Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG: Lc 3, 15-16.21-22
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: « Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. »
…
21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu.
Lại có tiếng từ trời phán rằng: « Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con ».
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Ngang qua các bài Tin Mừng được công bố trong mùa Vọng và trong mùa Giáng Sinh, nghĩa là trong thời gian chúng ta hướng tới và chiêm ngắm ngắm Mầu Nhiệm Emmnuen, « Thiên Chúa ở cùng chúng ta », Giáo Hội nhiều lần mời gọi chúng ta chiêm ngắm chân dung và lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả. Đó là bởi vì cuộc đời của thánh nhân, từ lúc sinh ra đến lúc chết, và nhất là cách thánh nhân nói về mình, đều hướng tới sứ mạng chuẩn bị, loan báo và tôn vinh Đức Ki-tô.
Chúng ta cũng vậy, với tư cách là Ki-tô hữu, nghĩa là người thuộc về Đức Ki-tô, cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, và nhất là cách chúng ta nói về mình, và rộng hơn cách chúng ta đi theo Người trong một ơn gọi, cũng đều hướng tới việc chuẩn bị, loan báo và tôn vinh Đức Ki-tô.
1. “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”
Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, của Thánh Lễ cuối cùng trong mùa Giáng Sinh, thánh Gioan Tẩy Giả nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô… Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 28.30). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, trong Thánh Lễ tôn kính mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu phép rửa, khởi đầu của mùa thường niên, chúng ta lại được nghe lời chứng của thánh nhân về Đức Ki-tô:
Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến,
tôi không đáng cởi quai dép cho Người. (Lc 3, 16)
Thánh Gioan nói : “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30) ; và ông còn nói : “Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Thánh nhân nói về mình như thế một cách khiêm nhường, nghĩa là nói sự thật về mình trong tương quan với Đức Ki-tô.
Tuy nhiên, với biến cố Đức Ki-tô chịu phép rửa bởi chính bàn tay của thánh Gioan Tẩy Giả, mà chúng ta mừng kính hôm nay, chúng ta chiêm ngắm một hình ảnh hoàn toàn ngược lại: Đức Giê-su hòa nhập vào dòng người nhận mình là tội nhân, và thánh Luca còn cho chúng ta biết, Ngài đứng ở vị trí sau cùng trong đoàn người, đến với ông Gioan để xin chịu phép rửa (c. 22; x. Pl 2, 5-11).
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa.
Như thế, trong mầu nhiệm Đức Giê-su chịu phép rửa, chính ông Gioan lại nổi bật, còn Đức Giê-su thì lù mờ đi! Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao, ông Gioan lại một mực can ngăn Đức Giê-su, như thánh sử Mát-thêu kể lại (x. Mt 4, 13).
Qua mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa, chúng ta được mời gọi nhận ra « con đường của Chúa » : trước khi trở nên trổi vượt, trước khi được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tôn vinh, trong mầu nhiệm phép rửa và nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su muốn đồng hóa mình với các tội nhân là chính chúng ta và cả loài người, như Ngài sẽ làm trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng, và một cách tận căn trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá, nơi đó Người bị lên án như một tội nhân, bị giết như một tội nhân và ở giữa các tội nhân, để chúng ta đừng « dò xét », đừng tự lên án mình và lên án nhau, nhưng hãy thả mình vào lòng thương xót, để Người chữa lành và tái sinh chúng ta, như thánh Phao-lô nói:
Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. (Rm 3, 23-24)
Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô, thì không còn bị lên án nữa. (Rm 8, 1)
2. Chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính Đức Giê-su chịu phép rửa hôm nay, còn mời gọi chúng ta nhìn ngắm Ba Ngôi tỏ mình ra một cách mới mẻ : chính khi Đức Giê-su hạ mình, trong mầu nhiệm phép rửa, và sau này trong mầu nhiệm Thập Giá, lại là lúc Ngài được Chúa Cha tôn vinh, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Thậy vậy,
- khi Người hòa nhập với các tội nhân, để xin chịu phép rửa; như sau này, Ngài sẽ bị bắt, bị lên án và bị đóng đinh như là tội nhân và ở giữa các tội nhân,
- và khi Người để mình bị dìm mình xuống dòng nước; như sau này, Ngài không xuống khỏi Thập Giá, nhưng để cho Tội của loài người chúng ta “dìm” đến cùng, vùi dập đến cùng, là giết chết Ngài trên Thập Giá,
Thì chính lúc đó, khi Người lên khỏi nước, và cũng như sau nay, khi Người bước ra khỏi cõi chết, Người được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nhìn nhận, tôn vinh và mặc khải căn tính đích thật của Ngài:
Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (c. 21-22)
Chúng ta hãy nhìn ngắm một lần nữa quang cảnh thật lớn lao mà mầu nhiệm Đức Giê-su chịu phép rửa muốn mặc khải và loan báo mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và của từng người chúng ta:
- Đức Giê-su chịu phép rửa và Người cầu nguyện.
- Trời mở ra.
- Thần Khí Thiên Chúa; và có tiếng nói từ trời: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Đức Giê-su chịu phép rửa trong tâm tình cầu nguyện tín thác, diễn ta mầu nhiệm Vượt Qua : Đức Giê-su dìm mình trong sự chết và bước ra khỏi sự chết; các tầng trời mở ra, diễn tả sáng tạo mới; và trong sáng tạo mới có, sự hiệp thông trọn vẹn của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là một Ba Ngôi Thiên Chúa « Mới”, bởi vì Ngôi Lời Nhập Thể, chịu đóng đinh và phục sinh, mang trong mình và mang theo mình một “đàn em đông đúc”, là loài người và từng người chúng ta.
3. “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”
Khi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu phép, Thánh Thần ngự xuống trên người, chúng ta còn được mời gọi lắng nghe lời nói từ trời cao :
« Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con ». (c. 22b)
Đó là Lời nhìn nhận tương quan phụ-tử của Trời Cao đối với Đức Giê-su : « Con là con của Cha » ; và lời nhìn nhận này mang tầm mức sinh ra : « Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con ». Truyền Thống của Giáo Hội đã hiểu lời nhìn nhận này của Chúa Cha về Đức Giê-su, thực sự là biến cố khởi đầu, mang ý nghĩa « sinh ra ».
Lời khẳng định này xem ra khó hiểu và cũng khó chấp nhận, khi chúng ta vẫn tuyên tín : « Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. » Tuy nhiên, trong biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa, thánh Luca làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được « hoàn tất » cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su : « Con là con của Cha. Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con » (Lc 3, 22 ; Tv 2, 7 ; x. Lc 24, 44). Lời này của Chúa Cha không được kể lại trong các Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô (x. Mt 3, 13-17 ; Mc 1, 9-11).
Kinh nghiệm sống của chúng ta có lẽ sẽ giúp chúng ta hiểu phần nào lời nói nhiệm mầu này của Chúa Cha. Thực vậy, khi bố mẹ sinh ra thân thể chúng ta thì vẫn chưa đủ để chúng ta là con của bố mẹ, sau này chúng ta còn cần được bố mẹ « sinh ra bằng lời nữa », khi nói với chúng ta trước mặt mọi người là: “Con là con của bố mẹ », và lời nhìn nhận này được ký kết bằng văn bản, đó là “giấy khai sinh”. Không có giấy khai sinh, trước mặt mọi người và trên bình diện xã hội, chúng ta không là con của ai hết! Giấy khai sinh, chính là Lời nhìn nhận vượt lên trên tương quan máu mủ ; và cùng với lời nhìn nhận, là tình yêu và trách nhiệm làm cha làm mẹ. Để sống có ý nghĩa ở trên đời, ai trong chúng ta cũng cần được nghe đi nghe lại một lời như thế cách minh nhiên hoặc mặc nhiên từ bố mẹ hay những người thân yêu của chúng ta: “Con là con của bố, con là con của mẹ”. Cách hiểu này vừa có sự liên tục và vừa có sự hoàn tất lạ lùng, giữa lời nguyện Thánh Vịnh (x. Tv 2, 7) và lời của chính Thiên Chúa (x. Lc 24, 55).
Như thế, Đức Giê-su có « nhiều khởi đầu », và mỗi khởi đầu đều mang tầm mức « sinh ra » : « Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời… » (Ga 1, 1) ; « Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô… » (Mt 1, 18) ; « Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ » (Lc 2, 7)… « “Bình an cho anh em !” – Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn… » (Ga 20, 19-20).
* * *
Thánh Giu-se không sinh ra Đức Giê-su, nhưng Ngài dâng hiến cả cuộc đời để “làm giấy khai sinh” cho Đức Giê-su, nhìn nhận và đảm nhận đến cùng sứ mạng « Đức Giê-su là con của tôi »; và trong hành trình nhập thể, Đức Giê-su cần một lời “xin vâng” như thế. Và để hoàn tất chương trình cứu độ, Người được chính Chúa Cha « sinh ra », bằng lời nhìn nhận công khai, nghĩa là nhìn nhận trên bình diện xã hội : « Con là con của Cha ».
Như Đức Giê-su, chúng ta cũng cần được Chúa Cha “sinh ra” một lần nữa như thế, nghĩa là cần được Chúa Cha công bố: “Trong Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử Duy Nhất của Cha, con, con là con của Cha” (x. Ga 1, 12-13 ; 3, 7). Vì đó là lời tái sinh chúng ta và làm nên căn tính Kitô hữu và ơn gọi riêng của chúng ta, ơn gọi làm con Thiên Chúa và làm anh chị em của nhau, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô.
Nhưng chúng ta đã nghe được một Lời như vậy từ Thiên Chúa Cha chưa? Bởi lẽ, Đức Giê-su làm tất cả mọi sự, đến độ cho đi sự sống của mình, là để phục hồi và chia sẻ phẩm giá làm con Thiên Chúa của Ngài cho chúng ta.