhau sự bình an trong Chúa Kitô. Trong tháng này, chúng ta muốn tìm hiểu lời mời gọi này về sự hiệp nhất Kitô giáo, còn được gọi là chủ nghĩa đại kết. Chúng ta muốn thấy Thiên Chúa ước ao cách sâu xa thế nào để tất cả các tín hữu vượt qua những sự khác biệt của họ để chúng ta có thể “tất cả nên một” như Người là một với Con của Người, Chúa Giêsu (Ga 17,22).

Nỗi Đau về Sự Chia Rẽ. Cha mẹ buồn phiền khi con cái cãi vã với nhau, nhất là khi sự chia rẽ nghiêm trọng hoặc kéo dài. Họ đau lòng về gia đình chia rẽ của họ. Vì thế, hãy suy nghĩ về việc Chúa Cha đau lòng đến mức nào khi thấy con cái mình chia rẽ, không thể yêu thương nhau hay làm việc cùng với nhau. Hãy suy nghĩ xem trái tim Chúa Cha tan nát thế nào khi thấy quá nhiều sự chia rẽ giữa dân của Thiên Chúa thay vì Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền mà Người đã khai sinh vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Tại sao Thiên Chúa đau lòng về sự chia rẽ của chúng ta? Bởi lẽ chính Chúa sống trong một sự hiệp nhất thể hiện chính căn cốt Người là ai. Mỗi khi chúng ta cầu nguyện “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa của chúng ta là một sự hiệp thông của các Ngôi Vị Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu mến sự hiệp nhất vì chính Người là một. Thiên Chúa sống trong một cộng đoàn của tình yêu, và giống như bất cứ người cha nào, Thiên Chúa vui thích khi nhìn thấy những con cái mình yêu thương nhau và sống hiệp nhất, hòa thuận với nhau. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ban cho chúng ta quà tặng gia đình. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống đức tin của chúng ta cùng với nhau trong một Giáo Hội chứ không chỉ như những cá nhân. Nói một cách dễ hiểu, Thiên Chúa yêu mến sự hiệp nhất!

Nhưng Thiên Chúa càng ao ước nhìn thấy dân của Người hiệp nhất nhiều bao nhiêu, thì dường như nọc độc của sự chia rẽ càng lan rộng trong mọi thế hệ. Từ khoảnh khắc Adam và Eva đổ lỗi cho nhau về tội lỗi đầu tiên (nguyên tổ) cho đến mãi hôm nay, sự xung đột, hiểu lầm và chia rẽ đã làm cho chúng ta khó khăn hơn trong việc xây dựng nước Thiên Chúa. Như con rắn trong vườn đã cố tình chia rẽ chúng ta khỏi Thiên Chúa và khỏi nhau, thì ma quỷ – kẻ tố cáo anh chị em của chúng ta (x. Kh 12,10) – vẫn đang cố gắng chia rẽ con cái Thiên Chúa.

Ngay cả Giáo Hội sơ khai cũng đã chiến đấu để duy trì sự hiệp nhất. Cho dẫu các nền văn hóa, các niềm tin và triết lý của người Do Thái và Dân Ngoại thường đối lập với nhau, vì họ tin vào Chúa Kitô, họ đã có thể đến với nhau như anh chị em. Các nô lệ và chủ nhân trở thành các thành viên của cùng một gia đình trong Chúa Kitô. Những người nam và người nữ giờ đây là những người đồng thừa kế với Chúa Kitô, tất cả bình đẳng về phẩm giá với tư cách là những người con trai và con gái của Thiên Chúa. Những người nghèo và những người giàu đã học biết yêu thương nhau.

Nhưng sự hiệp nhất này thường bị đe dọa bởi những ảnh hưởng bên trong cũng như bên ngoài. Thực vậy, nhiều lá thư trong Tân Ước – như thư gửi các tín hữu Galát, Rôma và Êphêsô – đã được viết ra để giúp các Kitô hữu hiểu được nỗi lòng của Thiên Chúa về sự hiệp nhất để họ có thể khắc phục được sự chia rẽ của họ. Đó không chỉ là “thần học tốt lành” khi Phaolô nói với các tín hữu tại Êphêsô rằng Thiên Chúa “đã cho chúng ta được biết thiên ý nhiệm mầu…, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 9.10; nhấn mạnh thêm). Phaolô đã nói với họ rằng Thiên Chúa khao khát sự hiệp nhất biết chừng nào. Và nếu sự hiệp nhất quá quan trọng đối với Thiên Chúa, thì hãy hình dung Người mong mỏi cho tất cả các tín hữu được hiệp nhất với nhau biết bao!

Hãy Hình Dung Một Giáo Hội Hiệp Nhất. Bạn có thể hình dung một Giáo Hội hiệp nhất có thể là như thế nào ngày nay không? Bạn hãy nghĩ xem Giáo Hội có thể là loại nhân chứng nào cho thế giới. Thay vì chia rẽ và tách biệt, chúng ta có thể trở nên một kiểu mẫu của tình yêu khi chúng ta cùng nhau công bố Tin Mừng về Chúa Kitô. Thay vì tranh cãi về những sự khác biệt giáo lý, học thuyết của mình, chúng ta có thể chứng tỏ cho thế giới thấy việc chăm sóc lẫn nhau như Chúa Kitô đã chăm sóc chúng ta có ý nghĩa gì. Hoặc bạn hãy nghĩ về sự làm chứng ​​của chúng ta khi chúng ta cùng nhau đi ra đến với những người nghèo và những người bơ vơ (vô gia cư, bị ruồng bỏ), để chia sẻ những ân huệ và những kỹ năng khác nhau của chúng ta cho họ. Như Chúa Giêsu đã hứa, thế gian sẽ nhận biết rằng chúng ta là môn đệ của Chúa vì cách chúng ta yêu thương nhau (x. Ga 13,35).

Nhưng có lẽ hơn bất cứ loại nhân chứng nào khác, một Giáo Hội hiệp nhất sẽ là nhân chứng sống động cho sức mạnh của sự tha thứ và hòa giải. Mọi người sẽ nói: “Hãy nhìn xem họ đã chiến thắng được những sự khác biệt của họ. Việc họ đã hòa giải sau nhiều thế kỷ là một bằng chứng sống động về một Thiên Chúa Đấng đã yêu thương chúng ta”. Thay vì là một gương mù cho thế giới vì sự chia rẽ của chúng ta, gương sáng của chúng ta sẽ thu hút mọi người từ mọi tình huống vào trong mối tương quan với Chúa.

Lạy Cha, Xin Hãy Làm Cho Chúng Nên Một! Trong suốt thời gian ở trần thế, Chúa Giêsu đã làm việc và cầu nguyện tha thiết cho sự hiệp nhất. Người đã tiếp cận với những người ngoại cũng như những người Do Thái. Người tiếp đón những người có học thức cũng như những người vô học, nữ giới cũng như nam giới, những người thuộc nhóm Quá Khích cũng như những người thu thuế. Chúa Giêsu đã dành thời gian cho người giàu cũng như cho người nghèo. Chúa Giêsu không phân biệt bất cứ ai; Người mời mọi người đi theo Người.

Quả vậy, sự hiệp nhất quá quan trọng đối với Chúa Giêsu đến nỗi đó là điều cuối cùng Người đã cầu nguyện trong Bữa Tiệc Ly: “Con cầu nguyện… cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không chỉ là một mong ước đầy hy vọng. Người không chỉ tuyên bố sự ưa thích của mình. Không, lời cầu nguyện này có nơi Chúa Giêsu là kết quả của sự hiệp nhất của chính Người với Cha mình. Chúa Giêsu biết rằng Cha của Người muốn tất cả chúng ta tham dự vào sự hiệp nhất của Ba Ngôi và Người ước ao nhìn thấy điều đó xảy ra. Ngay khi hiểu được khát vọng hiệp nhất của Cha mình, Chúa Giêsu đã lặp lại khát vọng đó với Cha mình trong một lời cầu xin còn tiếp tục vang lên mãi đến ngày hôm nay.

Tương tự, khi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất, chúng ta đang làm âm vang lại với Cha trên trời của chúng ta những lời nói tuôn trào từ sâu thẳm trong trái tim của Người. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta cầu xin bằng lời cầu nguyện này, chúng ta đang được kín múc từ một nguồn sức mạnh tâm linh. Còn hơn thế nữa, chúng ta có thể tin tưởng rằng, bởi vì điều đó rất gần với trái tim của Chúa Cha, Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta và ngay bây giờ Người đang làm việc để đáp lại lời chúng ta cầu xin.

Những Trái Tim Chia Rẽ, một Giáo Hội Chia Rẽ. Lịch sử loài người đầy dẫy những câu chuyện đau khổ do sự chia rẽ và phân ly gây ra. Nhưng Thiên Chúa không muốn lịch sử của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy tuyệt vọng. Thực tế, phần lớn các Kitô hữu đều muốn sống trong sự hiệp nhất. Chúng ta nhận ra các truyền thống đức tin bị rạn nứt và các định kiến ​​đối nghịch với nhau, và chúng ta biết rằng có điều gì đó không đúng. Chúng ta có thể thắc mắc: “Tại sao chúng ta lại chia rẽ như thế?”

Dĩ nhiên, có những khác biệt thực sự về giáo lý, thực hành và phụng vụ giữa các truyền thống đức tin rất khó khắc phục. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào tâm hồn của chính mình. Tất cả chúng ta đều biết những suy nghĩ gây chia rẽ về giáo dân đồng bào hoặc những đánh giá tiêu cực về các truyền thống đức tin khác là như thế nào. Cụ thể hơn, không ai trong chúng ta có thể trải qua cuộc sống mà không có những trải nghiệm về một sự chia rẽ nào đó, dù là trong gia đình hay giữa những người bạn của chúng ta. Chúng ta có thể nuôi dưỡng những sự nghi ngờ chống lại những người đã gây tổn thương chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể thấy mình nói xấu mọi người. Có thể rất dễ dàng tập trung vào một số sự điều nho nhỏ, một sự đóng góp không được đề cao hoặc một sự phục vụ không được chú ý tới và để điều đó lớn lên thành sự cay đắng, không tha thứ hoặc ghen tương đố kỵ.

Đúng thật – mỗi người chúng ta đều đã phạm tội và góp phần vào những sự chia rẽ mà chúng ta thấy trong Giáo Hội và trên thế giới. Nhưng Thiên Chúa đã không từ bỏ hy vọng. Ngay cả ngày nay, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta theo gương Con của Người bằng cách tha thiết cầu nguyện và kiên nhẫn làm việc cho sự hiệp nhất.

Khao Khát Sự Hiệp Nhất. Như thế làm cách nào chúng ta có thể bắt đầu phá bỏ những bức tường chia rẽ này? Như trong tất cả mọi sự, phản ứng đầu tiên của chúng ta là nên ăn năn sám hối và tin tưởng. Khi chúng ta thấy mình vui thú với những ý nghĩ gây chia rẽ, chúng ta nên hướng về với Chúa và xin Người tha thứ cho chúng ta. Khi chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được Thiên Chúa đang tuôn đổ một ân sủng mới vào tâm hồn của chúng ta. Đó là ân sủng để tin rằng sự hiệp nhất là có thể. Đó là ân sủng được diễn tả trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tại Bữa Tiệc Ly: “Để tất cả họ nên một” (Ga 17,21). Và đó là ân sủng để trở thành một lực lượng cho sự thống nhất.

Như thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Chúng ta hãy làm cho sự hiệp nhất thành một phần trong thời biểu cầu nguyện thường xuyên của chúng ta và cầu xin Chúa chữa lành cho tất cả mọi sự chia rẽ và làm cho Giáo Hội thành một với nhau. Chúng ta càng làm cho sự kiếm tìm sự hiệp nhất thành một phần trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ càng khao khát sự hiệp nhất – như chính Chúa Giêsu đã khao khát.

Theo The Word Among Us [wau.org]
January 2020 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon