Tác giả: GREG ERLANDSON
Nguồn: WAU, Easter 2023 Issue
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Sáu Thực Hành Kiến Tạo Nên Cộng Đoàn Vững Vàng và Lành Mạnh.
Chúa Giêsu hẳn đã làm cho những kẻ lắng nghe Người bị sốc vào ngày mà các thành viên trong gia đình Người đang đứng ngoài cửa đợi để nói chuyện với Người. Người đã hỏi những người xung quanh Người “Ai là mẹ tôi và là anh em tôi?” “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,33.35).
Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng rằng: trong Người chúng ta là một gia đình. Chúng ta gần gũi, thân thiết với Người và với nhau như những người họ hàng ruột thịt máu mủ, và Người muốn chúng ta đối xử với nhau như chúng ta đối xử với chính các thành viên trong gia đình mình. Người cũng muốn chúng ta thực sự hiệp nhất trong Người. Vậy làm cách nào chúng ta có thể trở nên những tác nhân của sự hiệp nhất trong bất cứ gia đình hoặc cộng đoàn nào mà chúng ta đang hiện diện?
Trong bài này, chúng tôi muốn nói đến một số cách rất thực tế để giải quyết những khác biệt, tránh sự chia rẽ và để yêu thương nhau. Để làm được những điều này, chúng ta cần một tấm lòng thương xót, từ bi và một khát vọng sâu xa về sự hiệp nhất. Nhưng chúng ta càng thực hành, chúng ta càng trở nên những người bảo vệ sự hiệp nhất quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô.
1. Hãy Lắng Nghe. Janet không thể hiểu tại sao Emily, người bạn lớn tuổi của mình dường như không thể dọn dẹp căn nhà của bà, cho dẫu điều đó làm cản trở Emily đi từ phòng này sang phòng khác. Janet bị cám dỗ muốn tỏ thái độ bực bội (nhưng) cuối cùng, chị đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn của mình đến giúp cho người hàng xóm và người giáo dân lâu năm này sắp xếp lại một số tài sản của bà.
Nhưng một ngày nọ, trước khi cố gắng sắp xếp một khu vực khác của căn nhà, Janet đề nghị họ dùng trà với nhau và chị để cho Emily nói chuyện. Đó là khi Emily nói với chị rằng việc từ bỏ những thứ của bà làm cho bà có cảm tưởng như mình đang từ bỏ tất cả những thứ bà yêu quý mà bà có trong quá khứ. Việc ngồi xuống để lắng nghe Emily đã giúp Janet trở nên kiên nhẫn và thấu hiểu hơn, cũng như giúp cô điều chỉnh tốc độ sao cho công việc nhanh hoàn tất.
Lắng nghe thực sự với tất cả con tim chứ không chỉ bằng đôi tai của chúng ta thì không dễ dàng. Nhưng đó là bước đầu tiên để hiểu người khác xuất thân từ đâu và tại sao họ tin hoặc hành động theo một cách nhất định. Đặc biệt khi chúng ta có những khác biệt, chúng ta nên xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trước hết biết lắng nghe người khác và câu chuyện của họ. Điều đó đòi hỏi chúng ta không xét đoán trong khi người kia đang nói, và đừng cố đưa ra sự phản hồi nào ngay cả trước khi họ đã nói xong.
2. Hãy Giả Định Điều Tốt Nhất. Ralph đã thôi không đến với nhóm đàn ông sáng thứ Bảy của Joe nữa. Anh đã cam kết là một thành viên trong nhiều tháng qua, nhưng gần đây anh đã nại hết lý do này đến lý do khác về lý do tại sao anh không thể đến được. Joe bực mình và thậm chí hơi tức giận. Các thành viên trẻ của nhóm rất kính trọng và ngưỡng mộ Ralph vì sự khôn ngoan và lòng từ tâm của anh. Tại sao anh đột nhiên lại rời bỏ nhóm, trong khi nhóm đang hoạt động rất tốt?
Rồi một ngày kia khi đang cầu nguyện, Joe cảm thấy rằng có lẽ có thể có điều gì khác đang xảy ra trong cuộc sống của Ralph mà anh chưa chia sẻ. Vì thế Joe đã gọi cho anh và hỏi liệu mọi chuyện có tốt đẹp không. Thì ra Ralph đang lo lắng về vợ anh ấy. Chị ấy dường như ngày càng quên nhiều hơn, và anh cảm thấy không an lòng để chị ấy một mình vào buổi sáng sớm trước khi chị ấy ra khỏi giường. Anh đã không sẵn sàng nói cho Joe về vấn đề sức khỏe mới của vợ mình, và anh cảm thấy rất xấu hổ khi phải chia sẻ sự lo lắng này với những người khác.
Khi một ai đó hành động theo cách chúng ta không mong đợi, hoặc theo cách mà thậm chí chúng ta không tán thành, thì chúng ta rất dễ dàng gán ghép một lỗi nào đó cho họ. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu thay vào đó, chúng ta cố gắng tìm kiếm một lý do để đặt người nào đó vào ánh sáng tốt nhất có thể thay vì xấu nhất? Chúng ta sẽ phản ứng một cách khác biệt biết bao, nếu chúng ta cố gắng giả định điều tốt nhất – ngay cả khi trường hợp đó không xảy ra.
3. Đừng Buôn Chuyện. Một ngày kia, Paul nhận được cuộc gọi của Cha xứ Paul đến văn phòng của cha. Sam đã bị sốc khi cha Paul nói với anh rằng một số giáo dân đã đến thưa với cha rằng Sam chỉ trích linh mục sau lưng cha. Những giáo dân này thậm chí còn nói với cha Paul rằng Sam đang định cáo tội cha với giám mục của mình.
Sam đã không bao giờ nói bất cứ điều gì như thế. Nhưng bằng cách nào đó tiếng đồn lại bắt đầu và truyền đến chính tai cha Paul. Cha Paul tin Sam khi anh phủ nhận tiếng đồn và mối tương quan giữa cha và anh không bị tổn hại. Nhưng Sam không bao giờ cảm thấy thoải mái như trước khi nói chuyện với một số giáo dân khác, bởi vì anh không muốn điều tương tự lại xảy ra một lần nữa.
Việc buôn chuyện không chỉ hủy hoại các mối tương quan, nhưng còn hủy hoại toàn thể cộng đồng. Và nó có thể rất hấp dẫn để người ta tham gia vào đó. Đây là lý do tại sao chúng ta cần canh chừng miệng lưỡi chúng ta mọi lúc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về cám dỗ này và tác hại mà nó gây ra: “Buôn chuyện … không phải là công việc của sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Buôn chuyện phá hủy những gì Thiên Chúa đã thực hiện” (Yết Kiến Chung, 06/6/2018). “Nếu có điều gì đó không đúng, hãy thinh lặng và cầu nguyện cho người anh em hay chị em làm lỗi, nhưng đừng bao giờ ngồi lê đôi mách (buôn chuyện)” (Kinh Truyền Tin, 06/9/2020).
4. Hãy Sử Dụng Lời Nói Xây Dựng. Ellie là sức sống của bữa tiệc. Bất cứ sự kiện nào của giáo xứ, bạn luôn có thể thấy một nhóm người tụm quanh cô ấy, cười lớn tiếng. Nhưng sự hài hước của cô ấy thường gây thiệt hại cho người khác. Sự chọc ghẹo trêu đùa của cô ấy có thể được xem như là cách cô ấy thể hiện tình yêu và sự quan tâm của mình tới người khác, nhưng nó cũng có thể gây tổn thương – và điều đó thường đã xảy ra.
Sự hài hước tiêu cực không phải là cách duy nhất có thể khiến lời nói của chúng ta làm người khác thất vọng. Sự phàn nàn liên tục là một cách khác làm cho bầu không khí trở nên độc hại. Sự chỉ trích liên tục cũng vậy. Trong khi tất cả chúng ta có những lý do để tức giận hoặc bực mình, dù là trong bất cứ tình huống nào hay với một người nào, thì cách chúng ta biểu lộ những cảm xúc của chúng ta là rất quan trọng. Chúng ta cần nhớ rằng sự tức giận hay nổi nóng thì có tính lây lan và nó có thể truyền nhiễm cho người khác, tạo nên một môi trường tiêu cực chung có thể dẫn đến sự bất mãn, hận thù và chia rẽ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể chân thành và chia sẻ việc chúng ta cảm thấy thế nào hoặc cách chúng ta đang đối phó với một tình huống ra sao. Nhưng chúng ta có thể giúp cho người nghe được xây dựng bằng cách luôn hy vọng hoặc chia sẻ cách Thiên Chúa đang hành động trong một tình huống.
5. Tránh Tạo Phe Nhóm. Trường học giáo xứ đã hoạt động được nhiều năm, nhưng số người ghi danh giảm và các chi phí gia tăng đang làm cho nguồn tài chánh của giáo xứ kiệt quệ. Hội đồng mục vụ khuyến nghị đóng cửa, nhưng các bậc phụ huynh học sinh trong trường thì lại muốn nó được mở. Trước khi các phe nhóm có thể hình thành, cha xứ đã đặc biệt dành riêng những thời gian được chỉ định cho giáo dân cầu nguyện trước Thánh Thể để tìm kiếm ý Chúa cho hoàn cảnh hiện tại. Sau những lần cầu nguyện cũng như sau nhiều cuộc hội họp, họ đồng ý tìm những cách thức khác để tăng quỹ cho trường trước khi quyết định đóng cửa.
Trong những hoàn cảnh này, thật hấp dẫn cho người ta tụ họp với nhau để cố gắng đẩy mạnh kế hoạch của mình. Điều đó đòi hỏi lòng tin và sự kiên nhẫn để cùng nhau chờ đợi xem giải pháp của Chúa cho một vấn đề có thể là gì. Nhưng nó thường là một giải pháp tốt hơn và tránh không phải đứng về bên nào, điều luôn có nguy cơ làm thiệt hại lâu dài cho một cộng đoàn.
6. Hãy Tha Thứ và Xin được Thứ Tha. Marie đã tự nguyện giúp cho cuộc dã ngoại của giáo xứ. Khi đội gặp lần đầu tiên, cô được trao cho công tác đến sớm vào buổi sáng để sắp xếp công việc. Tuy nhiên, hôm đó cô đã ngủ quên. Hai giờ sau, cô bẽn lẽn đến với người trưởng nhóm tên Frank. Cô nói: “Em xin lỗi. Đêm qua em không thể ngủ được và em đã tắt báo thức. Em không biết là em đã ngủ dậy trễ đến vậy. Xin anh tha thứ cho em”.
Frank thì còn hơn cả bực mình; vì anh đã phải chạy tất bật suốt cả buổi sáng và cần nhiều người giúp đỡ hơn. Anh vẫn cảm thấy tức giận, nhưng anh cũng biết rằng anh cần tha thứ cho Marie. Vì thế anh đã nói: “Anh tha thứ cho em” và đã bỏ qua mọi chuyện. Cuộc dã ngoại đã rất thành công và Marie đã ở lại đến cùng để giúp dọn dẹp.
Sự tha thứ là con đường hai chiều. Chúng ta cần xin sự tha thứ khi chúng ta xúc phạm đến ai đó hoặc cách này cách khác làm cho họ thất vọng, và chúng ta cần tha thứ khi có ai đó đến với chúng ta và nói lời xin lỗi. Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này có thể khó khăn biết bao, nhưng để sự hiệp nhất được lớn lên, thì không có gì quan trọng hơn sự tha thứ và sự hòa giải. Bất kể chúng ta có cố gắng nhiều đến thế nào đi nữa để yêu thương nhau, chúng ta sẽ thất bại hết lần này đến lần khác. Trong mỗi tình huống, chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần làm mềm lòng chúng ta để chúng ta biết sẵn sàng tha thứ và cũng biết sẵn sàng cầu xin sự tha thứ. Chúng ta càng làm điều này thường xuyên, đặc biệt với những lỗi nhỏ, thì nó càng trở nên dễ dàng hơn và chúng ta càng có thể tha thứ khi sự xúc phạm nặng nề hơn.
Hãy là Một Nhân Chứng cho Sự Hiệp Nhất. Tất cả chúng ta đều có bổn phận làm cho cộng đoàn của chúng ta thành nơi mà mọi người có thể tin tưởng lẫn nhau và lớn lên trong đức tin. Chúng ta không thể kiểm soát được các hành động và phản ứng của người khác, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được các hành động và phản ứng của chính chúng ta. Những nỗ lực của chúng ta để kiến tạo nên những cộng đoàn yêu thương và những mối tương quan bền vững với các anh chị em chúng ta sẽ làm nên một sự khác biệt.
Vậy hãy cứ cầu xin Thánh Thần giúp bạn bảo vệ sự hiệp nhất – cho dù đó là sự hiệp nhất trong gia đình, trong nhóm nhỏ hoặc cộng đoàn giáo xứ của bạn. Cùng với nhau, bạn có thể là một nhân chứng cho sự hiệp nhất mà Thiên Chúa ước mong, cho cả cộng đoàn các tín hữu cũng như cho thế giới rộng lớn.