Unshakeable Hope – Niềm hy vọng vững chắc

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo the Word Among us

Chúa Giêsu ở với chúng ta trong mọi hoàn cảnh

Trải qua hành trình hơn hai mươi năm làm linh mục, tôi đã nhiều lần bị sốc bởi một câu chuyện đặc biệt trong Tin Mừng.

Mỗi lần tôi đọc câu chuyện đó, Thánh Thần nói với tôi theo một cách mới. Câu chuyện Tin Mừng này sẽ là một lời giới thiệu cho  ngôn từ chính yếu mà tôi nghĩ rằng Chúa muốn truyền đạt đến chúng ta. Tôi khuyến khích bạn đọc câu chuyện đó một lần, nhưng sau đó hãy trở lại và đọc lại thật chậm rãi. Khi bạn làm như thế, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần – Đấng đã ở đó khi sự việc xảy ra – đưa bạn đến đó bây giờ. Để chứng kiến cảnh đó. Để nghe được những gì cảnh ấy phát ra. Để hình dung khuôn mặt của các môn đệ và trên hết, là khuôn mặt của Chúa Giêsu.

Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia… Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,18.23-27)

Hãy mời Chúa Thánh Thần đến giúp bạn bước vào khung cảnh này, để bạn có thể lãnh nhận bất cứ điều gì Chúa muốn ban cho bạn. Từ Hy Lạp được dịch là “bão (storm)” là seismos (động đất). Cho dù chúng ta có thể không biết tiếng Hy Lạp, hầu hết chúng ta chắc chắn nhận ra từ này. Hãy suy nghĩ về máy đo địa chất. Đây là một dụng cụ đo lường các cuộc động đất. Thực vậy, Mátthêu mô tả cơn bão này là một trận động đất cực kỳ lớn, một “trận động đất lớn!” Mátthêu không nói với chúng ta rằng gió nổi lên một chút. Nó bất thình lình và bất chợt trở nên rất, rất mạnh bạo.

Mátthêu tiếp tục nói: Con thuyền thực tế đã bị sóng bao phủ. Chiếc thuyền như thể sắp được “rửa tội”. Trong một ý nghĩa nào đó, đó là những gì đang xảy ra. Tương tự như một người bước ra từ dòng nước của Bí tích Rửa Tội được trở thành một thọ tạo mới, các môn đệ trải qua cơn bão tố này cũng trở thành những con người mới. Tôi xác tín rằng Chúa cũng muốn biến đổi chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện với đoạn Kinh Thánh này.

Qua sự rung chuyển, cơn gió, những con sóng và tiếng ồn, Chúa Giêsu. Đang. Ngủ.

Khi cơn bão nổi lên, các môn đệ đã đánh thức Chúa Giêsu bằng những lời này: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con; chúng con chết mất” (Mt 8,25). Phải chăng chúng ta tưởng tượng rằng các môn đệ nhẹ nhàng đánh thức Chúa và lịch sự thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho chúng con. Chúng con vô cùng xin lỗi vì làm phiền giấc ngủ của Chúa, nhưng đây chúng ta sắp chết đến nơi rồi. Liệu có thể phiền Chúa làm điều gì đó không?”

Không có cơ hội! Bạn sẽ đánh thức Chúa Giêsu như thế nào? Tôi sẽ lay Người, tôi sẽ liên tục la toáng lên!

Trong bản gốc tiếng Hy Lạp của Mátthêu chương 8 câu 25, chỉ có ba từ: Lạy Chúa. Xin cứu. Chết mất.

Theo trí tưởng tượng của tôi, tôi thấy Chúa Giêsu ở phía sau thuyền, đang ngủ trên một tấm nệm. Tôi thấy ông Gioan ngay cạnh Người bởi vì, Gioan dường như luôn luôn ở gần với Người. Còn ông Phêrô đang ở phía trước thuyền. Lúc này, nếu bạn đã từng ở ngoài trời giữa cơn bão, bạn biết rằng bạn không thể có một cuộc trò chuyện đơn giản, bình thường với ai đó. Hãy tưởng tượng trên một hồ nước trong cơn gió gần như bão tố dữ dội đe doạ xé toang cánh buồm. Hãy tưởng tượng cơn mưa liên tục đập vào mặt nước và con thuyền. Hãy tưởng tượng những tia chớp và sấm sét. Hãy tưởng tượng những con sóng đẩy con thuyền lên xuống, liên tục. Hãy tưởng tượng dạ dày của bạn như thế nào trong tất cả tình huống này. Với tất cả những gì đang diễn ra, bạn không thể có một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng. Bạn phải hét lên.

Trong tâm trí của tôi, tôi thấy Gioan đang lay Chúa Giêsu, đang liên miệng la hét: “Lạy Chúa! Xin cứu chúng con! Chúng con chết mất!”. Phêrô, ở đằng trước, không thể nghe những gì Gioan đang nói; tất cả những gì ông có thể nhìn thấy là Gioan đang lay Chúa Giêsu. Khi điều này xảy ra, tôi thấy Chúa Giêsu bất chợt thức giấc, giụi mắt và đánh giá tình huống. Và rồi tôi thấy Chúa Giêsu mỉm cười với Gioan và hỏi: “Có chuyện gì vậy con?” Dĩ nhiên, Phêrô không thể nghe được điều này, vì thế tôi nghe ông hét ngược lại Gioan: “Người đã nói gì vậy?!” Gioan hét lên trả lời Phêrô: “Người muốn biết có vấn đề gì xảy ra!” Và Phêrô đáp lại: “Anh hẳn đang đùa tôi sao!”

Chúa Giêsu Ở Cùng Chúng Ta. Khi bạn đọc những lời này, bạn có thể đang ở giữa cơn bão táp, giữa cơn khốn khó. Có lẽ bạn đang cảm thấy như thể bạn phải cô đơn một mình, hoặc có lẽ bạn đang sợ hãi về thế giới xung quanh bạn hoặc tương lai của bạn. Có lẽ bạn đang già đi hoặc đang sợ hãi vì báo cáo của bác sĩ. Có thể bạn sợ hãi vì con cái của bạn đang rời xa Giáo Hội. Một số người trong chúng ta quan tâm về tình trạng của Giáo Hội và sợ cho tương lai của đất nước chúng ta. Ngày càng có nhiều người trong chúng ta cảm thấy thất vọng và sợ hãi rằng sẽ không có gì tốt hơn. Cho dù cơn bão táp có thể là gì đi nữa, Chúa Giêsu đều hỏi bạn và tôi cùng một câu hỏi: “Có vấn đề gì vậy con?” Và tôi cảm nhận rằng Người cũng nói với chúng ta:

Tại sao con sợ hãi? Con không biết Ta là ai sao? Con không biết những gì Ta đã làm sao? Con không biết những gì Ta có thể làm sao? Con không biết rằng Giáo Hội ở đây ngay trong bàn tay của Ta sao? Con không biết rằng hôn nhân của con ở đây, ngay trong tay Ta sao? Con không biết rằng sự sống của con không ở trong bàn tay các bác sĩ sao? Nó không ở trong bàn tay, không lệ thuộc vào việc điều trị; nó không ở trong bàn tay, không lệ thuộc của sự chẩn đoán. Nó ở trong bàn tay Ta. Không ai có thể tách con ra khỏi bàn tay của Ta bởi vì Ta là Chúa và không có chúa nào khác.

Và Ta không chỉ là Chúa; Ta yêu con. Ta nhìn thấy con – ngay bây giờ, với tất cả nỗi xao xuyến, sợ hãi và lo lắng của con. Ta nhìn thấy con và thế là ổn – không phải vì Ta sẽ khiến cho tất cả mọi vấn đề biến mất cách kỳ diệu. Cuộc sống có thể rất giống như ở trên một con thuyền trong một cơn bão khủng khiếp. Nhưng Ta đang ở trên thuyền với con, và Ta hứa với con rằng Ta sẽ ban cho con sự bình an mà thế gian không thể ban cho con được. Thế gian chỉ biết đến sự bình an khi không xung đột. Sự bình an của Ta đến giữa cơn xung đột. Sự bình an của Ta đến giữa cơn bão tố. Sự bình an của Ta đến khi con đang ngồi ở đó trong phòng chờ. Sự bình an của ta đến khi con đang ngồi bên cạnh người con yêu thương sắp lìa bỏ thế gian này. Sự bình an của Ta đến giữa những kết quả mà con không thích. Đó là những gì Ta ban cho con ngay bây giờ.

Ở đó, trên chiếc thuyền với các môn đệ của Chúa Giêsu giữa cơn bão táp, Người truyền cho thọ tạo của mình là biển và nói: “Im đi, câm đi!” (Mc 4,39). Và thọ tạo này, kẻ biết tiếng của Chủ mình, lập tức yên ngay. Chỉ cần một lời, Chúa Giêsu mang lại sự bình an. Chúng ta có thể tưởng tượng các tông đồ đang nhìn nhau, ngơ ngác hỏi nhau: “Người này là ai mà nói chuyện với cơn bão và chúng lắng nghe?!”

Như chuyện đã xảy ra với các môn đệ trên thuyền, nó cũng có thể xảy ra với bạn và với tôi. Giữa tất cả những điều điên rồ, đáng sợ và không chắc chắn đang diễn ra, thì cả bạn và tôi, ngay cả bây giờ, đều sống cuộc sống của mình với niềm tin vững vàng vào Chúa. Khi tôi viết những lời này, cá nhân tôi không hoàn toàn tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của thế giới, vào quốc gia, hoặc thậm chí của tiểu bang tôi. Và không có ý xúc phạm đến các đức giám mục kính yêu của tôi, nhưng tôi cũng không hoàn toàn tin tưởng vào các ngài. Điều đó không sao. Cuối cùng, không ai trong những người này chịu trách nhiệm. Chúa Giêsu chịu trách nhiệm. Chúa Giêsu là Chúa. Và Người không sợ hãi. Vậy bạn và tôi cũng không việc gì phải sợ hãi. Bất kể đó là gì.

Giờ đây, điều này không ý nghĩa là ngoài kia không còn biến động. Trái lại, biến động vẫn tồn tại cả ngoài thế gian lẫn trong Giáo Hội, cho dù Chúa đang ở cùng chúng ta. Một lần nữa, Người hứa rằng Người sẽ luôn ở cùng chúng ta, thậm chí cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

Chính Chúa Thánh Thần Đấng đã viết hai mươi tám chương đầu tiên của Sách Công Vụ Tông Đồ, ngay bây giờ cũng đang viết, qua bạn và tôi, chương tiếp theo trong lịch sử của Giáo Hội và thế giới. Thật quan trọng để nhận ra rằng bạn và tôi không chỉ đang sống ngay bây giờ. Chúng ta không phải là những tai nạn lịch sử đang sống ở thời điểm này. Thiên Chúa đã muốn và quan phòng cho chúng ta được sống ngay khoảnh khắc này, với mọi điều đang xảy ra trong đất nước và Giáo Hội chúng ta. Người chúc phúc cho tất cả chúng ta với cả những ơn tự nhiên và siêu nhiên trong những ngày này, và Người muốn tiếp tục viết chương tiếp theo của vở kịch lịch sử (“câu chuyện của Người”) qua và với chúng ta.

Đây là một trích lọc từ cuốn sách có tựa đề “Niềm hy vọng không thể lay chuyển giữa Cơn Bão Táp”, của Cha John Riccardo (The Word Among Us Press, 2023), có sẵn tại www.wau.org/books.

Comments are closed.

phone-icon