Phân Định Tiếng Chúa

0

  • Lời Mở

Thường tình, khi thực hiện bất cứ công việc gì, để tới thành công chắc chắn theo tính khoa học, chúng ta luôn phải xây dựng kế hoạch một cách tốt nhất. Kế hoạch càng cụ thể, rõ ràng thì thành công càng lớn và nắm chắc. Tuy nhiên, nhìn sâu chiều kích Kinh Thánh, là ý định của Thiên Chúa, tôi lại xác tín điều sách Châm Ngôn dạy: “Con người có nhiều kế hoạch, nhưng duy chỉ có ý định của Thiên Chúa mới thực hiện” (Cn 19,21). Vâng, chứng từ của Thánh Kinh đều đồng nhất: Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp, từ những cái nhỏ nhất đến những biến cố vĩ đại của thế giới và lịch sử (GLHTCG 303). Các sách Thánh đều xác định mạnh mẽ quyền tối thượng của Thiên Chúa: “Thiên Chúa chúng ta, trên trời, dưới đất, Người làm những gì Người muốn” (Tv 115,3). Sách Thánh nói về Chúa Ki-tô: “Người mở ra thì không ai đóng được. Người đóng thì không ai mở được” (Kh 3,7). Sách Thánh không nhắc đến hành động của các nguyên nhân đệ nhị là chúng ta, đó là “cách nói” rất sâu sắc, chỉ nói đến quyền tối thượng và Chủ Tể tuyệt đối của Thiên Chúa trên lịch sử và toàn thế giới (x. Is 10,5-15). Chính qua đó, giáo dục chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Và Người cho chúng ta phẩm giá để cộng tác vào việc hoàn thành ý định của Người (GLHTCG 304,306).

Từ những suy tư nền tảng này, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về ơn gọi trên cuộc đời mỗi chúng ta qua chủ đề “phân định tiếng Chúa” bằng con đường miệt mài “kiếm tìm Ý của Người”.

I. PHÂN ĐỊNH TIẾNG CHÚA ĐỂ KIẾM TÌM THÁNH Ý NGƯỜI

Thánh Ý Chúa sẽ theo con người suốt cuộc đời, đặc biệt với những ai có tâm hồn khao khát kết thân với Chúa. Từ đó, tôi hiểu một cách rõ ràng, phân định tiếng Chúa là để đi kiếm tìm Ý của Người. Quả vậy, Ý của Chúa dõi theo ta suốt cuộc đời, vì Người là Đấng dựng nên ta. Tác giả Thánh vịnh 139 đã khẳng định: “Người luôn dò xét con và Người biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi Chúa đều xem xét. Mọi nẻo đường con đi Chúa quen thuộc cả. Miệng con chưa thốt nên lời thì Chúa đã am tường hết”. Vâng, ngay cả “hết mọi ngày đời dành sẵn cho con, đều có ghi trong sổ sách Ngài trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (Tv 139 1-4. 16). Tôi xác tín, Chúa gọi chúng ta, nhưng Chúa chủ động đưa ta tới sự thiện hảo mà Người đã xếp đặt (GLHTCG 302). Thiên Chúa luôn muốn bày tỏ ý của Ngài cho con người, cho từng người. Ngài muốn mặc khải về kế hoạch riêng Ngài có với từng người chúng ta. Một người vô thần hỏi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: Có bao nhiêu con đường để nên thánh. Ngài trả lời: “Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường để nên thánh”. Ai cũng có một sứ điệp đặc biệt để loan báo, và một cách đặc biệt để thể hiện tình yêu dâng lên Thiên Chúa.

Câu chuyện cậu Samuel được Chúa gọi ở đền thờ Si-lô là một thí dụ (1Sm 3). Đức Chúa cao cả muốn gặp cậu Samuel vào ban đêm khi cậu đã yên giấc. Ngài gọi tên cậu, và cậu đã nghe được tiếng ấy. Nhưng tiếng gọi của Chúa không khác với tiếng của thầy cả Êli nên Samuel tưởng là thầy mình gọi. Mau mắn, kính trọng và sẵn sàng, cậu đã chạy đến gặp thầy: Dạ con đây, thầy gọi con. Chúa đã gọi cậu lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nhưng cậu vẫn chưa nhận ra tiếng Chúa, cậu vẫn tưởng đó là tiếng thầy Êli. Nhưng khi Samuel đến gặp Êli lần thứ ba, thì thầy hiểu ra là Samuel không nằm mơ, chính ĐỨC CHÚA gọi Samuel chứ không phải ai khác. Thầy đã cho Samuel một lời khuyên tuyệt vời: Nếu có ai gọi con thì con thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. ĐỨC CHÚA lại gọi tên Samuel lần thứ tư, và gọi tên cậu hai lần (1 Sm 3, 10). Samuel đã nghe và đáp lại tiếng gọi của ĐỨC CHÚA – Đấng cao cả, siêu việt đã trò chuyện với cậu bé trong đêm tối. Samuel lớn lên, được nuôi bằng những cuộc gặp gỡ như thế, và trở thành ngôn sứ của Chúa để chuyển đạt ý Chúa cho dân (x. “Phân định đời Thường” Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu).

Như thế, trong suốt cuộc đời con người phải liên lỉ phân định trước tiếng Chúa trong mọi biến cố để tìm sống đúng Ý Người.

1. Phân định là gì?

Trước khi tìm hiểu về phân định thiêng liêng, phân định siêu nhiên…, chúng ta nói qua về những phân định trong cuộc sống tự nhiên. Vâng, đó là việc phân định để lên kế hoạch cho cuộc sống đời thường hầu biết phải ứng xử thế nào cho đúng Ý Chúa.

  • Phân định trong cuộc sống tự nhiên

Khi nói đến phân định tự nhiên hay sự phân biệt theo chiều kích khả giác, người ta phải chia mọi sự cách rõ ràng – như phân biệt bằng giác quan, bằng mắt, bằng trí tuệ để nhận ra sự khác biệt, tách biệt hay phân biệt nhau. Chúng ta có thể phân biệt phẩm và lượng, có nghĩa phân định giữa: tốt – xấu; thành công – thất bại; thuận – nghịch; thiện – ác…; hay qua trạng thái: vui – buồn; sướng – khổ; hạnh phúc – bất an…; hoặc nơi giác quan, như: cao – thấp; núi – biển; khô – cạn; trái – phải; trắng – đen; vàng – đỏ; xanh – tím…; qua khứu giác và vị giác: thơm – thối; mặn – nhạt; ngọt – bùi; cay – đắng … (x.“American college dictionnary”)

Như thế, phân định tự nhiên giúp cho ta thấy, cảm, thấu và biết được thực tại của những thứ quanh cuộc sống, để chúng ta sống có bản lãnh.

Khi phân định theo ý nghĩa Siêu Nhiên, tất nhiên nó không chỉ dừng lại theo nghĩa thực dụng, hiện sinh, nhưng nó vượt xa, trên những thực tại trần thế để hướng con người đến một điều gì đó toàn thiện, ta gọi nó là phân định thiêng liêng.

  • Phân định trong cuộc sống siêu nhiên

Phân định thiêng liêng là một sự phân định mang tính Siêu Việt, thánh Phaolô cẩn trọng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Người đã nhấn mạnh sự phân định rạch ròi trong đức ái: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng  mà phục vụ Chúa; Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng; cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện; hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12, 9-12).

Để Ý Chúa được nên trọn hảo nơi chúng ta thì sự phân định phải nhắm tới cuộc sống thâm sâu trong chiều kích đức tin; một đức tin tuyệt hảo khi tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng từng hoạt động trong tất cả các hành động của thụ tạo, vì “chính Thiên Chúa tác động nơi chúng ta để chúng ta quyết chí và hành động theo kế hoạch Người đã đặt ra vì yêu thương” (Pl 2,13).

2. Phân định theo Thần Khí (thần khí)

Theo Jos. Vinc. Ngọc Biển: Khi nói đến phân định Thần Khí (thần khí), đã giới thiệu cha E. Malatesta, dòng Tên, với định nghĩa:

“Qua từ ‘phân định Thần Khí (thần khí)’, người ta hiểu đó là tiến trình, qua đó chúng ta xem xét, dưới ánh sáng của đức tin và trong đó tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Người và tha nhân trong một sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta đi xa mục đích đó”.

Đức Giêsu thì nhắc nhở các môn đệ khi phân định cần phải biết được nguyên nhân căn bản: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì họ biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”(Mt 7, 16-20).

Ngài nhắc nhớ các môn đệ phải cẩn trọng trước mọi vấn đề để sự phân định không bị rơi vào tình trạng hồ đồ, nóng vội, chủ quan…

Còn thánh Phaolô phân biệt đâu là sự tác động của Thần Khí tốt và đâu là thần khí xấu. Theo ngài thì: Thần Khí Thiên Chúa sẽ làm tác sinh điều thiện hảo. Thần khí của ma quỷ hay của con người thì tác động và đẩy đưa người chịu ảnh hưởng đến chỗ xấu xa, trụy lạc, tội lỗi… Ngài viết: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy […]. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5, 16-24).

Ngài đã cho chúng ta một quy tắc:“Anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,17 – 18).

II. TẠI SAO PHẢI PHÂN ĐỊNH ĐỂ TÌM Ý CHÚA?

Theo Linh mục An-tôn Nguyễn Cao Siêu: “Để làm được điều chọn lựa tốt nhất cần biết phân định (discern, discernment). Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn đưa thái độ phân định vào lối hành xử của mọi Kitô hữu. Người trẻ cũng cần tập phân định. Không phải chỉ phân định trước những chọn lựa lớn như chọn bậc sống (đi tu hay lập gia đình) hay chọn người bạn trăm năm, mà còn phải phân định trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày. Phân định trở thành một thói quen tự nhiên làm cho cả cuộc sống được thống nhất theo một hướng.

Như trên đã trình bày, Thiên Chúa không giấu ý muốn của Ngài đối với ta, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta phân định để tìm ý Ngài như một cử chỉ khiêm tốn của lòng kính trọng và yêu mến. Hơn nữa, tìm ý Chúa cũng là hành vi mà chỉ con người có lý trí, ý chí và tự do mới làm được. Đó là một hành vi nhân linh. Mỗi người phải tìm ý Chúa cho cuộc đời mình. Chẳng ai làm thay cho mình được, vì trong từng hoàn cảnh, mỗi người có những câu hỏi rất riêng tư, những mong mỏi cho định hướng cuộc đời của mình vững chắc để bước đi như những con người trưởng thành”.

Cha Antôn khẳng định: Tìm ý Chúa không phải là chọn giữa một điều tốt và một điều là tội. Thánh Inhaxiô Loyola nhắc chúng ta không được phép chọn một điều xấu hay ngược với giáo lý của Hội Thánh (Linh Thao số 170). Thí dụ không được lấy một người đã lập gia đình và vẫn đang sống với người phối ngẫu; không được ly dị người bạn đời của mình để lấy người khác; không được phá thai…Tìm ý Chúa là tìm xem Chúa muốn tôi làm điều nào giữa hai (hay nhiều điều) được phép làm. Giữa hai điều tốt, tôi chọn điều tốt hơn mà tôi biết mình có thể làm được nhờ ơn Chúa.

Ngay cả khi đã biết ý Chúa, chúng ta cũng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi cụ thể hơn. Ví dụ, để tìm Ý Chúa, tôi phải phân định để quyết định trong thời gian vĩnh khấn khi Mẹ tôi vừa qua đời, Ba đau bịnh, các em chưa đủ trưởng thành. Hay là một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành y, hạng xuất sắc, nhưng Bề trên lại trao công tác coi trẻ tại trường Mầm Non. Là một sinh viên Thần học, vừa tốt nghiệp với “danh hiệu giỏi”; cũng thế, một sinh viên du học, vừa tốt nghiệp, về nước, nhưng “bài sai sứ mệnh” chỉ định cả hai đi vùng sâu, vùng xa; hoặc trường hợp khác, một chị khấn trọn, giỏi đàn hát, nhưng chị  được phân công coi một khối Giáo lý Thiếu nhi dưới quyền điều hành của một em “Tiền Vĩnh khấn”; hay một Chị gíáo, một Bề trên trước đây, nhưng nay ở trong một cộng đoàn được phụ trách bởi một bề trên trẻ, trước đây là học trò của mình; hoặc trong ngày Tết Nguyên Đán, Hội Dòng chầu Đền tạ thay Giáo phận, không biết quyết định thế nào, đi về gia đình để hưởng trọn cái Tết hay ở lại Hội Dòng, rồi về sau?

Tất cả đều đòi một sự phân định đúng đắn nhất, đó là dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, ta phải Kiếm tìm, chọn lựa, quyết định điều đẹp Ý Chúa nhất, và luôn phải phân định trong tất cả mọi sự việc trong đời ta để tìm được Ý Chúa và an bình thi hành.

III. PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN ĐỊNH ĐÚNG

Để sự phân định tốt, Thánh Kinh dạy chúng ta yếu tố cơ bản: “Phàm ai kính sợ Chúa, Người chỉ cho thấy đường phải chọn” (Tv 24,12). Lòng kính sợ sẽ là chìa khóa để Thiên Chúa mở bàn tay yêu thương chăm sóc ta. Vâng, vì chính Người sẽ tác động trong và qua chúng ta để chúng ta quyết chí và hành động theo kế hoạch Người đã đặt ra vì yêu thương ta (x. 1Cr 12,6).

Việc kiếm tìm ý Chúa mời gọi chúng ta:

Sống đời cầu nguyện – Chúa Giê-su là mẫu mực cho chúng ta về đời sống cầu nguyện với Cha, đặc biệt trước một biến cố quan trọng. Trước khi chọn 12 tông đồ, Thánh Luca tường thuật: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đã đi ra núi, Người thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Cha”, để tìm ý Cha (Lc 6,12).  Để phân định tìm Ý Chúa, chúng ta rất cần cầu nguyện trong cuộc đời, nhất là chuyên cần cầu nguyện cá nhân hàng ngày với Người. Hãy dành thời gian để chầu Thánh Thể đều đặn: đó là nơi chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa! Một cuộc gặp gỡ thân mật và cá nhân với Chúa Giêsu Kitô và khám phá ra tình yêu vô biên của Người. Người là một người Bạn đích thực luôn đồng hành với mỗi chúng ta, cận kề chúng ta, để nhờ đó, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa chiếu dọi vào tâm trí, thấm vào trái tim và toát ra qua hành động của chúng ta khi phân định, để: “… anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1, 10). Đời sống cầu nguyện cho ta trải nghiệm sự “khao khát Chúa và tìm kiếm Người trong từng lúc sống, từng ngày sống”, ta được ơn bén nhạy nhận ra sự hiện diện và tiếng nói của Chúa.

Siêng năng lãnh nhận các Bí tích một cách đều đặn và trung thành – Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh hóa, Đấng ban Sự sống, Nguồn ân sủng của các bí tích. Chúng ta rất cần sự hiện diện của Ngài trong mọi phân định của chúng ta.

Qua đó, siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hàng ngày và trung thành xưng tội hàng tháng sẽ đưa chúng ta vào tương quan thâm sâu với Đức Giê-su. “Ai ăn thịt và uống Máu tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người đó” (Ga 6, 56). Việc lãnh nhận Bí tích Thống Hối làm cho trái tim chúng ta mỗi lúc một trở nên trái tim nhân hậu của Chúa Cha (x. Lc 6,36). Việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích, chứng tỏ rằng cuộc sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta: đó là suối nguồn tràn đầy Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta vượt qua những thử thách trong khi lựa chọn.

– Tự Đào tạo: Trung thành lên và sống Kế Hoạch cá nhân hằng tháng chọn lựa mục tiêu cho kế hoạch một cách sâu sắc, cụ thể có tính thuyết phục nhất; chọn câu Lời Chúa tác động tâm hồn nhất; bốn phương diện rèn luyện thực tế nhất : nhân bản, tâm linh, tri thức và sứ vụ. Tích cực sống kế hoạch cá nhân và siêng năng lượng giá mỗi ngày và hằng tháng.

 – Trung thành với phút hồi tâm cuối ngày – để phản tỉnh và nhìn lại ngày sống đã qua, để nhận ra các tác động của Chúa, duyệt lại cách đáp trả của ta để cải thiện bản thân (kế hoạch HĐHD tháng 11/2019).

– Đọc Thánh Kinh: dành thời gian cụ thể cho việc đọc, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày, để Lời Chúa nhắc nhở, thanh luyện và giúp ta bình tâm đón nhận mọi thử thách cuộc đời bên sự đồng hành yêu thương của Chúa, cho đến khi được hòa trộn vào thương tích của Thầy Giê-su trên thập giá và được chính Thầy cho nhận thấy thân phận bụi tro của mình và an bình trong bàn tay thương tích của Thầy. Nhờ đó, chọn lựa của ta được đẹp Ý Chúa.

– Tĩnh tâm – Tĩnh tâm tháng phải là cơ hội ngồi lại bên Chúa để nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Người khơi gợi đức tin, để vươn tâm hồn lên tới Chúa, xác tín cuộc đời lệ thuộc, suy phục và quy thuận Chúa; nhờ tác động lý trí của Người, để nhìn ra những tội lỗi, thấy được những nỗ lực; và thúc đẩy ý chí thành tâm thống hối nội tâm; và cố sống thánh thiện khi nhận được thân phận bụi tro của mình mà hoàn toàn cậy dựa vào ơn Chúa hầu sửa đổi. Hết lòng tìm kiếm sự thinh lặng, khởi từ trái tim “sa mạc” để lắng nghe điều mà Thiên Chúa nói trong tâm hồn ta.

– Và càng trân quý thời gian tĩnh tâm năm, thời gian hồng phúc nghỉ ngơi bên Chúa để phản tỉnh, hồi tâm và cẩn trọng phân định.

* Lời kết

Vâng phục Ý Thiên Chúa là lựa chọn đúng nhất. Một đời sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su là chu toàn ý định yêu thương nhân loại của Chúa Cha. Người luôn khẳng định: “Vì yêu mến Chúa Cha nên Tôi làm đúng như Ý Cha Tôi truyền cho Tôi” (Ga 14,31). Quả  vậy, “ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời Chúa Giê-su” (Lc 12, 50;22,15). Giai đoạn cam go nhất trước khi kết thúc sứ mạng cứu chuộc, Đức Giê-su phải căng thẳng trong phân định. Thánh sử Matthêu kể rằng: Bấy giờ Người nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn rầu đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Rồi Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống đất cầu nguyện, một sự phân định để lựa chọn chính xác thánh Ý Chúa Cha – Người nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha”. Và Người cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha”. Rồi Người lại đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cùng một lời đó (Mt 26 36-44). Sự lựa chọn cuối cùng sau khi phân định, Đức Giê-su đã chọn Ý Chúa Cha, chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá để cứu nhân loại sau cả cuộc đời vâng phục Thánh Ý.

Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa, vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm thấy chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm (GLHTCG 27).

Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hợp với Thiên Chúa. Sở dĩ con người hiện hữu là do Thiên Chúa đã vì yêu thương mà tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người, và con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu vô biên của Thiên Chúa và phó thác đời mình cho Đấng Tạo dựng nên mình. Vì thế, cuộc đời chúng ta chỉ hạnh phúc toàn vẹn khi cậy dựa vào sự soi dẫn của Thánh Thần Chúa, chúng ta chọn lựa Ý Chúa để sống. Do đó, với ơn Chúa Thánh Thần, rất cần phân định cẩn thận trong mọi sự việc cuộc đời. Và phải phân định ngay trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày của đời ta. Phân định phải trở thành một thói quen tự nhiên làm cho cả cuộc sống ta được thống nhất theo một hướng.

Nữ tu Theresa Nguyễn Thị Mừng,O.P.

Comments are closed.

phone-icon