Nguồn: exaudi
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN
Trưa hôm nay, Chúa Nhật thứ 33 Mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc tại Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 25.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Kết thúc giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha dự bữa tiệc mừng được tổ chức nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII tại Hội trường Phaolô VI. Khi ngồi vào bàn, Đức Thánh Cha ban phép lành và chào hỏi những người hiện diện.
Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:
______________________________
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!
Trong Tin Mừng phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mô tả một cơn đại nạn: “mặt trời sẽ ra tối tăm, và mặt trăng không còn chiếu sáng” (Mc 13:24). Trước sự đau khổ này, nhiều người có thể nghĩ đến ngày tận thế, nhưng Chúa nắm lấy cơ hội để đưa ra một cách giải thích khác, nói rằng: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:31).
Chúng ta cùng xét kỹ hơn câu nói này: điều gì sẽ qua đi và điều gì sẽ còn lại.
Trước tiên, điều gì sẽ qua đi. Đứng trước một số hoàn cảnh trong cuộc sống, khi chúng ta trải qua sự khủng hoảng hoặc một thất bại nào đó, cũng như khi chúng ta nhìn thấy xung quanh mình những đau khổ do chiến tranh, bạo lực, thiên tai gây ra, chúng ta có cảm giác rằng mọi thứ đang đi đến hồi kết, và chúng ta thấy rằng ngay cả những điều đẹp đẽ nhất rồi cũng sẽ qua đi. Tuy nhiên, những khủng hoảng và thất bại dù là đau đớn, nhưng lại quan trọng, vì chúng dạy chúng ta phải biết coi trọng mọi thứ, không trói chặt trái tim mình vào những thực tại của thế giới này, vì chúng sẽ qua đi: chúng chắc chắn sẽ trôi qua.
Đồng thời, Chúa Giêsu nói đến những gì sẽ còn lại. Mọi thứ đều qua đi, nhưng lời của Người sẽ không qua đi: Lời của Chúa Giêsu sẽ còn lại mãi mãi. Do đó, Người mời gọi chúng ta hãy tin vào Phúc Âm, trong đó chứa đựng lời hứa về ơn cứu độ và sự trường tồn, để không sống dưới sự đau khổ của cái chết. Vì trong khi mọi thứ qua đi, Đức Kitô vẫn còn. Trong Người, trong Chúa Kitô, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm lại được những thứ, những người đã qua đi và đã đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống nơi dương thế này. Dưới ánh sáng của lời hứa phục sinh này, mọi thực tại đều mang một ý nghĩa mới: mọi thứ đều chết và một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết, nhưng chúng ta sẽ không mất đi những gì chúng ta đã xây dựng và yêu thương, bởi vì cái chết sẽ là khởi đầu của một đời sống mới.
Anh chị em thân mến, ngay cả trong những tai họa, trong những cơn khủng hoảng, trong thất bại, Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống và lịch sử mà không lo sợ mất đi những gì sẽ phải qua đi, nhưng với niềm vui với những gì sẽ còn tồn tại. Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa đang chuẩn bị cho chúng ta một tương lai của sự sống và niềm vui.
Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta có gắn bó với những thứ thuộc trần gian, những thứ sẽ qua đi, trôi qua nhanh chóng, hay gắn bó với Lời của Chúa, Lời vẫn tồn tại và hướng dẫn chúng ta đến sự trường tồn? Chúng ta hãy đặt câu hỏi này cho bản thân. Nó sẽ giúp ích cho chúng ta.
Và chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Đức Trinh nữ Maria, Đấng hoàn toàn phó thác mọi sự cho Lời Chúa, để xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.
______________________________
Sau kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến,
Hôm qua tại thành phố Shkodra, hai vị tử đạo đã được phong chân phước: Cha Luigi Palić, linh mục của Dòng Anh Em Hèn Mọn, và Cha Gjon Gazulli, linh mục giáo phận, nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo của thế kỷ XX. Và hôm nay, tại thành phố Freiburg im Breisgau, một vị tử đạo khác đã được phong chân phước, linh mục Max Josef Metzger, người sáng lập Tu hội đời Chúa Kitô Vua, bị Đức Quốc xã đàn áp vì cam kết của Tu hội ủng hộ hòa bình. Mong rằng tấm gương của những vị tử đạo này an ủi rất nhiều Kitô hữu đang bị phân biệt đối xử vì đức tin của họ trong thời đại chúng ta. Chúng ta cùng dành một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!
Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Người nghèo, có chủ đề: “Kẻ nghèo vừa mở miệng cầu khẩn là Chúa lắng tai nghe” (Hc 21:5). Tôi cảm ơn những anh chị em trong các giáo phận và giáo xứ đã tổ chức các sáng kiến liên đới với những người thua thiệt nhất. Và vào ngày này, chúng ta cũng hãy tưởng nhớ tất cả các nạn nhân bị tai nạn giao thông: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho người thân của họ và nỗ lực ngăn ngừa tai nạn.
Cha đặt một câu hỏi; tất cả anh chị em hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tôi có từ bỏ một thứ gì đó để cho người nghèo không? Khi tôi bố thí, tôi có chạm vào tay người nghèo và nhìn vào mắt họ không? Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng người nghèo không thể chờ đợi!
Tôi cùng với Giáo hội Ý ngày mai tiếp tục tổ chức Ngày cầu nguyện cho các nạn nhân và người sống sót sau lạm dụng. Mỗi sự lạm dụng là một sự phản bội lòng tin, một sự phản bội sự sống! Cầu nguyện là điều không thể thiếu để “xây dựng lại lòng tin”.
Tôi cũng nhớ đến tất cả những ngư dân, nhân Ngày Nghề cá Thế giới, sẽ diễn ra vào thứ năm tuần tới: xin Đức Maria Sao Biển bảo vệ những người đánh cá và gia đình họ.
Và cha thân ái chào tất cả anh chị em người Rome và khách hành hương. Đặc biệt là các tín hữu đến từ Ponta Delgada và Zagabria; Escolanía del Monasterio de San Lorenzo de El Escorial và cộng đồng Ecuador tại Roma đang mừng lễ Virgen del Quinche. Cha chào các nhóm đến từ Chioggia và Caorle; đội cứu hỏa từ Romeno, Trento và ca đoàn giáo xứ đến từ Nesso, Como.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình; tại Ukraine đang bị đau khổ, tại Palestine, Israel, Lebanon, Myanmar và Sudan. Chiến tranh làm mất nhân tính của chúng ta, nó khiến chúng ta dung túng cho những tội ác không thể chấp nhận được. Mong các nhà lãnh đạo hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đang cầu xin hòa bình.
Cha gửi lời chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!