Lời mời gọi tới sự trưởng thành Kitô Giáo

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us

Đón Nhận “Thức Ăn Đặc” của Tin Mừng

Bạn đã từng chú ý tới bao nhiêu hình ảnh mà Kinh Thánh sử dụng để giải thích các chân lý tâm linh?

Thiên Chúa được mô tả là một người Cha yêu thương, một chiến binh nồng nhiệt và thậm chí là một người mẹ đang cho con bú. Chúa Giêsu được miêu tả là một người mục tử, ánh sáng của thế gian, là bánh hằng sống, chiên con, sư tử và là viên đá góc. Và Chúa Thánh Thần xuất hiện như dầu, nước, gió và lửa. Chúa Giêsu nói về người gieo giống và hạt giống, về những tên trộm trong đêm. Người nói về những con bò trong các hố, những tảng đá và viên đá cất lời ngợi khen, các đền thờ bị phá hủy và được tái thiết trong ba ngày. Dường như bất cứ nơi nào bạn nhìn tới, bạn đều nhận ra một thí dụ khác về “chất liệu” của cuộc sống hằng ngày được sử dụng để khai mở, giải đáp các thực tại thần học sâu sắc.

Hãy nhìn vào một trong những hình ảnh này – hình ảnh sữa và thịt – và hãy xem Thiên Chúa muốn chúng ta đón nhận giáo huấn của Người cách sâu sắc thế nào. Nếu chúng ta nhìn vào các đoạn như 1 Cr 3 và Hr 5, chúng ta có thể thấy rằng Thiên Chúa muốn chúng ta chuyển từ tình trạng “những người uống sữa” sang “những người ăn thịt”. Trong những đoạn này, chúng ta nhận ra rằng một người uống sữa có khuynh hướng hài lòng với những điều căn bản của đức tin trong khi người ăn thịt thì muốn đến gần Chúa hơn và sống một cuộc sống trưởng thành hơn.

Tâm Linh So Với Tự Nhiên. Các tín hữu ở Côrintô đã có tất cả kinh nghiệm về việc trở lại với Chúa Kitô, nhưng họ đã không phải là những người thành công nhất trong việc sống đức tin mới hình thành của mình. Nhiều người trong số họ đã trải nghiệm về những ân ban, quà tặng tâm linh ấn tượng, nhưng họ đã không học cách chuyển hoá những kinh nghiệm tâm linh của họ vào trong cuộc sống hằng ngày hoặc các mối tương quan của họ. Do đó, họ bắt đầu cãi vã và đấu đá nhau xem ai là người “tâm linh” nhất và những chia rẽ đang phát triển của họ đã đe dọa toàn thể hội thánh ở đó. Thật quá tệ đến nỗi Thánh Phaolô đã nói với họ rằng cho dẫu họ có tất cả những ân ban tâm linh, nhưng ngài thậm chí không thể nói chuyện với họ như “những con người tâm linh”! Ngài chỉ có thể cư xử với họ như “những con người sống theo tính xác thịt”. Người nói: “Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi” (1 Cr 3,1-2).

Thánh Phaolô xác định những con người “tâm linh” là những ai được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và những ai để cho Thánh Thần tác động và định hình nhân cách của họ. Từ khác “theo tính xác thịt” ở đây là “tự nhiên”. Những con người tự nhiên hành động theo lý luận con người hay sa ngã của mình. Từ đầu trong lá thư này, Phaolô đã viết rằng: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được” (1 Cr 2,14). Dĩ nhiên, suy nghĩ và hành động của một người tự nhiên có thể là tốt, nhưng họ chịu giới hạn của lý luận và sự tưởng tượng của con người. Chỉ có ít hoặc không có chỗ cho Chúa Thánh Thần làm việc. Đối với Phaolô, một con người tự nhiên là một “đứa trẻ” trong Chúa Kitô, chỉ sống nhờ “sữa” của Thần Khí chứ không phải “thịt”.

Phaolô đã mong đợi những người Côrintô trưởng thành hơn trong đức tin – nhiều hơn trong tương quan với Chúa và với chính những hành động và động cơ của họ. Ngài muốn họ bắt đầu ăn “thịt” của Tin Mừng, để suy nghĩ và hành động theo những đường lối của Thiên Chúa phù hợp với Chúa Thánh Thần.

Bằng cách sử dụng các hình ảnh sữa và thịt, Phaolô đang nói các tín hữu Côrintô rằng họ cần nghe, học và thực hành Tin Mừng. Ngài đang nói họ rằng chỉ có một cách để lớn lên trong Chúa Kitô và không có nó, họ sẽ cứ chỉ là “những trẻ sơ sinh” trong Chúa Kitô, sống theo chế độ ăn kiêng không có gì khác ngoài sữa. Chắc chắn, một số người Côrintô đang lớn lên trong đức tin, nhưng những người khác đang lùi lại phía sau. Chắc chắn, một số người đang háo hức học và sống những giáo huấn của Chúa Giêsu cách trọn vẹn hơn, nhưng quá nhiều người hài lòng vì chỉ cậy dựa vào sự khôn ngoan và ý tưởng con người của chính họ.

Giống Nhau, Nhưng Khác Biệt.  Có một số các lý do tại sao hình ảnh của sữa so với thịt lại gây phấn khích như thế. Trước hết, cả hai đều có chung một số điểm tương đồng cơ bản. Cả hai đều có nguồn gốc từ cùng loài động vật. Cả hai đều là những nguồn mạch protein tuyệt vời và là loại chất béo thích hợp. Cả hai đều là loại thực phẩm chính ở hầu hết các quốc gia và chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống của mọi người.

Tuy nhiên ngoài những điểm tương đồng này, sữa và thịt cũng rất khác nhau. Sữa là chất lỏng, trong khi thịt là chất rắn. Bạn cần dùng răng để ăn thịt, chứ không phải để uống sữa. Thịt không dễ tiêu hóa như sữa, nhưng nó chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, và đối với hầu hết mọi người, nó có vị ngon hơn. Sữa dễ uống hơn; chỉ cần uống một ly. Ngược lại, thịt phải được nêm nếm và nấu chín đúng cách. Phải mất nhiều thời gian hơn mới thấy các lợi ích của thịt, trong khi sữa làm cho khoẻ khoắn ngay lập tức và đưa vitamin và chất dinh dưỡng của nó vào cơ thể nhanh hơn nhiều.        

Hãy cố thử tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào nếu các trẻ em được nuôi dưỡng bằng chế độ ăn thịt và người lớn lại sống chỉ nhờ sữa. Các trẻ em sẽ chết ngộp còn người lớn sẽ yếu ớt và cuối cùng sẽ chết vì suy dinh dưỡng. Vậy thịt không phải dành cho mọi người, và sữa không phải nguồn dinh dưỡng chính của mọi người.  

Các nguyên tắc tương tự đều đúng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. “Sữa” của sứ điệp Tin Mừng không phải là tất cả nhưng khác với “thịt” là thứ có ý nghĩa đối với người trưởng thành. Cả hai đều đến từ cùng một nguồn và theo nghĩa rộng, đều là cùng giáo huấn. Cả hai đều mang cùng sứ điệp nói về Chúa Cha yêu thương, thập giá của Chúa Kitô và quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Nhưng sữa và thịt của Kitô giáo cũng khác nhau. Sự khác biệt hệ tại ở cách một người đón nhận Tin Mừng và áp dụng Tin Mừng vào cuộc sống của họ. Trong các lớp Giáo lý, trẻ em được dạy cầu nguyện hằng ngày, tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, ăn năn thống hối tội lỗi của mình, cố gắng tha thứ và yêu thương nhau. Một người trưởng thành với bất cứ nền tảng nào về đức tin đều sẽ đồng ý với tất cả điều này. Nhưng một người trưởng thành đã đón nhận lời kêu gọi tiến tới sự trưởng thành trong đức tin cũng hiểu rằng những điều này là giáo huấn căn bản, sơ cấp. Chúng hình thành nền tảng cho những vấn đề có nhiều thách đố hơn giống như lời kêu gọi tới công lý và hòa bình, tôn trọng sự sống và tình yêu vị kỷ. Trong khi những trẻ em đang uống sữa được mong đợi ghi nhớ Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, những người lớn ăn thịt thì được kêu gọi học nghệ thuật lắng nghe Thiên Chúa qua những thực hành chặt chẽ hơn giống như lectio divina.          

Thức Ăn Phù Hợp vào Thời Gian Phù Hợp. Khi nào sữa tâm linh thích hợp? Khi  nào những nhu cầu nền tảng phải được xây dựng, dù đối với một đứa trẻ hay với một người mới trở lại đạo. Khi nào được mời gọi dùng thịt? Khi nào chúng ta cảm thấy điều gì đó bên trong chúng ta muốn Thiên Chúa nhiều hơn và ít bản thân mình hơn. Khi nào sữa không còn giá trị? Khi nào chúng ta đã đặt nền tảng và sẵn sàng xây dựng trên đó. Khi nào thịt không thích hợp? Khi nền tảng còn yếu ớt thì những điều căn bản vẫn cần phải được học hỏi.

Không quan trọng chúng ta đang ở đâu trong hành trình bước đi với Chúa, một điều luôn đúng: Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên những con người ăn thịt trong đời sống Kitô hữu. Thịt có thể đòi hỏi hơn và khó khăn hơn để tiêu hóa, nhưng đó là con đường duy nhất mà chúng ta có thể hiểu được chiều sâu và chiều rộng của tình yêu của Cha trên trời chúng ta. Đó là con đường duy nhất mà chúng ta có thể học cách để bước đi bằng đức tin trong một thế giới đầy thách đố. Nếu chúng ta chỉ hài lòng với tâm trí tự nhiên của mình – tâm trí chỉ cậy dựa vào sữa – chúng ta sẽ có thời gian khó khăn để tin tưởng vào sự tốt lành và quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không mở lòng mình ra với quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ không thể sinh hoa trái cho vương quốc của Thiên Chúa nơi gia đình và nơi cộng đoàn chúng ta.

Chúng Ta Có Thể Đi Đâu? Chúa Giêsu đã từng nuôi đám đông dân chúng chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Sau khi Người nói với họ: “Ta là bánh hằng sống”. Rồi Người nói với họ: “Những lời tôi nói với các ông là thần khí và là sự sống”. Nghe điều này, nhiều môn đệ đã rời bỏ Chúa Giêsu và trở về lối sống trước đây của họ. Họ nói: “Lời này thật khó nghe. Ai mà chấp nhận cho được?” Họ không thể hiểu Người bởi vì họ đang lắng nghe những lời của Người chủ yếu bằng tâm trí tự nhiên của họ. Nhưng Phêrô đã lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Sự trao đổi cho chúng ta thấy rằng Phêrô đã sẵn sàng ăn “thịt” của sứ điệp mà Chúa Giêsu đang rao giảng. Ông đang cố gắng hết sức để thực hành bất cứ điều gì mà Chúa Giêsu đang rao giảng. Ông chưa trưởng thành lắm về đức tin vào thời điểm đó, nhưng ông biết rằng ông muốn hơn thế nữa.

Đây chính là Phêrô người mà những năm sau đó đã thôi thúc các tín hữu: “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (1 Pr 2,2). Kinh nghiệm đã dạy cho Phêrô cần phải bắt đầu cách khiêm tốn như một người uống sữa và cần phải lớn lên thành người ăn thịt. Ông biết rằng ông phải tiếp tục đón nhận lời của Chúa Giêsu vào tâm hồn và áp dụng chúng vào cuộc sống của mình ngày càng nhiều hơn nữa. Kết quả là, Phêrô ngày nay là một trong những anh hùng vĩ đại nhất của Giáo Hội, một mẫu gương về sự thánh thiện cho tất cả chúng ta.

Ước mong tất cả chúng ta đều khao khát “thịt” của Tin Mừng.

Comments are closed.

phone-icon