Lm. Phanxicô De Sales Lê Văn La Vinh
Lc 1, 26 – 38.
Chúa đến trần gian và đã đi vào cuộc đời mỗi người chúng ta, và có lẽ Đức Trinh Nữ Maria là người đã hưởng nếm và cảm nghiệm trọn vẹn nhất ý nghĩa của sự kiện nhập thể này. Qua trình thuật tin Mừng mà chúng ta vừa được nghe về biến cố sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ: thiên sứ đã trao đổi với Đức Mẹ và đã để lại nhiều hứa hẹn: nào là “Đức Chúa ở cùng bà”, rồi “con của bà sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao’ rồi “Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”…”Quyền năng Đấng Tối cao sẽ bao trùm bà”…
Thế nhưng các sách Tin Mừng kể lại cho chúng ta thấy là cuộc đời của Đức Mẹ đâu có huy hoàng, trôi chảy như “hợp đồng” ban đầu: Ngay từ những ngày đầu chung sống thì giữa Đức Mẹ và thánh Giuse đã có sự trục trặc do hiểu lầm, rồi con Mẹ chào đời trong hoàn cảnh trớ trêu, khắc nghiệt; rồi sau đó, cả nhà phải đi tỵ nạn tại Ai cập… rồi lớn lên, con Mẹ ra đời cũng là thầy, cũng là Rabby như những thầy khác trong cộng đồng. Nhưng cũng làm những điều trái khoáy, lại nói những điều chướng tai với mọi người… và kết cục là con của Mẹ bị đem ra tra tấn và xử tử như một tên tội phạm.
Ngay từ đầu, thánh Luca đã nói Đức Mẹ luôn luôn ghi nhớ các sự kiện ấy và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 1,45). Thế nhưng, trước những biến cố liên quan đến cuộc đời của hai mẹ con của Mẹ, hình như Đức Maria cũng không hiểu hết và Mẹ không biết trả lời làm sao cho phải với những câu hỏi “tại sao?”. Trong cơn khủng hoảng buồn đau trước những thử thách đó, và nhất là khi đứng dưới chân thập giá nhìn con hấp hối và sinh thì, Mẹ cũng chưa biết được “tại sao?”, và lúc đó, tưởng chừng như Mẹ ngã quỵ, buông bỏ, tháo lui, trốn chạy… Nhưng không, Mẹ vẫn đứng đó, Mẹ vững vàng trong cơn thử thách cuối cùng này để chiêm nghiệm, để tìm ý Chúa bởi vì Mẹ đã tin rằng những lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện(Lc 1,45). Và Mẹ đã sống và thể hiện trọn vẹn hai tiếng XIN VÂNG trong cuộc đời mình (Lc 1,45).
************
Thiên Chúa đã bước vào cuộc đời mỗi người chúng ta, và Ngài cũng dẫn chúng ta đi trên những nẻo đường chúng ta không bao giờ nghĩ tới. Với ân sủng và tình yêu, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng, bảo bọc chúng ta trong cuộc sống và thêm sức giúp chúng ta mạnh mẽ và vững vàng trong hành trình đức tin của mình. Thế nhưng, nhiều lúc có những tình huống làm chúng ta không hiểu được, và cũng không biết lý giải làm sao; và nhiều khi những sự việc đó lại gây xáo trộn, làm đảo lộn cuộc sống hay những dự tính chương trình của chúng ta nữa chứ! Thiết nghĩ, lời cầu xin duy nhất trong những tình huống này chính là xin cho chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, đừng ngã lòng cậy trông mà trái lại, xin cho chúng ta vững vàng để đáp lại hai tiếng XIN VÂNG trong cuộc đời mình.
Và như thế, cùng với Mẹ và noi gương Mẹ, chúng ta cũng là những môn đệ trung tín của Đức Giêsu để chúng ta luôn kiên vững trong hành trình đức tin của mỗi người. Với lời XIN VÂNG trong đức tin, chúng ta luôn tin tưởng cậy trông và hy vọng.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy là trong cuộc đời này, mọi chuyện, mọi việc sẽ qua đi, sẽ mai một… và điều còn lại duy nhất mà chúng ta còn có được đó là niềm hy vọng. Chính niềm hy vọng này là động lực để giúp người ta sống, phấn đấu vươn lên để luôn biết hướng về ngày mai tươi sáng với một niềm tín thác và Đấng hằng chờ đợi chúng ta.
II. KINH MÂN CÔI
1/ Lời kinh tôn kính Đức Maria: Từ lâu nay đa số người tín hữu vẫn nghĩ khi đọc kinh Mân Côi là lúc chúng ta tôn kính Đức Maria như để chúc tụng tôn vinh Mẹ.
Tuy nhiên, từ Công đồng Vat. II chúng ta hiểu rằng Đức Maria là thành phần trong Giáo hội và những gì Chúa ban cho Mẹ, cũng là những dấu hiệu báo trước Chúa sẽ ban cho Hội thánh của Ngài. Những hồng ân Chúa ban cho Mẹ không bao giờ là những hồng ân của riêng Mẹ mà qua mầu nhiệm hiệp thông các thánh, Mẹ nhận hồng ân vì Giáo hội, cho Giáo hội vì Mẹ ở trong Giáo hội.
Như thế, việc tôn kính đích thực đối với đức Maria, trước tiên, chính là lới ca tụng Thiên Chúa vì những hồng ân Chúa cho Giáo hội, cho chúng ta qua Đức Maria, tôn kính Mẹ là cùng Mẹ hiệp thông trong ân sủng của Thiên Chúa thông ban cho loài người qua Mẹ, và cùng học gương sống của Mẹ, thái độ của Mẹ trước lời mời gọi của Thiên Chúa.
Từ đó, ta nói được rằng nghĩa chính yếu của Kinh Mân Côi, không chỉ là lời ca tụng mẹ mà là một dịp tốt để cùng với Mẹ bước theo Chúa Giêsu. Cùng với Mẹ để kết hợp với Chúa Giêsu trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa; hay nói rõ hơn đây là lời kính giúp chúng ta sống đời sống thường ngày của mình trong dòng lịch sử cứu độ
2/ Giá trị của Kinh Mân Côi
Có phương cách nào hiệu quả hơn để kín múc ân sủng từ trời vào thời gian khó khăn này cho bằng Kinh Mân Côi? Đức Phaolô VI nói lên mong muốn rằng: “Ước gì Kinh Mân Côi {…} đáp ứng những nhu cầu của thời đại ngày hôm nay {…}: Kinh Mân Côi thực sự là một lời cầu nguyện mang tính cách công cộng và hoàn vũ tuyệt vời cho những nhu cầu thông thường và khác thường của Giáo Hội, của các dân tộc và của toàn thể thế giới, bởi vì Kinh Mân Côi, như tự bản thân nó, là bản Tin Mừng tóm gọn và từ nay về sau, là một cách thức sùng kính của Giáo Hội.” (Tông huấn “Recurrens Mensis Obtober”, III – Tông huấn “tháng 10”). Cũng trong tâm tình và bối cảnh đó, Đức Gioan Phaolô II có viết: “Hội Thánh nhìn nhận Kinh Mân Côi có một hiệu quả đặc biệt, Hội Thánh giao phó những vấn đề khó khăn nhất cho Kinh Mân Côi, cho việc đọc Kinh Mân Côi trong cộng đoàn và đọc kiên trì. Vào những thời buổi ra như Kitô giáo bị đe doạ, thì sự giải cứu của Hội Thánh đã được gán cho sức mạnh của kinh nguyện này, và Đức Mẹ Mân Côi đã được tung hô là Đấng đã dùng lời chuyển cầu để mang lại ơn cứu thoát.” (Tông thư “Rosarium Virginis Mariae – Kinh Mân côi của đức trinh nữ Maria”, số 39).
3/ Tràng chuỗi 150 kinh Kính Mừng
Tràng chuỗi 150 hạt dùng để đọc kinh gì? Thưa để đọc 150 thánh vịnh. Nên biết là cho đến công đồng Vaticanô II, các tu sĩ mỗi tuần phải đọc trọn bộ thánh vịnh (cuộc cải tổ dưới thời ĐTC Phaolô VI năm 1970 kéo dài ra chu kỳ 4 tuần như hiện nay). Các tu sĩ nào không đọc tiếng Latinh thì thay thế 150 thánh vịnh bằng 150 kinh Lạy Cha. Tục lệ này được ghi nhận nơi các tu sĩ Cluny (Biển Đức) vào thế kỷ X.
Kinh Mân Côi từ thời thánh Piô V đã được ấn định là 150 kinh Kính Mừng được phân ra làm 15 chục. Cấu trúc này được duy trì cho đến ngày nay. Duy có điều là với Tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002), ĐTC Gioan Phaolô II đã thêm 50 chục kinh mầu nhiệm Ánh sáng. Như vậy, tràng chuỗi Mân Côi ngày nay gồm 200 hạt, nhưng có lẽ ít người muốn “cập nhật” bởi vì dài quá! Chúng ta thường chỉ mang chuỗi 50 kinh.
Kinh Mân Côi dịch từ Rosarium tiếng Latinh. có nghĩa vòng hoa hường mà các cô bé đội trên đầu. Vết tích của ý nghĩa này còn được lưu lại trong tiếng Pháp chapelet (cái nón nhỏ: petit chapeau). Dù nói thế nào đi nữa, đây là một lời kinh kính Đức Mẹ, dâng lên Mẹ những tràng hoa hồng để tỏ lòng thảo hiếu.
II, NỘI DUNG KINH MÂN CÔI
Ở đây, khi bàn về sự tiến triển của nội dung, chúng ta thấy có sự chuyển hướng từ kinh nguyện kính Đức Mẹ sang kinh nguyện kính Chúa Giêsu, và điều này xảy ra sau Công đồng Vaticano II.
Sang thế kỷ XX, trong bối cảnh canh tân phụng vụ cũng như đối thoại đại kết, trọng tâm của kinh này đã được di chuyển từ Đức Maria sang Chúa Kitô. Trong số những văn kiện Toà thánh sau công đồng Vaticanô II bàn về kinh Mân Côi, cần phải nhắc đến tông huấn Marialis Cultus của Đức Phaolô VI (2/2/1974) và Tông thư Rosarium Virginis Mariae của ĐGH GP II (16/10/2002). Hai văn kiện này không chỉ khuyến khích tăng gia việc lần hạt nhưng nhất là vạch cho thấy giá trị thần học của Kinh Mân Côi, theo đó kinh Mân Côi không phải là kinh kính Đức Mẹ cho bằng kinh kính Chúa Giêsu; hay nói cách chính xác hơn: đây là kinh nguyện chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu nhờ cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria [10]. Trong tông huấn Marialis cultus (số 42; 46), Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi kinh Mân Côi là “toát yếu Tin Mừng” totius Evangelii breviarium[11]; và “kinh nguyện Tin Mừng” (oratio evangelica) bởi vì nhắm đến trung tâm là mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc của Chúa Kitô (GLCG 971).
Tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II Tông thư “Rosarium Virginis Mariae – Kinh Mân côi của đức trinh nữ Maria”; một đàng lặp lại giáo huấn của vị tiền nhiệm, đàng khác đã mở ra nhiều hướng mới về đạo lý cũng như về thực hành. Xét về nội dung, Tông thư giới thiệu kinh Mân Côi như kết hiệp với Đức Maria để chiêm ngắm Chúa Kitô: từ chỗ nhớ lại cuộc đời của Chúa, đến chỗ bắt chước, khẩn cầu cũng như loan báo. Những chiều kích này trùng hợp với kinh nguyện phụng vụ, xoay quanh các biến cố Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô (số 18-25). Xét về thực hành, có thể ví buổi đọc kinh Mân Côi như một buổi Lectio divina (số 26-38) với bốn bước cổ điển: công bố Lời Chúa (lectio), thinh lặng (meditatio), cầu nguyện (oratio, đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng), chiêm ngắm (contemplatio kinh Sáng danh).
III. TẠM KẾT:
Trong tâm tình là những người môn đệ, cùng với Đức Maria, chúng ta bước theo Chúa Kitô, để nhờ Mẹ, cùng với Mẹ chúng ta chúng ta được trở nên người môn đệ đích thực của Đức Kitô giống như Mẹ: Sống trọn vẹn hai tiếng xin vâng của Bí tích Rửa tội để rồi trong suốt hành trình theo Chúa, chúng ta luôn trung thành, kiên vững để cho thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc đời của chúng ta. Có như vậy, chúng ta luôn tin yêu và hy vọng rằng, chúng ta sẽ được cùng với Mẹ Maria chung hưởng vinh quang Nước Chúa trong ngày sau hết của cuộc đời mỗi người.
– Nữ Vương ban sự bình an – Cầu cho chúng con.
– Đức Bà phù hộ các giáo hữu – Cầu cho chúng con.