Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội – Phần 1

0

Nguồn: vatican
Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ

1) Những bước tiến lớn đã được thực hiện trong thời đại kỹ thuật số, nhưng một trong những vấn đề cấp bách vẫn chưa được giải quyết là làm thế nào để chúng ta, trong vai trò cá nhân và cộng đoàn giáo hội, sống trong thế giới kỹ thuật số với tư cách là “những người lân cận yêu thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình chung trên những “đường cao tốc kỹ thuật số”.

Những tiến bộ trong công nghệ đã tạo ra những hình thức tương tác mới của con người. Trên thực tế, câu hỏi về việc có nên tham gia vào thế giới kỹ thuật số hay không không còn tồn tại nữa, mà là tham gia như thế nào. Mạng xã hội nói riêng là một môi trường nơi mọi người tương tác, chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp các mối quan hệ chưa từng có trước đây. Nhưng đồng thời, khi truyền thông ngày càng bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo, thì nhu cầu tái khám phá sự gặp gỡ giữa con người với nhau lại trở thành điểm cốt lõi. Trong hai thập kỷ qua, mối quan hệ của chúng ta với các nền tảng kỹ thuật số đã bước qua một sự chuyển đổi không thể đảo ngược. Đã xuất hiện nhận thức rằng các nền tảng này có thể phát triển để trở thành không gian đồng sáng tạo, chứ không chỉ là thứ mà chúng ta sử dụng một cách thụ động. Người trẻ – cũng như các thế hệ lớn tuổi hơn – đang yêu cầu được gặp gỡ tại nơi của họ, kể cả trên mạng xã hội, bởi vì thế giới kỹ thuật số là “một phần quan trọng trong bản sắc và lối sống của người trẻ.”[1]

2) Nhiều Kitô hữu đang yêu cầu nguồn cảm hứng và hướng dẫn vì các mạng xã hội, một cách thể hiện của văn hóa kỹ thuật số, đã có tác động sâu sắc đến các cộng đoàn đức tin và hành trình thiêng liêng của cá nhân chúng ta.

Có rất nhiều ví dụ về sự tham gia trung thành và sáng tạo trên các mạng xã hội trên khắp thế giới, từ các cộng đoàn địa phương cũng như những cá nhân làm chứng cho đức tin của họ trên các nền tảng này, đôi khi có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cả Giáo hội có tổ chức. Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến mục vụ và giáo dục được phát triển bởi các Giáo hội địa phương, các phong trào, cộng đoàn, tu hội, đại học và cá nhân.

3) Giáo hội hoàn vũ cũng đã chú ý đến thực tại môi trường kỹ thuật số. Chẳng hạn từ năm 1967, các thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới hàng năm đã đưa ra suy tư liên tục về chủ đề này. Bắt đầu từ những năm 1990, những thông điệp này đề cập đến việc sử dụng máy tính và kể từ đầu những năm 2000, chúng phản ánh nhất quán về các khía cạnh của văn hóa kỹ thuật số và truyền thông xã hội. Đặt ra những vấn đề căn bản cho văn hóa kỹ thuật số, vào năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đề cập đến những thay đổi trong các mô hình truyền thông, nói rằng các phương tiện truyền thông không chỉ thúc đẩy sự kết nối giữa mọi người mà còn khuyến khích họ cam kết trong các mối quan hệ thúc đẩy “một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại. và tình bằng hữu.”[2] Sau đó, Giáo hội củng cố hình ảnh của các mạng xã hội như là “những không gian”, chứ không chỉ là “những công cụ”, và kêu gọi để Tin Mừng cũng được loan báo trong môi trường kỹ thuật số. [3] Về phần Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài thừa nhận rằng thế giới kỹ thuật số “như một lãnh vực hoạt động của cuộc sống hàng ngày,” và nó đang thay đổi cách thức con người tích lũy kiến thức, phổ biến thông tin và phát triển các mối quan hệ.[4]

4) Ngoài những suy tư này, việc tham gia thực tế của Giáo hội vào các mạng xã hội cũng đã có hiệu quả.[5] Thời gian gần đây đã chứng minh rõ ràng rằng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số là một công cụ mạnh mẽ cho thừa tác vụ của Giáo hội. Ngày 27 tháng Ba năm 2020, khi vẫn còn trong những giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng nhưng lại đầy sự hiện diện. Một chương trình truyền hình trực tiếp đã cho phép Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn dắt một kinh nghiệm mang tính thay đổi toàn cầu: giờ cầu nguyện và sứ điệp gửi đến thế giới đang bị phong tỏa. Giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, con người trên khắp thế giới, bị phong tỏa và cách ly, thấy mình được hiệp nhất sâu sắc với nhau và với Đấng kế vị Thánh Phêrô.[6]

***

5) Các trang sau đây là kết quả của những phản ánh của các chuyên gia, các nhà giáo, các nhà lãnh đạo và chuyên gia trẻ tuổi, giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ. Mục đích là để giải quyết một số câu hỏi chính liên quan đến việc người Kitô giáo cần tham gia vào các mạng xã hội như thế nào. Đây không phải là những “chỉ dẫn” chính xác cho thừa tác vụ mục vụ trong lãnh vực này. Tuy nhiên, hy vọng nó thúc đẩy suy tư chung về những kinh nghiệm kỹ thuật số của chúng ta, khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn thực hiện cách tiếp cận sáng tạo và mang tính xây dựng để có thể thúc đẩy văn hóa tình láng giềng.

Thách đố của việc thúc đẩy các mối quan hệ hòa bình, có ý nghĩa và quan tâm trên các mạng xã hội đã dẫn đến cuộc thảo luận trong giới học thuật và chuyên môn, cũng như trong giáo hội. Sự hiện diện của chúng ta trong môi trường kỹ thuật số phản ánh tính nhân văn như thế nào? Có bao nhiêu mối quan hệ trên môi trường kỹ thuật số của chúng ta là kết quả của sự giao tiếp sâu sắc và thực sự, và bao nhiêu mối quan hệ chỉ đơn thuần được định hình bởi những ý kiến chẳng ai tranh cãi và những phản ứng tương tác nhiệt tình? Những cách thể hiện sống động và mới mẻ trên môi trường kỹ thuật số của chúng ta có bao nhiêu phần đức tin? Và “người lân cận” của tôi trên mạng xã hội là ai?

***

6) Dụ ngôn người Samari tốt lành[7], qua đó Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” được gợi ra bởi câu hỏi của một người thông luật. Ông ta hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Động từ “được” nhắc chúng ta về di sản của miền đất hứa, vốn không hẳn là một lãnh thổ về địa lý, mà tượng trưng của một điều sâu sắc và lâu dài hơn, điều mà mọi thế hệ phải khám phá lại và có thể giúp chúng ta tái hình dung vai trò của chúng ta trong thế giới kỹ thuật số.

I. Cảnh giác với những cạm bẫy trên các đường cao tốc kỹ thuật số

Học cách nhìn từ quan điểm của người rơi vào tay kẻ cướp (x. Lc 10:36).

Một miền đất hứa để tái khám phá?

7) Mạng xã hội chỉ là một nhánh của hiện tượng số hóa phức tạp và rộng lớn hơn rất nhiều, đó là quá trình chuyển đổi nhiều công việc và khía cạnh của đời sống con người sang các nền tảng kỹ thuật số. Công nghệ kỹ thuật số có thể nâng cao hiệu quả của chúng ta, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta và giúp chúng ta giải quyết những vấn đề không thể vượt qua trước đây. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và khả năng chúng ta kết nối với nhau vượt ra ngoài giới hạn không gian vật lý. Một quá trình diễn ra trong ba thập kỷ qua đã được tăng tốc bởi đại dịch. Các hoạt động, chẳng hạn như giáo dục và việc làm, thường được thực hiện trực tiếp giờ đây có thể được làm từ xa. Các quốc gia cũng đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong hệ thống luật pháp và lập pháp của họ, áp dụng các phiên họp trực tuyến và bỏ phiếu như một giải pháp thay thế cho việc họp trực tiếp. Tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng cũng đang thay đổi cách vận hành của chính trị.

8) Với sự ra đời của Web 5.0 và các tiến bộ truyền thông khác, vai trò của trí tuệ nhân tạo trong những năm tới sẽ ngày càng tác động đến trải nghiệm thực tế của chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của những cỗ máy hoạt động và đưa ra quyết định thay cho chúng ta; có thể tìm hiểu và dự đoán các hành vi của chúng ta; những cảm biến trên da có thể đo cảm xúc của chúng ta; các máy trả lời câu hỏi của chúng ta và học những câu trả lời của chúng ta hoặc những máy sử dụng bộ đăng ký và nói bằng giọng nói và cách biểu cảm của những người không còn ở bên chúng ta nữa. Trong thực tại không ngừng phát triển này, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp.[8]

9) Những thay đổi đáng chú ý mà thế giới đã trải qua kể từ khi xuất hiện Internet cũng tạo ra những căng thẳng mới. Những người sinh ra trong nền văn hóa này và là “công dân kỹ thuật số”; những người khác vẫn đang cố gắng làm quen với nó như là “những người nhập cư môi trường kỹ thuật số”. Dù sao đi nữa, văn hóa của chúng ta hiện nay là một nền văn hóa kỹ thuật số. Để vượt qua sự phân chia cũ giữa “kỹ thuật số” và “mặt đối mặt”, một số người không còn nói về “trực tuyến” (online) đối với “ngoại tuyến” (offline) mà chỉ nói về “onlife” (tạm dich: đời sống trực tuyến), kết hợp đời sống con người và xã hội trong những cách diễn đạt khác nhau, có thể là ở dạng kỹ thuật số thể lý.

10) Trong bối cảnh giao tiếp tổng hợp, bao gồm sự hội tụ của các quá trình giao tiếp, mạng xã hội đóng vai trò quyết định như một diễn đàn trong đó các giá trị, niềm tin, ngôn ngữ và những giả định của chúng ta về cuộc sống hàng ngày được định hình. Hơn nữa, đối với nhiều người, đặc biệt là những người ở các nước đang phát triển, liên hệ duy nhất với truyền thông kỹ thuật số là thông qua mạng xã hội. Ngoài hành động sử dụng mạng xã hội như một công cụ, chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái được định hình sâu xa bởi kinh nghiệm chia sẻ xã hội. Trong khi chúng ta vẫn sử dụng web để tìm kiếm thông tin hoặc giải trí, chúng ta chuyển sang mạng xã hội để có cảm giác thuộc về và khẳng định, biến nó thành một không gian quan trọng nơi diễn ra việc truyền đạt các giá trị và niềm tin cốt lõi.

Trong hệ sinh thái này, mọi người được yêu cầu tin tưởng vào tính xác thực của  những tuyên bố về sứ mệnh của các công ty truyền thông xã hội, chẳng hạn hứa hẹn sẽ mang thế giới lại gần nhau hơn, trao cho mọi người sức mạnh sáng tạo và chia sẻ ý tưởng hoặc cung cấp cho mọi người tiếng nói. Mặc dù chúng ta nhận thức được thực tế là những khẩu hiệu quảng cáo này hầu như không bao giờ được áp dụng trong thực tế vì các công ty quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận của họ, nhưng chúng ta vẫn có xu hướng tin vào những lời hứa.

11) Thật vậy, khi mọi người bắt đầu sử dụng Internet cách đây vài thập kỷ, họ đã chia sẻ một phiên bản của giấc mơ này: hy vọng rằng thế giới kỹ thuật số sẽ là một không gian hạnh phúc của sự hiểu biết chung, thông tin miễn phí và cộng tác. Internet là “miền đất hứa” nơi mọi người có thể dựa vào thông tin được chia sẻ trên cơ sở minh bạch, tin cậy và chuyên môn.

Những cạm bẫy cần tránh

12) Tuy nhiên, những kỳ vọng này đã không được đáp ứng.

Trước hết, chúng ta vẫn đang phải đối phó với “sự chia rẽ kỹ thuật số”. Trong khi quá trình phát triển này đang diễn ra nhanh hơn khả năng chúng ta hiểu đúng về nó, thì nhiều người vẫn không được tiếp cận không chỉ với các nhu cầu căn bản, chẳng hạn như thực phẩm, nước, quần áo, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, mà còn cả những công nghệ thông tin liên lạc. Điều này khiến một số lượng lớn những người thua thiệt bị bỏ lại bên lề đường.

Bên cạnh đó, “sự chia rẽ trên mạng xã hội” đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Các nền tảng hứa hẹn xây dựng cộng đồng và đem thế giới lại gần nhau hơn lại đang làm tăng thêm nhiều hình thức chia rẽ.

13) Có một số cạm bẫy cần chú ý trên “đường cao tốc kỹ thuật số”, giúp chúng ta hiểu rõ hơn việc này có thể xảy ra như thế nào.

Ngày nay, không thể nói về “các mạng xã hội” mà không xét đến giá trị thương mại của nó, nghĩa là không nhận thức được rằng cuộc cách mạng thực sự đã xảy ra khi các thương hiệu và tổ chức nhận ra tiềm năng chiến lược của các nền tảng xã hội, góp phần nhanh chóng củng cố ngôn ngữ và những cách thực hành qua nhiều năm đã biến người sử dụng thành người tiêu dùng. Ngoài ra, các cá nhân vừa là người tiêu dùng vừa là hàng hóa: trong vai trò là người tiêu dùng, họ được cung cấp quảng cáo dựa trên dữ liệu và nội dung được tài trợ theo cách thích hợp. Là hàng hóa, hồ sơ và dữ liệu của họ được bán cho các doanh nghiệp khác với mục đích tương tự. Bằng cách tuân thủ các tuyên ngôn về sứ mệnh của những công ty truyền thông xã hội, người ta cũng phải chấp nhận “các điều khoản thỏa thuận” mà họ thường không đọc hoặc không hiểu. Việc hiểu các “điều khoản thỏa thuận” này đã trở nên phổ biến theo một câu ngạn ngữ cổ nói rằng, “Nếu bạn không trả tiền cho nó, thì bạn chính là sản phẩm”. Nói cách khác, nó không miễn phí: chúng ta đang trả tiền với số phút theo dõi và số byte dữ liệu của chúng ta.

14) Ngày càng chú trọng đến việc phân phối và buôn bán kiến thức, dữ liệu và thông tin đã tạo ra một nghịch lý: trong một xã hội khi thông tin đóng vai trò quan trọng như vậy, việc xác minh nguồn gốc và độ chính xác của thông tin được lan truyền ngày càng trở nên khó khăn.

Tình trạng quá tải nội dung được giải quyết bằng các thuật toán trí tuệ nhân tạo liên tục xác định nội dung sẽ hiển thị cho chúng ta dựa trên các yếu tố mà chúng ta khó nhận biết hoặc hiểu rõ: không chỉ các lựa chọn, điều yêu thích, phản ứng hoặc sở thích trước đây của chúng ta, mà còn cả sự vắng mặt và mất tập trung, tạm dừng và khoảng thời gian chú ý của chúng ta. Môi trường kỹ thuật số mà mỗi người nhìn thấy – và thậm chí những kết quả tìm kiếm trực tuyến – không bao giờ giống với môi trường của người khác. Bằng cách tìm kiếm thông tin trên các trình duyệt hoặc nhận được nó trong nguồn cấp dữ liệu của chúng ta cho các nền tảng và ứng dụng khác nhau, chúng ta thường không nhận biết các bộ lọc điều chỉnh kết quả. Kết quả của việc cá nhân hóa kết quả ngày càng tinh vi này buộc phải tiếp xúc với một phần thông tin chứng thực cho ý tưởng của chính chúng ta, củng cố niềm tin của chúng ta và do đó đưa chúng ta vào vùng cô lập với “những bong bóng bộ lọc”.

15) Các cộng đồng mạng trên những phương tiện truyền thông xã hội là “điểm gặp gỡ”, thường được hình thành xoay quanh sở thích chung của “các cá nhân được kết nối mạng”. Những người có mặt trên mạng xã hội được xử lý theo đặc điểm, nguồn gốc, thị hiếu và sở thích cụ thể của họ, vì các thuật toán đằng sau những nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm có xu hướng tập hợp những người “giống nhau” lại với nhau, nhóm họ lại và thu hút sự chú ý của họ để giữ chân họ trên mạng. Do đó, các nền tảng truyền thông xã hội có nguy cơ ngăn chặn người dùng gặp gỡ “những người” khác biệt.

16) Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến các hệ thống tự động có nguy cơ tạo ra những “không gian” mang tính cá nhân này và đôi khi khuyến khích những hành vi cực đoan. Những lời nói gây hấn và tiêu cực lan truyền cách dễ dàng và nhanh chóng, tạo mảnh đất màu mỡ cho bạo lực, lạm dụng và thông tin sai lệch. Trên các mạng xã hội, các diễn viên khác nhau, thường được khuyến khích bởi một chiếc áo khoác giả danh, liên tục tương tác với nhau. Những tương tác này thường khác biệt rõ rệt so với những tương tác về thể lý, nơi hành động của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những phản hồi bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ từ những người khác.

17) Nhận thức được những cạm bẫy này giúp chúng ta phân định và vạch mặt luận lý gây ô nhiễm môi trường truyền thông xã hội và tìm kiếm giải pháp cho sự bất mãn trên môi trường kỹ thuật số đó. Điều quan trọng là phải đánh giá đúng thế giới kỹ thuật số và công nhận nó là một phần cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, chính trong sự liên kết của những kinh nghiệm trên môi trường kỹ thuật số và vật lý mà cuộc sống và hành trình của con người được xây dựng.

18) Dọc trên ‘những đường cao tốc kỹ thuật số’, nhiều người bị tổn thương bởi sự chia rẽ và thù hận. Chúng ta không thể bỏ qua nó. Chúng ta không thể là những người qua đường im lặng. Để làm cho môi trường kỹ thuật số trở nên nhân văn, chúng ta không được quên những người ‘bị bỏ lại phía sau’. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được điều gì đang xảy ra nếu nhìn từ góc độ của người bị đánh đầy thương tích trong dụ ngôn Người Samari tốt lành. Như trong dụ ngôn, nơi chúng ta được cho biết về những gì người đàn ông bị thương tích đã nhìn thấy, góc nhìn của những người bị thua thiệt và bị thương tổn về mặt kỹ thuật số giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới ngày càng phức tạp hôm nay.

Đan dệt những mối quan hệ

19) Trong thời đại khi chúng ta ngày càng bị chia rẽ, khi mỗi người thu mình trong bong bóng bộ lọc của riêng mình, mạng xã hội đang trở thành con đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và cực đoan. Khi các cá nhân không đối xử với nhau như những con người mà chỉ đơn thuần là những biểu hiện của một quan điểm nào đó mà họ không chia sẻ, chúng ta chứng kiến một biểu hiện khác của “văn hóa vứt bỏ” làm gia tăng mạnh “tính toàn cầu hóa” – và bình thường hóa – “sự thờ ơ.” Thu mình vào vùng cô lập theo sự quan tâm riêng của một người không thể là cách để phục hồi lại hy vọng. Đúng hơn, con đường phía trước là gieo trồng một “nền văn hóa gặp gỡ” thúc đẩy tình bạn và hòa bình giữa những con người khác nhau.[9]

20) Do đó, nhu cầu ngày càng cấp thiết là phải tương tác với các nền tảng truyền thông xã hội theo cách vượt ra ngoài giới hạn của một người, thoát khỏi nhóm “tương đồng” của mình để gặp gỡ những người khác.

Chào đón “người khác”, người có quan điểm trái ngược với quan điểm của tôi hoặc có vẻ “khác biệt”, chắc chắn không phải là việc dễ dàng. “Tại sao tôi phải quan tâm?” cũng có thể là phản ứng đầu tiên của chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể tìm thấy thái độ này trong Kinh thánh, bắt đầu từ việc Cain từ chối làm người giữ em mình (x. St 4:9) và tiếp đến là người kinh sư hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10:29). Người kinh sư muốn đặt ra một giới hạn về việc ai là và ai không phải là người thân cận của tôi. Có vẻ như chúng ta muốn tìm một lời biện minh cho sự thờ ơ của bản thân; chúng ta luôn cố gắng vạch ra ranh giới giữa “chúng ta” và “họ”, giữa “người mà tôi phải đối xử tôn trọng” và “người mà tôi có thể làm ngơ”. Theo cách này, gần như không thể nhận biết, chúng ta không còn khả năng động lòng trắc ẩn với người khác, như thể những đau khổ của họ là trách nhiệm của riêng họ chứ không liên quan đến chúng ta.[10]

21) Thay vì vậy, dụ ngôn người Samari tốt lành thách đố chúng ta đối mặt với “văn hóa vứt bỏ” trên môi trường kỹ thuật số và giúp nhau bước ra khỏi vùng an toàn của mình bằng cách cố gắng chủ động tiếp cận với người khác. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta từ bỏ mình, hiểu rằng mỗi người chúng ta là một phần của nhân loại bị tổn thương, và nhớ rằng có một Đấng nhìn đến chúng ta và động lòng thương chúng ta.

22) Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể – và nên – trở thành những người thực hiện bước đầu tiên trong việc vượt qua sự thờ ơ, vì chúng ta tin vào một “Thiên Chúa không thờ ơ”.[11]  Chúng ta có thể và nên là những người ngừng đặt câu hỏi: “Tôi phải quan tâm đến người khác với mức nào?”, mà thay vào đó là bắt đầu hành động như người lân cận, loại bỏ luận lý loại trừ và tái xây dựng luận lý cộng đồng.[12] Chúng ta có thể và nên là những người chuyển từ sự hiểu biết về phương tiện kỹ thuật số như một trải nghiệm cá nhân sang một trải nghiệm được hình thành dựa trên việc gặp gỡ lẫn nhau, thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng.

23) Thay vì hành động với tư cách cá nhân, sản xuất nội dung hoặc tương tác với những thông tin, ý tưởng và hình ảnh do người khác chia sẻ, chúng ta cần đặt câu hỏi: làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những trải nghiệm trực tuyến lành mạnh hơn, nơi mọi người có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện và vượt qua những bất đồng trong tinh thần lắng nghe lẫn nhau?

Làm cách nào chúng ta có thể trao quyền cho các cộng đồng tìm ra những cách để vượt qua sự chia rẽ và thúc đẩy việc đối thoại và tôn trọng trên các nền tảng truyền thông xã hội?

Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục môi trường trực tuyến trở về vị trí để nó có thể và nên là: nơi chia sẻ, cộng tác và thuộc về, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau?

24) Mọi người đều có thể tham gia để mang đến sự thay đổi này bằng cách tương tác với những người khác, và bằng cách thử thách bản thân trong các cuộc gặp gỡ với tha nhân. Là người tín hữu, chúng ta được kêu gọi trở thành những người truyền thông chủ đích hướng tới sự gặp gỡ. Bằng cách này, chúng ta có thể tìm kiếm những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa và lâu dài, thay vì hời hợt và chóng qua. Thật vậy, bằng cách định hướng các kết nối kỹ thuật số hướng tới việc gặp gỡ những con người thực, hình thành các mối quan hệ thực và xây dựng cộng đồng thực, chúng ta đang thực sự nuôi dưỡng mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng phải được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện và đời sống bí tích của Giáo hội, mà vì bản chất của chúng không bao giờ có thể được thu gọn vào phạm vi “kỹ thuật số”.

Comments are closed.

phone-icon