Điều răn nào là điều răn trọng nhất? – Suy niệm ngày 23.08.2024

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Mt 22, 34-40)

34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng:36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? “

37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****

1. Ba nhóm người

Ngay trong câu đầu tiên và chỉ trong một câu, bài Tin Mừng nêu ra ba nhóm người: “Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người…” (c. 3435)
Nhóm Sađốc: là nhóm các tư tế, chỉ nhìn nhận Ngũ Thư, không nhìn nhận các ngôn sứ, không tin sự sống lại, họ hợp tác với người Roma, và họ rất cứng cỏi với Đức Kitô và các Kitô hữu đầu tiên.
Nhóm Pharisêu: được chúng ta biết đến nhiều nhất, họ dựa vào lề luật để phân biệt thánh thiện và tội lỗi, thanh sạch và dơ dáy; họ tự tạo lập sự công chính cho mình bằng việc giữ luật thật chặt chẽ và chi li. Lựa chọn này tất yếu dẫn đến thái độ dò xét và lên án người khác, qua đó lên án chính mình.
Những luật sĩ hay những nhà thông luật, họ có thể thuộc nhóm Pharisêu, như “người thông luật” chất vấn Đức Giêsu trong bài Tin Mừng. Họ là những chuyên viên về luật, nên còn gọi là các vị tiến sĩ Lề Luật; họ có nhiệm vụ giải thích lề luật trong các vụ án cũng như trong đời sống. Chính họ đã thêm thắt bao nhiêu thứ lệ vào Luật của Đức Chúa, khiến cho Lề Luật trở cái ách không thể vác nổi. Thay vì giải phóng, Lề Luật áp bức! Ngoài ra, họ còn thích “thử” người khác về Luật để kết án, như người thông luật trong bài Tin Mừng.

Lời của Đức Giêsu về tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho người thân cận đặc biệt dành cho ba nhóm này, vì mỗi nhóm đều có “vấn đề” trong tương quan với Chúa và với người khác. Và những vấn đề của họ nhắc nhớ những vấn đề của chúng ta, vì ai trong chúng ta cũng đều gặp khó khăn trong việc sống tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân; và đây cũng là khó khăn của con người thuộc mọi thời.

2. Điều răn trọng nhất

Thầy thông luật hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất”. Đức Giêsu trả lời:

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (c. 3738)

Như thế, theo Đức Giêsu, điều răn quan trọng nhật là điều răn yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận. Và “điều răn trọng nhất” này là điều răn đặc biệt, không như bất cứ điều răn nào khác. Bởi vì, điều răn đúng nghĩa, là điều cấm, chẳng hạn cấm giết người; hay là điều buộc: phải ăn chay. Thế mà, lòng mến là chuyển động của con tim, là sự gắn bó nội tâm, là sự lựa chọn tự do, và vì thế không thể ép buộc được, không thể là đối tượng của luật buộc.

Do đó, “điều răn lòng mến” là điều răn trọng nhất, theo nghĩa điều răn lòng mến là khởi đầu và là cùng đích của mọi giới răn và của mọi lề luật. Giữ luật và giới răn, chính là khởi đi từ lòng mến, ở lại trong lòng mến và hướng đến lòng mến (giống như chúng ta tập cho em bé yêu mến cha mẹ, người thân, người khác). Bởi vì, giữ mọi lề luật, giữ giới răn mà không có lòng mến, thì có nghĩa gì, vì chỉ là bề ngoài thôi; không có lòng mến chúng ta cũng chẳng giữ được; và nếu có giữ được thì cũng chẳng giữ được lâu[1].

Tương quan 
ơn huệ và tình yêu

LỀ LUẬT

Tương quan
ơn huệ và tình yêu

Quên ơn huệ và tình yêu Thiên Chúa, hay nói cách khác, khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, là ơn huệ và tình yêu Thiên Chúa, Lề Luật chỉ còn là chữ viết và sẽ trở thành tai họa. Đó là điều Con Rắn, hình ảnh của sự dữ, muốn con người sa vào ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 17).

3. Chúng ta được yêu mến trước

Nhưng tại sao chúng ta lại phải yêu mến Thiên Chúa? Đó là vì Thiên Chúa yêu mến chúng ta trước. Nếu không, lời mời gọi này sẽ vô nghĩa, thậm chí không chấp nhận được. Chúng ta được mời gọi yêu mến cha mẹ, vì cha mẹ yêu mến chúng ta trước, trước khi mình có mặt trên đời. Đối với Thiên Chúa cũng vậy.

Dân Israel được mời gọi yêu mến Đức Chúa của mình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” và yêu mến người thân cận như chính mình, bởi vì Israel được Thiên Chúa “sinh ra” cách nhưng không, khi giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập. Chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau, bởi vì chúng ta cũng được Thiên Chúa sinh ra và tái sinh, bằng cách giải phóng chúng ta khỏi hư vô và sự chết nơi Đức Giêsu (x. Rm 8, 3839). Chúng ta được mời gọi “ôn lại” tình yêu này trong Đêm Canh Thức Vượt Qua. Kinh nghiệm được yêu mến, là nền tảng cho tình yêu của chúng ta với Chúa, và với nhau. Vì bản chất của tình yêu là lan truyền.

Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân là điều quá hợp tình và hợp lí, nhưng sức mạnh ở đâu để chúng ta sống và sống đến cùng? Chúng ta đã từng quyết tâm, nhưng cố gắng một hồi là đuối. Vì thế, sức mạnh chỉ có thể đến từ sự xác tín của con tim, chứ không thể chỉ từ sự hiểu biết một nguyên tắc một điều luật hay một giới răn.

Thế mà, xác tín nội tâm chỉ có thể đến từ kinh nghiệm mà thôi, kinh nghiệm tình yêu Thiên Chúa nơi bản thân của mình; và tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta đạt tới tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô, như chính thánh Phaolô nói:

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

Đó là tình yêu mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Lễ. Ngoài ra, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc đời, nơi ơn gọi và mỗi ngày sống chúng ta, vì chúng ta sống mỗi ngày bằng tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Không có tình yêu và lòng thương xót chúng ta không thể tồn tại, vì chúng ta luôn luôn bất xứng và vô ơn.

Và chỉ với kinh nghiệm sâu đậm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa nơi bản thân, chúng ta mới có thể yêu mến và thương xót nhau; như Đức Giêsu nói trong bầu khí của Bữa Tiện Ly diễn tả tình yêu đến cùng của Người: “Anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em; và Cha thầy yêu mến thầy như thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như thế” (Ga 15, 9-17). Vì tình yêu, tự bản chất là thông truyền và lan tỏa.

[1] Có thể đọc bài “Đức Ki-tô và Lề Luật” (Mt 5, 17-48).

Comments are closed.

phone-icon