Ts. Trần Mỹ Duyệt
– Anh chị nghĩ coi, nhà tôi có nhiều nhặn gì đâu, chỉ có mình nó và cũng là đứa con trai duy nhất nối dõi tông đường nhưng lại suốt ngày lêu lổng, bạn bè không lo gì đến tương lai. Con trai đã 30 rồi mà mỗi lần nhắc đến vợ con là nó gạt ngang, hoặc giận dỗi bỏ nhà đi mấy bữa. Rõ thật là buồn, đẻ ra, nuôi cho ăn học thành tài mà không màng gì đến tương lai. Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi thấy có chết cũng không nhắm mắt.
– Tuổi trẻ ngày nay nghĩ cũng kỳ lạ. Đứa con gái của tôi vừa tốt nghiệp xong và ra trường dược sỹ là nó dọn nhà ra ở riêng với một đứa bạn gái. Chúng nó sống như bồ bịch, vợ chồng với nhau khiến mỗi lần nó dẫn bạn nó về nhà là tôi tức điên lên. Mà nó có xấu xí, vô duyên gì cho cam. Mấy đứa con trai con của mấy người bạn tôi đứa nào cũng muốn làm bạn và lấy nó. Nó làm tôi đêm ngày lo lắng, và nếu có chết lúc này tôi cũng không nhắm mắt nổi.
– Ông bà còn có phúc hơn vợ chồng tôi nhiều. Cả bốn đứa con tôi khi còn nhỏ, con trai giúp lễ, con gái dâng hoa. Đứa nào cũng là huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể vậy mà bây giờ cả 4 đứa đều bỏ đạo. Đứa thì đi làm xa. Đứa thì bận rộn con cái. Còn có đứa ở với chúng tôi, không làm gì cả vậy mà không đứa nào đi lễ, đi nhà thờ… Nếu có nói với chúng nó về đạo nghĩa thì đứa nào cũng đánh trống lảng: “Tụi con còn trẻ, chừng nào già như bố mẹ chúng con sẽ đi nhà thờ…” Đúng là chết cũng không nhắm mắt!
Những trường hợp và những lời than thở trên nghe rất quen và xem như một điệp khúc được nhắc đi, nhắc lại mỗi khi mấy ông bà ở tuổi trên dưới 70 ngồi lại với nhau. Trên thực tế, có lẽ họ không còn gì để nói, để bàn về tuổi trẻ, về thế hệ trẻ ngoài việc nghĩ rằng bọn trẻ ngày nay sống theo phong cách khác lạ, sống đua đòi, sống không có ngày mai. Sống mất đạo đức, luân lý, phong tục, và bỏ quên tập quán cha ông. Và đó là những lý do mà các vị cao niên này sợ mình chết sẽ không nhắm mắt trước khi thấy con họ, cháu trở về với đạo nghĩa, đi chùa chiền, đi nhà thờ, nhà thánh, biết đến lễ nghĩa, gia phong. Nhưng trên thực tế, ngoài những lý do rất đặc biệt, thí dụ, những người do lỗi kỹ thuật thẩm mỹ khi cắt mắt, sửa mí nên lúc chết mắt họ không khép kín một cách tự nhiên, còn lại ngoài ra, tất cả dù già hay trẻ, tử tế, đạo đức hay không, ai chết mắt cũng nhắm lại.
Nhớ lại một hôm trong khi ba bố con ngồi nói chuyện nhân một lần đi thăm công viên. Thằng lớn say mê kể những câu chuyện mà nó cho là vui, nhộn, và hài hước. Trong khi nó và em nó cười vui vẻ tỏ ra rất hứng thú, nhưng tôi thì không sao có thể cười được. Chữ nghĩa thì hiểu, nhưng hiểu để mà cười như chúng thì không sao hiểu nổi. Thấy tôi ngồi im lặng, nó nhìn và hỏi:
– Bố có biết cười không?
Khó hiểu về câu hỏi, và cũng kéo theo một sự bất ngờ, tôi trả lời:
– Có chứ. Bố biết cười chứ. Tại sao con hỏi vậy?
Đứa bé mới thật thà giải thích:
– Con kể mấy câu chuyện cười này ở lớp, cả lớp cười, thầy giáo cũng cười. Vừa rồi, em con cũng cười mà không thấy bố cười.
Rồi nó như chợt nhận ra một cái gì đó giữa nó và người bố của nó, nên nói:
– Con biết rồi, bố đẻ ở Việt Nam, là người Việt Nam nên bố cười chuyện Việt Nam. Con đẻ ở Mỹ, là người Mỹ nên cười chuyện Mỹ.
Câu chuyện xảy ra chiều hôm đó cách nay hơn 20 năm đã giúp tôi rất nhiều trong những suy tư cá nhân, cũng như mỗi khi tôi phải hướng dẫn hoặc đưa ra những lời khuyên về các trường hợp liên quan đến tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nó luôn nhắc nhở tôi phải để ý đến những khác biệt về văn hóa, về con người, về môi trường sống, cũng như khoảng cách giữa hai thế hệ. Đem những tư tưởng, suy tư và phong cách sống của 50, 60, 70, và 80 năm trước để đòi hỏi thế hệ trẻ phải tuân theo là một đòi hỏi quá đáng, trái tâm lý, và không phù hợp với đà phát triển của thế giới hiện đại.
Như vậy có nghĩa là lo những chuyện không có hay ít khi xảy ra. Lo “bò trắng răng”. Lo để mà lo. Lo để khỏa lấp những hoài vọng quá khứ, ký ức và kỳ vọng của mình. Đây là tâm lý chung của người già trong đó có những người Việt cao niên đang sống tại hải ngoại. Họ dường như muốn con, cháu họ phải quay về với quá khứ của họ để suy nghĩ, nói năng, hành động và yêu đương như họ. Đối với những người Việt Nam tha hương thì đây là vườn cà, nương rau, mấy thửa ruộng, hoặc mấy thước chài lưới. Là cuộc di cư Bắc Nam, hành trình vượt biên đầy gian khổ, và những năm tháng tù đày trong lao tù vì là người của chế độ cũ. Là hình ảnh ngôi trường làng, trường huyện, trường tỉnh với những bài học giáo khoa thư: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Tiên học lễ, hậu học văn” luôn được đề cao. Là ước mơ học hành đỗ đạt ra làm quan. Tóm lại, họ sống với quá khứ và không hội nhập nổi với hiện tại. Họ không nghĩ rằng tuổi trẻ của họ ngày xưa làm gì có iPhone, iPad, computer, laptop, internet, Facebook, Youtube, Messenger, Instagram, Tik Tok, các công nghệ tinh vi của kỹ thuật số và của trí tuệ nhân tạo. Làm gì biết yêu xa, yêu gần. Làm gì có những buổi hẹn hò trai gái. Làm gì phải đối mặt với những vấn nạn ly thân, ly dị, phá thai, đồng tính, hôn nhân đồng tính, thụ tinh nhân tạo, và chuyển giới.
Xã hội thay đổi kéo theo những tiến bộ về trật tự xã hội, văn hóa, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng, tâm lý sống, và phương cách sống. Khoảng cách về văn hóa, khoảng cách về tuổi tác và về thế hệ già trẻ tạo ra muôn vàn khác biệt ngay giữa cha mẹ với con cái, nói chi giữa cháu, chắt với ông bà. Tại sao không phải là ông, bà, cha, mẹ để ý quan tâm đến những khó khăn, những nhu cầu của con cháu và giúp chúng vượt qua? Tại sao những người đã trải qua bao năm sống trên đời, kinh nghiệm qua bao vấp ngã lại không rút ra được một bài học thiết thực nào cho mình mà phải là con, cháu? Tại sao cứ phải ngày xưa thế này, ngày tao còn bé, tao lớn lên như thế này, thế này? Mỗi thế hệ, mỗi thời đại đều có những thử thách riêng. Dù là cha mẹ, ông bà hay con cháu muốn thành công, muốn vươn lên, muốn sống sót với đời cũng phải vượt qua những thử thách và khó khăn. Và thử thách, khó khăn của thời nào đều mang tính chất đặc thù của nó.
Và như vậy là không có lời giải đáp? Những người cao niên, bậc cha ông sẽ cứ mãi đau khổ nhìn tuổi trẻ, nhìn con cháu mà nghĩ chúng hư hỏng, đánh mất bản sắc, văn hóa, đạo đức để rồi chết cũng không nhắm mắt?
Thưa có. Đó là những cuộc trò chuyện và trao đổi, những buổi gặp gỡ, những tâm tình chia sẻ cởi mở và cảm thông. Đó là lắng nghe lẫn nhau. Tâm lý gọi đây là communication therapy. Nó dùng để trị liệu, hòa giải những xung khắc, bất hòa, bất đồng trong tình yêu, hôn nhân, và gia đình. Đây cũng là cách mà các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, và tâm lý thường dùng để giải quyết những xung đột và tranh chấp xã hội.
Nhưng sau những lần cha mẹ con cái, ông bà cháu chắt trao đổi với nhau, nếu tuổi trẻ vẫn không nghe, hoặc tỏ ra cố chấp muốn đi theo con đường riêng của chúng thì sao? Cách tốt nhất là cứ để chúng thử một lần cho biết. Kinh nghiệm vấp ngã của chúng sẽ là bài học khó quên nhưng cần thiết. Tương lai thành công của con cháu và tuổi trẻ cũng cần phải mua bằng chính những kinh nghiệm đôi khi đắt đỏ và đau đớn. Còn lại ông bà hay cha mẹ hãy tỏ ra một tình yêu thương, tấm lòng khoan dung, thông cảm, khích lệ và tha thứ. Không đặt nhiều kỳ vọng và đòi hỏi thái quá, nhưng tin tưởng và lạc quan nhìn về tương lai của con cháu, tương lai của giới trẻ. Như vậy, lo gì khi chết sẽ không nhắm mắt.