Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (11,1-45)
Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?” Chúa Giêsu đáp: “Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng”. Người nói thế, rồi lại bảo họ: “Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại”. Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: “Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”. Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người”.
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”. Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết”. Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
***
Mỗi ngày, có hàng ngàn người chết. Khi nghe chung quanh chúng ta có người mới chết, phản xạ đầu tiên của chúng ta là muốn biết có quen người đó không. Một phản ứng bình thường.
Nhưng nếu cái chết ở ngay bên với chúng ta, khi người mới qua đời là một người thân trong gia đình, là một người bạn, là một người mà chúng ta biết rõ, chúng ta cảm thấy đau buồn và thương tiếc. Và chúng ta khó chấp nhận cái chết đó một cách dễ dàng. Chúng ta đi tìm kiếm các nguyên nhân, những người chịu trách nhiệm về cái chết này. Và, cho dù là tín hữu hay không, chúng ta thường hướng về Thiên Chúa, về Thượng Đế, ít nhất là để trách móc Người về cái chết làm cho chúng ta phẫn nộ. Như bà Mác-ta đã nói với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết.” Hôm nay, chúng ta sẽ nói: “Nhưng tại sao Thiên Chúa không ngăn chặn điều đó?” Đôi khi chúng ta đọc trong các thiệp tang: “Chúa đã vui lòng gọi tôi tớ trung tín về với Người.” Nói như thế là hoàn toàn trái ngược với những gì Chúa Giêsu dạy!
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay nói về sự sống lại của Ladarô cho chúng ta biết một điều rất quan trọng về Thiên Chúa, về sự chết và về số phận con người của chúng ta.
Nhận xét đầu tiên, đó là Thiên Chúa là Đấng khóc thương cho cái chết của những bạn hữu mình. Như Chúa Giêsu đã “thổn thức và xúc động” trước cái chết của Lararô, Thiên Chúa khóc thương cho cái chết của mọi người. Điều này hoàn toàn trái ngược với ý tưởng mà chúng ta có về Chúa, đó là một Thiên Chúa vô cảm, một Thiên Chúa trừng phạt và gây ra sự chết. Không! Chúa không muốn cái chết! Toàn bộ Kinh thánh mặc khải một Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và muốn sự sống, muốn sự giải thoát và hạnh phúc cho dân của Người. Và tất cả những cử chỉ của Chúa Giêsu đều diễn tả cuộc đấu tranh không ngừng của Người chống lại mọi thế lực của sự chết trên thế giới này: cái chết thể xác (và rất nhiều cuộc chữa lành mà Người thực hiện như dấu chỉ ý định của Thiên Chúa là Đấng muốn con người đứng vững). Chúa Giêsu không những đấu tranh chống lại cái chết thể xác, mà còn chống lại cái chết xã hội, mỗi lần Người muốn tái hòa nhập những người bị loại trừ vào đời sống xã hội, trong các mối tương quan con người. Vinh quang của Thiên Chúa là con người hằng sống, như lời của Thánh Irênê thành Li-ông (Lyon).
Chúng ta hãy xem kỹ lời tường thuật về việc Ladarô sống lại. Cái chết là một hiện tượng tự nhiên, không ai có thể tránh được. Cơ thể của chúng ta, giống như tất cả vật chất, đều sẽ chết. Mọi thứ đang sống đều sẽ chết. Nhưng giờ đây, đối với Chúa Giêsu, hiện tượng tự nhiên này không phải là một kết thúc cuối cùng, vĩnh viễn; cái chết chỉ là một đoạn đường, một sự đi qua. Chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói về Ladarô: “Ladarô bạn chúng ta đang ngủ.” Đó, Chúa Giêsu miêu tả cái chết của con người như thế đó. Cái chết được coi như một giấc ngủ: một hình ảnh rất đẹp! Trong Kinh nguyện Thánh Thể II mà chúng ta thường nghe trong thánh lễ, vị linh mục đọc câu sau đây: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại…” Trong bản văn gốc, bằng tiếng La-tinh, có ghi rõ: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang ngủ trong niềm hy vọng sống lại…”
Nếu chúng ta nói: “Chúng tôi tin sự sống lại vào ngày tận thế,” Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.” Thiên Chúa là sự sống. Mà khi chúng ta đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã nhận được sự sống của Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu. Không phải sự sống sau này, mà là sự sống vĩnh cửu đã bắt đầu từ hôm nay.
Như thế, chúng ta có thể đọc cử chỉ Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại như một dấu chỉ. Một dấu chỉ sự phục sinh của chính Người và một dấu chỉ phục sinh của chúng ta.
Trong cuộc sống của chúng ta đã có những dấu hiệu của sự phục sinh. Chúng ta cứ nhìn đi! Thông thường, chúng ta chỉ nhìn vào những gì sai trái, những gì không hay, không tốt. Trái lại, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hôm nay nhìn vào những gì được tái sinh, những gì bắt đầu lại, những gì thành công, những gì sống. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhìn vào những cử chỉ quan tâm, tương thân tương trợ, những lời an ủi mang lại hy vọng và những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày…
Nhưng chỉ đọc các dấu chỉ phục sinh thôi vẫn chưa đủ. Chính chúng ta phải là dấu chỉ của sự phục sinh, trong mọi hành vi của cuộc đời chúng ta, trong mọi thái độ của chúng ta, và ngay cả khi chúng ta gặp thất bại, đau khổ và cái chết. Vì cái chết không phải là vĩnh cửu. Dấu chỉ của sự phục sinh, là tin rằng ngoài bóng đêm còn có ánh sáng ban ngày.
Chúa Kitô là Đấng có thể biến những giọt nước mắt tang thương và sợ hãi thành những giọt nước mắt vui mừng và hy vọng. Cùng với bà Mác-ta của Tin Mừng và với đức tin, chúng ta thưa với Chúa Kitô: “Vâng, lạy Chúa, con tin, Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống. Ai tin Ngài, sẽ không chết bao giờ!”