Hai người bạn đường lê bước não nề bởi bao nhiêu kỳ vọng, vứt bỏ mọi sự theo một lý tưởng giờ chẳng còn gì, họ thất vọng buồn sầu. Hành trình của những bạn trẻ trong thế giới hôm nay không tránh khỏi những lúc bước trên nẻo “Đường về Emmau” năm xưa. Sống trong thời đại phát triển về mọi phương diện nó một cơ hội cũng là một thách đố đối với các bạn trẻ. Họ có cơ hội để thử sức, khám phá, sáng tạo. Đồng thời họ dễ bị nhận chìm trong một nền văn hóa vồ vập, hối hả, cùng một lúc lướt qua hai hay ba màn hình và tương tác đồng thời với hai hay ba chuyện ảo. Không có sự khôn ngoan phân định, họ dễ dàng trở thành mồi ngon cho mọi trào lưu rẻ tiền[1]. Sự khôn ngoan phân định điều gì là tốt điều gì là xấu quả là không dễ, vì cuộc sống hôm nay thật giả lẫn lộn, những cái xấu rất dễ ẩn mình dưới cái vẻ bề ngoài là tốt đẹp khiến rất khó để nhận ra vì thế Thánh Gioan cảnh giác: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không. Vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian (1Ga 4, 1).
Từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc phân định và lắng nghe tiếng Chúa cách đặc biệt đối với các bạn trẻ trong thế giới hôm nay. Vậy thế giới cần gì nơi những người trẻ Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn những người trẻ ủy mị, hâm hẩm, không thể nói “vâng” hoặc “không”. Chúng ta không muốn những người trẻ mỏi mệt, mau chán với khuôn mặt chán chường. Chúng ta muốn những người trẻ mạnh mẽ đầy hy vọng và sức mạnh”. Thật vậy văn hóa của sự càm ràm, sống được chăng hay chớ, than thở, chán chường, rất dễ lan tràn và lay lan làm tê liệt khả năng sáng tạo của tuổi trẻ. Người trẻ là người dám nghĩ dám làm. Giáo hội mong muốn nơi người trẻ sự nhiệt thành dấn thân để thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu trong lòng Giáo hội. Ngài muốn nói với tất cả các bạn trẻ Kitô hữu rằng: “Đức Kitô đang sống và Ngài cũng muốn các con sống thực sự”[2]. Sống một cuộc sống thực sự là nhận biết sứ mạng và chương trình Chúa muốn trên cuộc đời tôi. Mà Thánh ý Chúa không dễ để nhận ra. Người trẻ cần những người đồng hành như Đức Giêsu đã cùng đồng hành với hai người môn đệ trên đường Emmau để lắng nghe, chia sẻ, làm cho lòng họ cháy bùng lên. Đây cũng là một thách đố đối với Giáo hội. Giáo hội cần quan tâm hơn đến mục vụ đồng hành với giới trẻ, một người đồng hành đến bắt chuyện cùng đi với họ. Đức Giêsu năm xưa đi bước trước đến bắt chuyện “các anh có chuyện gì thế”. Ngài cùng đi và trò chuyện về nỗi lòng của họ. Người trẻ cần những người bạn để lắng nghe họ, lắng nghe là cả một nghệ thuật nhờ đó mà chúng ta có thể bước vào câu chuyện cuộc đời của họ. Một dấu hiệu của sự sẵn sàng lắng nghe, đó là sự sẵn sàng dành thời gian cùng đi với họ. Đưa họ đến cuộc gặp gỡ với Đức Kitô chính trong cuộc gặp gỡ đó họ phân định và chọn lựa điều gì tốt nhất đẹp lòng Chúa. Sự phân định sẽ trở nên nhạy bén hơn nếu nó được tập luyện hằng ngày từ trong những việc nho nhỏ trong cuộc sống. Luôn biết thưa lên với Chúa “Lạy Chúa! Chúa muốn con làm gì?”. Nơi mỗi chúng ta là một món quà tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa vì thế chúng ta cần khám phá những đặc sủng của Chúa Thánh Thần nơi bản thân và làm cho nó sinh hoa trái. Chính tình yêu ấy nâng chúng ta lên, khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta để sống một đời sống tốt đẹp hơn.
Đường về Emmau dưới một góc độ nào đó là một thất bại, rút lui nhưng nó đã trở nên bước ngoặc vì trên con đường đó chúng ta có một người bạn đồng hành là Đức Kitô, Người ở với chúng ta. Dù chúng ta có đi lạc xa đến đâu Người vẫn chờ mong chúng ta trở về với Người và bắt đầu lại mọi sự. Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Điều quan trọng là chúng ta cùng song hành với Người để lắng nghe và phân định trong sự hướng dẫn của Người. Chính Lời của người sẽ làm cho lòng ta bừng cháy lên khát vọng mãnh liệt có sức thay đổi cuộc đời ta.
Nt. Maria Bảo Sương
[1] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/03/2018), Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 167.
[2] Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng, Christus vivit, Đức Kitô Hằng Sống, số 1.