Biết tạ ơn Chúa – Chúa Nhật 28 Thường Niên C

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 17, 11-19):

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

************************

Hai thiên thần được sai xuống gian trần, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau để đi khắp hang cùng ngõ hẻm để thăm tất cả những người cầu nguyện với Chúa, tại nhà của họ cũng như trong các nhà thờ.

Sau một thời gian, hai thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần nặng như chì, còn chiếc giỏ của thiên thần kia lại nhẹ như đựng toàn bông gòn.

– Anh mang gì mà nặng thế? một thiên thần hỏi.

Thiên thần mang giỏ nặng trả lời:

– Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại. Còn anh, cái giỏ của anh xem ra nhẹ nhàng thế?

– À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời thiên hạ tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Người ban cho họ. (Sách “Lẽ Sống”)

Nếu trời và đất được kết nối qua điện thoại, Chúa phải tạo hai đường dây: một cho những lời cầu xin, một cho những lời tạ ơn. Ta sẽ thấy một đường dây luôn bị bận, còn đường dây kia chỉ thỉnh thoảng mới được sử dụng.

Câu chuyện trên đây về lời cầu xin và lời tạ ơn có thể minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay: mười người phong hủi xin Chúa Giêsu chữa lành cho họ. Và tất cả mười người đều được chữa lành. Nhưng chỉ có một người trong nhóm quay trở lại và “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.”. Nhưng anh ta lại là người Sa-ma-ri, bị dân Do-thái ghét bỏ. Chúa Giêsu nói với anh: Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Như thế, không phải cứ được chữa khỏi bệnh là được cứu rỗi, và đức tin không chỉ đơn thuần ở việc tuân giữ luật lệ quy định. Thay vì đi trình diện với các tư tế như Luật đã truyền để cử hành nghi thức thanh tẩy, người Sa-ma-ri quay trở lại trình diện với Chúa Giêsu, bằng lời tạ ơn của mình, và tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất.

Toàn bộ Tin Mừng khẳng định điều này, là ơn hiểu biết Thiên Chúa không dành riêng cho một chủng tộc nào hoặc một hạng ưu tú nào. Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người đều đón nhận Tin Mừng. Ơn Chúa được ban cho mọi người, như việc chữa lành của mười người phong hủi, nhưng không phải tất cả nhận ra ai là người ban cho họ những ơn đó.

Thông thường, chúng ta đổ lỗi cho truyền thông, báo chí chỉ cho thấy những điều xấu. Nhưng chính bản thân chúng ta, khi nhìn thế giới và bình luận các sự kiện, không phải chúng ta có xu hướng chỉ nhận ra những gì là sai là xấu sao?

Tất nhiên, những tin tức thế giới không phải lúc nào cũng tích cực và lạc quan: chiến tranh ở Syria, Iran, Iraq, Ukraine, những cuộc mưu sát… Nhưng không chỉ có điều ác và bạo lực! Ở cấp quốc gia và quốc tế, vẫn có rất nhiều thành tựu lớn. Đó là điều đã xảy ra tại Normandie, miền Bắc nước Pháp vào tháng sáu năm 2004: các cựu chiến binh của Thế Chiến thứ hai, là kẻ thù 70 năm trước, đã gặp lại và bắt tay nhau. Ở một mức độ gần hơn với chúng ta, các tình nguyện viên trong các hiệp hội, cộng đoàn, giáo xứ đã và đang dấn thân phục vụ Giáo Hội và xã hội.

Nhìn thấy những gì là đẹp là điều cần thiết bởi vì nó là một vấn đề công lý đối với những người làm điều tốt và đẹp. Và đó cũng là một câu hỏi công lý đối với Thiên Chúa là Đấng đã cho ta sử dụng mọi sáng tạo của Người, cũng như đã cho ta khả năng làm điều tốt.

Nhìn thấy những gì là đẹp và tốt, kinh ngạc thán phục, đó cũng là điều cần thiết để có thể dâng thánh lễ tạ ơn. Bản chất của thánh lễ là hiến tế tạ ơn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể dâng lễ tạ ơn một cách chân thành được, nếu chúng ta không biết gì để tạ ơn Chúa?

Nếu nhìn kỹ vào cuộc sống, chúng ta sẽ nhiều điều để tạ ơn Thiên Chúa. Đôi khi, giống như trẻ em được nuông chiều, chúng ta quá quen thuộc với những hồng ân Chúa ban và không còn đánh giá cao những hồng ân đó. Chúng ta tưởng rằng đó là quyền lợi của mình. Người Sa-ma-ri trong Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta biết kinh ngạc thán phục trước những hồng ân chúng ta nhận được hàng ngày: sự sống nhận được, tình yêu thương và tình bạn chia sẻ cho nhau, nụ cười của một đứa trẻ, một phong cảnh đẹp và tất cả những điều nhỏ nhoi nhưng thật đẹp trong cuộc sống. Và, trên hết mọi sự, niềm xác tín được Chúa yêu thương, được cứu độ bởi cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho thế giới, cho quê hương chúng ta, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta và cho mỗi người chúng ta!

Comments are closed.

phone-icon