Nguồn: vatican.va
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN
Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 58 sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 năm 2025 với chủ đề “Xin tha tội cho chúng con: xin ban bình an của Người cho chúng con”:
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Xin tha tội cho chúng con: xin ban bình an của Người cho chúng con
I. Lắng nghe tiếng kêu cứu của nhân loại đang bị đe dọa
1. Vào buổi bình minh của Năm Mới mà Chúa Cha trên trời ban cho chúng ta, một năm Thánh trong tinh thần hy vọng, tôi xin gửi lời chúc bình an đến tất cả mọi người. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người cảm thấy bị đè nén, bị gánh nặng bởi những lỗi lầm trong quá khứ, bị đè nặng bởi sự phán xét của người khác và không có cơ hội nhận được dù chỉ một tia hy vọng cho cuộc sống của họ. Tôi khẩn xin niềm hy vọng và sự bình an đổ xuống cho mọi người, vì đây là Năm Ân sủng tuôn đổ từ Trái tim Đấng Cứu Thế!
2. Trong suốt năm nay, Giáo hội Công giáo cử hành Năm Thánh, một biến cố đổ tràn đầy niềm hy vọng cho các tâm hồn. “Năm Thánh” gợi nhớ đến một tập tục cổ xưa của người Do Thái, khi cứ bốn mươi chín năm một lần, tiếng tù và (trong tiếng Do Thái là jobel) sẽ công bố một năm tha thứ và tự do cho toàn thể dân tộc (x. Lv 25:10). Lời công bố long trọng này vang vọng khắp đất nước (x. Lv 25:9) và khôi phục lại công lý của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống: trong việc sử dụng đất đai, trong việc sở hữu của cải và trong các mối quan hệ với tha nhân, trên hết là với người nghèo và người bị tước đoạt. Tiếng tù và thổi nhắc nhở toàn thể dân tộc, người giàu cũng như người nghèo, rằng không ai đến thế gian này để phải gánh chịu áp bức: tất cả chúng ta đều là anh chị em, là con cái của cùng một Cha, được sinh ra để sống trong tự do, theo ý muốn của Chúa (x. Lv 25:17, 25, 43, 46, 55).
3. Trong thời đại chúng ta, Năm Thánh cũng là một biến cố thúc giục chúng ta tìm cách thiết lập nền công lý giải phóng của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Khi bắt đầu Năm Ân sủng này, thay vì tiếng kèn của con cừu đực chúng ta hãy lắng nghe “tiếng kêu cứu tuyệt vọng”[1] , giống như tiếng kêu của máu Abel (x. St 4:10), vang lên từ rất nhiều nơi trên thế giới của chúng ta – một tiếng kêu cứu mà Thiên Chúa không bao giờ không lắng nghe. Về phần mình, chúng ta cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng và tố cáo nhiều tình huống trong đó trái đất bị bóc lột và những người lân cận của chúng ta bị áp bức..[2] Đôi khi, những bất công này có thể xuất hiện dưới hình thức mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “những cơ cấu của tội lỗi”,[3] không chỉ phát sinh từ sự bất công của một số người mà còn được củng cố và duy trì bởi một mạng lưới đồng lõa.
4. Mỗi người chúng ta, theo một cách nào đó, phải thấy có trách nhiệm đối với sự tàn phá mà trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã và đang phải gánh chịu, bắt đầu từ những hành động thúc đẩy các cuộc xung đột, dù chỉ là gián tiếp, hiện đang gây họa cho gia đình nhân loại của chúng ta. Do đó, những thách thức mang tính hệ thống, tuy riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau, được tạo ra và cùng nhau gây nên sự tàn phá trên thế giới của chúng ta.[4] Tôi đặc biệt nghĩ đến mọi hình thức bất bình đẳng, cách đối xử vô nhân đạo đối với người di cư, sự suy thoái môi trường, sự nhầm lẫn được tạo ra có chủ đích bởi thông tin sai lệch, việc từ chối tham gia vào bất kỳ hình thức đối thoại nào và các nguồn lực khổng lồ dành cho ngành công nghiệp chiến tranh. Tất cả những điều này, xét chung lại, đại diện cho mối hiểm họa đối với sự tồn tại của toàn thể nhân loại. Do đó, nhân dịp đầu năm, chúng ta hãy chú ý lắng nghe lời cầu xin khẩn thiết của nhân loại đang đau khổ để cảm nhận được tiếng gọi, cùng nhau và với tư cách là những cá nhân, phá vỡ các xiềng xích của bất công và tuyên bố công lý của Thiên Chúa. Các hành động từ thiện rời rạc là không đủ. Những thay đổi về văn hóa và cơ cấu là cần thiết, để có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài.[5]
II. Sự thay đổi về văn hóa: tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ
5. Việc cử hành Năm Thánh thúc giục chúng ta thực hiện một số thay đổi để đối phó với tình trạng bất công và bất bình đẳng hiện tại bằng cách nhắc nhở bản thân rằng của cải của trái đất không dành riêng cho một số ít người được đặc ân, mà là cho tất cả mọi người.[6] Chúng ta hãy nhớ lại lời của Thánh Basil thành Caesarea: “Hãy cho tôi biết những thứ nào thuộc về bạn? Bạn tìm thấy chúng ở đâu để biến chúng thành một phần cuộc sống của bạn? … Chẳng phải bạn đã không mảnh vải che thân đến từ trong lòng mẹ sao? Bạn sẽ không trần truồng trở về lòng đất ư? Tài sản của bạn đến từ đâu? Nếu bạn nói rằng chúng đến với bạn một cách tự nhiên do may mắn, thì bạn đang phủ nhận Thiên Chúa vì không nhận biết Đấng Tạo hóa và không biết ơn Đấng Ban tặng”.[7] Nếu không có lòng biết ơn, chúng ta không thể nhận ra những món quà ân ban của Thiên Chúa. Nhưng, với lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa không từ bỏ nhân loại tội lỗi, mà tái khẳng định món quà sự sống của Người bằng sự tha thứ cứu độ được ban cho tất cả mọi người qua Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao, khi dạy chúng ta “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin tha tội cho chúng con” (Mt 6:12).
6. Một khi chúng ta không còn nhìn thấy mối tương quan của mình với Chúa Cha, chúng ta bắt đầu ấp ủ ảo tưởng rằng mối tương quan của chúng ta với người khác có thể được chi phối bởi luận lý bóc lột và áp bức, nơi sức mạnh tạo nên lẽ phải.[8] Giống như giới tinh hoa vào thời Chúa Giêsu, những người hưởng lợi từ sự đau khổ của người nghèo, ngày nay, trong ngôi làng toàn cầu được kết nối của chúng ta,[9] hệ thống quốc tế, nếu không được truyền cảm hứng bởi tinh thần liên đới và phụ thuộc lẫn nhau, sẽ gây ra những bất công, nó còn trở nên trầm trọng hơn bởi nạn tham nhũng, khiến các quốc gia nghèo hơn bị mắc kẹt. Não trạng bóc lột những quốc gia mắc nợ được áp dụng như một cách mô tả ngắn về “cuộc khủng hoảng nợ” hiện tại đang đè nặng lên một số quốc gia, đặc biệt là ở Nam bán cầu.
7. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nợ nước ngoài đã và đang trở thành một phương tiện kiểm soát mà qua đó một số chính phủ và các tổ chức tài chính tư nhân của những nước giàu khai thác bừa bãi và vô đạo đức các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người của những nước nghèo hơn, chỉ để đáp ứng nhu cầu của thị trường của họ.[10] Ngoài ra, nhiều dân tộc vốn đã phải chịu đựng gánh nặng của nợ quốc tế, cũng bị buộc phải gánh thêm ách “nợ sinh thái” của các nước phát triển hơn.[11] Nợ nước ngoài và nợ sinh thái là hai mặt của một đồng xu, cụ thể là tư duy bóc lột đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng nợ.[12] Trong tinh thần của Năm Thánh này, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực xóa nợ nước ngoài để công nhận khoản nợ sinh thái tồn tại giữa Bắc và Nam bán cầu của thế giới này. Đây là lời kêu gọi tình liên đới, nhưng trên hết là công lý.[13]
8. Sự thay đổi về văn hóa và cấu trúc cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng này sẽ xảy đến khi cuối cùng chúng ta nhận biết rằng tất cả chúng ta đều là con cái của một Cha, rằng tất cả chúng ta đều mắc nợ Người nhưng chúng ta cũng cần có nhau, trong tinh thần chia sẻ và đa dạng hóa trách nhiệm. Chúng ta sẽ có thể “tái khám phá một lần nữa rằng chúng ta cần nhau” và mắc nợ lẫn nhau.[14]
III. Hành trình của niềm hy vọng: ba đề nghị
9. Nếu chúng ta ghi nhớ những thay đổi rất cần thiết này, Năm Thánh Ân sủng có thể giúp mỗi người chúng ta bước vào một hành trình của niềm hy vọng mới, sinh ra từ kinh nghiệm về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.[15]
Thiên Chúa không nợ bất kỳ ai, nhưng Người không ngừng ban ân sủng và lòng thương xót của Người cho tất cả mọi người. Như Thánh Isaac thành Ninivê, một Giáo phụ của Giáo hội Đông phương vào thế kỷ thứ bảy, đã đưa vào lời cầu nguyện của ngài: “Lạy Chúa, tình yêu của Người lớn hơn những tội lỗi của con. Sóng biển chẳng là gì so với vô vàn tội lỗi của con, nhưng khi đặt lên bàn cân và so với tình yêu của Người, chúng tan biến như một hạt bụi”.[16] Thiên Chúa không cân nhắc những điều ác chúng ta đã phạm; đúng hơn, Người rất “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Êp 2:4). Tuy nhiên, Người cũng lắng nghe lời kêu cầu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất. Thật tốt nếu chúng ta dừng lại một chút vào dịp đầu năm nay, để suy nghĩ về lòng thương xót mà Chúa không ngừng tha thứ tội lỗi của chúng ta và tha thứ mọi món nợ của chúng ta, để lòng chúng ta tràn ngập niềm hy vọng và bình an.
10. Khi dạy chúng ta cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho chúng ta, nhưng ngay lập tức chuyển sang những lời đầy thách đố: “như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (x. Mt 6:12). Để tha thứ cho người khác những sai lỗi của họ và mang đến cho họ niềm hy vọng, chúng ta cần cuộc sống của chính mình được đổ đầy cùng một niềm hy vọng như vậy, là kết quả của kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Niềm hy vọng tuôn tràn trong sự quảng đại; nó không tính toán, không đưa ra những đòi hỏi ẩn ý, không quan tâm đến sự thu vén, nhưng chỉ nhắm đến một điều duy nhất: nâng đỡ những người sa ngã, chữa lành những trái tim tan vỡ và giải thoát chúng ta khỏi mọi loại ràng buộc.
11. Vì thế, vào đầu Năm Ân sủng này, tôi muốn đưa ra ba đề nghị có thể phục hồi phẩm giá cho đời sống của toàn thể các dân tộc và giúp họ có thể bắt đầu lại cuộc hành trình hy vọng. Theo cách này, có thể khắc phục cuộc khủng hoảng nợ và một lần nữa tất cả chúng ta có thể nhận biết rằng chúng ta là những con nợ đã được tha thứ.
Trước hết, tôi nhắc lại lời kêu gọi của Thánh Gioan Phaolô II nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 là hãy xem xét việc “giảm đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế đang đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của nhiều quốc gia”.[17] Để thừa nhận khoản nợ sinh thái của mình, các quốc gia thịnh vượng hơn được kêu gọi làm mọi cách có thể để xóa nợ cho những quốc gia không có khả năng hoàn trả số tiền họ nợ. Tất nhiên, để điều này không chỉ chứng minh là một hành động bác ái đơn lẻ để rồi sau đó khởi động lại vòng xoáy xấu xa của tài chính và nợ nần, một khuôn khổ tài chính mới phải được đưa ra, dẫn đến việc xây dựng một Hiến chương tài chính toàn cầu đặt nền tảng trên sự đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc.
Tôi cũng yêu cầu một cam kết mạnh mẽ về việc tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, để mỗi người có thể trân quý cuộc sống của bản thân và tất cả mọi người có thể hướng đến, với niềm hy vọng, một tương lai thịnh vượng và hạnh phúc cho bản thân và cho con cái họ. Nếu không có hy vọng cho tương lai, người trẻ sẽ khó có thể mong đợi đem những sự sống mới đi vào thế giới. Ở đây, một lần nữa tôi muốn đề xuất một cử chỉ cụ thể có thể giúp thúc đẩy văn hóa sự sống, cụ thể là xóa bỏ án tử hình ở tất cả các quốc gia. Hình phạt này không chỉ làm tổn hại đến tính bất khả xâm phạm của sự sống mà còn xóa bỏ mọi hy vọng của con người về sự tha thứ và phục hồi.[18]
Ngoài ra, theo bước chân của Thánh Phaolô VI và Đức Bênêđictô XVI,[19] tôi không ngần ngại đưa ra một lời kêu gọi khác nữa, vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Trong thời đại mang đậm dấu ấn của chiến tranh này, chúng ta hãy sử dụng ít nhất một tỷ lệ cố định trong số tiền dành cho vũ khí để thành lập một Quỹ toàn cầu nhằm xóa đói và tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục tại những quốc gia nghèo hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.[20] Chúng ta cần nỗ lực loại bỏ mọi lý do khiến những người trẻ coi tương lai của họ là vô vọng hoặc bị thống trị bởi khát vọng trả thù cho máu của những người thân yêu của họ. Tương lai là một món quà nhằm giúp chúng ta vượt qua những thất bại trong quá khứ và mở ra những con đường mới cho hòa bình.
IV. Mục tiêu của hòa bình
12. Những ai chấp nhận các đề xuất này và bắt đầu hành trình hy vọng chắc chắn sẽ thoáng nhìn thấy ánh bình minh của mục tiêu hòa bình được mong mỏi. Tác giả Thánh Vịnh hứa với chúng ta rằng “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85:10). Khi tôi từ bỏ vũ khí và phục hồi con đường hy vọng cho một trong những anh chị em của mình, tôi góp phần khôi phục công lý của Thiên Chúa trên trái đất này và cùng với người đó, tôi tiến tới mục tiêu hòa bình. Như Thánh Gioan XXIII đã nhận xét, hòa bình đích thực chỉ có thể nảy sinh từ một tâm hồn được “giải giáp” khỏi sự lo âu và sợ hãi về chiến tranh.[21]
13. Xin cho năm 2025 là năm hòa bình nở rộ! Một nền hòa bình đích thực và dài lâu vượt ra ngoài việc ngụy biện về những chi tiết trong các thỏa thuận và sự thỏa hiệp của con người.[22] Xin cho chúng ta biết tìm kiếm nền hòa bình đích thực mà Thiên Chúa ban cho những tâm hồn không vũ trang: những tâm hồn không toan tính cái gì là của tôi và cái gì là của bạn; những tâm hồn biến lòng ích kỷ thành thái độ sẵn sàng tiến đến với những người khác; những tâm hồn thấy mình mắc nợ Thiên Chúa và do đó sẵn sàng tha thứ những món nợ đang đè nặng người khác; những tâm hồn thay thế sự lo âu về tương lai bằng niềm hy vọng rằng mỗi cá nhân có thể là nguồn lực để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
14. Giải giới cho tâm hồn là công việc của tất cả mọi người, người vĩ đại cũng như nhỏ bé, người giàu và nghèo. Nhiều khi, một điều gì đó rất đơn sơ nhưng có hiệu quả, chẳng hạn như “một nụ cười, một cử chỉ nhỏ của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai lắng nghe, một việc làm tốt”.[23] Với những cử chỉ như vậy, chúng ta tiến tới mục tiêu hòa bình. Chúng ta sẽ đến đích nhanh hơn nữa nếu trong quá trình đồng hành cùng những người anh chị em của mình, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta đã thay đổi so với lúc mới lên đường. Hòa bình không chỉ đến với việc chấm dứt chiến tranh mà còn đến khi một thế giới mới bắt đầu, một thế giới nơi chúng ta nhận ra rằng chúng ta khác biệt, gần gũi và huynh đệ hơn chúng ta từng nghĩ.
15. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa! Đây là lời cầu nguyện của tôi dâng lên Thiên Chúa khi giờ đây tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho Năm Mới đến các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, tới các nhà lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế, tới các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau và tới mọi người thiện chí.
Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa, sự bình an mà chỉ Người mới có thể ban cho những ai cho phép bản thân được giải giáp trong tâm hồn, cho những ai chọn việc tha nợ cho anh chị em mình, cho những ai không sợ thú nhận món nợ của bản thân với Chúa, và cho những ai không bịt tai trước tiếng kêu xin của người nghèo.
Viết từ Vatican, 8 tháng 12, 2024
PHANXICÔ
_____________
[1] Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 8.
[2] Cf. SAINT JOHN PAUL II, Apostolic Letter Tertio Millennio Adveniente (10 November 1994), 51.
[3] Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 36.
[4] Cf. Address to Participants in the Summit of the Pontifical Academies of Sciences and of Social Sciences, 16 May 2024.
[5] Cf. Apostolic Exhortation Laudate Deum (4 October 2023), 70.
[6] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 16.
[7] Homilia de avaritia, 7: PG 31, 275.
[8] Cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 123.
[9] Cf. Catechesis, 2 September 2020: L’Osservatore Romano, 3 September 2020, p. 8.
[10] Cf. Address to Participants in the Meeting “Addressing the Debt Crisis in the Global South”, 5 June 2024.
[11] Cf. Address to the Conference of Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change – COP 28, 2 December 2023.
[12] Cf. Address to Participants in the Meeting “Addressing Debt Crisis in the Global South”, 5 June 2024.
[13] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 16.
[14] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 35.
[15] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 23.
[16] Oratio X, 100-101: CSCO 638, 115. Saint Augustine could even state that God remains constantly in our debt: “Since ‘your mercy is everlasting’, you deign by your promises to become a debtor to all those whose sins you forgive” (cf. Confessions, 5, 9, 17: PL 32, 714).
[17] Apostolic Letter Tertio Millennio Adveniente (10 November 1994), 51.
[18] Cf. Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 10.
[19] Cf. SAINT PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 51; BENEDICT XVI, Address to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See, 9 January 2006; Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 90.
[20] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 262; Address to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See, 8 January 2024; Address to the Conference of Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change – COP 28, 2 December 2023.
[21] Cf. Encyclical Letter Pacem in Terris (11 April 1963), Carlen 113.
[22] Cf. Moment of Prayer on the Tenth Anniversary of the “Invocation for Peace in the Holy Land”, 7 June 2024.
[23] Bull of Indiction of the Ordinary Jubilee of the Year 2025 Spes Non Confundit (9 May 2024), 18.