Sau một ngày giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu bảo các môn đệ chèo thuyền đưa Ngài sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng 12km, xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt độ ở Galilê thuộc miền Bắc Israel và ở Biển Chết thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh thoảng tạo ra những cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao quanh. Vì thế, người xưa quan niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi (x. Is 57, 20). Ý định băng qua bên kia Biển hồ lúc trời đã về chiều quả là một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy.
Tuy vậy, Chúa Giêsu quyết định ra đi và thực hiện phép lạ trên biển với mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực sự dữ.
Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và có một số thuyền khác vượt biển giữa trời đêm. Thuyền lướt sóng ra khơi giữa màn đêm. Bão tố cuồng phong bỗng dưng ập đến. Các môn đệ, dù nhiều trải nghiệm về biển cả vẫn hốt hoảng lo lắng hoang mang. Chỉ mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, vẫn ngủ như không có gì xảy đến.
Đêm nay các môn đệ được một kinh nghiệm về Thầy của mình là Đấng quyền năng: “Cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Sau một ngày dài vừa giảng cho đám đông, vừa “phụ đạo” cho “vòng trong”, hẳn là Người phải “ngủ như chết”! Đây là lần duy nhất Tin Mừng kể Đức Giêsu ngủ! “Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Ngủ say đến như thế thì còn biết gì mà lo! Nhưng họ được chứng kiến một điều vượt sức tưởng tượng. “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Hiệu quả tức khắc cũng như khi Người truyền cho thần ô uế: “Câm đi! hãy xuất khỏi người này!”: “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”. Quát nạt sóng gió xong thì Người nhẹ nhàng trách các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Chưa hoàn hồn vì “chết đến nơi”, các ông lại “hoảng sợ” vì chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu. “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Đức Giêsu có thể mỉm cười nhìn các môn đệ. Người gieo giống ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên. Ngài thử ngủ một giấc, hạt giống đã “nứt nanh” qua câu hỏi các môn đệ nói với nhau về “người này”: rõ ràng là một con người, mệt, ngủ say như chết, thế mà vừa thức dậy lên tiếng nạt gió, đe biển thì gió yên biển lặng tức thì! Hỏi như thế là đã trả lời rồi, vì ai có quyền ra lệnh cho sóng gió ngoài Đấng đã “lập địa cầu trên nền vững, khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời! Áo vực thẳm choàng lên trái đất, khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao. Nghe tiếng Ngài dọa nạt, chúng đồng loạt chạy dài; sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát, băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội về nơi Chúa đặt cho. Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản nước vuợt qua, không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu” (Tv 104/103,5-9). Ai có thể “đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng vì trời yên biển lặng, và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ” (Tv 107/106,29-30).(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
“Ngài là ai mà cả đến gió và biển cũng phải vâng lệnh?”. Đặt câu hỏi như thế cũng có nghĩa là các môn đệ đã nhận ra Thầy của các ông là Đấng quyền năng trên mọi sức mạnh thiên nhiên, Ngài chỉ cần ra lệnh là sóng yên biển lặng. Thầy của các ông còn là Đấng quyền năng trên mọi sự dữ. Người Do thái cho rằng, biển không chỉ là nơi có sóng gió tự nhiên, mà còn là nơi cư ngụ của thủy thần, của ma quỷ và thần dữ, là kẻ chuyên làm hại con người qua những trận cuồng phong. Vậy mà hôm nay, đứng trước phong ba dữ dội, Chúa Giêsu chỉ cần ra lệnh “Im đi ! Câm đi !” là nó phải im lặng. Điều này có nghĩa: Chúa Giêsu là Đấng có quyền năng trên ma quỷ và các thứ thủy thần, Ngài buộc nó im là nó phải im; Ngài ra lệnh câm miệng là nó phải vâng theo, không còn dám há miệng để nuốt chửng con người nữa. Uy quyền ấy chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi, như thế, Thầy phải là một vị Thiên Chúa.
Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó với những mãnh lực ác thần, họ thấy sức người quá hèn yếu, quá nhỏ bé. Bài đọc 1 cho thấy con người yếu đuối tìm đâu được một chỗ dựa vững vàng ngoài niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” (G 38,1.8-9). Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao quyền năng Thiên Chúa trợ giúp. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của họ. Giông bão bắt người ta phải tin, nhưng niềm tin lại cần đến thử thách của giông bão, vì niềm tin cần được thử thách để lớn lên. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp mỗi người biết mình hơn, biết yêu mến cậy trông vào Chúa hơn và giúp đức tin vững mạnh hơn. Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy dỗ ông những lẽ khôn ngoan. Ông Gióp đã luôn vững tin vào Chúa, không phàn nàn, không kêu trách; và Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các Tông đồ cũng gặp bão táp trên biển cả. Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên giông bão. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn, từ nay các ngài không còn cuống quít sợ hãi mỗi khi gặp gian nan nữa. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng hơn. Đời sống không thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương con người, để rèn luyện họ nên người. Hơn nữa Chúa vẫn luôn ở kề bên. Vì thế, hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc 2, vì thương yêu “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!” đem đến cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương của Thiên Chúa.
Con thuyền có Chúa Giêsu và các môn đệ còn là hình ảnh của Giáo Hội. Các môn đệ là người chèo chống, những cơn sóng dữ là khó khăn bách hại. Các ông phải đương đầu với những cách thức tấn công mới của ma quỷ. Các môn đệ nhiều khi cũng rơi vào sợ hãi, các ông cảm thấy bất lực trước những sóng gió. Câu chuyện muốn nhấn mạnh: những lúc khó khăn như thế, không có nghĩa là Chúa Giêsu vắng mặt, trái lại, Ngài vẫn hiện diện cùng với Giáo Hội, chỉ có điều Ngài đang nghỉ ngơi phía đàng lái của con thuyền. Dù có khó khăn thử thách thì chính Chúa Giêsu vẫn là người đang lái con thuyền Giáo Hội, chỉ cần các môn đệ tin tưởng chạy đến đánh thức Chúa dậy, kêu cứu với Ngài: Chúa ơi, xin cứu chúng con ! Chúa sẽ chỗi dậy dùng quyền năng của Ngài để đem lại cho con thuyền Giáo Hội sự bình an. Con thuyền sang bờ bên kia là hình ảnh Giáo Hội lữ thứ vượt biển trần gian. Cuộc hành trình vượt biển này đầy cam go và thử thách. Nhưng có Chúa hiện diện thì Giáo Hội sẽ được bảo đảm và vượt thắng mọi gian nguy.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng luôn bảo vệ con thuyền mỗi gia đình. Ngài đang ở đàng lái để điều khiển con thuyền gia đình chúng ta. Đời người ít nhiều đều có lúc phải đối diện những cơn sóng dữ: bệnh tật, tai ương, dịch bệnh, thất nghiệp, đói khát, u mê, tham vọng, mất mát, nghi nan, tuyệt vọng, thù oán…Những khi gặp sóng gió bão bùng, hãy vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa, đừng ngại cầu cứu: Chúa ơi ! Cứu con và gia đình con với ! Chúa sẽ ra tay để bảo vệ chúng ta. Tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có quyền năng và cầu xin Ngài ra tay cứu giúp thì lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể làm gì được!” (Ga 15,5).
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa những thử thách gian truân, vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa quyền năng, để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An