Hiểu và sống chứng tá Khó Nghèo

0

Sr. Teresa Nguyễn Thị Mừng, OP

LỜI MỞ

Ngược dòng lịch sử cứu độ, Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa phán với nguyên tổ sau khi Ông Bà phản nghịch cùng Người: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Thánh Vương Đa-vít xác định một lần nữa: Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90,3).

Điều đó cho thấy chúng ta chỉ là cát bụi, là bụi đất, là “không có gì”. Chúng ta sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về với cát bụi. Vậy chúng ta được mời gọi hiện diện và sống chứng tá khó nghèo ra sao?

Ảnh hưởng bởi trào lưu tục hoá của xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay, dường như chúng ta quên mất nguồn gốc cát bụi của mình, ngược lại, chúng ta đua nhau chạy theo một nếp sống xa hoa, duy vật và hưởng thụ. Với lời mời gọi trở nên chứng tá khó nghèo giữa xã hội hôm nay là một lời mời gọi ngược dòng và đầy khó khăn. Dẫu thế, là môn đệ của Đức Giêsu và là con cái của Thánh Đa Minh – người luôn khao khát Chân lý vĩnh cửu, chúng ta cũng được mời gọi bước theo tiếng gọi của chân lý vì chúng ta được tạo dựng từ Lời Chân lý (Gc 1,8). Và Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định – sức mạnh của Đấng là Chân lý: “Nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Ngài tất giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo của mình”[1]

Như thế, “Hiện diện và sống chứng tá khó nghèo” là chúng ta chấp nhận lội ngược dòng, đón nhận những xáo trộn, thách đố và đòi hỏi một sự thay đổi thực sự trong lối sống của mình[2].

GƯƠNG SỐNG CỦA ĐẤNG THIÊN SAI

Trong kế hoạch yêu thương, Thiên Chúa Cha đã định từ trước trong Đức Ki-tô (Ep 1,9), Người được Cha sai đến để cứu độ nhân loại, Con Một Ngài phải mang kiếp tội lụy. Trong kế hoạch này, Cha đã định rất rõ ràng và Đức Ki-tô đã tuyệt đối vâng phục để thực hiện “định hướng” – là “hủy mình” nên “rỗng không” một cách dứt khoát trong suốt hành trình cứu độ.

Đức Giê-su đã sống sít sao “định hướng” – mà tông đồ Phao-lô đã minh họa về ý nghĩa “Không có gì” trong thân phận con người “rỗng không”  – Người thực sự “hủy mình đến tận cùng” –  để thi hành Ý Cha:“Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ mình phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6).

Ngài chấp nhận cái nghèo rỗng trống ngay từ trong yếu tố nền tảng của tư duy – “không có gì” – như thân phận đích thực một con người tội lụy: Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ (x. Pl 2,7a).

Ngài xếp mình vào hàng tội nhân như Cha muốn, đã được ngôn sứ Isaia báo trước: “Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta(Is 53,6).

Sứ vụ cứu độ của Người, khi bước vào trần thế, Người cúi mình đón nhận Ý Cha:Trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2, 7b).

1. Sống “cái nghèo” vật chất

Chúa Giêsu Kitô đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em.

Thánh Phao-lô đã khẳng định với tín hữu Corintô: “Đức Giê-su vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9b).

Tin Mừng Thánh Marcô chương 14 câu 6 kể lại việc Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông Simon Cùi một vài ngày trước Lễ Vượt Qua. Trong khi ăn, một người phụ nữ bước vào với một bình cẩm thạch đựng dầu thơm quý giá và xức lên đầu Chúa Giêsu. Hành động này khiến những người hiện diện rất kinh ngạc và tiếc cho bình dầu thơm. Họ cảm thấy đáng lẽ nó phải được bán và số tiền thu được dành cho người nghèo. Tuy nhiên, Chúa Giê-su thì đánh giá cao ý nghĩa hành động của người phụ nữ. Chúa Giêsu nhắc nhở cho mọi người rằng Ngài là người nghèo đầu tiên trong số những người nghèo. Như lời Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Quan điểm này vượt quá mọi mong đợi của khách dự tiệc, Chúa Giê-su đang nhắc nhở cho họ rằng người nghèo đầu tiên chính là Ngài, người nghèo nhất trong những người nghèo bởi vì Ngài đại diện cho tất cả họ. Và cũng nhân danh những người nghèo, những người cô độc, bị gạt bên lề xã hội và phân biệt kỳ thị mà Con Thiên Chúa chấp nhận cử chỉ của người phụ nữ này.”[3]

Quả vậy, Người vào đời, sinh ra trong thân phận một con người “không có gì” – hài nhi nghèo hèn, sinh trong hang thú vật, được đặt trong máng bò lừa. Bạn thân đầu đời của Người là các mục đồng nghèo khó (Lc 2,15-21). Cha mẹ Người không đủ tiền để thuê phòng trọ. Rồi, 30 năm sống ẩn dật trong ngôi làng Nazareth nhỏ bé tầm thường, không có gì nổi bật cả (x. Ga 1,47).

Các Thánh sử Tin Mừng không nói nhiều về thời gian ẩn dật 30 năm của Chúa Giêsu, ngoại trừ Tin Mừng Thánh Luca, nhưng cũng chỉ có một số câu đơn giản.

Thánh sử Luca tóm lược thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong một vài câu ngắn gọn, bắt đầu từ lúc cha mẹ Ngài dâng tiến trong Đền thờ: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,13). Thánh Luca cho biết thêm: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.  Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”“Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). 

Việc Chúa Giêsu “càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40) cho thấy Ngài không có tất cả một lúc, nhưng Ngài cũng giống như mọi trẻ Do Thái khác, Ngài được lớn lên trong một gia đình, đặc biệt Ngài được giáo dục trong gia đình gia giáo, nên nhân cách Ngài hẳn là vững mạnh, đầy khôn ngoan hơn những trẻ đồng trang lứa, nhưng nó cũng được từng bước hình thành, phải học tập dần.

Chúa Giêsu học hỏi từ Kinh Thánh và từ cha mẹ, trong cộng đồng và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài tăng thêm sự khôn ngoan bằng cách luôn cẩn thận quan sát cuộc sống hằng ngày, và cách tiếp cận với thế giới của Thiên Chúa.

 Donald Macleod viết: “Ngài sinh ra với trí tuệ của một đứa trẻ bình thường, trải qua những kích thích bình thường, và trải qua quá trình bình thường của sự phát triển về trí tuệ.”[4] Sách Giáo lý Dự tòng Giáo phận Xuân Lộc giải thích thêm: Chúa Giê-su lớn lên trong cảnh đơn nghèo, được giáo  dục như các trẻ cùng trang lứa, nhất là học hỏi Kinh Thánh. Người học nghề thợ mộc với thánh Giu-se, cha nuôi. Người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cuộc sống, thích quan sát sinh hoạt hằng ngày. Những bài giảng sau này, nhất là các dụ ngôn, chứng tỏ Chúa Giê-su có tâm hồn đáng quý[5].

Cha mẹ Ngài thuộc tầng lớp bình dân, được kể vào diện nghèo đến nỗi khi Ngài đi rao giảng, những người đồng hương không thể tin là Ngài có thể làm được những phép lạ và lời giảng của Ngài lại có sức thuyết phục đến thế. Họ thắc mắc với nhau: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,54-57). Họ rất coi thường Chúa Giê-su. 

Ba năm sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu độ, Người từng sống “cái nghèo chông chênh” của Thầy trò. Khi những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao? Phê-rô băn khoăn. Người bảo ông: “anh hãy ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh” (Mt 17,27). Và chính Người xác định khi công bố về nếp sống nghèo nàn của Người: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

2. Đức Giêsu chọn đứng về phía người nghèo

Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng,Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (Lc 4,16 – 22).

Cả hành trình sứ vụ 3 năm, Người chọn đứng về người nghèo, chăm lo cho người nghèo – nghèo về vật chất, nghèo nhân cách, nghèo phẩm chất, v.v. Người đã thương xót những người nghèo khổ, người tội lỗi, người bị xã hội loại ra bên lề cuộc sống. Người để ý đến bà goá nghèo dâng cứng hai đồng tiền kẽm và trân trọng tấm lòng của bà. “Thầy bảo thật anh em; bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21,1-4). Với người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, Ngài nhìn chị với ánh mắt dịu hiền và tấm lòng xót thương: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,1-11).

Với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp. Chúa Giêsu đã không ngần ngại khoảng cách giữa người Do Thái và người Samaria, Ngài đã tiến tới chào hỏi chị và xin chị nước uống. Người phụ nữ ngạc nhiên đáp: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” Chị nào ngờ chị đang được nói chuyện với Con Thiên Chúa, Đấng đến để giải thoát chị. Cuộc nói chuyện của Đức Giêsu đã thực sự giải phóng người phụ nữ. Chị ngỡ ngàng và hạnh phúc biết bao! Bỏ lại tất cả những gì đeo bám cuộc đời: vò nước, những mối tương quan nhập nhằng, chị chạy đi loan báo cho người khác về Chúa đến, chữa lành, mời gọi chị đổi đời ra sao! (x. Ga 4, 9. 28-29).

Chúa Giêsu cũng đã vào nhà ông Gia-kêu, đã mời gọi ông Matthêu làm môn đệ của Chúa. Những người bị người Do Thái coi họ như kẻ phản quốc, nhưng họ đã trở nên môn đệ của Chúa.

Chúa Giêsu gần gũi với những người bị gạt ra bên lề xã hội, những đối tượng mà người Do Thái loại trừ. Từ đó, Chúa Giê-su trở thành đối thủ của những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Ngay từ đầu sứ vụ công khai của Đức Giê-su, những người Pha-ri-sêu và nhóm Hêrôđê cùng với các tư tế và kinh sư đã toa rập với nhau hại Người (x. Mc 3,6). Vì một số hành động của Người như trừ quỷ (x. Mt 12, 24), tha tội (Mc 2, 7), chữa bệnh ngày Sa-bat (x. Mc 3, 1-6); giải thích độc đáo những giới luật thanh sạch (x. Mc 7, 14-23); công khai thân thiện với những người thu thuế và kẻ tội lỗi (Mc 2, 14-17) mà nhiều người có ý xấu nghi ngờ Người bị quỷ ám (x. Mc 3,22; Ga 8, 48; 10,20). Họ buộc tội Người là kẻ phạm thượng (x. Mc 2,7; Ga 5,18; 10,33), là ngôn sứ giả (Ga 7,12; 7,52). Những người phạm tội này theo luật Môisê thì phải ném đá (Ga 8, 58; 10,31).

Những người lãnh đạo Do Thái tìm mọi cách để giết Đức Giêsu. Tin Mừng thuật lại: Nhóm Pharisêu sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê đến gài  bẫy về chính trị, khi hỏi Chúa có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?. Nhưng biết rõ ác ý của họ, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây? ” Họ đáp: “Của Caesar.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi (Mt 22,15-22).

Và cuối cùng, Chúa Cha đã trao nộp Ngài vào tay người đời, Ngài chịu đau khổ, chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Mầu nhiệm Vượt Qua này của Người cho ta thấy rõ cái nghèo cùng tận của một Thiên Chúa – “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-11).

Đối diện với sự “hủy mình” khi mang phận phàm nhân, Đức Giê-su phải hết sức kiên cường. Từ vườn Giết-si-ma-ni, Người khẩn thiết cầu nguyện để xin Chúa Cha cho Ngài có thể thoát khỏi cái chết – “Lạy Cha nếu được, xin cứu con khỏi giờ này”. Nhưng vẫn vâng theo Ý Cha đi vào cuộc khổ nạn cứu độ. Tin Mừng Mat-thêu chương 26 cho chúng ta thấy cái nghèo cùng tận của một Thiên Chúa làm người để cứu chuộc – mặc “cái rỗng không” trong thân phận thụ tạo.

Tại dinh Cai-pha, tòa án tôn giáo Do Thái, họ bắt đầu hành hung bằng những cuộc xỉ vả, đấm đánh, nhổ nước miếng vào mặt. Tại dinh Philato, họ hò la yêu cầu giết Chúa. Philato không đủ bản lãnh trước sự vô tội của Chúa, đã đẩy Chúa qua tòa án Hêrôđê. Tại đây, Hêrôđê coi Chúa là kẻ khùng vì Chúa không đáp ứng yêu cầu tò mò của ông ta, chỉ muốn xem phép lạ, nên ông ta không xét. Chúng lại dẫn bộ Chúa về dinh Philato. Philato yêu cầu đưa Chúa đi đánh đòn rồi tha, nhưng chúng đã hành hung Chúa bằng những trận đòn chí tử với nhiều loại roi cực hình, ác tâm. Rồi chúng lôi Chúa vào một phòng khác tiếp tục nhạo báng bằng cực hình – ấn vào đầu Chúa một vòng gai nhọn xem như vương miện. Đoạn cho Ngài mặc một áo đỏ, trao cho tay Ngài một cây sậy, rồi chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (Mt 27,29).

Rồi, chúng trả Chúa Giêsu về cho Philato. Toàn dân la hét: “Đóng đinh nó vào thập giá! đóng đinh nó vào thập giá!” Philato không tìm được chứng cứ. Nhưng chúng lại hò la: “Nếu ông tha nó ông không phải là bạn hoàng đế Ceasar!”  Ông ta đã sợ mất ghế tổng trấn, nên rửa tay mà trao cho chúng đem Chúa đi đóng đinh.

Thân xác rã mệt, tâm thần bị xúc phạm tột độ, thế nhưng suốt hành trình vác thập giá lên đỉnh đồi Calvario, từ lính tráng cho tới bọn thượng tế vẫn không chút thương tâm, những trận đòn tàn ác vẫn tiếp tục mỗi khi Người quỵ ngã vì sức lực yếu liệt. Và trận hành hung cuối cùng là giây phút đóng đinh Chúa vào thập giá. Người bị treo giữa hai tên gian phi. Có những người thách thức Chúa: “Ông hãy tự cứu mình đi! Xuống khỏi thập giá đi nào để chúng ta tin!”

Ngài đi đến tận cùng nỗi đau của nhân loại, bị chịu bao cực hình, bị các môn đệ thân tín phản bội, bỏ trốn, mọi người phỉ báng chê bai. Giây phút cao điểm trước khi tắt thở, Người cảm sâu sự trơ trọi trong đơn độc và đau đớn thốt lên: “Lạy Cha! Nhân sao Cha bỏ con?”

Quả đúng như tác giả thư Do Thái đã nói: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7–9).

NHỮNG BƯỚC CHÂN DÕI THEO ĐỨC GIÊSU NGHÈO KHÓ

Trước hết, chúng ta được mời gọi nhìn vào mẫu gương khó nghèo của cha Charles de Foucauld. Đức Thánh cha Phanxicô đã ca ngợi cha Charles de Foucauld, ngài vốn dĩ được sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giê-su và trở nên nghèo khó, trở nên người anh em của tất cả mọi người. Cuộc sống ẩn tu của ngài, trước tiên ở Nazarét và sau đó là sa mạc Sahara, là cuộc sống thinh lặng, cầu nguyện và chia sẻ, một chứng tá mẫu mực về sự nghèo khó Kitô giáo. Đức Thánh cha cũng mời gọi chúng ta hãy suy gẫm về những lời của cha Charles de Foucauld: “Hỡi anh chị em của người nghèo, bạn đồng hành của người nghèo, chúng ta đừng bao giờ ngừng là người nghèo trong mọi sự; chúng ta hãy trở nên nghèo nhất trong những người nghèo như Chúa Giêsu, và giống như Người, chúng ta yêu người nghèo và để họ bao bọc chúng ta”. Đức Thánh cha ước mong mỗi cá nhân và cộng đoàn kiểm thảo lại lương tâm mình, xem sự nghèo khó của Chúa Giêsu có phải là người bạn đồng hành trung thành của chúng ta trong cuộc sống hay không.[6]

Kế đến, suy niệm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi, Người được nhận định: mặc dù là một thiếu gia con nhà giàu, đời sống hoàng gia đầy đủ chẳng thiếu thốn chi, nhưng cậu thanh niên Phanxicô thành Assisi đã quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường thập tự…  Phanxicô muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong sự khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ. Chính vì thế, Phanxicô đã hết lòng yêu thương những người nghèo khó, nhất là những bệnh nhân, người bị bỏ rơi.[7]

Hình ảnh các vị Tiền bối Nữ tu Đa Minh Tam Hiệp: các vị tiền bối của chúng ta khởi từ các Dì nhà Mụ Đa Minh. Hồi ký của cha Francisco Zurdo viết nhân dịp phong thánh tử đạo Việt Nam năm 1988, có thể tóm tắt cho đời sống tốt lành của các chị em nhà Mụ: Công việc của các chị thầm lặng nhưng rất hữu hiệu, thực khó mà đánh giá hay mô tả,nhất là vào thời buổi cấm đạo. Các chị sống khắc khổ, khó nghèo, nhiệm nhặt. Nhà cửa các chị rất nghèo, thức ăn đạm bạc, lại còn thường ăn chay hãm mình. Các chị là thiên thần của tình bác ái, ngoài việc coi sóc các trẻ em trong các ký nhi viện, các chị còn đi từng đôi một viếng thăm các xóm làng, đến với các người đau ốm nhất, rửa tội các nhi đồng sắp chết, thu nhận các trẻ em tật nguyền trước khi chúng bị cha mẹ bỏ rơi cách tàn nhẫn. Năm 1848, các chị rửa tội cho trẻ em trong địa phận Trung”.[8] Những chứng từ thực tế trên cho thấy giá trị của sự hiện diện của một tu sĩ sống đích thực cái nghèo của Con Thiên Chúa đã là động cơ mãnh liệt của các chị nhà Mụ trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam. Năm 1954, sau khi được thiết lập thành Dòng, một biến cố chính trị, khiến chia đôi đất nước, các Mẹ các Chị chấp nhận đau thương, bỏ lại cơ đồ để cùng đồng bào đi tìm vùng đất tự do miền Nam. Rời bỏ chiếc nôi tại miền Bắc VN để tiếp tục dạn dày trong lam lũ khổ ải, đói khát, thiếu thốn mọi mặt để xây dựng; một bước ngoặt lịch sử đầy gian khổ để xây dựng lại cơ ngơi, tiền đồ. Theo Lịch sử Hội Dòng, các Mẹ các Chị đã một lần nữa dốc cạn cùng – toàn tâm, toàn trí, toàn lực. Những thành quả các Mẹ, các Chị để lại cho chúng ta – từ tinh thần, văn hóa, truyền thống, cơ sở vật chất, tất cả đều chứng minh cho hậu duệ thấy rằng các ngài đã chọn sống nghèo để cho những thế hệ kế tiếp được trở nên giàu có.

  • Thay lời kết:

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

Chúng ta hãy cùng nhau gẫm suy và chiêm ngắm hình ảnh Đấng Thiên Sai mà ngôn sứ Isaia đã mô tả: Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is  53,1).

Thánh Tôma Aquinô chỉ cho chúng ta: “Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khinh chê của cải trần gian, bạn chỉ việc bước theo Đấng là vua các vua và là Chúa các chúa, nơi Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết, thế mà trên thập giá, Người đã chịu trần truồng, bị chế giễu, bị khạc nhổ, bị đánh đập, bị đội vòng gai và phải uống giấm chua mật đắng. Bạn đừng bám víu vào danh dự, vì Người đã chịu lăng nhục, chịu đánh đòn; đừng say mê chức tước, vì họ đã kết một vòng gai làm vương miện đội lên đầu Người”.[9]

Đức Thánh cha Phanxicô một lần nữa xác tín rằng, ngay từ khi tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa “quy hướng về cùng đích siêu nhiên”. Nên hạnh phúc của họ chính là được ở trong tình trạng ân sủng, tiến triển trong ơn Chúa và tiến triển trên con đường của Chúa: sự kiên nhẫn, sự nghèo khó, phục vụ tha nhân, sự an ủi… Những người này là những người hạnh phúc, những người sẽ được chúc phúc.[10]

Chúng ta ý thức về nguồn cội của mình, hiểu về nơi mình xuất phát, được tạo dựng từ bụi đất, là con người “không có gì”. Điều đó nhắc nhở chúng ta về sự buông bỏ, không bám víu vào những thứ chóng qua của trần thế là những cái vốn không thuộc về mình, để đạt tới kho tàng vĩnh cửu là chính Chúa, Đấng ban phát mọi ơn lành cho chúng ta, Đấng đã vì yêu chấp nhận trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có. Nhờ đó, chúng ta có được sự tự do đích thực để dấn thân phục vụ tha nhân với tình yêu thương trọn vẹn của Thiên Chúa.

___________________

[1] ĐGH Phanxicô, Hãy Vui Mừng Hoan hỉ (Gaudete et Exsultate), 2018,   số 65.

[2] Sđd, số 65 – 66.

[3] Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ V, 13/6/2021, số 1.

[4] Con Người của Đức Kitô (The Person of Christ), Nhà xuất bản IVP, 1998,  trang 164.

[5] GLDT bài 10.

[6] Sứ điệp của ĐTC Phanxicô về Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI, 13/6/2022, số 10.

[7] Lm Giuse Đinh Tất quý. Ngày 4/10 Thánh PhanxicôAssisi, 2022, xem  https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-04-10-thanh-phanxico-assisi-45372.

[8] Giai đoạn đầu tiên của các Nữ tu Đa Minh Việt Nam, 2013, xem https://daminhtamhiep.net/2013/06/giai-doan-dau-tien-cua-cac-nu-tu-da-minh-viet-nam/.

[9]  Bài đọc 2 Kinh Sách – Kính Thánh Tôma, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
[10] ĐTC Phanxico, Hãy đọc Các Mối Phúc để hiểu hạnh phúc là gì, xem https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-01/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-tam-moi-phuc-that-the-can-cuoc-kito.html.

Comments are closed.

phone-icon