Lòng tin của con đã cứu chữa con

0

Tác giả: Mary Healy
Nguồn: WAU, October 2022
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Lòng Tin của Con Đã Cứu Chữa Con
Vai Trò của Đức Tin trong Sự Chữa Lành
– “Lòng tin của con đã cứu chữa con”. Không có câu tuyên bố nào của Chúa Giêsu lại xuất hiện thường xuyên hơn trong các Tin Mừng. Không có câu nói nào đặc trưng hơn về các phép lạ chữa lành của Người. Chúa Giêsu đã nói câu đó với người phụ nữ bị bệnh băng huyết (Mt 9,22), với người đàn bà tội lỗi khóc lóc dưới chân Người (x. Lc 7,50), với người bị phong hủi quay trở lại tạ ơn vì đã được Người chữa lành (x. Lc 17,19) và với anh mù tên Bartimê (x. Mc 10,52). Người nói điều gì đó tương tự như thế với người đàn bà Canaan có đứa con gái bị quỷ ám (x. Mt 15,28) và với viên đại đội trưởng có người đầy tớ bị liệt (Mt 8,13).
Trong mỗi trường hợp này, Chúa Giêsu đã quy cách trực tiếp những sự chữa lành kỳ diệu của Người cho lòng tin. Nhưng Chúa Giêsu muốn nói gì? Làm sao Người có thể nói: “Lòng tin của con đã cứu chữa con?” Phải chăng từ ngữ đó đã nhấn mạnh quá nhiều vào ý hướng của cá nhân hơn là chính Chúa sao?
Có lẽ một số người trong chúng ta, khi nghe Chúa Giêsu nói điều này, có thể bị cám dỗ trả lời rằng: “Nhưng lạy Chúa, điều đó thực sự không chính xác. Không phải lòng tin của con đã cứu chữa con; chính Chúa đã cứu chữa con”. Như trong nhiều trường hợp khác, để đón nhận Tin Mừng một cách nghiêm túc, hẳn chúng ta phải chịu thách đố về cách hiểu quen thuộc của mình.
– Lòng Tin Vượt Qua Những Cản Trở. Những đoạn Tin Mừng được đề cập ở trên rất quan trọng để hiểu đức tin là gì và làm cách nào để lớn lên trong đức tin. Người ta thường nghĩ đức tin như là một sự tán thành đối với một đề nghị: Tôi tin rằng lời tuyên bố X là đúng. Chẳng hạn, “tôi tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành người bệnh tật”. Đây là một loại đức tin chân thật nhưng bị giới hạn. Ngay cả ma quỷ cũng tin vào Thiên Chúa tới mức độ đó (Gc 2,19).
Thánh Kinh cho chúng ta thấy rằng thực sự đức tin Kitô giáo có một phẩm chất năng động và chủ động. Đó là một mối tương quan cá vị với Chúa trong đó chúng ta đang được thu hút đến gần Người và phó thác chính mình cho Người. Vì thế, đức tin đòi hỏi chấp nhận những mạo hiểm; nó đặt bản thân mình ra phía trước; nó nỗ lực chống lại những trở ngại. Trong các Tin Mừng, những người cần được chữa lành không ngồi ở nhà và đơn giản chỉ cho rằng Chúa Giêsu sẽ đến và chữa lành cho họ nếu Người muốn. Họ (hoặc những người thân yêu của họ) phải tích cực tìm kiếm Người. Thật vậy, rất thường người ta phải đấu tranh cho sự chữa lành của họ.
Chẳng hạn, người phong hủi được kể lại trong Tin Mừng theo Thánh Máccô chương 1, anh phải đủ can đảm để tiếp cận Chúa Giêsu cách công khai, mặc cho sự phẫn nộ và sự khiển trách của những người khác. Bartimê, một người mù hành khất gần Giêrikhô, thậm chí còn can đảm hơn. Ngồi bên đường (ăn xin) rồi một ngày nọ, anh nghe có sự náo động và được nói cho biết rằng Chúa Giêsu Nadarét đang đi ngang qua và anh bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,47). Anh mặc kệ sự phản đối của những người khác, những người bảo anh phải im đi, ngăn cản không cho anh gặp gỡ Chúa Giêsu. Tiếng kêu la của anh, giữa đám người đông như thế, cuối cùng đã tới tai Chúa Giêsu, Người cho gọi anh tới và sau đó chữa lành cho anh (x. Mc 10,46-52).
– Đức Tin được Vay Mượn. Bốn người bạn của người bại liệt đã quyết tâm khiêng bạn của họ đến với ông thầy Do Thái quê Nadarét đang làm phép lạ (x. Mc 2,1-12). Khi họ không thể đi qua đám đông, họ đưa người bạn bại liệt của họ lên mái nhà và dỡ ngói ra. Các Tin Mừng kể cho chúng ta rằng khi Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, Người đã tha thứ tội lỗi cho người đó và chữa lành cho anh.
– Đức tin thì phổ quát. Đức tin không phải là vấn đề thuần túy cá nhân nhưng là điều gì đó thuộc về thân mình của Chúa Kitô. Nếu tôi thiếu lòng tin để được chữa lành, tôi có thể mượn nó từ những người khác xung quanh tôi, xin họ cầu nguyện cho tôi với lòng tin. Bất cứ khi nào những người có lòng tin tụ họp với nhau nhân danh Chúa Giêsu, lòng tin của họ không chỉ được tăng thêm nhưng còn được nhân lên gấp nhiều lần; đức tin của mỗi người làm lay động lòng tin của những người khác.
– Đức Tin Kiên Cường, Bền Bỉ. Khi người đàn bà có cô con gái bị quỷ nhập nài xin Chúa Giêsu giúp, bà đã gặp một thử thách lớn hơn: Chúa Giêsu đã làm ngơ bà (x. Mt 15,21-28). Bao nhiêu người trong chúng ta khi cầu nguyện xin ơn chữa lành đôi khi cảm thấy giống như thế, như thể những lời cầu nguyện của chúng ta đụng phải bức tường gạch? Nhưng người đàn bà này đã không từ bỏ. Bà tiếp tục kêu xin rất kiên nhẫn đến nỗi các môn đệ đã phát chán và đã phải xin Chúa Giêsu cho bà đi. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã đáp lời bà, nhưng chỉ là một lời từ chối.
Bà vẫn kiên trì, nhưng Chúa Giêsu lại dứt khoát từ chối bà. Lúc đó thật dễ dàng để người đàn bà này trở về trong nỗi thất vọng ê chề, kết luận rằng hẳn là ý Chúa không muốn giải thoát cho cô con gái yêu dấu của bà khỏi sự thống trị của ma quỷ. Nhưng người đàn bà này đơn giản đã không nhận câu trả lời không của Chúa Giêsu. Bà hết sức can đảm! Bà cũng có lòng khiêm nhường. Bà đã không đặt nặng sự xứng đáng của mình, bà nói: “Ngay cả lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27). Bà chỉ cậy dựa vào sự tốt lành và quyền năng của Chúa Giêsu để giải thoát cho con gái bà. Chúa Giêsu đã nhận thấy rằng Ngài không thể phủ nhận một lòng tin (mạnh mẽ) như thế!
Khi Lời Cầu Nguyện Không Được Đáp Lại. Nếu chúng ta cầu nguyện với lòng tin tưởng, chúng ta nên phản ứng thế nào khi những lời cầu nguyện xin chữa lành của chúng ta, cho chính chúng ta hay cho người nào đó, dường như không có hiệu quả? Các Tin Mừng dạy chúng ta phản ứng cách đúng đắn. Dụ ngôn của Chúa Giêsu về ông quan tòa bất chính thì đáp ứng mọi quan niệm nào cho rằng chúng ta nên từ bỏ khi những lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp lời (x. Lc 18,1-8).
Chúa Giêsu khó có thể sử dụng một thí dụ nào khác nổi bật hơn: Thiên Chúa được so sánh với một thẩm phán bất công! Nếu ngay cả viên quan chức bất hảo này, vốn không quan tâm đến sự công bằng cũng như sự đau khổ của con người, còn không thể chịu đựng được sự quấy rầy liên tục, thì phương chi Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng là chính sự Công Chính và đầy lòng trắc ẩn, lại sẽ không đáp lời cho những ai liên tục kêu lên với Người sao?
Tôi đã thường nghe người ta nói: “Tôi không muốn làm phiền Thiên Chúa. Tôi biết Người có những điều quan trọng hơn để quan tâm”. Nhưng nếu các đoạn Tin Mừng ở trên làm sáng tỏ mọi điều không thể phủ nhận, thì chính thật là Thiên Chúa muốn được quấy rầy. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy kiên trì và không ngừng cầu nguyện. Thiên Chúa là Đấng vô hạn; không có giới hạn đối với tình yêu và ân sủng mà Người ao ước ban rộng rãi trên con cái Người, chỉ cần chúng ta cầu xin. “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha [tiếc], nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8,32).
Tuy nhiên, cũng thật đúng là khi chúng ta kiên trì trong cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ dần bắt đầu tác động trong tâm hồn chúng ta. Đôi khi Người thay đổi những khát vọng của chúng ta để chúng trở nên phù hợp với Người hơn. Qua thời gian Người thậm chí có thể dẫn dắt chúng ta cầu nguyện theo một cách khác.
Chẳng hạn, khi tôi cầu nguyện xin ơn chữa khỏi chứng mỏi mắt và đau nửa đầu nghiêm trọng, thì Chúa đã dẫn tôi đến những mức độ chữa lành cần thiết sâu sắc hơn. Tôi đã được dẫn dắt để thay đổi trong lối sống và cách suy nghĩ của tôi: bớt căng thẳng, thư giãn hơn, tin tưởng nhiều hơn. Tôi cũng đã bắt đầu nhận ra tôi cần phải mở rộng đôi mắt tâm hồn, để “nhìn thấy những gì Chúa Cha đang thực hiện” (x. Ga 5,19) – để phân định cách Thiên Chúa đang tác động và để hành động cho phù hợp với thôi thúc đó. Tất cả điều này là một phần của câu trả lời đối với lời cầu nguyện xin ơn chữa lành thể lý của tôi. Cho dù đôi khi tôi vẫn còn đau nửa đầu, nhưng những sự chữa lành mà tôi đã nhận được vượt xa những gì tôi mong đợi lúc đầu.
Ngay cả khi dường như không có gì xảy ra để đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, Chúa có thể vẫn đang hoàn thành những điều lớn lao, dù không nhìn thấy được, cả những sự thay đổi. Thường có những ngọn núi tâm lý hay tinh thần ẩn khuất cần phải được dỡ bỏ. Tựa khi chúng ta kiên trì cầu nguyện, Chúa có thể dỡ bỏ những cản trở này từng chút một. Chúng ta đừng bao giờ chịu thua trước tinh thần thất vọng, nhưng tốt hơn, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng và dâng tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5,17-18).
– Đức Tin như là một Cách Nhận Biết. Vậy làm cách nào chúng ta có thể cầu nguyện xin ơn chữa lành với đức tin lớn lao? Một sai lầm phổ biến là phải cố gắng “gia tăng” đức tin, tập thể dục tinh thần để buộc chúng ta phải tin rằng một sự chữa lành sẽ xảy ra. Nhưng điều này sẽ biến đức tin thành một công việc của con người. Những người suy nghĩ theo cách này đôi khi bị sốc và bị vỡ mộng khi sự chữa lành mà họ cầu xin không xảy ra. Thực vậy, đức tin là một quà tặng đến từ Thiên Chúa mà chúng ta quy phục. Đó là một mối tương quan của sự tin tưởng và phó thác cho Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Đức tin không thể được khơi gợi lên. Đúng hơn, đức tin sẽ lớn lên khi chúng ta hiểu cách sâu sắc hơn Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai trong Người.
Các Kitô hữu được mời gọi bước đi với quyền năng tin tưởng. Chúng ta là những người thừa kế của Nước Trời. Chúa đã cho chúng ta được chia sẻ vào việc cai trị vương quốc của chính Người (x. GLHTCG, số 1546). Mỗi người trong chúng ta là một phần trong trong sứ mệnh của Chúa Kitô để phá bỏ vương quốc của sự tối tăm và làm cho vương quốc của Thiên Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Chúng ta làm điều đó bằng nhiều cách: bằng việc phục vụ cách khiêm tốn, bằng việc hy sinh mạng sống của mình cho những người khác, bằng việc chia sẻ lời Chúa trong bất cứ khi nào có cơ hội, bằng cách sống một cuộc sống thánh thiện trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa để chúng ta có thể làm lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô, và bằng cách đấu tranh chống lại bệnh tật và mọi hình thức kìm kẹp nhờ lòng tin và việc cầu nguyện.
– Đức tin là một cách hiểu biết. Chúng ta càng biết Chúa Kitô là ai – uy quyền tuyệt đối của Người trên toàn thể vũ trụ, chiến thắng của Người đối với tội lỗi và sự chết đã chiến thắng trên thập giá, tình yêu vô điều kiện của Người đối với mỗi con người – Lòng tin của chúng ta càng mạnh mẽ hơn. Đức tin đó là những gì làm cho chúng ta có khả năng cầu nguyện chống lại sự ốm đau và bệnh tật với một quyền năng xác tín. Đây là quyền năng mà Chúa muốn chúng ta có – và chúng ta có thể có – mỗi khi chúng ta cầu nguyện xin để chữa lành.

Comments are closed.

phone-icon