Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: Theo The Word Among Us
Tầm Nhìn Táo Bạo của Thánh Đa Minh về Canh Tân
Trong suốt năm 2016, hơn 160.000 người nam và nữ trên khắp thế giới quy tụ với nhau trong các sự kiện mừng kỷ niệm tám trăm năm ngày thành lập dòng Dòng Giảng Thuyết của mình. Thường được gọi là các Tu sĩ Đa Minh, để tôn vinh Thánh Đa Minh Guzmán – đấng sáng lập của dòng, những tổ chức mừng kỷ niệm này là thời gian để ngợi khen Thiên Chúa đã ban cho Thánh Đa Minh tầm nhìn về một dòng tu có sứ mạng là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vì ơn cứu rỗi các linh hồn.
Tầm nhìn của Thánh Đa Minh là một tầm nhìn toàn diện. Qua hơn tám thế kỷ, Dòng mà thánh nhân đã sáng lập đã mang lại cho hàng triệu người nam và người nữ, từ mọi nền văn hóa và mọi hoàn cảnh, tầng lớp xã hội một chỗ đứng trong Hội Thánh. Tầm nhìn của cha thánh đủ phong phú để đáp ứng cho những người nam và người nữ tìm đang tìm kiếm những cách thể hiện khác nhau về đời sống khấn hứa, tu trì. Ngày nay gia đình Đa Minh bao gồm các linh mục, các nữ tu dòng kín, các anh chị em tu sĩ và các nam nữ giáo dân, tất cả đều theo bước chân Thánh Đa Minh qua việc dâng hiến cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và việc làm.
Giấc Mơ Tiên Tri của Người Mẹ. Có một truyền thuyết kể rằng nhiều người tin có sự tiên báo trước ơn gọi của Thánh Đa Minh về đời sống của một nhà giảng thuyết. Khi mẹ của Đa Minh, Chân phước Jane Aza, mang thai Đa Minh, bà đã đến gần tu viện thánh Biển Đức để cầu xin vị thánh bổn mạng của tu viện là Thánh Đa Minh Silô, chúc lành cho đứa con của mình. Trong khi ở đó, bà đã mơ rằng một con chó đang nhảy ra từ bụng bà, nó ngậm một ngọn đuốc đang cháy trong miệng. Khi con bà chào đời, cha mẹ đã đặt tên cho em là Đa Minh để tỏ lòng biết ơn đối với Thánh Đa Minh Silô. Từ đó trở đi, giấc mơ của bà có ý nghĩa – trước hết cho chính bà, rồi cuối cùng cho hàng triệu người khác – rằng đứa con của bà sẽ thắp sáng cho thế giới bằng việc giảng thuyết của mình.
Và như vậy Đa Minh ra đời khoảng năm 1172 ở Caleruega, một thị trấn nhỏ ở Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là những người Công Giáo đạo đức thuộc dòng dõi quý tộc. Chú của ngài là một linh mục, và ngay từ rất trẻ, vị linh mục này đã chịu trách nhiệm về việc đào luyện tinh thần và học vấn cho người cháu trai của mình. Đa Minh có tài năng trí tuệ và xuất sắc về việc học ở đại học. Trong những năm đầu tuổi 20, Đa Minh được thụ phong linh mục và tham gia vào hội kinh sĩ ở Osma, Tây Ban Nha. Cha Đa Minh đã có ý định dành cả cuộc đời mình ở Osma để phục vụ giáo hội địa phương. Nhưng với kinh nghiệm cá nhân, tất cả chúng ta đều biết rằng Thiên Chúa thường có những kế hoạch khác. Điều này cũng thực đúng cho cha Đa Minh; cha chắc chắn không có ý định lập một dòng tu! Tuy nhiên, cha đã mở lòng mình ra với bất cứ nơi nào mà Thiên Chúa mời gọi cha, ngay cả nếu điều đó có nghĩa là phải đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Con Đường Quanh Co Nhưng Thẳng Tắp. Khoảng năm 1203, Giám mục Diego của Osma đã mời cha Đa Minh đi cùng với ngài tới Đan Mạch để thực hiện sứ vụ cho vua Castile. Trong khi đi ngang qua miền nam nước Pháp, các ngài đã chạm trán với các thành viên của phong trào Cathar đang phát triển nhanh chóng và lan rộng khắp nơi. Là nhóm dị giáo chống Công Giáo, Cathars (đôi khi được gọi là Albigensians) coi thế giới vật chất là xấu xa và phủ nhận Chúa Ba Ngôi và thiên tính của Chúa Kitô. Những người lãnh đạo phong trào phổ biến và có tổ chức quy củ này đã thực hành một lối sống khắc khổ mang lại cho họ sự tín nhiệm. Kết cục, nhóm này ngày càng mạnh hơn khi ngày càng có nhiều người bỏ đạo Công Giáo để theo họ.
Đức Giáo hoàng Innocentê III hết sức quan tâm về tình trạng này và đã gửi nhiều giáo sĩ đến khu vực đó để giải quyết vấn đề, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Đầu năm 1206, ba vị khâm sứ toà thánh đã xin Giám mục Diego và cha Đa Minh – lúc bấy giờ đã có danh tiếng là một nhà giảng thuyết tài năng – đảm nhận sứ vụ giảng dạy ở vùng miền nam nước Pháp. Nhiệm vụ của các ngài là đưa lượng lớn người theo phái Albigensians trở lại với Giáo Hội.
Cha Đa Minh và Giám mục Diego nhận ra vấn đề là sự tương phản giữa lối sống thoải mái và đôi khi “kém đạo đức” của giáo sĩ với cách sống đơn sơ và khắc khổ của những người đứng đầu nhóm Albigensians. Vì thế, các ngài đã quyết định chọn lối sống khắc khổ tương tự như thế. Chỉ với những quần áo bình dị, làm chứng cho Tin Mừng bằng sự đơn sơ của mình, đi bộ và chỉ xin những gì cần thiết trong khi giảng dạy Tin Mừng với niềm say mê và sự trong sáng. Sự tiếp cận này – cha Đa Minh sau đó đã chọn áp dụng khi cha sáng lập Dòng Giảng Thuyết – đã dẫn đến nhiều cuộc hoán cải.
Trong số những người hoán cải trở lại là một nhóm mười hai phụ nữ theo nhóm Cathar không có nhà hay bất cứ phương tiện gì hỗ trợ. Để đáp ứng nhu cầu này, Giám mục Diego và cha Đa Minh đã thiết lập cộng đoàn tu sĩ cho những người phụ nữ này ở miền Pruilhe, nước Pháp. Tu viện đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay, được biết đến là cơ sở được thành lập đầu tiên của cha Đa Minh.
Gần cuối năm thứ nhất đó, cha Đa Minh đã trải nghiệm hai sự mất mát kinh khủng. Thứ nhất, Đức Giám mục Diego, người bạn đồng hành lâu năm của cha, đã qua đời khi đang trên đường trở lại Osma. Chưa đầy một tháng sau đó, Peter Castelnau, người bạn đồng hành giảng thuyết, đã bị ám sát bởi những người theo phái Albigensians quá khích. Người ta có thể tưởng tượng những sự mất mát này là quá nặng nề với cha Đa Minh như thế nào. Nhưng giữa cơn đau buồn của mình, cha Đa Minh vẫn mở lòng ra sự hướng dẫn của Thánh Thần và đi theo con đường “quanh co nhưng thẳng tắp để thành lập Dòng Giảng Thuyết.
Việc Giảng Thuyết Thánh Thiện. Trong những năm sau khi Giám mục Diego qua đời, danh tiếng của cha Đa Minh với tư cách là một nhà giảng thuyết tài ba, xuất chúng càng gia tăng và Hồng y Peter Benevento, khâm sứ tòa thánh, đã chính thức bổ nhiệm cha Đa Minh làm người đứng đầu việc giảng thuyết ở miền nam nước Pháp. Đúng lúc, một nhóm nam giới đã đến xin theo cha Đa Minh và dấn thân cho sứ vụ giảng thuyết. Năm 1215, cha Đa Minh tham dự Công đồng Latêranô IV ở Rôma, nơi mà Đức Giáo hoàng Innocentê III đã khuyến khích cha thành lập cộng đoàn tu sĩ dành riêng cho việc giảng thuyết. Thời gian sau trong cùng năm đó Đức Giáo hoàng Innocentê qua đời, người kế vị ngài là Đức giáo hoàng Hônôriô III, tiếp tục hỗ trợ cho sứ vụ của cha Đa Minh, và vào ngày 22 tháng 12 năm 1216, ngài đã ban hành sắc chỉ Giáo hoàng chấp thuận cho Dòng Giảng Thuyết chính thức được hiện diện trong Giáo hội.
Thánh Đa Minh đã để lại cho những người theo mình một di sản tuyệt vời, qua bao thế kỷ đã được biết đến là “Việc Giảng Thuyết Thánh Thiện”. Các tu sĩ Đa Minh không hiểu việc giảng thuyết là điều gì đó được giới hạn trên bục giảng vài phút mỗi tuần. Trái lại, đó là một lối sống được tổ chức xoay quanh bốn cột trụ của đời sống Đa Minh: cầu nguyện, học hành, cộng đoàn và giảng thuyết. Những cột trụ này nâng đỡ họ cùng với nhau, họ tìm kiếm câu trả lời cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ và trong thế giới.
Từ những ngày đầu tiên của dòng, cha Đa Minh đã kiến tạo một nền văn hóa trong đó tình bạn hữu được đánh giá cao, được khuyến khích và có một tầm quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Nền văn hóa đó hiện diện trong việc giảng thuyết thánh thiện và trong các mối tương quan giữa các thành viên của gia đình Đa Minh.
Đấng Sáng Lập có Tầm Nhìn và Khiêm Tốn. Cha Đa Minh chỉ sống được sáu năm sau khi dòng được thành lập nhưng trong thời gian ngắn ngủi này, cha đã thiết lập một cơ cấu tổ chức giúp cho Dòng phát triển và hưng thịnh. Cha đã đi nhiều nơi trong thời gian này, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp – hầu hết là đi bộ – để giảng thuyết và xây dựng các mối tương quan. Kết quả là, Dòng đã phát triển cách nhanh chóng và đã đứng vững trước thử thách về thời gian tám thế kỷ.
Thánh Đa Minh – cùng với người cùng thời là Thánh Phanxicô – đã kiến tạo nên một hình thức đời sống tu trì mới mẻ đáp ứng những nhu cầu về thời gian và địa điểm của các ngài. Được biết đến là những dòng tu “hành khất”, các thành viên của các ngài chọn sống ở các khu vực thành thị thay vì các đan viện kín. Chấp nhận cuộc sống nghèo, các ngài đã cống hiến chính mình cho việc loan báo Tin Mừng và sứ vụ mục vụ, đặc biệt cho người nghèo. Từ những ngày đầu tiên thành lập, Dòng Giảng Thuyết đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc học hành và đời sống trí thức. Tin rằng việc giáo dục về thần học cần thiết cho việc giảng thuyết, cha Đa Minh đã mạnh dạn gửi các tu sĩ trẻ đến các trường đại học để nâng cao trí thức.
Là một con người cầu nguyện sâu sắc, Thánh Đa Minh thường thức đêm trong nhà nguyện để cầu nguyện cho các tội nhân. Nhưng cha cũng thích có một thời gian vui vẻ, thoải mái. Mỗi khi trở về nhà vào ban đêm sau một chuyến đi dài, cha thường ghé vào Đan viện để mang những món quà cho mọi người và chia sẻ một ly rượu với các nữ tu. Trong khi có thể khá khắt khe và kỳ vọng cao nơi những người theo mình, cha lại cũng được biết đến là người có trái tim rộng mở và quảng đại. Cha không thích lôi kéo sự chú ý, quan tâm vào chính mình. Cha không để lại những lá thư và khăng khăng được chôn cất trong một hầm mộ hèn mọn “dưới chân các anh em”. Tuy nhiên, cha đã hoạt động rất hiệu quả đến nỗi khi cha qua đời vào ngày 06 tháng 8 năm 1222, ở tuổi năm mươi mốt, đã có hàng trăm người nam nữ sống tầm nhìn của ngài về việc “Giảng Thuyết Thánh Thiện”.
“Việc Giảng Thuyết Thánh Thiện” là một Cách Sống. Cùng với vị sáng lập của mình, trong số các thành viên Dòng Giảng Thuyết có hơn bảy mươi vị đã được phong thánh. Những vị thánh này bao gồm Thánh Tôma Aquinô, Catarina Siêna, Martin Porres và Rôsa Lima. Ngoài ra, có hơn hai trăm anh chị em tu sĩ Đa Minh đã được Giáo Hội phong “Chân phước”. Những vị thánh này và rất nhiều những người nam nữ thánh thiện khác đã tôn vinh cho tầm nhìn của Thánh Đa Minh bằng việc rao giảng Tin Mừng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, bằng lời nói và cuộc sống của mình.
Thánh Đa Minh được biết đến là người đã nói rằng chúng ta hãy luôn luôn “nói với Chúa hoặc nói về Chúa”. Xin cha thánh truyền cảm hứng cho mỗi người chúng ta biết rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và việc làm!
Jennie Weiss Block, OP, DMin., là một nữ giáo dân Đa Minh và là một nhà thần học thực hành. Bà là tác giả của cuốn sách có tựa đề: Paul Farmer: Servant to the Poor (Tôi Tớ cho Người Nghèo/Người Phục Vụ Người Nghèo).
Lời Nguyện Chúc Lành của Anh Em Đa Minh Vào Thế Kỷ Mười Ba.
Nguyện xin Chúa Cha chúc lành cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa Con chữa lành cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta và ban cho chúng ta đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, đôi bàn tay để thực hiện công việc của Thiên Chúa, cái miệng để rao giảng lời cứu độ và sứ thần bình an dõi theo chúng ta và sau cùng dẫn chúng ta lên Thiên Quốc, nhờ ân sủng của Chúa. Amen.